Nhà báo Đinh Phong: 50 năm gắn bó với ngành Bưu điện

Trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, có thể nói nhà báo Đinh Phong là một trong những cây viết đa năng. Ông từng kinh qua các mảng như nông nghiệp, kinh tế, bưu điện, công thương rồi sang quay phim, truyền hình, giảng dạy, công tác Hội… Đặc biệt, trong một thời gian dài được phân công theo dõi, viết tin bài về ngành Bưu điện, ông đã có nhiều bài viết về những người làm công tác giao liên thời kháng chiến chống Mỹ.

Gắn bó với ngành Giao bưu miền Nam

Hơn 3 năm nay, căn bệnh tai biến đeo đẳng khiến nhà báo lão thành Đinh Phong không tự đi lại được, mọi sinh hoạt hằng ngày của ông đều do bàn tay người bạn đời của ông chu toàn. Thế nhưng đều đặn mỗi sáng, như thói quen uống trà, ông vẫn đeo mắt kiếng dán mặt vào tờ báo điểm tin tức. Trong phòng riêng của ông, bên cạnh những lọ thuốc là những chồng báo chất cao ngất. Tiếp chúng tôi trên giường bệnh, ông chia sẻ: “Chân tay giờ đã tê cứng nhưng đầu óc còn minh mẫn lắm cháu ạ, khi nào mắt còn sáng thì chú vẫn cứ đọc”. Câu chuyện về nghề viết báo ông kể cho chúng tôi nghe, cứ nhẹ nhàng và bình dị như không gian con hẻm nơi ông sống tại quận 7, TP.HCM.

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Đinh Phong đã có mong ước được đi và viết. Con đường đến với nghề của ông cũng không ít chông gai. Ông kể, sau khi học hết trung học phổ thông, ông xin về báo Nhân Dân tập sự. Công việc ban đầu của ông chỉ là đọc bản thảo, bản in thử. “Một số người khác sau đó được cử đi học, thế nhưng tôi vẫn phải làm công việc này. Cho đến năm 1957 mới nhận tin vui khi được đi học lớp báo chí. Lúc đó tôi mới 19 tuổi. Tôi may mắn được học với nhiều người thầy tên tuổi như Thép Mới, Hoàng Tùng, Xuân Thủy…”, ông Đinh Phong nhớ lại.

Những ngày đầu làm báo, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông lấy bút danh là Chiến Phong với ý nghĩa là “ngọn gió chiến đấu”. Khi về Quảng Ninh làm phóng viên thường trú, ông có tình cảm với người con gái họ Đinh nhưng cuộc tình thời trai trẻ cũng không đi về đâu. Về sau, bút danh Đinh Phong được biết tới khi ông lấy họ của cô gái ấy ghép với tên của mình mà ra.

Cũng từ lúc trở thành phóng viên báo Nhân Dân vào năm 1958, Đinh Phong được phân công theo dõi, viết tin bài về ngành Bưu điện. Lúc đó, ông chủ yếu đưa tin hội nghị, sơ kết, tổng kết cũng như những thành tựu đạt được của ngành. Ngoài ra, ông có nhiều bài viết về các tấm gương “người tốt, việc tốt”, là những bưu tá không quản gian khổ lặn lội trên chiếc xe đạp đến vùng sâu, vùng xa của đất nước làm công việc đưa thư.

Theo nhà báo Đinh Phong, trong công việc hằng ngày của các chiến sĩ giao bưu có nhiều câu chuyện rất hay nhưng chưa có nhiều nhà báo khai thác.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với nghề “đi và viết” của nhà báo Đinh Phong là trong những năm 1962, ông viết bài phóng sự “Mỗi ngày đường sắt tiến về Nam một cây số” với kỷ niệm được chụp ảnh Bác Hồ ngồi trên đầu máy tàu hỏa. Sau khi xung phong vào miền Nam công tác, ông có thời gian tìm hiểu và gắn bó với ngành Giao bưu miền Nam. Từ đó có nhiều bài viết về những người làm công tác giao liên hoạt động trên đường Trường Sơn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ông được gặp và viết về những giao liên làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực từ ngoại ô tiến vào Sài Gòn. Ông còn nhớ trong số những giao liên anh hùng đó có đồng chí Võ Thị Tâm. Trong nỗ lực thoát khỏi vòng vây của địch, đồng chí Tâm bị thương ở đầu, mất một con mắt. Ông đã có bài viết về nữ chiến sĩ này. Về sau, nữ giao liên Võ Thị Tâm được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng.

Kỷ niệm tác nghiệp

Theo nhà báo Đinh Phong, trong công việc hằng ngày của các chiến sĩ giao bưu có nhiều câu chuyện rất hay nhưng chưa có nhiều nhà báo khai thác. Với mong muốn mọi người hiểu thêm về công việc gian nan này, trong một cuộc họp của ngành Giao bưu miền Nam, ông đã đề xuất tổ chức một cuộc thi viết về những kỷ niệm sâu sắc của các giao bưu trong kháng chiến. Từ ý tưởng này của ông, đã có rất nhiều bài viết tham gia gửi về. Những bài viết hay đã được tuyển chọn, để rồi 2 tập của cuốn “Như là huyền thoại” được xuất bản rộng rãi ở miền Nam. Sau thành công của cuộc thi, nhà báo Đinh Phong được Tổng cục Bưu điện mời ra Hà Nội cùng với một số nhà văn làm giám khảo cuộc thi tương tự với quy mô trên toàn quốc. Với những đóng góp và 50 năm gắn bó với ngành Bưu điện, nhà báo Đinh Phong đã được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp Bưu điện.

Trong mạch chuyển về những kỷ niệm đi tác nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, ông xúc động khi tận mắt chứng kiến những gian khổ của các nữ giao liên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông kể, trong những ngày mưa to gió lớn, các nữ giao liên phải dầm mình trong nước, vượt sông làm nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ băng qua các cánh đồng mênh mông của vùng đồng tháp Mười. Những ngày nước lũ dâng cao, khi đi qua lộ 4 (Quốc lộ 1A bây giờ) trên xuồng ba lá, tất cả bỏ đồ đạc trên xuồng cho khỏi ướt rồi cùng lội sông. Để xóa dấu vết, các giao liên nghĩ ra cách trải một tấm ni – lông trên mặt lộ, sau khi đẩy xuồng qua mọi người lại cuốn ni-lông bỏ lên xuồng đi tiếp. Nhiều giao liên đã hi sinh khi đưa cán bộ qua lộ 4 này vì quân địch liên tục phục kích.

Nhà báo Đinh Phong nhớ lại: “Thời đó tôi có một chiếc máy ảnh. Khỏi phải nói nó quý giá đến chừng nào. Lúc qua sông, tôi phải bọc máy ảnh và ba lô trong nhiều lớp ni-lông, bởi khi gặp địch phải nhấn chìm cả người và đồ nghề xuống sông”. Trong số nhiều phóng sự, truyện ngắn viết về hoạt động của các nữ giao liên, nhà báo Đinh Phong có tác phẩm “Ánh đèn xanh” đăng trên báo Ấp Bắc. Câu chuyện kể về nữ giao liên đưa ông qua sông đoạn Bắc Mỹ Thuận. Trên đường qua sông, cô gái chỉ cho ông thấy ngọn đèn màu xanh quay tít trên tàu quân địch và mong muốn khi đất nước thống nhất sẽ không còn nhìn thấy ánh đèn này nữa. Một thời gian sau, ông hay tin nữ giao liên này đã hi sinh.

“Làm báo là phải biết phê bình”

Sau ngày đất nước thống nhất, nhà báo Đinh Phong được cử về công tác tại Đài truyền hình TP.HCM trên cương vị Phó Giám đốc. Vẫn mang tư duy của người làm báo, luôn tìm tòi cái mới, những chương trình như Tiếng hát truyền hình, Giải đua xe đạp cúp truyền hình, Bản tin truyền hình do ông đề xướng… đã làm nên “thương hiệu” của đài. Về sau ông trở thành Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam rồi Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM và làm công tác giảng dạy báo chí ở một số trường đại học tại thành phố.

Ông quan niệm, dù làm công việc gì và vị trí nào thì cũng luôn làm hết sức có thể vì ngoài niềm đam mê, cần phải đáp ứng sự mong mỏi của độc giả. Với gần 60 năm gắn bó với nghề, nhà báo Đinh Phong nhìn nhận, thế hệ trẻ bây giờ làm báo sướng hơn thời của ông rất nhiều. Phóng viên thời nay được đào tạo trong môi trường báo chí chuyên nghiệp, được tiếp xúc với các phương tiện truyền thông hiện đại, nắm bắt tin tức nhanh nhạy. Thế nhưng, ông vẫn còn trăn trở, bởi nhiều phóng viên trẻ bây giờ thiếu vốn sống thực tế và hiểu biết về chính trị còn hạn chế. Ông mong muốn thế hệ trẻ nuôi dưỡng được ngọn lửa đam mê.

Phương Anh Linh

Báo Bưu điện Việt Nam

Tin nổi bật