Đông Dương, bài báo có giá trị lớn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh!

Đầu năm 1921 của thế kỷ trước, khi đang bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu dân, cứu nước, Bác Hồ viết bài báo quan trọng, thuộc loại để đời mang tiêu đề: “Đông Dương”, đăng Tạp chí Cộng sản (Cahiers du Communisme) của Pháp liền trong hai số 14 và 15 năm 1921.

Trước đó, năm 1919 tại Paris, Nguyễn Ái Quốc long trọng công bố Bản Yêu sách nổi tiếng của Việt Nam với 8 điểm mang tính thời đại. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 và kỷ niệm một thế kỷ bản Yêu sách lịch sử sống động, NB&CL giới thiệu hai tác phẩm bất hủ này của Bác Hồ.

Mở đầu bài báo Đông Dương,  Nguyễn Ái Quốc viết: Chế độ Cộng sản có áp dụng được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng hay không? Đó là câu hỏi hiện đang làm chúng ta quan tâm. Đối với câu hỏi ấy, chúng ta có thể trả lời một cách khẳng định. Để hiểu điều đó, cần xem xét tình thế hiện tại của lục địa châu Á về hai mặt lịch sử và địa lý.

Đại lục này diện tích lớn hơn 80 lần nước Pháp (45.000.000km2), dân số gần 800 triệu người, có một kết cấu chính trị khá phức tạp. Nước Nhật mắc nặng nhất căn bệnh truyền nhiễm là chủ nghĩa đế quốc tư bản. Nước Trung Hoa đã từng là và hiện còn là con bò vàng của tư bản Âu - Mỹ vừa mới thức tỉnh. Nhà cách mạng Tôn Dật Tiên lên nắm chính quyền ở miền Nam Trung Quốc, hứa hẹn một nước Trung Hoa được tổ chức lại và vô sản.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đại biểu Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18, ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (1920).

Nước Triều Tiên tội nghiệp nằm trong tay chủ nghĩa tư bản Nhật. Ấn Độ nước đông dân, giàu có đến thế bị lệ thuộc bọn bóc lột nước Anh… Còn xứ Đông Dương! Xứ Đông Dương bị chủ nghĩa tư bản Pháp bóc lột để làm giàu cho một vài con cá mập! Người ta đầu độc họ bằng rượu cồn và thuốc phiện. Người ta giam hãm họ trong sự ngu dốt (có 10 trường học, trên 1.000 điểm bán ma túy của Nhà nước). Người ta sáng chế ra những vụ mưu loạn để cho họ nếm mùi công ơn của văn minh tư sản trên máy chém, trong nhà tù hay đi đày! 75.000km2 đất đai, 20 triệu dân phó mặc cho sự bóc lột tàn bạo của một nhóm kẻ cướp thực dân. Đó là tình trạng hiện tại của xứ Đông Dương.

Xét tới những lý do chính trị của châu Á, bài báo chỉ ra: Người châu Á tuy bị người phương Tây xem là lạc hậu - vẫn rất hiểu về sự cần thiết một cuộc cải cách toàn diện xã hội hiện tại. Và đây là lý do vì sao:

Từ gần 5.000 năm trước, Hoàng Đế (2.697 năm trước Thiên Chúa giáng sinh) đã từng áp dụng chế độ tịch điền, ông chia đất trồng trọt bằng cách vạch hai đường thẳng đứng và hai đường ngang, tạo ra chín mảnh đất bằng nhau. Những người làm ruộng nhận một trong số tám mảnh đất đó, mảnh giữa được mọi người canh tác chung và sản phẩm của nó được dùng vào các việc công ích. Các con đường vạch ra được dùng làm kênh dẫn nước vào ruộng.

Nhà Hạ (2.205 năm trước Thiên Chúa giáng sinh) đã mở đầu chế độ lao động cưỡng bách.

Khổng Tử (551 trước Thiên Chúa giáng sinh) đề cao thuyết Đại đồng và khuyên giảng sự bình đẳng tài sản. Ông đặc biệt nói: Hòa bình thế giới chỉ tới từ một nền cộng hòa thế giới. Không được sợ có ít, mà chỉ sợ vì có không đều. Sự bình đẳng thủ tiêu sự nghèo khổ.

Học trò của ông là Mạnh Tử tiếp tục học thuyết của thầy và vạch ra một  chương trình chi tiết về tổ chức sự sản xuất và sự tiêu thụ... Công cuộc giáo dục và bảo vệ một thế hệ trẻ em lành mạnh, công cuộc giáo dục và cưỡng bức lao động đối với thanh niên, sự kết hợp nghiêm khắc nạn ăn bám, việc an dưỡng của người già, không có điều gì bị bỏ qua trong luận thuyết của ông. Tình trạng bất bình đẳng trong vui chơi bị loại bỏ, sự thoải mái không phải chỉ riêng đối với một số đông mà cho mọi người. Đây là đường lối chính trị kinh tế của nhà hiền triết.

Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc gửi đến.

Trả lời câu hỏi của nhà vua, ông  nói: “Dân vi quý, xã tắc thư chi, quân vi khinh”, nghĩa là: Lợi ích của dân chúng trước hết, sau đó tới lợi ích của nhà nước, lợi ích của nhà vua không đáng kể.

Liên quan đến tài sản riêng, luật pháp An Nam nói chung cấm mua bán đất đai. Hơn thế, một phần từ đất đai trồng trọt bắt buộc phải dành làm tài sản chung của làng xã. Ba năm một lần người ta chia lại mảnh đất này. Mỗi người dân trong làng xã  nhận được một phần. Điều đó tuyệt nhiên không ngăn cản một số người trở nên giàu có, vì ba phần đất kia có thể mua bán trao đổi, nhưng như vậy có thể cứu nhiều người khác khỏi phải rơi vào cảnh nghèo đói.

Chúng tôi nghĩ nêu lên ở đây để cho những ai trong chúng ta tha thiết mong muốn truyền bá tư tưởng nhân văn và thành thật muốn giúp đỡ mọi người lao động lay đổ cái ách của kẻ bóc lột, và bước vào gia đình chung của vô sản quốc tế.

Tự do báo chí; Tự do đi lại; Tự do giáo dục và học hành; Tự do hội họp (Tất cả các quyền đó của chúng ta đều bị bọn thực dân cấm đoán một cách dã man).

Bài báo “Đông Dương” của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kết luận: Cái ngày mà hàng trăm triệu dân châu Á bị đọa đày và đàn áp sẽ thức tỉnh để rũ bỏ khỏi sự bóc lột ti tiện của bè lũ thực dân dã man độc ác, tham lam vô độ. Họ sẽ tạo thành một sức mạnh vĩ đại để tự giải phóng mình hoàn toàn.

Sự kiện lịch sử quan trọng khác. Chẵn 100 năm trước, ngày 18/6/1919 tại Paris Nguyễn Ái Quốc thay mặt “Nhóm những người yêu nước An Nam” mà đại biểu là các chí sĩ Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường… đưa đến Hội nghị hòa bình thông qua Hòa ước Versailles nhân kết thúc chiến tranh thế giới thứ 1 bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam với 8 điểm do chính Nguyễn Ái Quốc ký tên: Tổng ân xá cho những người bản xứ bị tù chính trị; Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương; Tự do báo chí và tự do ngôn luận; Tự do lập hội và hội họp; Tự do cư trú; Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp cho người bản xứ; Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; Đoàn đại biểu của người bản xứ do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp Nghị viện biết được nguyện vọng của người bản xứ. (Bản Yêu sách còn được diễn đạt dưới hình thức thơ lục bát và song thất lục bát với 56 câu nhan đề: Việt Nam yêu cầu ca.

Hai ngày sau bản Yêu sách gửi đi, rất nhiều Đoàn đại biểu các nước dự Hội nghị có thư phản hồi. Thư của Đoàn Mỹ viết: “Kính thưa ông Nguyễn Ái Quốc, tôi lấy làm hân hạnh báo để ông biết rằng, chúng tôi đã nhận được thư ông đề ngày 18/6/1919 và xin nói rằng chúng tôi sẽ trình thư đó lên Tổng thống”.

Báo chí nước Pháp, trong đó có tờ Nhân Đạo, tờ Dân chúng đăng ngay 8 điểm của bản Yêu sách với lời bình: Người Pháp coi hành động của Nguyễn Ái Quốc là một vụ nổ “Quả bom chính trị” ngay giữa lòng Paris làm dư luận cả nước Pháp chú ý và, lần đầu tiên nhân dân Pháp thấy ra vấn đề của Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc rời Cảng Nhà Rồng tìm đường cứu nước cứu dân vào năm 1911. Người tới Pháp và sau những năm tháng bôn ba ở nhiều nước. Năm 1917 Người trở lại Paris. Tại đây người tiếp cận chủ nghĩa Mác- Lênin và trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã ứa nước mắt khi giữa Thủ đô nước Pháp đã reo lên khi đọc “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê-nin in trên báo Nhân Đạo (Pháp) vào ngày 16 và 17/7/1920: “Hỡi đồng bào bị đày đọa đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”…

Nguyễn Ái Quốc còn tự tay viết những tờ truyền đơn với danh nghĩa Quốc tế Cộng sản thứ ba để gửi đi nhiều nước, trong đó có Việt Nam. (Tờ truyền đơn này hiện lưu trữ ở kho Lưu trữ Quốc gia nước Pháp - phòng 7, số 13405). Nội dung thế này:

“Anh em ơi, anh em ơi,

Xoay vần quộc nước,

Khép mở cơ giời,

Xem cho biết đó thời mới hơn người”.

Dòng cuối  truyền đơn viết: “Anh em ơi, anh em ơi ! Vô sản tất cả các nước  hãy đoàn kết lại!”.

Nhà báo Nguyễn Xuân Lương

Nguồn: congluan.vn
Tin nổi bật