Sách Trắng CNTT-TT năm 2013: Những số liệu ngắn gọn nhất

(ICTPress) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa chính thức phát hành Sách Trắng về CNTT-TT Việt Nam năm 2013.

Đây là tài liệu thường niên chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT và Bộ TT&TT phát hành kể từ năm 2009.

Sách Trắng về CNTT-TT Việt Nam năm 2013 cung cấp thông tin, số liệu thuộc các lĩnh vực của ngành CNTT-TT như Sách Trắng các năm bao gồm: cơ sở hạ tầng CNTT-TT; công nghiệp CNTT, Bưu chính, Viễn thông, phát thanh truyền hình (PTTH), ứng dụng CNTT, nguồn nhân lực, an toàn thông tin.

Cuốn sách cũng tiếp tục cập nhật thông tin về các văn bản pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án quốc gia về CNTT-TT, các sự kiện CNTT-TT nổi bật, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) CNTT-TT tiêu biểu tại Việt Nam.

Những điểm mới trong Sách Trắng CNTT-TT 2013

Ông Trần Nguyên Chung, Vụ CNTT, Bộ TT&TT, đại diện cho Ban Biên tập Sách Trắng 2013 cho biết ngoài những nội dung cơ bản như mọi năm, Sách Trắng 2013 còn bổ sung thêm nhiều nội dung hữu ích như:

Chuyên mục Hiện trạng phát triển ngành CNTT-TT: Bổ sung đánh giá, xếp hạng một số tổ chức quốc tế về ngành CNTT-TT Việt Nam.

Xếp hạng chung về CNTT-TT: Chỉ số phát triển CNTT-TT (IDI): xếp 81/161 quốc gia, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á (2012); Chỉ số sẵn sàng kết nối (NRI): xếp 84/144  quốc gia, đứng thứ 5 khu vực Đông Nam Á (2012)

Xếp hạng về công nghiệp CNTT: Xếp thứ 8 thế giới về gia công phần mềm theo báo cáo của Tập đoàn Tholons (2011); Top 10 nước châu Á - Thái Bình Dương và top 30 thế giới về gia công phần mềm theo báo cáo của Tập đoàn Gartner (2012); TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nằm trong top 100  thành phố hẫn dẫn về gia công phần mềm. Trong đó: TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 16 và Hà Nội xếp thứ 23 (2013).

Xếp hạng về Chính phủ điện tử: Xếp thứ 4 khu vực Đông Nam Á và 81/190 quốc gia (2012). Trong đó, Việt Nam được đánh giá cao về dịch vụ công và ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước.

Xếp hạng về nguồn nhân lực: Xếp thứ 101/161 quốc gia (2012), Việt Nam được đánh giá cao bởi chất lượng đào tạo  các môn Toán và các môn khoa học.

Xếp hạng về phát triển Internet: Top 10 nước Châu Á có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet nhanh nhất và Xếp thứ 3 Đông Nam Á, thứ 8 châu Á và 18 thế giới về số người dùng Internet.

Có các bài viết trong chuyên mục Những nội dung nổi bật năm 2012 gồm: (1) Ngành TT&TT triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về phát triển hạ tầng thông tin; (2) Internet Việt Nam - 15 năm hội nhập và phát triển; (3) Giới thiệu đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất.

Bổ sung thông tin và số liệu thống kê về hạ tầng và thị trường CNTT-TT, như: số thuê bao 3G, số doanh nghiệp đăng ký lĩnh vực công nghiệp CNTT và doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền. Cụ thể:

Dịch vụ điện thoại cố định: VNPT vẫn chiếm thị phần cao nhất (75,4%) tăng thị phần so với năm 2011 (68,8%) sau đó đến Viettel (22,96%) tăng so với năm 2011 (22,3%) còn lại là các nhà cung cấp khác.

Dịch vụ điện thoại di động (ĐTDĐ): Viettel vẫn chiếm thị phần cao nhất (40,05%), MobiFone lấy lại vị trí số 2 với 21,4% ( năm 2011 xếp thứ 3 với 17,9%) và theo sát là VinaPhone với 19,88% (năm 2011 xếp thức 2 với 30,1%) và mỗi nhà cung cấp dịch vụ này chỉ chiếm ½ số thuê bao của Viettel. Vietnamobile vẫn chiếm thị phần cao trong các hãng còn lại với 10,74%. Trong khi đó, xét về thị trường thuê bao 3G thì 3 nhà cung cấp dịch vụ Viettel, MobiFone và VinaPhone vẫn áp đảo với số thị phần gần tương đương trong đó Viettel chiếm 34,73% , theo sát là MobiFone với 33,19% và VinaPhone 29,71% còn lại 2,36% là Vietnamobile.

Thị phần (thuê bao) các DN cung cấp dịch vụ ĐTDĐ 2G và 3G
Thị phần (thuê bao) các DN cung cấp dịch vụ ĐTDĐ 3G

Dịch vụ Internet: Xét về tổng thể thị trường cả truy nhập cố định và di động, hai nhà cung cấp dịch vụ truy nhập Internet chủ đạo là VNPT (62,82%) và Viettel (29,45%), theo sau là FPT (5,73%) và các nhà cung cấp đều tăng thị phần so với năm 2011. Về truy nhập Internet cố định, VNPT chiếm thị phần thuê bao cao nhất với 57,68% (bị giảm so với 2011 là 63,21%) trong khi thị phần truy nhập Internet bằng mạng 3G, VNPT cũng áp đảo với 64,62 % (khi tính gộp cả MobiFone và VinaPhone).

Thị phần (thuê bao) các DN cung cấp dịch vụ ĐTDĐ 3G

Hệ thống PTTH đã phát triển mạnh với 67 đài PTTH và liên tục được nâng cấp, cập nhật các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Dịch vụ truyền hình trả tiền cũng đang phát triển khá nhanh. Tổng doanh thu truyền hình trả tiền đạt hơn 200 triệu USD trong đó truyền hình cáp chiếm 97% doanh thu. Thuê bao truyền hình trả tiền cũng tăng trưởng ấn tượng, truyền hình cáp và truyền hình số mặt đất vẫn là dịch vụ có số thuê bao nhiều nhất đạt lần lượt 4,4 triệu 3,6 triệu thuê bao.

Xét về thị phần dịch vụ truyền hình trả tiền: Về truyền hình cáp, SCTV chiếm thị phần thuê bao chủ đạo với 36,26% theo sau là VTVCab với 22,67%. Trong khi đó, lĩnh vực truyền hình số vệ tinh VSTV và VTC là hai nhà cung cấp chủ đạo với thị phần khá sát nhau trên 43%, AVG là DN mới gia nhập thị trường song cũng chiếm 13,36% thị phần.

Phần nguồn nhân lực CNTT-TT: được kết cấu lại cho phù hợp với nhu cầu tra cứu, bổ sung thông tin và số liệu về  đào tạo nghề CNTT-TT và nhân lực CNTT trong cơ quan nhà nước (CQNN).

Xét về lao động ngành CNTT-TT, lĩnh vực công nghiệp CNTT áp đảo với trên 350.000 lao động, theo sau là lĩnh vực viễn thông với trên 80.000, bưu chính trên 47.000 và PTTH (dưới 20.000).

Xét về nhân lực CNTT trong CQNN cũng được Sách Trắng thống kê một số số liệu cơ bản như bảng dưới đây:

Ngoài ra, Sách Trắng năm nay còn có thêm điểm mới là cập nhật số liệu về tình hình hoạt động các mô hình khu CNTT tập trung và bổ sung danh sách các đơn vị chuyên trách CNTT trong CQNN.

Năm 2014 bổ sung thêm các thông tin, số liệu thống kê báo chí, xuất bản

Sách Trắng 2013 sẽ được phát hành đến các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên trách về CNTT, các tổ chức nước ngoài hoạt động liên quan đến ngành CNTT-TT, các đại sứ quán có các quan hệ hợp tác về CNTT-TT với Việt Nam và các DN CNTT-TT lớn.

Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT và Bộ TT&TT mong muốn Sách Trắng 2013 tiếp tục tài liệu quan trọng khẳng định sự phát triển của CNTT-TT Việt Nam đối với quốc tế, đồng thời là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các CQNN, các tổ chức, DN trong và ngoài nước tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Nhà xuất bản TT&TT cho biết năm 2012, ngoài phát hành song ngữ Việt - Anh, Sách Trắng 2012 đã được Nhà Xuất bản VISTA (Nhật Bản) hoàn thiện xuất bản song ngữ Nhật - Anh và được phát hành rộng rãi tại Nhật Bản. Sách Trắng 2012 phiên bản tiếng Nhật được phát hành đã tạo hiệu quả tích cực cho việc đưa hình ảnh ngành CNTT-TT Việt Nam ra thế giới, nhất là đất nước Nhật Bản - đối tác quan trọng của Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực CNTT-TT mà trong nhiều lĩnh vực quan trọng khác.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT dự kiến sẽ mở rộng phạm vi thống kê trong Sách Trắng để bổ sung thêm các thông tin, số liệu thống các lĩnh vực quan trọng của ngành khác như báo chí, xuất bản nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả và yêu cầu thống kê của ngành TT&TT, Ban Biên tập Sách Trắng cho biết.

HM

Tin nổi bật