Bộ TT&TT: Chưa nhận được phương án sáp nhập VinaPhone và MobiFone
(ICTPress) - Chiều qua (20/3), Thứ trưởng Thường trực Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chính thức cho biết, VNPT chưa trình lên Bộ bất kỳ phương án cụ thể nào về việc tái cơ cấu Tập đoàn này.
>> VNPT sẽ sáp nhập 2 "ông lớn" di động VinaPhone và MobiFone
"Cho đến thời điểm này, lãnh đạo Bộ và Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT chưa xem xét và cho ý kiến về bất cứ phương án nào của VNPT", Thứ trưởng Thắng khẳng định.
Trước đó, ngày 19/3, ông Phan Hoàng Đức, Ủy viên HĐQT, Phó TGĐ thường trực VNPT cho biết, trong quá trình tái cấu trúc sắp tới của Tập đoàn này, hai mạng di động Vinaphone và MobiFone sẽ được sáp nhập làm một và sử dụng chung cơ sở hạ tầng.
Như vậy, có thể nhìn nhận, hợp nhất hai mạng di động là phương án mà VNPT muốn tập trung hướng tới để trình lên Bộ TT&TT, sau đó Bộ sẽ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ có quyết định cuối cùng.
Đây là một trong ba phương án được VNPT đưa ra để đề xuất với Chính phủ nhằm tuân thủ quy định một tổ chức không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần đồng thời tại 2 doanh nghiệp viễn thông – đã có hiệu lực từ ngày 1/6/2011. Hai phương án còn lại là cổ phần hóa một trong hai mạng di động, hoặc cổ phần hóa toàn bộ Tập đoàn.
"Tái cơ cấu các doanh nghiệp viễn thông phải làm thật chặt chẽ", Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng. Ảnh (Chinhphu.vn). |
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, VNPT có thể đưa ra rất nhiều các phương án, song một mặt phải nhằm đưa doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, mặt khác phải đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh. Phương án tái cơ cấu cũng phải đảm bảo lợi ích cho toàn xã hội, không gây xáo trộn, ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Trong trường hợp VNPT đã quyết định được phương án của mình, nhiều khả năng Đề án Tái cơ cấu sẽ được Tập đoàn này trình lên Bộ TT&TT trong ít ngày tới đây, bởi trước đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã yêu cầu VNPT cần hoàn tất việc này trong quý I/2012.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, Bộ xác định việc chỉ đạo tái cơ cấu VNPT nói riêng, các doanh nghiệp viễn thông nói chung theo Chính phủ đã giao là nhiệm vụ quan trọng, phải làm thật chặt chẽ vì có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đến người lao động và người sử dụng dịch vụ viễn thông.
"Do vậy các đề án tái cấu trúc nói chung phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, theo đúng quy trình. Sau khi có ý kiến của các đơn vị tham mưu, giúp việc, Bộ sẽ xem xét, quyết định và trình Chính phủ phương án cuối cùng", Thứ trưởng Thắng nói.
Lê Nguyên