Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 24/4/2017. Nghị định đã đưa ra nhiều biện pháp để tăng cường quản lý thông tin thuê bao với một số nội dung chính như: Thống nhất bán SIM tại điểm đăng ký thông tin thuê bao; Việc cung cấp SIM chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp thiết lập hoặc ủy quyền, sau khi hoàn thành việc cung cấp đầy đủ, đúng thông tin thuê bao theo quy định; Không hạn chế số SIM nhưng phải đầy đủ thông tin thuê bao chính chủ; Doanh nghiệp viễn thông chịu trách nhiệm toàn bộ về việc cập nhật, lưu giữ đủ và đúng thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ; Tăng cường xử phạt doanh nghiệp viễn thông và áp dụng nhiều hình thức xử phạt vi phạm…
Tính đến tháng 3/2018, việc triển khai Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã đạt được một số kết quả: Tổng số điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp thiết lập là 316.449 điểm (gồm 3254 điểm cố định, 313.195 điểm lưu động, tỷ lệ lưu động chủ yếu là của VNPT-VNP); số điểm cung cấp dịch vụ viễn thông được ủy quyền là 29.882 điểm. Về việc rà soát, cập nhật lại thông tin thuê bao, theo báo cáo của Cục Viễn thông, tính đến 15/3/2018, đã có gần 4 triệu thuê bao trong tổng số 38 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp đã xác định là có thông tin chưa đầy đủ, chính xác, đã thực hiện việc cập nhật lại thông tin thuê bao. Trong tháng 1/2018, Cục đã tổ chức đoàn liên ngành với sự tham gia của Thanh tra Bộ và một số cơ quan có liên quan trên địa bàn TP. Hà Nội gồm: Quản lý thị trường, Công an Thành phố, Sở TT&TT tiến hành thanh tra trên địa bàn. Song song với đó một số Sở TT&TT trên cả nước cũng thanh tra kiểm tra. Qua kiểm tra cho thấy, việc mua SIM kích hoạt sẵn vẫn phổ biến, Cục Viễn thông và Thanh tra các Sở đã tiến hành xử phạt các doanh nghiệp có vi phạm theo đúng quy định. Hiện nay Thanh tra Bộ đang tích cực phối hợp để cùng Văn phòng Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 174/2013/NĐ-CP, sau đó sẽ triển khai thanh tra diện rộng trên toàn quốc.
Đối với việc ngăn chặn phát tán tin nhắn rác trên mạng di động, sau 10 tháng triển khai (từ tháng 5/2017 đến 2/2018), số tin nhắn rác được chặn trên toàn mạng là khoảng 260 triệu; số lượng tin nhắn rác đã giảm đi đáng kể. Theo thống kê của VNCERT, tổng lượng phản ánh tin nhắn rác trên đầu số 456 năm 2017 giảm khoảng 86% so với năm 2016.
Theo đại diện lãnh đạo của VNCERT, từ tháng 5/2017, 5 doanh nghiệp viễn thông lớn đã thống nhất 160.000 mẫu tin nhắn (trước đó chặn riêng lẻ, dẫn đến lỗ hổng là các nhà mạng ném rác sang nhau) và các nhà mạng chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung (riêng GTEL chưa triển khai). Sau khi đưa hệ thống ngăn chặn thông minh và chia sẻ dữ liệu dùng chung, Viettel đã chặn hơn 41,6 triệu tin nhắn rác từ các nhà mạng trong năm 2017 và hơn 18,1 triệu tin nhắn rác trong 3 tháng đầu năm 2018; Vinaphone chặn hơn 138,1 triệu năm 2017 và chặn hơn 4,4 triệu trong 3 tháng đầu năm 2018; …
Liên quan đến ngăn chặn liên mạng của các nhà mạng, Viettel từ 5/2017 đến 3/2018 đã chặn hơn 19,3 triệu tin nhắn; Vinaphone hơn 164,2 triệu tin; MobiFone hơn 14,8 triệu tin;…
Cũng tại buổi làm việc các doanh nghiệp viễn thông lớn đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 174/2013/NĐ-CP và có hướng dẫn cụ thể. Các nhà mạng khẳng định nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị định 49/2017/NĐ-CP theo tinh thần đã cam kết với Bộ TT&TT...
Phát biểu kết luận buổi làm việc Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao các đơn vị doanh nghiệp thời gian qua có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn, hạn chế SIM kích hoạt sẵn và tin rác. Tuy nhiên, tới đây phải phối hợp tốt hơn để hạn chế tối đa vấn nạn tin nhắn rác, SIM kích hoạt sẵn.
Theo Bộ trưởng, mục tiêu là nhằm quản lý cho tốt, ngăn chặn tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, đồng thời quản lý thuê bao chính xác. Việc ngăn chặn SIM rác, mua bán SIM kích hoạt sẵn và tăng cường quản lý thông tin thuê bao là vấn đề rất cần thiết, không chỉ đảm bảo chính xác cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Bộ trưởng nêu vấn đề, hiện nay tội phạm công nghệ cao ngày càng phát triển, đa dạng, tinh vi, có những cái chúng ta quản lý chưa theo kịp sự phát triển của CNTT-VT, nhất là sự hội tụ CNTT-VT và các lĩnh vực khác. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan có liên quan và các doanh nghiệp viễn thông trước hết phải nêu cao trách nhiệm. Thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp viễn thông đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp từ quản lý hành chính, kinh tế, kỹ thuật… và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Để đáp ứng tốt yêu cầu trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị để tiếp tục hạn chế tin nhắn rác, SIM rác và chấm dứt hoàn toàn SIM kích hoạt sẵn, việc tăng cường quản lý thông tin thuê bao cần được tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ và liên tục, đồng thời triển khai thêm các giải pháp như kiểm tra chéo, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành… triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn, đồng bộ hơn với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp viễn thông, cơ quan QLNN, các địa phương, người sử dụng dịch vụ và các cơ quan truyền thông. Đề nghị các cơ quan truyền thông ủng hộ để làm sạch môi trường viễn thông, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Các đơn vị gồm Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ, VNCERT, các doanh nghiệp chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí để tăng cường thông tin tuyên truyền. Phải tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung triển khai các quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, tăng cường sự ủng hộ của xã hội trong việc quản lý thông tin thuê bao.
Mặt khác, do chưa có cơ sở dữ liệu (CSDL) công dân, trong khi đó các nước khác có CSDL công dân thì chỉ cần đưa chứng minh thư đến đối chiếu là có đủ hết, do đó cần có biện pháp khác hữu hiệu hơn. Các doanh nghiệp viễn thông phải đảm bảo các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng dịch vụ viễn thông dễ dàng cập nhật lại thông tin thuê bao trong trường hợp thông tin chưa chính xác (hiện có khoảng 34/38 triệu thuê bao thông tin chưa chính xác), cố gắng hoàn thành mục tiêu CSDL thuê bao đầy đủ, chính xác theo quy định.
Với việc chụp ảnh, khi có chứng minh thư nhân dân chính chủ, có thể lấy ảnh chứng minh nhân dân còn trong hạn sử dụng làm ảnh chụp. Với các thuê bao đã xác định chính chủ thì chỉ cần cập nhật thêm các cơ sở dữ liệu còn thiếu, cần tìm cách linh hoạt nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan cần xem xét để sớm trình Nghị định sửa đổi Nghị định 174/2013/NĐ-CP cho hợp lý. Ví dụ đã có chứng minh thư nhân dân mới trong 5 năm thì có cần chụp nữa không, hay lấy luôn ảnh đó nhằm đảm bảo thuận lợi cho khách hàng. Các doanh nghiệp tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện để các thuê bao trả trước chuyển sang thuê bao trả sau và khuyến khích thuê bao trả sau.
Mặt khác, Thanh tra Bộ phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định 174/2013/NĐ-CP để sớm ban hành; phối hợp với Cục Viễn thông, VNCERT, các Sở TT&TT chuẩn bị triển khai tiếp thanh tra diện rộng theo kế hoạch. VNCERT và các doanh nghiệp viễn thông cần tích cực triển khai phần mềm để ngăn chặn tin rác, SIM nhắn rác…