Vì sao “đại gia” viễn thông Huawei của Trung Quốc bị ghẻ lạnh?
Chính phủ Australia vừa quyết định cấm Huawei, tập đoàn cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, tham gia đấu thầu để thiết lập một mạng lưới Internet tốc độ cao.
Tạp chí Australian Financial Review hôm qua (26/3) dẫn lời Thủ tướng Australia Julia Gillard cho biết, động thái trên là một trong những "quyết định thận trọng" mà chính phủ của bà phải đưa ra để đảm bảo mạng lưới Internet này hoạt động thích đáng.
Theo báo trên, việc Chính phủ Australia có quyết định cấm Huawei dự thầu là xuất phát từ khuyến cáo của giới chức tình báo nước này. Từ năm ngoái, giới chức đã thông báo với Huawei rằng tập đoàn sẽ bị ngăn chặn tham gia đấu thầu dự án nói trên vì những quan ngại về các vụ tấn công mạng bị cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Hồi năm 2011, các địa chỉ thư điện tử của Thủ tướng Gillard, một số nghị sĩ và bộ trưởng Australia bị tin tặc tấn công và kết quả điều tra cho thấy xuất phát từ Trung Quốc. Bắc Kinh chưa có phản ứng về thông tin mới nói trên.
Nhiều người hoài nghi về sự phát triển thần kỳ của Huawei có lực đỡ từ Chính phủ Trung Quốc. |
Huawei đã bày tỏ sự thất vọng đối với quyết định nói trên và một phát ngôn viên của công ty này ở Australia đã bác bỏ những lời bóng gió cho rằng Huawei là một nguy cơ về an ninh.
Trên thực tế, đây không phải là thị trường đầu tiên trên thế giới "đề phòng" với mối nguy an ninh từ Huawei. Năm 2010, Ấn Độ cũng từng cấm nhập các thiết bị viễn thông của các công ty Trung Quốc (trong đó có Huawei) vì lý do an ninh.
Nhóm thiết bị viễn thông này chỉ lọt qua "khe cửa hẹp" của Ấn Độ sau khi các nhà sản xuất Trung Quốc đồng ý chấp nhận cung cấp cho cơ quan an ninh Ấn Độ thuật toán giải mã dữ liệu được gửi qua mạng của họ, giải tỏa nỗi lo về việc các thiết bị có thể bị cài đặt phần mềm có hại.
Tuy nhiên, quãng thời gian từ khi lệnh cấm bắt đầu cho tới khi tạm giải tỏa đã gây tổn hại không ít tới lợi ích của các hãng viễn thông Trung Quốc.
Mỹ là một thị trường cũng dè chừng với các sản phẩm viễn thông như của Huawei. Tháng 2 năm ngoái, Huawei phải ngưng thỏa thuận trị giá 2 triệu USD mua lại Công ty Công nghệ máy chủ 3Leaf. Ủy ban Giám sát đầu tư nước ngoài của Mỹ đã ngăn cản thỏa thuận trên, sau khi đánh giá về những rủi ro an ninh có thể xảy ra.
Tháng 8/2010, 8 nghị sĩ thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cũng gửi thư cho chính phủ phản đối việc Huawei nhận hợp đồng cung cấp thiết bị mạng trị giá hàng tỷ USD cho nhà mạng lớn thứ ba của Mỹ là Sprint Nextel.
Theo The Wall Street Journal, Sprint Nextel đã phải loại trừ cả Huawei lẫn một nhà cung cấp thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE khỏi dự án nâng cấp trị giá khoảng 8,5 tỷ USD. Một số quan chức quân sự Mỹ cho rằng, quân đội Trung Quốc có thể sử dụng các thiết bị của Huawei hoặc ZTE để phá vỡ và đánh chặn thông tin liên lạc của Mỹ.
Wall Street Journal dẫn một tuyên bố của Lầu Năm Góc nêu rõ: "Bộ Quốc phòng rất quan ngại về năng lực mạng đang trỗi dậy của Trung Quốc hoặc bất cứ mối đe dọa tiềm tàng nào".
Được thành lập năm 1987 tại Thâm Quyến, lúc đầu Huawei chỉ đơn thuần là đại lý bán lẻ cho một nhà phân phối ở Hồng Kông, nhưng chỉ với 3 năm, Huawei đã cho ra đời nhãn hiệu đầu tiên của mình Huawei - BPX.
Sau một thời gian ngắn, Huawei đã bắt đầu phát triển và trở thành nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực điện thoại giá rẻ và chiếm thị phần lớn nhất ở vùng nông thôn khổng lồ của Trung Quốc cũng như trở thành đối tác đầu tiên của những công ty nước ngoài như Acatel và Cisco.
Không chỉ thành công ở trong nước, Huawei còn vươn sang các thị trường khác như châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á. Trong chiến lược của công ty, phương Tây sẽ là đích đến cuối cùng. Trên thực tế, tiếng Anh hiện đã trở thành ngôn ngữ chính của công ty này.
Sự lớn mạnh nhanh như thổi của Huawei trong một thời gian ngắn là một yếu tố quan trọng dẫn tới những quan điểm hoài nghi về an ninh của nhiều quốc gia. Không ít chuyên gia phân tích cho rằng, phía sau sự phát triển thần kỳ của Huawei có lực đỡ từ Chính phủ Trung Quốc.
Phúc Minh
(Theo VnEconomy)