Những cuộc tấn công mạng đã xảy ra tại các kỳ World Cup
(ICTPress) - Các sự kiện thể thao quốc tế lớn luôn mang đến nhiều niềm vui cho nhiều người nhưng cũng mang đến những lo lắng, trong đó có vấn đề tội phạm mạng.
Một thực tế là các cuộc tấn công mạng luôn song hành với các sự kiện thể thao lớn, trong đó có Cúp Bóng đá thế giới (World Cup), bởi các kẻ tội phạm mạng dễ dàng tiếp cận các hoạt động trực tuyến. Bóng đá luôn là mục tiêu của những kẻ tấn công. Ví dụ, gần đây vào ngày 23/5, bộ phận An ninh của Ukraine đã phải phát đi một cảnh báo tấn công mạng mà mã độc VPNFilter xâm nhập vào các bộ định tuyến Internet và các thiết bị khác để chuẩn bị cho một cuộc tấn công mạng nhằm tác động đến trận Chung kết Giải bóng đá các câu lạc bộ châu Âu (Champions League) được tổ chức vào ngày 26/5 vừa qua tại Kiev, Ukraine.
Dưới đây là một số những tổng kết ngắn gọn về các cuộc tấn công mạng tại các kỳ World Cup:
Tại World Cup được tổ chức tại Pháp năm 1998, virus ZMK-J virus đã buộc người dùng máy tính trả lời các câu hỏi trong một trò chơi. Nếu người chơi trả lời sai, virus độc hại khởi động một tấn công có thể làm xóa sạch tất cả các dữ liệu khỏi ổ cứng máy tính của bạn.
Tại World Cup được đồng tổ chức tại Hàn Quốc – Nhật Bản năm 2002, virus Chick-F đã lan tràn qua email và các tin nhắn tức thời, làm dừng tiện ích web và làm gián đoạn các kết quả phút chót của các trận đấu từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tại kỳ World Cup được tổ chức tại Đức năm 2006, phần mềm độc hại Zasran-D tấn công người sử dụng bằng virus cửa hậu (truy cập từ xa) dưới dạng làm giả các vé miễn phí.
Trong khi đó, kỳ World Cup năm 2010 được tổ chức tại Nam Phi đã chứng kiến một người Frankfurt đã thành công trong việc đánh sập 3 trang đánh cược bóng đá trực tuyến (và nỗ lực đánh cắp tiền từ 3 trang khác) bằng cách đe dọa tấn công từ chối dịch vụ phân tán (distributed denial-of-service - DDoS) đe dọa xóa sổ các trang này khỏi Internet.
Tại World Cup được tổ chức tại Brazil vào năm 2014, chúng ta đã chứng kiến các trang web liên quan đến World Cup đã bị đánh sập bởi tấn công DDoS trước trận khai mạc Giải bóng đá lớn nhất hành tinh này.
World Cup năm nay được tổ chức tại Nga cũng không phải là một ngoại lệ, các chuyên gia của Kapersky Lab gần đây đã xác định được các thư điện tử lừa đảo về cơ hội mua vé xem các trận đấu ở mức giá cao hơn. Một số vé đã được bán với giá cao gấp 10 lần giá ban đầu, nhưng có thể không sử dụng được do một thủ tục đăng ký và chuyển vé ngặt nghèo. Những kẻ giả mạo đã lấy tiền và thu thập các dữ liệu cá nhân của người sử dụng, trong đó có cả thông tin thanh toán, để rút thêm tiền trong một lừa đảo đánh cắp tiền gấp 2 lần.
Năm nay, công chúng đã nhận thức cao hơn về an toàn an ninh mạng và đây là một dấu hiệu tốt. Các đội bóng tham dự World Cup năm nay được tổ chức tại Nga cũng nhận thức được việc này. Ví dụ, Liên đoàn Bóng đá Anh đã cảnh báo các cầu thủ không được sử dụng WiFi công cộng hay của khách sạn để tránh bị tấn công.
World Cup năm nay đang diễn ra sôi động, điều quan trọng là các tổ chức và các cá nhân phải luôn cảnh giác mọi lúc. World Cup năm nay cũng là một sự kiện bóng đá được trực tuyến nhiều nhất trong lịch sử các kỳ World Cup và chúng ta cần phải cảnh giác cao hơn về các mối đe dọa tấn công mạng có thể xảy ra.
QM (Theo enterpriseinnovation.net)