Kết nghĩa học sinh miền núi và thủ đô cùng nhau tăng cường kỹ năng CNTT
(ICTPress) - Nếu như đối với học sinh ở thành phố, việc tiếp xúc với công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng cơ sở vật chất hiện đại, tham gia những tiết học STEM... là chuyện thường ngày thì với những học trò vùng miền núi khó khăn, những điều này dường như rất xa lạ.
Là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường kỹ năng CNTT cho giới trẻ hội nhập và phát triển”, hoạt động “Trường kết nghĩa” đã kết nối thầy cô và học sinh trường THCS Nà Phòn, Hòa Bình đến với một ngôi trường hiện đại, chất lượng tốt hàng đầu Hà Nội- Phổ thông liên cấp (PTLC) Olympia. Với hai chương trình thăm quan học tập, hoạt động này đã xây dựng mối quan hệ thân thiết giữa hai nhà trường, để lại những kỉ niệm đẹp đẽ, những trải nghiệm khó quên đối với các em học sinh.
Trong buổi giao lưu đầu tiên tổ chức tại trường PTLC Olympia ngày 19/1/2017, các bạn học sinh Olympia đã nồng nhiệt chào đón hơn 30 bạn học sinh cùng các thầy cô đến từ trường THCS Nà Phòn với sự chuẩn bị vô cùng ấn tượng. Các em đã cùng những người bạn mới làm "nóng" không khí qua phần giao lưu, làm quen sôi nổi, những tiết mục văn nghệ đặc sắc đến từ cả hai trường, cùng những nụ cười rạng rỡ và cái bắt tay thật chặt.
Các em học sinh từ Hòa Bình có cơ hội mở mang tầm mắt khi được tham quan cơ sở vật chất tân tiến, hiện đại của ngôi trường Olympia, được tham gia tiết học lập trình, tiết học STEM. Tại đó, các em học sinh của 2 trường trở nên thân thiết với nhau hơn khi cùng làm việc theo nhóm, thực hiện các nhiệm vụ lập trình. Bên cạnh đó, các em chia sẻ với nhau những câu chuyện về cuộc sống, về ngôi trường của mình, cùng tiếp thêm cho nhau động lực, niềm tin và sự hứng thú trong học tập.
Buổi giao lưu giúp các em học sinh thành phố hiểu hơn về những người bạn đồng trang lứa và với các em miền núi, cánh cổng trường kia đã mở ra một thế giới học tập hoàn toàn mới mẻ và thú vị.
Học sinh trường THCS Nà Phòn thăm quan trường PTLC Olympia |
Tiếp nối hoạt động ý nghĩa này, ngày 27 - 28/1, gần 30 thầy cô và học sinh trường PTLC Olympia đã tổ chức chuyến thăm chia sẻ kinh nghiệm tại trường THCS Nà Phòn, bồi đắp thêm tình cảm và mối quan hệ thân thiết giữa hai trường, đồng thời trao tặng những món quà ý nghĩa.
Các em học sinh THCS Nà Phòn chào đón những người bạn thành phố bằng các hoạt động giao lưu, trò chơi dân gian, văn nghệ giới thiệu văn hóa dân tộc Thái. Đối với nhiều em học sinh thành phố, đây là lần đầu tiên các em được đến thăm một trường học ở miền núi. Không chỉ có cơ hội mở mang hiểu biết về văn hóa dân tộc, các em còn được hiểu thêm và cảm thông với những người bạn đồng trang lứa có hoàn cảnh, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn hơn mình.
Cô Phạm Thị Minh An, hiệu trưởng trường PTLC Olympia chia sẻ: “Olympia rất vui được tiếp tục đồng hành cùng Microsoft và Vietnet ICT trong dự án ý nghĩa này. Không chỉ là một hoạt động từ thiện, thầy cô giáo và học sinh hai trường đã được trao đổi về chuyên môn dạy và học, khám phá những nét văn hoá độc đáo của dân tộc Thái và cùng nhau hợp tác trong các hoạt động trải nghiệm thực tế. Mong rằng dự án sẽ tiếp tục được sự hỗ trợ từ Microsoft để có thể duy trì trong những năm tiếp theo.”
Cô Hà Thị Thủy, trường THCS Nà Phòn cho biết: “Trường kết nghĩa là một hoạt động rất ý nghĩa, chúng tôi hy vọng hai trường Olympia và Nà Phòn sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ thân thiết này để các em học sinh được giao lưu gắn bó với nhau qua những hoạt động ngoại khóa ngoài giờ bổ ích”
Tại chuyến thăm quan, đại diện trường Olympia đã gửi tặng trường THCS Nà Phòn những phần quà ý nghĩa: tranh lưu niệm, quà tặng cho 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tài liệu và sách tham khảo cho thư viện trường. Bên cạnh đó, các em học sinh cùng nhau tham gia một hoạt động thiết thực- quét lại sơn cho các lớp học cũ và tu sửa phòng sinh hoạt Đoàn- Đội của trường Nà Phòn.
Ảnh quét vôi ve lớp học và hành lang cầu thang ở trường THCS Nà Phòn |
Hoạt động “Trường kết nghĩa” nằm trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường kỹ năng CNTT cho giới trẻ hội nhập và phát triển"- YouthSpark Digital Inclusion (YDI) do Microsoft tài trợ, Cục CNTT - Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện và Trung tâm CNTT- Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) phối hợp triển khai từ năm 2016.
Sau hơn hai năm triển khai, hơn 1.500 giáo viên và gần 200.000 học sinh các khu vực khó khăn của 14 tỉnh thành phố, bao gồm: Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh đã được tiếp cận với phương pháp giảng dạy tích cực và nội dung CNTT, khoa học máy tính cập nhật và hội nhập toàn cầu.
QA