GS, NGND Phan Huy Lê, người không ngừng lao động, sáng tạo vì nền giáo dục và khoa học nước nhà
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân (GS, NGND) Phan Huy Lê, một nhà giáo tài danh, nhà khoa học lớn, nhà sử học hàng đầu của đất nước, nguyên Chủ tịch và Chủ tịch danh dự của Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã từ trần ngày 23-6-2018. Trong hơn sáu mươi năm, kể từ khi là một giảng viên đại học đến lúc từ biệt cuộc đời đi xa, ông đã không ngừng học tập, làm việc, nghiên cứu, giảng dạy, đóng góp, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và nền Sử học nước nhà.
GS, NGND Phan Huy Lê. |
GS Phan Huy Lê sinh ngày 23-2-1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình, dòng họ có truyền thống văn hiến với nhiều nhà văn hóa lớn như Phan Huy Cận, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú... Họ ngoại của ông cũng là một dòng họ lớn, có nhiều người hiển đạt như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy… Ðược kế thừa truyền thống yêu nước và văn hóa của dòng họ và gia đình, ngay từ thời niên thiếu, GS Phan Huy Lê sớm bộc lộ tư chất thông minh và hiếu học. Năm 1951, khi mới 17 tuổi, ông ra học dự bị đại học ở Thanh Hóa, rồi vào học Ban Sử - Ðịa của Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông được cử về công tác tại Khoa Lịch sử Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Dưới sự chỉ bảo và dìu dắt của những nhà cách mạng, nhà văn hóa lớn như các GS Trần Văn Giàu, Ðào Duy Anh... nhà giáo trẻ Phan Huy Lê đã nhanh chóng trưởng thành và trở thành thế hệ cán bộ đầu tiên, lớp người có công xây nền đắp móng của Khoa Lịch sử và Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
Kể từ khi bắt đầu công tác ở Khoa Lịch sử (năm 1956) cho đến lúc về cõi vĩnh hằng, GS Phan Huy Lê đã có hơn 60 năm liên tục nghiên cứu và giảng dạy, hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp phát triển nền sử học và giáo dục nước nhà. Bằng những thành tựu xuất sắc của mình trong nghiên cứu và đào tạo, GS Phan Huy Lê cùng các GS khác như Ðinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng tạo dựng nên một trường phái sử học "Tổng hợp", với một huyền thoại về "Tứ trụ": Lâm - Lê - Tấn - Vượng. Ðiều đó đã trở thành niềm kiêu hãnh không chỉ của riêng Khoa Lịch sử, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia Hà Nội) hiện nay, mà còn là niềm tự hào chung của những người học sử và làm sử nước nhà.
Là một trong những đại thụ của nền sử học Việt Nam hiện đại, GS Phan Huy Lê đã có những thành tựu, đóng góp xuất sắc trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau từ lịch sử kinh tế, truyền thống yêu nước, truyền thống chống ngoại xâm đến các giá trị và đặc điểm của nền văn hóa dân tộc... Công trình chuyên khảo lớn đầu tiên là Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ được hoàn thành và xuất bản vào năm 1959 khi thầy mới 25 tuổi. Cuốn sách đó đến nay, vẫn là một công trình khảo cứu có giá trị khoa học cao và tính thời sự đối với thời cuộc. Trong khoảng hai mươi năm trở lại đây, với vai trò người tổ chức, đề xuất các mục tiêu, ý tưởng nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp và kỹ thuật hiện đại trong khai thác nguồn tài liệu địa bạ, GS đã có nhiều phát hiện mới mẻ, không chỉ về vấn đề chế độ ruộng đất, mà là toàn bộ xã hội nông thôn Việt Nam vào cuối thời trung đại, mở ra một hướng đi mới, một cách tiếp cận mới trong khai thác nguồn tài liệu hết sức phong phú và có giá trị đặc biệt. Từ những năm 1980, thầy đi sâu nghiên cứu các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, từ truyền thống yêu nước đến đặc điểm của con người, văn hóa; trên cơ sở đó khẳng định chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là giá trị truyền thống cốt lõi, tiêu biểu và nổi bật nhất của dân tộc ta, là cội nguồn, động lực và quy luật vận động và phát triển của lịch sử Việt Nam trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước.
GS Phan Huy Lê là người rất yêu Hà Nội và đã công bố nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc về lịch sử, cũng như trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị, di sản văn hóa của kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra, GS là người chủ trì, tổ chức thành công Ðề án nghiên cứu cấp nhà nước về lịch sử và văn hóa vùng đất Nam Bộ. Kết quả của đề án không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn góp phần khắc phục những nhận thức sai lầm, lệch lạc về quá trình hình thành và vai trò của vùng đất này trong lịch sử Việt Nam. Trong ba, bốn năm trở lại đây, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng vì tình yêu và trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc và đất nước, GS Phan Huy Lê vẫn được Ðảng và Nhà nước tín nhiệm giao trọng trách chủ trì thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam gồm 25 tập. Ðây là bộ lịch sử dân tộc của thời đại Hồ Chí Minh (gọi tắt là bộ Quốc Sử) được triển khai một cách bài bản và có quy mô lớn nhất kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay.
Là một nhà giáo, nhà sư phạm tài danh và mẫu mực, GS Phan Huy Lê quan tâm chăm lo và có công lớn trong đào tạo các thế hệ những người làm sử. Thầy đã trực tiếp đào tạo và góp phần bồi dưỡng nhiều giáo viên tài năng, nhà khoa học, sử học, nhà quản lý giỏi ở trung ương và các địa phương. Với thầy, phong cách cẩn trọng, nghiêm túc của một nhà khoa học được hòa quyện một cách tự nhiên với tình cảm độ lượng, nhân hậu, vị tha của một nhà sư phạm đức độ và tài năng, luôn gần gũi, tôn trọng và sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ ý kiến với đồng nghiệp và học trò. Thầy là người tiên phong trong việc đề xuất xây dựng và phát triển những ngành khoa học mới của Ðại học Quốc gia Hà Nội cũng như của đất nước như: Ðông phương học và Việt Nam học. Trong những năm giữ cương vị Chủ nhiệm Khoa Ðông phương học, người sáng lập và Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam (nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Ðại học Quốc gia Hà Nội), thầy đã có những đóng góp quan trọng và to lớn trong việc thiết lập, thúc đẩy quan hệ giao lưu học thuật trong nước và quốc tế. Với cương vị Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chính sách trong nhiều nhiệm kỳ của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia Hà Nội), GS Phan Huy Lê đã có những đóng góp mang tính định hướng trong việc nghiên cứu, đề xuất các kiến nghị với Ðảng và Nhà nước về các chủ trương, chính sách phát triển khoa học và giáo dục, nhất là giáo dục lịch sử đất nước… GS Phan Huy Lê còn tham gia và có nhiều ý kiến quan trọng trong việc xây dựng phương hướng và triển khai các hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục, Hội đồng lý luận Trung ương, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Từ góc độ chuyên môn uyên bác và vững chãi của mình, GS đã tư vấn đồng thời trực tiếp góp phần bổ sung và hoàn thiện các bộ hồ sơ về đô thị Hội An, Thành Nhà Hồ và nhất là về Thăng Long - Hà Nội để Nhà nước đề nghị Tổ chức UNESCO công nhận các di sản văn hóa của nhân loại.
Không chỉ là một nhà giáo, nhà khoa học hàng đầu được học trò, đồng nghiệp, và giới khoa học trong nước mến phục và kính trọng, GS Phan Huy Lê còn có uy tín và ảnh hưởng quốc tế rộng lớn, được giới Việt Nam học trên thế giới tin cậy, quý mến. GS là nhà khoa học xã hội đầu tiên và là một trong số rất ít người Việt Nam đã được trao Giải thưởng Fukuoka danh giá của Nhật Bản, được nhận giải thưởng Cành cọ Hàn lâm và vinh dự được bầu là viện sĩ thông tấn của Viện Văn khắc và Mĩ văn của Viện Hàn lâm Pháp. Hàng trăm nhà nghiên cứu ở nhiều nước đã có dịp đến Việt Nam, từng được gặp gỡ hoặc làm việc dưới sự giúp đỡ và hướng dẫn của GS Phan Huy Lê.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng nổi tiếng, được đào tạo, rèn luyện dưới chế độ mới, GS Phan Huy Lê đã trở thành một nhà sử học cách mạng chân chính, tận tâm tận lực phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân bằng trí tuệ uyên bác và tất cả nhiệt huyết của một người cộng sản. Trong khoa học, lúc nào GS cũng chỉn chu, cẩn trọng; đồng thời rất gương mẫu trong đạo đức, tác phong, lối sống và luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng mà Ðảng và Nhà nước giao phó. Nhờ những đóng góp to lớn và xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và của dân tộc, GS Phan Huy Lê được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý, trong đó nổi bật nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ và Huân chương Ðộc lập hạng ba. Với GS, phần thưởng cao quý còn là sự tôn trọng chân lý khoa học, những tình cảm tin cậy, quý trọng và yêu thương mà nhân dân, bạn bè, đồng nghiệp và học trò trong nước và quốc tế dành tặng cho ông. Gần đây nhất, vào cuối tháng 5-2018, GS vẫn hăng hái đi thăm quần đảo Trường Sa và trở thành nhà khoa học cao tuổi nhất có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, để trực tiếp khảo sát, nghiên cứu…
Giữa lúc nhiều công việc còn dang dở, nhất là nhiệm vụ biên soạn bộ Quốc Sử đã đến thời điểm cần dồn mọi sức lực để gấp rút hoàn thành thì bất ngờ, thầy bị lâm trọng bệnh và rời xa thế giới này để trở về với tiên tổ, mang theo cả những khát vọng và những ý nguyện chưa được hoàn thành. Sự ra đi đột ngột của thầy là một tổn thất lớn không thể bù đắp đối với nền Sử học và giáo dục nước nhà; đã để lại sự trống vắng, nỗi xót xa và thương tiếc khôn nguôi cho gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và các thế hệ học trò. Cầu mong linh hồn thầy được siêu thoát, và ở nơi chín suối, có thể mỉm cười vì những gì đã làm, cống hiến và để lại cho hôm nay và cho hậu thế. Kế tục sự nghiệp và noi gương thầy, những người học trò và đồng nghiệp sẽ tiếp tục cố gắng để thực hiện và biến những ước mơ và ý nguyện cao cả mà thầy hằng ấp ủ sớm trở thành hiện thực.
GS, TS, NGND Nguyễn Văn Khánh Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội)
Nguồn: Báo Nhân dân/nhandan.com.vn