Hậu trường tác nghiệp của phóng viên tại IPU-132: Tác nghiệp liên tục, chuyên nghiệp và chính xác

Có khoảng 300 phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật của nhiều cơ quan báo chí, truyền thông trong nước và khoảng 90 phóng viên nước ngoài tham gia tác nghiệp tại Đại hội đồng liên minh Nghị viện thế giới (IPU)-132. Với họ, được tham gia tác nghiệp tại một sự kiện chính trị mang tầm vóc quốc tế như IPU-32 thực sự là một vinh dự lớn, một niềm tự hào nghề nghiệp.

Phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm báo chí IPU.

Sẵn sàng cho chiến lược truyền thông quy mô 

Đại hội đồng IPU lần thứ 132 và các Hội nghị liên quan được Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội từ 28/3 – 1/4/2015. Đây là sự kiện lớn có ý nghĩa và tầm vóc quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và khu vực. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Đại hội đồng với sự tham gia đông đảo của các thành viên IPU, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao nhất của nghị viện các nước, các tổ chức liên minh nghị viện khu vực và các tổ chức quốc tế. Vì tầm quan trọng đó, việc chuẩn bị cho sự kiện được chú trọng nhiều ngày qua, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông, báo chí.
 
Ngày 26/3, Trung tâm báo chí IPU được khai trương. Trả lời phỏng vấn của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí tại Lễ khai trương Trung tâm báo chí IPU-132, ông Ngô Đức Mạnh, Trưởng Tiểu ban Thông tin - Tuyên truyền khẳng định: “Việt Nam sẽ chuyển tải đầy đủ kịp thời những kết quả của Đại hội đồng và những thông điệp, quyết sách mà các nghị viện, nghị sỹ sẽ bàn thảo và quyết định tại Đại hội lần này. Công tác thông tin tuyên truyền triển khai tích cực, bài bản và có kế hoạch tổng thể về công tác thông tin, tuyên truyền IPU-132. Cụ thể, huy động cơ quan truyền thông báo chí hàng đầu của Việt Nam như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan truyền thông khác cùng đưa tin về sự kiện này. Bên cạnh đó, có kế hoạch tổng thể, huy động phương tiện truyền thông đại chúng thông qua hệ thống báo cáo viên để truyền tải đến người dân, để người dân cảm nhận được đây là sự kiện không chỉ là ngoại giao Nghị viện mà còn là sự kiện của cả đất nước”.
 
Việc tham tham gia tác nghiệp tại IPU-32 với các phóng viên vừa là nhiệm vụ vừa là niềm tự hào nghề nghiệp. Tại các cơ quan báo chí, việc lựa chọn phóng viên tác nghiệp trong sự kiện này được quan tâm hàng đầu. Với cơ quan lớn như TTXVN việc phân công nhiệm vụ rất cụ thể cho từng nhóm phóng viên. Một nhóm phóng viên bám sát sự kiện bên thềm đại hội, công tác chuẩn bị, một nhóm khác sẽ trực tiếp tham gia đưa tin trong đại hội. Việc phân công nhiệm vụ được thực hiện trước thời điểm diễn ra IPU nhiều tuần và mỗi phóng viên sẽ tùy từng công việc để chủ động tham gia vào các buổi họp, buổi tập huấn phù hợp cho hoạt động tác nghiệp của mình.

Phóng viên Công Định- Truyền hình TTXVN- được tham gia tác nghiệp bên thềm đại hội với nhiệm vụ bám sát các hoạt động an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho Đại hội. Công Định cho biết: Trước khi bắt tay vào công việc, chúng tôi được tham dự buổi họp triển khai nhiệm vụ của Công an Hà Nội. Trong buổi họp, nhiều phương án bảo vệ cho Đại hội được đưa ra, các phóng viên sẽ bám sát sự kiện để tuyên truyền. Vì thế tác nghiệp của phóng viên trước thềm đại hội tương đối thuận lợi. Cũng tham gia vào buổi tập huấn bài bản trước ngày diễn ra đại hội, phóng viên Xuân Hải, báo Lao Động chia sẻ: Tại buổi tập huấn, các phóng viên chúng tôi đã được Tiểu Ban thông tin tuyên truyền, Ban Tổ chức IPU - 132 cung cấp, hướng dẫn, giải đáp đầy đủ các thông tin cần thiết để phục vụ cho việc tác nghiệp đưa tin trong thời gian IPU – 132 diễn ra. Công tác chuẩn bị chu đáo này là rất cần thiết, hữu ích đối với phóng viên trong quá trình tác nghiệp.

Phóng viên Công Định tác nghiệp tại IPU.

Những trải nghiệm nghề nghiệp đáng nhớ

Các phóng viên được lựa chọn tác nghiệp trong hội nghị phần lớn đều là những nhà báo sử dụng tốt ngoại ngữ, có thể trao đổi, trò chuyện với các đại biểu quốc tế. Và do vậy, những thông tin cung cấp đến độc giả đều là những tin tức mang tính đa dạng, nhiều chiều và có tầm vóc quốc tế. Thông tin thì những phiên thảo luận tại hội trường lớn, quan trọng mới có dịch tiếng Việt, còn các phóng viên đều sử dụng ngoại ngữ.

Tại trung tâm báo chí Ban tổ chức luôn tạo điều kiện cho phóng viên trong và ngoài nước tác nghiệp một cách thuận lợi nhất, từ WIFI đến nước uống tại trung tâm báo chí và thông cáo báo chí hàng ngày. Tiểu ban thông tin tuyên truyền luôn có lãnh đạo trực tại trung tâm báo chí. Phóng viên Phạm Xuân Hải - báo Lao Động chia sẻ: "Chúng tôi tác nghiệp liên tục trong một guồng máy nhanh, chuyên nghiệp và chính xác. Rất nhiều buổi thảo luận thông trưa, rồi lại xử lý tin bài ngay tại Trung tâm để chuyển về tòa soạn một cách kịp thời nhất. Thông tin thì nhiều, các phiên họp dồn dập liên tục, nhiều phiên họp giữa trưa nên chỉ ăn uống tranh thủ xong lại tập trung làm luôn, không có thời gian nghỉ"...

Nhiều cảm xúc khi tham gia tác nghiệp trong sự kiện này, phóng viên Phú Khánh - Báo An ninh Thủ đô cho biết: Là một phóng viên đã từng tham gia nhiều sự kiện lớn như APEC, ASEAN, Đại hội Đảng, Quốc hội, tôi thật sự ấn tượng với Đại hội đồng IPU-132 lần này. Đặc biệt, khi được sát cánh cùng lực lượng CATP trong việc chuẩn bị, lên phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn IPU. Mọi công tác đã được chuẩn bị cách đây 18 tháng với sự tham gia của nhiều cán bộ, chiến sĩ có trình độ. Ai cũng vinh dự được đảm nhận trọng trách này, đặc biệt với các chiến sĩ trẻ. Nhiều đêm trắng, các lực lượng CATP đã diễn tập, tổng duyệt nhiều lần các phương án. Hình ảnh những chiến sĩ Công an Thủ đô trang nghiêm bảo vệ lễ Khai mạc Đại hội đồng IPU 132, thân thiện trong mọi công tác, hay những hình ảnh bình dị giúp đỡ người dân hàng ngày đã được các vị khách quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Sự thành công của IPU 132 lần này không thể không nói đến đóng góp lớn của lực lượng Công an nói chung, Công an thành phố Hà Nội nói riêng.

Nhắc đến ấn tượng và kỷ niệm tác nghiệp, phóng viên Phú Khánh chia sẻ thêm: "Tôi đặc biệt ấn tượng với các chính khách đến từ Châu Phi. Họ luôn rất nghiêm túc trong mọi hoàn cảnh. Sáng 29-3, tôi có đi ghi lại hình ảnh các đại biểu tham quan đền Ngọc Sơn, trong đó có rất nhiều chính khách đến từ Châu Phi. Tôi chụp rất nhiều. Cuối buổi có một chính khách Châu Phi ra hỏi tôi tên tuổi và nói: có thể gửi ảnh cho tôi được không? Tôi trả lời là cho mình email, mình gửi luôn. Nhờ cái thẻ nhớ wifi mà tôi gửi ảnh bằng điện thoại luôn. Chuyện dừng ở đấy. Sau đó, tôi nhận được một email trả lời với nội dung rằng, họ rất cảm ơn vì những bức ảnh đẹp, cảm động trước sự tử tế của tôi. Họ bảo con người Việt Nam thật đẹp. Và mong tôi gửi thêm cho một số bức ảnh nữa...Tôi thật sự xúc động với email này, nó làm tôi cảm thấy mình có ý nghĩa hơn khi tham gia một trong những sự kiện chính trị - ngoại giao lớn nhất hành tinh này".

Nguồn: Hà Vân(Ghi)/congluan.vn

Tin nổi bật