Xử lý tin nhắn rác qua kinh nghiệm của một số nước

(ICTPress) - Tin nhắn rác đang là một vấn nạn nghiêm trọng đối với các thuê bao điện thoại di động (ĐTDĐ) ở nước ta…

Mặc dù Chính phủ đã ban hành các Nghị định 77/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác và Nghị định 83/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông và Bộ thông tin và Truyền thông đã có nhiều cố gắng trong mặt quản lý, thanh tra các hoạt động, nhưng tin nhắn rác vẫn đang hoành hoành trên các mạng ĐTDĐ của nước ta.

Theo BKAV trung bình mỗi ngày có có tới 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi đến ĐTDĐ của người dùng ĐTDĐ ở nước ta và các nhà mạng thu gần 3 tỷ đồng từ tin nhắn rác [1]. Nhiều người dùng ĐTDĐ bị buộc phải thanh toán hàng triệu đồng cước phí “bất ngờ” từ những thủ đoạn gian lận để tính cước của các tin nhắn rác này…

Đặc biệt đầu năm 2013, Bộ đã nghiêm khắc xử phạt 4 doanh nghiệp Tinh Vân Telecom, Hà Thành, Lạc Hồng, E-WAY gần 2 tỷ đồng vì hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, có nội dung đồi trụy [2]. Một số nhà mạng cũng đã tích cực sử dụng nhiều biện pháp ngăn chặn thư rác dù bị giảm doanh thu đáng kể, trong đó nổi bật là Viettel nhờ chính thức áp dụng hệ thống kiểm soát dịch vụ dựa trên quản lý cú pháp cung cấp dịch vụ với tất cả đầu số ngắn đang cung cấp nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng nên trong 2 tháng đầu năm 2013 số lượng khách hàng phản ánh về tin nhắn rác giảm đáng kể. Trước đó trung bình mỗi tháng Viettel nhận được 8000 cuộc gọi của khách hàng thì 2 tháng đầu năm nay chỉ còn khoảng 1500 cuộc.      

Vấn nạn tin nhắn rác không phải chỉ có ở Việt Nam mà hầu như có ở tất cả các nước đang có các mạng ĐTDĐ. Tìm hiểu kinh nghiệm xử lý tin nhắn rác ở một số nước để nghiên cứu, áp dụng cho nước ta cũng là một con đường nhanh nhất và khá hiệu quả để xử lý triệt để hơn vấn nạn tin nhắn rác này [3].

Trước tiên chúng ta hãy xem xét một vụ kiện phát tán thư rác và cách xử lý của luật pháp Mỹ. Tháng 3/2012, Nhà mạng có uy tín của Mỹ AT&T nộp đơn đề nghị khởi tố các công ty phát tán tin nhắn rác đã sử dụng 14 số điện thoại phát tán  trên 20 triệu tin nhắn rác và cuộc gọi cho các thuê bao điện thoại của AT&T. Theo lý thuyết mà nói thì trên 20  triệu tin nhắn rác đó đem lại cho AT&T không ít doanh thu, tại sao AT&T lại đâm đơn kiện? Nguyên do là ở chỗ: Đối với AT&T, VeriZon và các nhà mạng của Mỹ, tin nhắn rác là “con dao 2 lưỡi” vì ý thức pháp luật của dân chúng Mỹ khá mạnh, có thói quen kiện tụng; Nguyên nhân thứ 2 là vì trong một số gói cước của các thuê bao, khi nhận tin nhắn cũng phải nộp thêm cước phí, có những tin nhắn tính cước lên tới 20 cent, đương nhiên thuê bao sẽ liên tục khiếu nại. Và khi thuê bao thông qua điện thoại quy định của nhà mạng khiếu nại về tin nhắn rác, nhà mạng phải tốn chi phí khá cao cho mỗi cuộc  điện thoại khiếu nại đó, thậm chí có lúc lên tới 5 - 50 USD. Năm 2011, lượng tin nhắn rác ở Mỹ tăng 45%, gây bức xúc lớn cho các thuê bao di động. Cả nhà mạng và thuê bao điện thoại đều là người bị hại. Việc  nhà khai thác khởi kiện các công ty phát tán tin nhắn rác đã phát sinh trong bối cảnh đó.

Kinh nghiệm xử lý tin nhắn rác ở các nước nổi lên 5 giải pháp chính sau đây:

Tăng cường giáo dục về Luật pháp, hướng dẫn thuê bao trước tiên phải biết tự bảo vệ mình

Tháng 6/2003, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ thiết lập “Danh sách các thuê bao không nhận quảng cáo qua điện thoại toàn nước Mỹ”. Tháng 12 năm đó, Chính phủ Mỹ ban hành luật chống thư rác đầu tiên trên cả nước. Luật này quy định: Các thuê bao điện thoại cố định và di động có thể thông qua đường dây nóng hoặc cổng thông tin điện tử của Chính phủ miễn phí đăng ký số điện thoại của mình vào danh sách “các thuê bao toàn nước Mỹ không nhận tin quảng cáo” và từ sau đó sẽ không bị các tin quảng cáo hoặc tin nhắn rác gây phiền hà.

Ở Singapore, dân chúng có thể đăng ký vào “Danh sách các thuê bao không nhận tin nhắn”. Bất cứ cơ quan, công ty hoặc cá nhân nào cũng không được gửi các tin nhắn rác vào các thuê bao đã đăng ký đó.

Ở Hồng Kông, chính quyền đặc khu liên tiếp ban hành các văn bản “quy định về các thông tin điện tử không mời mà đến và “quy tắc về các thông tin điện tử không mời mà đến”. Các văn bản này một mặt khắc chế việc phát tán các tin nhắn rác, mặt khác cũng đưa ra các yêu cầu đối với dân chúng bao gồm: Nếu không muốn tiếp tục nhận các thông tin quảng cáo điện tử cần phải phát thông tin cự tuyệt tiếp nhận đến bên phát tin; nếu không muốn tiếp nhận tất cả các tin quảng cáo điện tử (Trừ một số tin quảng cáo đã được chấp thuận) cần phải đăng ký số điện thoại và số Fax của mình vào danh sách cự tuyệt nhận tin mà chính quyền đã quy định; nếu công ty phát tán không thực hiện quy định, tiếp tục gửi tin thì thuê bao phải báo cáo lên Cục quản lý Viễn thông để tiến hành khởi tố v.v...

Phân rõ trách nhiệm, tăng nặng hình phạt đối với các hành vi phát tán phi pháp

Sau khi Luật pháp về bảo hộ thông tin cá nhân đã được hoàn thiện, ở nhiều nước khi xử lý thông tin rác đã có căn cứ luật pháp rõ ràng, trong các văn bản luật lệ liên quan không những làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan, mà còn đưa ra những hình phạt nặng nề đối với các hành vi phi pháp một cách rõ ràng.

Điểm đáng nói nhất là do pháp luật đã được kiện toàn, nhiều nước khi xử lý tin nhắn rác đã có chủ thể chấp pháp rõ ràng. Ví dụ, ở Singapore, Chính phủ thành lâp Sở bảo hộ thông tin cá nhân phụ trách xử lý các việc liên quan đến tin nhắn rác. Cục bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Ủy ban thương mại Liên bang Mỹ có riêng một đội công tác đặc biệt tiến hành điều tra các sự việc liên quan đến máy ĐTDĐ và xử lý các khiếu kiện về phát tán tin nhắn rác. Chính phủ Đức và các cơ quan giám sát thành lập Trung tâm xử lý các tin nhắn của máy ĐTDĐ phụ trách xử lý các vi phạm và trả lời các khiếu nại của thuê bao.

Đối với các nhà khai thác viễn thông, xuất phát từ chính sách bảo hộ quyền tự do thông tin và bí mật thông tin, hầu hết các nước đều không cho phép các nhà khai thác này tiến hành che lọc các tin nhắn. Tuy nhiên, ở Ấn Độ mỗi năm Chính phủ yêu cầu nhà mạng báo cáo chính thức bằng văn bản việc ngăn chặn phát tán tin nhắn rác, cho phép nhà khai thác dùng từ gốc lọc che các tin nhắn rác, đồng thời yêu cầu nhà mạng cấm chỉ việc phát tán cùng lúc trên quy mô lớn cho nhiều khách hàng, tước bỏ quyền truy nhập mạng của máy di động của kẻ tán phát tin nhắn rác.

Đối với các doanh nghiệp, hầu hết các nước đều cho phép phát tin nhắn quảng cáo, tuy nhiên có sự hạn chế nghiêm ngặt đối với các hành vi quảng cáo của họ. Nói chung, luật pháp đều quy định rõ việc gửi tin quảng cáo phải được bên nhận chấp thuận và có sự hạn chế nhất định về thời gian. Thí dụ, ở Cộng hòa Liên bang Đức “Pháp lệnh liên bang về chống phát tán thư rác” năm 2003 quy định: gửi tin giới thiệu sản phẩm và dịch vụ đến khách hàng phải được khách hàng chấp thuận bằng văn bản và việc phát tin quảng cáo từ 21h00 hôm nay đến 08h00 sáng hôm sau lại phải được khách hàng chấp thuận. Nhà quảng cáo khi đã được khách hàng chấp thuận, khi phát quảng cáo phải có 2 chữ: “Quảng cáo” và ghi rõ tên và địa chỉ, số điện thoại của đơn vị phát quảng cáo. Luật pháp của Anh, Hàn Quốc cũng tương tự.

Ngoài ra, các văn bản pháp luật liên quan của nhiều nước cũng quy định công khai và rõ ràng về các hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi phát tán tin nhắn rác, tạo nên sự răn đe của pháp luật. Chẳng hạn luật pháp Đức quy định, kẻ phát tán tin nhắn rác bừa bãi, nặng nhất phải phạt tới 50.000  euro, nếu phát tán tin nhắn sex và các tin không bình thường đều bị liệt vào tội có hành vi phi pháp và bị truy tố hình sự.

Pháp luật của Anh cho rằng phát tán tin nhắn rác là một loại tội phạm, khi bị khiếu kiện ở tòa án địa phương, kẻ phát tán nặng nhất có thể bị phạt tới 5000 bảng Anh. Nếu ở tòa án có đoàn bồi thẩm tham dự khoản phạt sẽ không bị hạn chế.

Bộ Thông tin tình báo của Hàn Quốc quy định: nếu như thuê bao ĐTDĐ không muốn nhận các tin ngắn nào đó, cước điện thoại phát sinh sẽ do bên phát tán gánh chịu và được miễn phí thông qua máy điện thoại 080 báo cáo sự việc cho nhà quản lý, đồng thời kẻ phát tán bừa bãi tin nhắn rác có thể bị phạt tới 8500 USD.

Năm 2000, Nhật Bản xây dựng và ban hành “Luật giao dịch các thương vụ đặc biệt” và “Luật về Bưu kiện điện tử đặc biệt” đều quy định: Một khi thuê bao đã cự tuyệt chấp nhận gửi tin ngắn đến thì cấm chỉ việc phát tán lần nữa. Nếu không sẽ bị xử lý với tội danh cản trở việc thông tin bưu kiện điện tử.

Luật “Bảo hộ thông tin cá nhân” mà Singapore sắp thực hiện thậm chí quy định: Một khi phát hiện có hành vi phát tán phi pháp, Sở bảo hộ thông tin cá nhân có quyền xử phạt lên mức cao nhất 1 triệu đô la Singapore, trong đó mỗi lần phát một tin nhắn hoặc gọi một cuộc điện thoại đến thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận tin quảng cáo thì bị phạt có thể lên tới 10.000 đô la Singapore/mỗi tin.              

Đăng ký đúng tên và địa chỉ, dễ dàng truy xét căn nguyên

Nhằm ngăn chặn các phàn tử tội phạm sử dụng ĐTDĐ phát tin ngắn lừa đảo hoặc tiến hành các hoạt động phi pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore và nhiều nước khác đều tiến hành cơ chế đăng ký thuê bao đúng tên đúng địa chỉ. Một khi phát hiện có tin nhắn rác sẽ dể dàng truy tìm căn nguyên.

Ở Mỹ, khi thuê bao ký hợp đồng với nhà mạng đều phải điền vào mã an toàn xã hội. Hàn Quốc thì sử dụng chế độ đăng ký số thuê bao để truy cập mạng. Năm 2000, Nhật Bản quy định các thuê bao trả trước mới tham gia mạng phải cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân cho nhà khai thác. Nhà khai thác mang máy di động đến tận địa chỉ của người xin tham gia mạng, xác nhận đúng địa chỉ mới được chính thức truy nhập mạng. Đối với các thuê bao đã tham gia mạng từ trước thì yêu cầu gọi đến thuê bao đó, yêu cầu cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân: địa chỉ, số điện thoại, v.v... Từ năm 2005, ở Singapore bắt đầu áp dụng phổ cập hệ thống quét xác nhận thẻ chứng minh cá nhân  ở các điểm công cộng và trên các phương tiện giao thông, qua đó bắt buộc những người sử dụng thẻ di động trả trước phải đăng ký các thông tin cá nhân.

Nghiên cứu triển khai các công nghệ mới, nhà khai thác phải chủ động tấn công

Tin nhắn rác gây tổn thất không nhổ cho các nhà khai thác vô tuyến ở Mỹ; vì vậy, với sự tổ chức của Hội Vô tuyến điện và Hội Internet Mỹ, các nhà khai thác thông tin vô tuyến của Mỹ tăng cường hợp tác, bỏ ra hàng trăm triệu USD nghiên cứu phát triển  các phần mềm mới để chống tin nhắn rác, tạo nên một thị trường phần mềm triệt tin nhắn rác sôi động.

Ở các nước khác cũng không thiếu các nhà khai thác có các hành động tương tự. Các nhà khai thác viễn thông của Nhật từng đưa thiết bị mới vào, để thuê bao chủ động che lọc các tin nhắn rác có khối lượng phát tán quá 200 lần/ngày; thuê bao còn có thể tự phát tín hiệu không chấp nhận tin ngắn gửi đến ngay trên máy cầm tay của mình.

Hàn Quốc cũng đã cải tiến chức năng của máy cầm tay, cho phép thiết lập danh sách các tin ngắn không chấp thuận ngay trên máy của mình; Công ty Vodafone của Anh  phát minh ra phương pháp báo cáo tự động: khi hệ thống giám sát phát hiện có tin nhắn rác thì máy cầm tay tự động phát tín hiệu báo cáo được miễn phí cho nhà khai thác và cơ quan công an. Tất cả những biện pháp nói trên đều nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình của thuê bao và có tác dụng chống thư rác một cách tích cực.

Thay đổi tư duy, tìm tòi mô hình kinh doanh mới

Nghiên cứu các văn bản luật pháp của các nước liên quan đến xử lý thư rác, có thể phát hiện một điểm chung của các văn bản luật pháp này là đem quyền xử lý thư rác trước tiên trao vào tay thuê bao. Nếu thuê bao không muốn nhận bất cứ tin nhắn quảng cáo nào thì chỉ việc báo số điện thoại của mình cho cơ quan giám quản nhà nước và sẽ không bị phiền hà. Nếu thuê bao nhận thấy một số thông tin quảng cáo còn có ích cho mình và chọn lọc để tiếp nhận, thì người phát tin vẫn phải được sự chấp thuận bằng văn bản của thuê bao, nếu không sẽ bị xem là phát tán thư rác phi pháp.

Đi sâu nghiên cứu vấn đề này có thể nhận thấy “tin nhắn rác” thực ra cũng chỉ là một dạng quảng cáo như các quảng cáo trên truyền hình, trên báo chí, trên đài phát thanh v.v..., chỉ khác nhau ở cách truyền dẫn mà thôi. Vì vậy, cần đổi mới tư duy, làm cho các thuê bao vui vẻ tiếp nhận một phần các tin quảng cáo có ích cho họ và xem đây là một phương thức kinh doanh để tìm ra một mô thức kinh doanh hiệu quả, hấp dẫn, không gây phiền hà cho thuê bao. Ở một số nước, nhà khai thác viễn thông hoặc nhà phát tin quảng cáo ký hợp đồng với thuê bao điện thoại quy định nếu thuê bao nhận một số tin quảng cáo thì được giảm một phần cước phí hoặc được cấp thêm một thời gian đàm thoại nhất định. Trong mô thức kinh doanh này, thuê bao điện thoại đã trở thành người có lợi khi nhận tin quảng cáo, vì vậy mà họ không hề khó chịu hoặc khiếu nại.

Tóm lại, để xử lý thư rác cần có sự đồng tâm hiệp lực của các cơ quan lập pháp, cơ quan công an, cơ quan thương mại, cơ quan quản lý và giám sát thông tin, các nhà khai thác và các thuê bao điện thoại. Đối với các hành vi phát tán thư rác phi pháp phải kiên quyết tấn công kịp thời, còn đối với các thông tin quảng cáo thương mại, cần đổi mới tư duy của khách hàng, dùng mô thức kinh doanh thích hợp làm cho nó trở thành những thông tin có ích trong kinh doanh được thuê bao điện thoại vui vẻ chấp nhận.

                                                                             Nguyễn Ngô Hồng

Tài liệu tham khảo :

[1]. www.dantri.com.vn/suc-manh-so/bkav-nha-mang-thu-gan-3-ty-dong-moi-ngay-tu-tin-nhan-rac-657525.htm

[2]. www.infonet.vn/cong-nghe/nha-mang-ra-tay-xu-CSP-tin-nhan-rac-giam-manh/71486.info

[3]. www.cnii.com.cn  ngày 4/6/2013: Hiểu Nha: Làm thế nào để trừng trị tin nhắn rác.

Tin nổi bật