Chính sách uyển chuyển để phát triển kinh tế số, đảm bảo an ninh mạng

(ICTPress) - Các đại biểu tham hội thảo “Kinh tế số và Chính sách an ninh mạng Việt Nam” đã đồng thuận chính sách cần linh hoạt, uyển chuyển để phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy sự sáng tạo, chia sẻ và đảm bảo an ninh mạng.

Ngày 29/3/2018, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) đã tổ chức hội thảo “Kinh tế số và Chính sách an ninh mạng Việt Nam”. Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu từ Quốc hội, Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Khoa học Công nghệ, cùng với đại diện của khu vực tư nhân, các hiệp hội doanh nghiệp (DN) và các đại sứ quán nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhận định thế giới ngày nay đang chứng kiến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng là sự phát triển của CNTT&TT đang mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; mang đến nhiều cơ hội cho các DN khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, bên cạnh lợi ích to lớn không thể phủ nhận đó, những thành tựu của CNTT và các dịch vụ, ứng dụng trên không gian mạng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Đại sứ Canada tại Việt Nam Ping Kitnikone trao đổi về thúc đẩy kinh tế số

Trước những thách thức này, bà Ping Kitnikone, Đại sứ Canada tại Việt Nam cho biết Chính phủ Canada là một trong những Chính phủ áp dụng những chính sách, biện pháp an ninh mạng sớm nhất. Canada áp dụng các công cụ được áp dụng cho tất cả mọi người, cho tất cả các thực thể tại Canada. Canada nhận thức rất rõ rằng nền kinh tế số cũng như là không gian mạng cũng là một cơ hội cho tội phạm.

Theo thông tin từ Cơ quan đăng ký Internet của Canada, những cuộc tấn công mạng lớn nhất thường diễn ra vào ban đêm và thậm chí điều này còn phổ biến hơn tại Mỹ. Còn theo Phòng Thương mại Canada cũng đưa ra báo cáo cho rằng 71% tấn công mạng trong khoảng 2 năm gần đây là nhằm vào các DN.

Theo đó, trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy kinh tế số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Đại sứ Ping Kitnikone nhấn mạnh Việt Nam cần phải cân bằng, tìm được một điểm cân bằng giữa việc thúc đẩy phát triển kinh tế số với việc áp dụng các chính sách an ninh mạng.

Về tiềm năng của kinh tế số, Đại sứ Ping Kitnikone cho biết kinh tế số cũng như không gian mạng phát triển nhanh hơn tốc độ phát triển của nền kinh tế thực, ước tính giá trị có thể lên tới 4.000 tỷ USD vào năm 2016 trong khi đó GDP của Canada chỉ khoảng 1,2 ngàn tỉ USD.

Đại sứ Ping Kitnikone khuyến nghị Việt Nam cần có những nỗ lực để thúc đẩy, tối ưu hóa nguồn lực này, mở cửa đối với Internet để thúc đẩy kinh tế số phát triển. Tuy nhiên, một lần nữa, Đại sứ nhấn mạnh vấn đề an ninh mạng cũng sẽ song hành với quá trình phát triển kinh tế số. Việt Nam cũng như Canada và các quốc gia khác cần phải quan tâm.

Toàn cảnh Hội thảo

Hướng tới một không gian mạng an toàn cho phát triển kinh tế số tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Đồng, Chuyên gia viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đã đưa ra một số khuyến nghị: Tiếp cận xây dựng chính sách; Bảo vệ quyền riêng tư và tại sản dữ liệu; Tòa án và các thiết chế giải quyết vi phạm; giải quyết tranh chấp trực tuyến; Truyền thông và giáo dục về sử dụng Internet an toàn và hợp tác quốc tế.

Trong đó, ông Đồng cho biết Việt Nam không cần thiết phải ban hành thêm luật mới mà chỉ cần cụ thể hóa thêm các quy định pháp luật hiện hành để bảo vệ quyền riêng tư và tài sản dữ liệu người dùng (cá nhân, DN). Cụ thể là, chi tiết hóa các quy định sẵn có trong Bộ luật dân sự 2015 (nội dung về quyền đối với đời sống riêng tư của cá nhân); trong Luật trẻ em 2016 (nội dung về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng); trong Luật DN 2015 (nội dung về xử lý thông tin, dữ liệu cá nhân người dùng khi DN tiến hành mua bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập). Tuy nhiên, việc cụ thể hóa các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân cần phải xem xét và cần bằng với việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Luật tiếp cận thhông tin 2015, bảo đảm lợi ích công cộng.

Trao đổi về xây dựng chính sách, ông Nathaniel J. Gleicher, Giám đốc Chính sách An ninh mạng của Facebook cho biết chính sách ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nên việc xây dựng chính sách cần đảm bảo 4 yếu tố quan trọng: Rõ ràng (Clarity), Linh hoạt (Flexbility), nhất quán (Consistency) và đảm bảo sự hợp tác (Collaboration) và 4 yếu tố cốt lõi này không thể đứng tách bạch.

"Chính phủ đóng vai trò chính sách cần có phối hợp 4 yếu tố trên để xây dựng chính sách an ninh mạng để mọi người “hưởng thụ” những điều tốt đẹp từ không gian mạng", ông Nathaniel J. Gleicher cho hay.

Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho rằng chính sách uyển chuyển chấp nhận các công nghệ đột phá; phát triển tài nguyên, quyền sở hữu dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy sáng tạo; chính sách thuế phù hợp.

Giám đốc điều hành Amcham Hanoi Adam Sitkoff lưu ý mọi người hiện nay đều có hoạt động mua sắm trên mạng, theo đó, tất cả những hành vi mua sắm online của mọi người phải được bảo vệ bởi một ai đó thông qua những công cụ khác nhau. Chính phủ, các DN, người dùng tham gia vào môi trường mạng trên thế giới cũng như tại Việt Nam cần phải có cách thức để đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ tài sản dữ liệu của mọi người.

HM

Tin nổi bật