Việt Nam nên hướng đến chiến lược “u-Việt Nam” (*)

(ICTPress) - Tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2013 với chủ đề "CNTT là nền tảng của phương thức phát triển mới nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia" do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tổ chức ngày 20/6, Nguyên Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Viện Cộng đồng châu Á Yukio Hatoyama là khách mời quốc tế đặc biệt của Diễn đàn đã có một bài phát trọng.

Nguyên Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Viện Cộng đồng châu Á Yukio Hatoyama

ICTPress trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này đến đông đảo bạn đọc.

1. Dẫn đề

Rất cảm ơn quý vị đã mời tôi tham dự lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hôm nay. Tôi đã rất vui mừng khi Ngài Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nghiêm Vũ Khải cho tôi biết về sự kiện này.

Mỗi lần đến thăm Việt Nam tôi đều ấn tượng sâu sắc với sức sống của thế hệ trẻ của đất nước các bạn. Nó làm tôi nhớ về giai đoạn tái kiến thiết sau chiến tranh ở Nhật Bản khi mọi người tràn đầy hy vọng về tương lai và tràn ngập năng lượng. Vì Nhật Bản là đất nước nghèo tài nguyên, nên tài nguyên quan trọng nhất của chúng tôi chính là con người. Việt Nam có thể được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, ví dụ như nguyên liệu đất hiếm, nhưng bồi dưỡng nhân lực chắc chắn vẫn là yếu tố quan trọng nhất cho tương lai phát triển của Việt Nam.

Vào cuối năm ngoái, tôi đã kết thúc sự nghiệp của một chinh trị gia và mùa xuân năm nay tôi đã thành lập Viện Cộng đồng Đông Á. Tôi rất hài lòng nếu như Viện có thể mang lại lợi ích bằng cách này hay cách khác cho nhân dân Việt Nam.

2. Sự tiến hóa của Chính sách KH&CN ở Nhật Bản

Sau khi tuyên thệ không bao giờ phát động chiến tranh, Nhật Bản đổ nguồn lực vào phát triển kinh tế chứ không phải vào sức mạnh quân sự, kể cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Không nói quá là chính công nghệ chuyên sâu đã là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, nhanh chóng biến Nhật Bản thành một trong các nước dẫn đầu công nghệ thế giới.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, bong bóng kinh tế Nhật Bản đã vỡ. Tình hình kinh tế thay đổi đáng kể và trở nên rất khó khăn. Từ khi kết thúc bong bóng cho đến nay kinh tế Nhật Bản đã trì trệ. Tuy nhiên, cho dù ngân sách chính phủ không tăng, chính phủ Nhật Bản tin tưởng vào sự cần thiết của việc liên tục tăng ngân sách cho KH&CN, nền tảng của sức mạnh quốc gia và vì mục đích này Luật Cơ bản về KH&CN đã có hiệu lực từ năm 1995. Kế hoạch này được viết lại 5 năm một lần và hiện đang thực hiện kế hoạch lần thứ tư, kế thừa kế hoạch lần thứ 3, đặt trọng tâm vào sáng tạo đổi mới.

Theo Luật Cơ bản về KH&CN, chính phủ được yêu cầu có các biện pháp cần thiết để đảm bảo nguồn tài chính phù hợp để triển khai Kế hoạch Cơ bản về KH&CN. Nhờ yêu cầu này, thậm chí trong điều kiện kinh tế khó khăn sau đổ vỡ bong bóng kinh tế, Nhật Bản vẫn có thể đều đặn tăng ngân sách KH&CN. Trong Kế hoạch cơ bản lần thứ ba có hiệu lực 7 năm trước, 4 lĩnh vực tối thiết được xác định, đó là khoa học về cuộc sống, công nghệ môi trường, công nghệ và vật liệu nano. Hơn nữa, đã quyết định đặt trọng tâm vào thúc đẩy CNTT&TT.

3. Chiến lược CNTT&TT cùng ảnh hưởng của nó đến Kinh tế và Xã hội Nhật Bản

Ở Nhật Bản, CNTT chứ không phải CNTT&TT có lẽ là thuật ngữ quen thuộc hơn. Khi Internet bắt đầu lan rộng, tỷ lệ băng thông rộng là thấp và phí rất cao. Do vậy, để biến Nhật Bản thành quốc gia CNTT hàng đầu, chính phủ đã hình thành chiến lược “Nhật Bản điện tử” (e-Japan), giảm phí truy nhập Internet còn 1/3 so với trước trong vòng 4 năm trong khi tăng số thuê bao Internet tốc độ cao lên 20 lần. Nói cách khác hạ tầng CNTT ở Nhật Bản được triển khai rất nhanh chóng.

Trong năm 2006, khi các mục tiêu của chiến lược “Nhật Bản điện tử” về cơ bản đã được thực hiện, chính phủ đề xuất chiến lược “u-Nhật Bản” (u-Japan), với mục tiêu là chuyển từ hạ tầng chủ yếu dựa trên dịch vụ hữu tuyến sáng tạo ra mạng phổ cập kết nối liền mạch dịch vụ hữu tuyến và vô tuyến. Chữ u trong u-Japan không chỉ là phổ cập (ubiquitous) mà còn phổ quát (universal), hướng người dùng và độc đáo (unique). Phổ cập có nghĩa là CNTT&TT kết nối mọi ngõ ngách của cuộc sống hàng ngày, tạo ra xã hội kết nối mạng nơi mà mọi công dân truy nhập mạng mọi lúc, mọi nơi và từ bất cứ thiết bị nào. Hơn nữa, chính sách nhằm tạo ra mạng phổ quát, trong nghĩa thúc đẩy tương tác người với người, hướng người dùng theo nghĩa tính đến viễn cảnh của họ và độc đáo trong nghĩa thúc đẩy sức sống cá nhân. Các chính sách này tạo ra giá trị mới ở Nhật Bản.

Lấy ví dụ cụ thể, CNTT&TT có thể được kỳ vọng giúp chúng ta xây dựng một xã hội trong đó có công dân cảm thấy an toàn và được bảo vệ bằng cách chủ động khai thác công nghệ cho các mục đích như xây dựng hệ thống chăm sóc và phúc lợi xã hội giảm sự lo lắng về tuổi già trong một xã hội già đi với tỷ lệ sinh đẻ giảm, hay bằng cách tạo khả năng theo dõi nguồn gốc giúp giải tỏa lo ngại về an toàn thực phẩm và bằng cách thông qua thiết lập hệ thống an ninh nhà ở giúp giải quyết các lo ngại về an ninh xã hội. Hơn nữa, CNTT&TT cũng có vai trò chủ đạo trong phát triển các công nghệ như thẻ điện tử để thúc đẩy hiệu quả kinh tế, hay thông qua cung cấp các công nghệ và dịch vụ kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng.

4. Nhu cầu hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực CNTT&TT

Tôi muốn suy ngẫm một chút về các cách thức mà Nhật Bản và Việt Nam có thể hợp tác trong lĩnh vực CNTT&TT. Tôi nghĩ rằng vì Việt Nam hiện đang trải nghiệm tăng trưởng kinh tế cao, nên rất đáng để tư vấn Việt Nam nên đồng thời tiến vào cái mà chúng tôi tạm gọi là chiến lược “Việt Nam điện tử” hướng đến một hạ tầng CNTT sẵn sàng và chiến lược “u-Việt Nam” hướng đến xây dựng xã hội mạng phổ cập, phổ quát mọi nơi. Tôi nhận thức được rằng nhu cầu địa phương và trạng thái lý tưởng của xã hội nhưng tôi nghĩ rằng kinh nghiệm Nhật Bản sẽ được chứng minh là rất hữu ích trong việc xây dựng các hệ thống như vậy và trong đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, việc tạo ra mạng đơn giản có thể truy nhập bất cứ lúc nào, từ bất cứ đâu bởi bất cứ ai, trên bất kỳ thiết bị nào, cũng như xây dựng một xã hội có thể thu lợi từ một mạng như vậy, có thể coi là mục đích phổ quát.

Giống như Nhật Bản, xã hội Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề. Đầu tiên, rất có ích khi xác định các vấn đề hiện tại cũng như vấn đề trong tương lai gần ở nhiều nhiều lĩnh vực như phong cách sống, y tế, phúc lợi, giao thông, hậu cần, kinh tế, công nghiệp, việc làm và giáo dục của công dân. Các lĩnh vực liên quan khác bao gồm văn hóa, an ninh công cộng, phòng chống thiên tai, môi trường, vấn đề năng lượng, dịch vụ công và quan hệ quốc tế. Sau đó, có thể thực hiện đánh giá xem liệu sử dụng CNTT&TT có ích thế nào trong giải quyết vấn đề đó, nếu có những lợi ích tiềm năng, các khuôn khổ có thể được tạo ra cho hợp tác giữa khu vực tư nhân và chính phủ để đạt được giải pháp. Nhiều vấn đề như vậy đã được chia sẻ giữa Nhật Bản và Việt Nam, nếu trong một số trường hợp nhất định, khi Nhật Bản đi trước trên con đường đến giải pháp, thì tôi nghĩ rằng Nhật Bản có thể cung cấp các trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam. Còn khi mà Nhật Bản cũng chưa đạt được các tiến bộ thì Nhật Bản và Việt Nam có thể hợp tác để tạo ra các hệ thống cần thiết để giải quyết vấn đề.

5. Một khuyến nghị cho các trường Trung học Nghề

Rõ ràng rằng, đào tạo số lớn kỹ sư CNTT&TT là hết sức quan trọng cho cả tương lai phát triển của Việt Nam cũng như để cho các công dân được tận hưởng phong cách sống tiện nghi thoải mái. Nhật Bản và Việt Nam là đối tác chiến lược. Để tối đa hóa lợi ích quốc gia của mình, một số nước chỉ tập trung vào bán sản phẩm của họ ở thị trường nước ngoài, nhưng là đối tác chiến lược, Nhật Bản cần tạo ra mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với Việt Nam. Tuyên bố chung Nhật - Việt hai năm trước kêu gọi hỗ trợ phát triển nhân lực trong lĩnh vực KH&CN. Trong lĩnh vực CNTT&TT, điều quan trọng đối với Việt Nam là đầu tư nguồn lực vào phát triển nguồn nhân lực, sao cho trong tương lai gần nhân dân Việt Nam có thể hiện thực hóa, bằng chính sức mình, một xã hội phổ cập (ubiquitous network society).

Do vậy, tôi muốn khuyến nghị Việt Nam xem xét hệ thống trường trung học nghề Nhật Bản. Tại Nhật Bản, hệ thống giáo dục nói chung bao gồm 6 năm tiểu học rồi 3 năm trung học cơ sở, lại 3 năm trung học tiếp theo và 4 năm đại học. Tuy nhiên, giáo dục chuyên môn tập trung vào kỹ nghệ và công nghệ cũng có cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, với 5 năm trung học nghề nhằm đào tạo sinh viên có các kỹ năng công nghệ thực hành. Hiện thời, có 57 trường như vậy tại Nhật Bản, hầu hết do chính quyền trung ương quản lý. Trong khi khoảng 94% sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm thì trung học dạy nghề có tỷ lệ việc làm là 100%. Đó là vì các doanh nghiệp muốn thuê Việt Nam cũng thiết lập thể chế giáo dục cho đào tạo sinh viên với kiến thức học thuật chuyên môn và kỹ năng công nghệ về CNTT&TT, và không chỉ giới hạn trong lĩnh vực này. Để giúp cho một hệ thống như vậy bắt rễ tại Việt Nam, có lẽ Nhật Bản cần gửi giảng viên và cựu giảng viên từ các trường trung học nghề sang Việt Nam trong một thời gian cần thiết nhất định. Nếu Việt Nam cũng tuyển sinh viên trung học nghề từ cả ASEAN, thì một hệ thống như vậy cũng đóng góp vào phát triển nhân lực trong toàn khu vực ASEAN.

Tôi nghe nói rằng vào năm 2015, các nước ASEAN sẽ hình thành cộng đồng ASEAN. Tôi nghĩ rằng đây là một sự phát triển tuyệt vời. CNTT&TT không còn nghi ngờ gì nữa sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ trong thúc đẩy hoạt động xuyên biên giới mà còn tăng cường hơn nữa cộng đồng này. Đó là lý do tại sao Diễn đàn cấp cao hôm nay là đặc biệt quan trọng.

Tôi hy vọng có một ngày, tất cả khu vực Đông Á cuối cùng sẽ được liên kết trong một cộng đồng duy nhất. Để điều đó xảy ra, quan trọng hàng đầu là phát triển mối quan hệ mạnh mẽ giữa ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tôi muốn kết luận bằng cách bày tỏ hy vọng là Diễn đàn hôm nay có thể đóng vai trò  nhất định trong việc giúp chúng ta đạt được mục tiêu của Cộng đồng Đông Á duy nhất./.

(*) Tít bài do ICTPress đặt

Tin nổi bật