5 nhiệm vụ báo chí trong thời gian tới

(ICTPress) - Lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ 7 vừa được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, ngày truyền thống vẻ vang của đội ngũ những người làm báo cả nước tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

Tới dự lễ trao giải có các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trần Bình Minh, UV Trung ương Đảng TGĐ Đài truyền hình Việt Nam, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí quốc gia; Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ TT&TT và đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành.

Hội đồng Giải báo chí quốc gia xem xét, quyết định trao Giải cho 117 tác phẩm, bao gồm 5 giải A, 28 giải B, 45 giải C và 39 giải Khuyến khích thuộc 11 thể loại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Trưởng Ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải A (Ảnh: Thanh Hải)

Đánh giá về giải, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí quốc gia, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết: “Trong bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội trong nước cũng như trên thế giới tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, các tác phẩm đã phản ánh kịp thời, sinh động và đa dạng những nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, của cả hệ thống chính trị thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, đưa đất nước vượt qua thách thức. Nhiều tác giả đi sâu giới thiệu những cách làm hay, nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trên mọi mặt đời sống xã hội, vừa mang tính thời sự vừa có ý nghĩa nhân văn cao cả”.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết “Trong thời đại của hội nhập quốc tế và trong bối cảnh mới về thông tin truyền thông ngày nay, báo chí đã đưa tin nhanh nhạy, phản ánh phong phú đa chiều về các diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế. Thông tin và truyền thông rộng rãi về các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành sôi động quyết liệt của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và tăng cường công tác đối ngoại, nhất là các giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính tiền tệ, các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia”.

Về hoạt động của báo chí trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khằng định: “Đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức và vươn lên, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao với đầy đủ các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại như: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và truyền thông đa phương tiện… Và hôm nay chúng ta tự hào về đội ngũ những người làm báo hùng hậu với gần 20.000 hội viên trong cả nước. Nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao và tạo hiệu quả xã hội tốt, thể hiện bước trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội, kỹ năng nghề nghiệp của người làm báo".

Định hướng nhiệm vụ báo chí cách mạng trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết:

Thứ nhất, báo chí nước ta cần phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, ra sức khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị và phản ánh kịp thời việc học tập, nghiên cứu, triển khai ở các cấp, các ngành, địa phương nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận về chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng và toàn xã hội. Đổi mới công tác tuyên truyền và nâng cao hiệu quả việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tuyên truyền, cổ vũ, động viên mọi người dân và doanh nghiệp trong cả nước thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội và các chính sách, pháp luật, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước ta.

Tuyên truyền, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam; tăng cường hữu nghị và hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển với các nước.

Thứ hai, báo chí cần thực hiện tốt hơn nữa, chính xác hơn nữa việc phát hiện và phê phán mạnh mẽ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; góp phần tích cực ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống. Báo chí của chúng ta phải luôn là một lực lượng nòng cốt, quan trọng trong đấu tranh phản bác các quan điểm, các thông tin sai trái, vu khống, xuyên tạc tình hình của đất nước; cũng như những thông tin gây phân tâm, làm phức tạp tình hình và không có lợi cho đất nước.

Thứ ba, các cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, các Bộ, Ban ngành và các cơ quan Trung ương phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm báo “vừa hồng, vừa chuyên”; thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí; xử lý đúng pháp luật các việc làm sai trái trong hoạt động báo chí. Thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (số 919/CT-TTg 19/6/2010) về việc Tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.

Thứ tư, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thời cơ thuận lợi và thách thức khó khăn đều lớn, đan xen nhau, đòi hỏi những người làm báo của chúng ta phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy tiếp cận với thông tin mới, công nghệ làm báo mới mà còn phải có phẩm chất tốt đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy cảm và tỉnh táo trong xử lý thông tin và đưa thông tin. Mọi thông tin trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo cách mạng Việt Nam, tất cả vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của người dân và phải nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ năm, tiếp tục tổ chức thật tốt Giải Báo chí quốc gia. Tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc; có hình thức tôn vinh và động viên khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với những nhà báo trong sáng, kiên định, dũng cảm, sáng tạo, có những tác phẩm tốt cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Phát huy và nhân rộng ảnh hưởng và giá trị xã hội của Giải Báo chí quốc gia sau 7 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng, khoa học, hiện đại và chuyên nghiệp.

Mai Nguyễn

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật