Không hạn chế số lượng SIM nhưng phải chính chủ, đủ thông tin thuê bao

(ICTPress) - Nghị định 49/2017/NĐ-CP có 10 quy định quan trọng và mới.

Cục Viễn thông, Bộ TT&TT hôm nay 16/5 đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 49/2017/NĐ-CP về  sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. 

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết theo thống kê của Bộ Công an, giữa năm 2016 có hơn 75% thông tin của thuê bao di động bị sai, có nghĩa là có hơn 80 triệu thuê bao thông tin sai, tạo điều kiện cho SIM kích hoạt sẵn, chưa ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông... Thêm vào đó, mức xử phạt cho vấn đề này còn quá nhẹ, tối đa chỉ có 70 triệu đối với 500 thuê bao thông tin sai trở lên. Đây là vấn đề  rất đáng lo ngại. Trên có sở đó, tháng 8/2016, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT&TT chủ trì xây dựng Nghị định 49/2017/NĐ-CP, đồng thời nghiên cứu hạ tầng pháp lý ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của doanh  nghiệp (DN) viễn thông và các điểm đăng ký thuê bao.

Bà Mơ cũng nhấn mạnh, Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã cố gắng  khắc phục kẽ hở pháp lý, đưa  ra biện pháp triển khai hiệu quả, khả thi, hỗ trợ cả người sử dụng, DN viễn thông và cơ quan  quản lý nhà nước. Đây là một hành lang pháp lý hiệu quả, khả thi để có cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định. Nghị định sẽ thay thế hoàn toàn Điều 15 Nghị định 25, Điều 30 Nghị định 174, Thông tư 04.

Theo đó, Nghị định 49 có 10 quy định quan trọng và mới nhất, đó là thống nhất nơi bán SIM và đăng ký thông tin thuê bao; không còn đại lý bán SIM; bỏ bản khai đăng ký thông tin thuê bao; Bỏ lưu trữ bản giấy; Không hạn chế số lượng SIM nhưng phải đủ thông tin thuê bao và chính chủ. Cá nhân chỉ đăng ký cho mình, con, người giám hộ (điểm b khoản 9 Điều 15. Từ SIM thứ 4 ký hợp đồng theo mẫu (điểm b khoản 7 Điều 15). Đối với tổ chức cần phải có danh sách cá nhân kèm giấy tờ bản chính của từng cá nhân (điểm b khoản 3 Điều 15) và cung cấp lại thông tin thuê bao khi chuyển quyền sử dụng (điểm d khoản 9 Điều 15); DN viễn thông có quyền cắt hợp đồng đối với thuê bao không cung cấp lại thông tin thuê bao; Bổ sung điểm cung cấp dịch vụ viễn thông di động và chỉ DN được làm điểm ủy quyền; DN viễn thông chịu trách nhiệm toàn bộ; tăng mức xử phạt DN viễn thông; bổ sung hành vi và đối tượng phạt.

Về việc nâng mức phạt, mức phạt tối đa với thuê bao là 1 triệu đồng; mức phạt DN có  thể lên 200 triệu đồng; người đại diện DN có thể bị phạt tới 100 triệu đồng.

Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP các DN di động cần nghiên cứu kỹ Nghị định 49; thiết lập các điểm cung cấp dịch vụ cố định và di động; tổ chức lại hệ thống kinh doanh; thiết kế lại cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý; ban hành quy trình nội bộ, đào tạo nhân viên; bổ sung chức năng dịch vụ 1414, website cho phép chủ thuê bao tra cứu danh sách các số thuê bao đang sử dụng (điểm I khoản 8 Điều 15); bổ sung vào hợp đồng theo mẫu trường hợp thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ khi thuê bao không cung cấp lại  thông tin thuê bao (điểm g khoản 8 Điều 15).

Bà Mơ cũng cho biết, khoản 1 Điều 4 của Nghị định quy định điều khoản chuyển tiếp quy định,  trong 3 tháng đầu, các DN di động phải rà soát, thông báo, thanh  lý hợp đồng với đại lý  phân phối SIM; ký hợp đồng với điểm ủy quyền.  Sau  3 tháng, toàn bộ  hoạt động quản lý thuê bao thông tin thuê bao, xử phạt sẽ thực hiện theo Nghị định này.

Bộ TT&TT  và các Sở TT&TT trực tiếp phổ biến, hướng dẫn Nghị định 49 đến DN viễn thông; phối hợp với các đơn vị truyền thông tuyên truyền, phổ biến Nghị định.

Chỉ rõ đối tượng vi phạm và không cố định mức phạt đối với từng hành vi

Tại Hội nghị, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT đã giới thiệu các quy định về xử phạt hành chính trong Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định chỉ rõ đối tượng vi phạm: có 36 hành vi quy định xử phạt thì 27 hành vi chỉ rõ đối tượng bị xử phạt DN viễn thông di động, 25 hành vi phạt chính DN, 2 hành vi phạt người đại diện theo pháp luật.

Mức phạt được điều chỉnh linh hoạt và tối đa 200 triệu đồng tiền đối với mỗi hành vi vi phạm chứ không bị quy định thành khung cứng như Nghị định số 174/2013/NĐ-CP hay hầu hết các Nghị định khác, ngoài ra các chức danh cũng xử phạt được ở mức tối đa theo thẩm quyền của mình.

Theo Nghị định này, DN viễn thông di động phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông được ủy quyền. Nếu các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không thực hiện đúng quy định như không có biển hiệu, không có trang thiết bị, nhập thông tin sai, ảnh mờ không rõ thông tin.. .Cách thức xử lý vi phạm đối với những trường hợp này là ban hành quyết định thanh tra đối với chi nhánh DN di động, kiểm tra đối với từng điểm cung cấp dịch vụ viễn thông được ủy quyền, ghi nhận thành biên bản về các điểm thực hiện không đúng.

Về nội dung xử lý người đại diện theo pháp luật của DN viễn thông di động. Trước đây, chỉ Thanh tra Bộ mới có thể truy cập vào hệ thống kỹ thuật của DN để kiểm tra thông tin thuê bao, Sở TT&TT không có quyền này do vậy đã gặp nhiều khó khăn trong công tác thanh tra. Nghị định 49/2017/NĐ-CP được ban hành, thanh tra Sở TT&TT hoàn toàn có quyền kiểm tra trong hệ thống kỹ thuật, CSDL của DN thông tin của các thuê bao được đăng ký, cung cấp dịch vụ trên địa bàn quản lý của tỉnh, thành phố.

Nghị định mới cũng chỉ rõ chủ thể bị tịch thu tiền trong tài khoản chính của SIM vi phạm là DN viễn thông di động và tịch thu trong các trường hợp, sim được tịch thu từ các đại lý bán sim thẻ, thuê bao có thông tin không đúng, giao kết hợp đồng không đúng, phát hiện các trường hợp sử dụng phần mềm để làm giả chứng minh thư hàng loạt.

Ngoài ra, khi thực hiện giám sát thu hồi SIM kích hoạt sẵn cho thấy thông tin thuê bao do các điểm ủy quyền hầu hết là sai. Đối với các SIM đã bị khóa nhưng được đăng ký tại chính cửa hàng của DN cũng vẫn sai, điều đó cho thấy doanh nghiệp vẫn chưa chấp hành nghiêm. Do đó, khi áp dụng Nghị định 49/2017/NĐ-CP DN sẽ bị xử phạt nặng hơn, chỉ cần 200 thuê bao sai là đã bị phạt 200 triệu đồng, đặc biệt số tiền tịch thu từ tài khoản chính sẽ lớn.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, lần đầu tiên Nghị định 49/2017/NĐ-CP được sửa đổi theo hình rút gọn, không cần thành lập Ban soạn thảo, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT đã xây dựng các nội dung của Nghị định với tinh thần cẩn thận, trách nhiệm cao.

Thứ trưởng Phan Tâm yêu cầu các đơn vị liên quan, các DN viễn thông cần tiếp tục nâng cao nhận thức sâu sắc của Nghị định 49/2017/NĐ-CP tới toàn thể xã hội, tạo môi trường viễn thông an toàn, lành mạnh hóa. Đặc biệt là phải thực hiện Nghị định 49/2017/NĐ-CP, nội dung kích hoạt SIM trả trước và thông tin thuê bao di động trả trước triệt để, có kết quả cao nhất để Bộ có kết quả báo cáo với Quốc hội và cử tri cả nước.

Các DN nghiêm túc thực hiện các kế hoạch triển khai, tăng cường kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ, chú trọng ứng dụng CNTT, tự động hóa trong việc cập nhật, rà soát lại thông tin thuê bao. Trong tháng 5/2017, các DN phải có báo cáo cụ thể về ý tưởng và kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị định này với Bộ TT&TT, đồng thời có các văn bản gửi các Sở TT&TT các tỉnh/ thành phố trước khi triển khai thực hiện ở địa phương.

Các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương cần tích cực truyền thông một cách sâu rộng tới toàn thể người dân và xã hội, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực thi Nghị định này, đồng thời tăng cường giám sát, phối hợp hỗ trợ giữa các đơn vị có liên quan.

TH

Tin nổi bật