Hà Nội và cà phê đường tàu Phùng Hưng
Nếu có thêm một điểm tuy không lớn nhưng khách du lịch thích như đoạn đường tàu phố Phùng Hưng thì cũng hay nếu an toàn được đảm bảo.
Tôi gặp lại Trần Đức Minh, chàng trai thế hệ 10X nhà mặt phố đường tàu Phùng Hưng. Minh thốt lên rằng: Lần này dẹp thật rồi anh ạ, em nghĩ phát triển mà quản lý được mới khó chứ dẹp bỏ thì dễ quá. Tôi biết đoạn phố cà phê đường tàu cách đây một năm. Những ngày đầu chỉ mấy nhà mặt phố thức thời mở bán hàng giải khát. Du khách hồi đó chủ yếu là mấy ông Tây ba lô thích tìm tỏi, khám phá Hà Nội.
Đoạn đường tàu những ngày chưa có ai bán hàng cà phê, giải khát |
Đoạn đường tàu chạy từ Trần Phú đến ga Long Biên khi ấy, hai bên chỉ toàn rác là rác. Lúc đầu một nhóm Tây đi khám phá, rồi check in, rồi mạng xã hội lan toả. Sau này, những người dẫn tour được khách Tây yêu cầu dẫn đến đó. Thọ, bạn tôi, là hướng dẫn viên du lịch vừa cười vừa nói: "Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi chưa bao giờ nghĩ có một ngày mình đi dọc đường tàu đoạn qua phố Phùng Hưng. Vậy mà công việc buộc tôi phải đi nhiều lần trên đó".
Thọ kể, vài tháng sau khi lượng khách du lịch đông hơn cũng là lúc người dân mở quán kinh doanh. Hai bên đường tàu được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ hơn để giữ chân du khách, người Hà Nội thức thời thật.
"Tôi nghĩ điều đó cũng tốt"- Thọ nhận xét.
Trở lại đường tàu phố Phùng Hưng những ngày này đang "nóng" trên mặt báo, tôi mới biết có hơn 30 gia đình kinh doanh dịch vụ giải khát, trong đó có 4 hộ từ nơi khác đến thuê mặt bằng để kinh doanh. Cảnh quan quanh khu vực được dọn dẹp đẹp hơn, những bức tường ngày xưa nấu bếp than tổ ông đen xì nay đã được vẽ bích hoạ nhiều mầu sắc, mặt tiền các ngôi nhà cũng trở nên đẹp hơn, khang trang hơn dù không phải nhà ai cũng mở cửa kinh doanh. Thay vì nhem nhuốc, bẩn thỉu, các ngôi nhà ở đây đẹp hơn là rất rõ. Du khách thập phương đến đem lại cho họ không chỉ tiền bạc mà còn hơn thế nữa…
Đoàn đường tàu những ngày chưa bị cấm khách du lich |
Trần Đức Minh nhận xét, khách Tây balo đến với cà phê phố đường tàu nhưng họ luôn ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, và đảm bảo an toàn mỗi khi đoàn tàu qua. Trái lại, những vụ tàu phải dừng khẩn cấp khi đi qua đây đều bắt nguồn từ những hành động băng qua đường mạo hiệm của du khách Việt. Hơn chục lần Minh phải chạy ngược đường sắt lên tận đoạn gần ga Long Biên để nhắc nhở nhóm thanh niên người Việt đang mải mê chụp ảnh sống ảo khi sắp có đoàn tàu qua.
Thống kê của đội CSGT đường sắt cho biết chưa có vụ tai nạn nào xẩy ra trên cung đường có dãy hàng quán kinh doanh cà phê trong một năm qua. Có hai lần tàu phải dừng khẩn cấp vì nhóm bạn trẻ mải chụp ảnh trên đường ray, tránh tàu không đảm bảo an toàn nên đoàn tàu dừng lại nhưng không phải đoạn đường có các hộ kinh doanh cà phê mà là đoạn phố cửa Đông, gần ga Long Biên, đoạn này đường nhỏ, hẹp, không có nhà dân ở.
Quán giải khát nhà Minh mỗi ngày đón ba đến bốn trăm khách dừng chân. Minh luôn luôn nhắc nhở du khách mỗi khi sắp có tàu qua nhằm đảm bảo an toàn nhất, Minh nghĩ rằng khách có an toàn thì mình mới an toàn, mối được yên ổn làm ăn.
Anh Đỗ Duy Huân - một người kinh doanh máy ảnh ở Hà Nội khi biết thông tin Hà Nội xoá sổ các điểm kinh doanh cà phê đường tàu Phùng Hưng tỏ ra tiếc nuối. Theo anh Huân, thay vì dẹp bỏ sao Hà Nội không mở rộng và quản lý chặt các hàng quán kinh doanh ở đây, vừa thu hút được khách du lịch, vừa đảm bảo được an ninh trật tự cũng như an toàn giao thông qua đây.
Thái Lan, Ấn Độ... người dân địa phương vẫn phát triển du lịch qua hình thức bán hàng giống ở tuyến đường tàu Phùng Hưng. Đây là một hình thức hấp dẫn du khách vì nó mới lạ, hình ảnh khách du lịch khám phá đoạn đường tàu nếu ở các phương phát triển là hiếm, mà những thứ hiếm thì sẽ hút khách. Hà Nội đang rất thiếu các điểm đến, các loại hình kinh doanh du như vậy, nên tạo điều kiện phát triển có sự quản lý của cơ quan chức năng thay vì dẹp bỏ.
Bản thân khoảng hơn 30 hộ dân kinh doanh cà phê nơi đây bao nhiêu năm qua vẫn sinh sống như vậy, giờ du lịch được mở ra, họ rất sợ nếu du khách đến tham quan mà xảy ra tai nạn. Chỉ một sự cố xẩy ra họ sẽ mất khách. Dễ thấy hình ảnh trước giờ tàu chạy, mỗi gia đình có cửa hàng kinh doanh đều luôn tay, luôn chân nhắc nhở du khác giữ khoảng cách an toàn...
"Tôi đã đến các điểm kinh doanh hai bên đường tàu ở Thái Lan, chính quyền quản lý rất chặt, nhưng luôn tạo điều kiện kinh doanh cho người dân một cách tốt nhất, cũng là cách thu hút và giữ chân khách du lịch", Thọ chia sẻ khi biết Hà Nội sẽ dẹp các hộ dân kinh doanh đoạn đường tàu phố Phùng Hưng.
Khách du lịch đến Hà Nội năm sau tăng cao hơn năm trước, Hà Nội làm rất nhiều việc để níu chân du khách ngoài dịch vụ lưu trú còn thêm các dịch vụ khác như không gian đi bộ quanh hồ Gươm, xe buýt du lịch, các điểm đến tham quan Nhà hát Lớn, các bảo tàng...Nếu có thêm một điểm tuy không lớn nhưng khách du lịch thích như đoạn đường tàu phố Phùng Hưng thì cũng hay nếu an toàn được đảm bảo.
Nếu quản lý được tốt thì nên khuyến khích chứ không nên dẹp, vì để tạo được một điểm đến đông du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến tham quan như vậy rất khó. Nếu đứng từ góc nhìn nhà quản lý thì nên tạo điều kiện mở tour du lịch đường sắt nối liền với cầu Long Biên - cây cầu hơn trăm tuổi gắn liền với Hà Nội- cũng là một cách kinh doanh du lịch có thể hấp dẫn du khách.
Đừng nhìn những người bán cà phê trên phố đường tàu Phùng Hưng là các hộ kinh doanh, vì bao nhiêu năm nay không bán cà phê họ vẫn sống bình thường. Hãy nhìn họ dưới lăng kính hướng dẫn viên du lịch, hàng ngày hàng giờ họ vẫn “chăm sóc” khách du lịch, vẫn căng mình bảo vệ an toàn cho những vị khách phương xa đến tham quan Hà Nội.
Phạm Hải/vietnamnet.vn