Người lao động che giấu hoạt động trực tuyến và nguy cơ

90% người lao động online nhiều lần trong ngày. Do vậy đối với họ, việc tách bạch giữa công việc và cuộc sống riêng dường như rất khó khăn.

Báo cáo gần đây từ Kaspersky Lab - Global Privacy Report cho thấy 59% người dùng thường tìm cách che giấu hoạt động xã hội của mình trước sếp hoặc chủ doanh nghiệp. Xu hướng này cũng được họ áp dụng với đồng nghiệp, với 52% người dùng không muốn tiết lộ các hoạt động trực tuyến cho người cùng công ty.

Trung bình, một người dành 13 năm 2 tháng trong đời để làm việc. Tuy nhiên, không phải tất cả thời gian này được dùng để giải quyết công việc: gần 2/3 (64%) nhân viên thừa nhận vẫn truy cập các trang web không liên quan trong quá trình làm việc.

Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi gần 1/3 (29%) nhân viên tỏ ra phản kháng khi chủ DN muốn biết họ đã truy cập những trang web nào khi làm việc. Trong khi đó, 1/2 (52%) nhân viên thậm chí không muốn đồng nghiệp biết về hoạt động trực tuyến của họ.

Ngược lại, nhiều người lại tỏ ra cởi mở hơn với đồng nghiệp về các hoạt động trên mạng xã hội, nhưng đối với chủ DN thì họ không như vậy. Nguyên nhân có thể là do nhân viên không muốn làm tổn hại hình ảnh của công ty hoặc lo sợ công ty sẽ bắt đầu giám sát hoạt động mạng xã hội của họ khi nhìn thấy năng suất làm việc giảm sút, từ đó đưa ra quyết định bất lợi cho công việc hiện tại. Kết quả nghiên cứu cho thấy 59% nhân viên nói rằng họ không muốn tiết lộ hoạt động trên mạng xã hội của mình với chủ DN.

5% nhân viên cho biết sự nghiệp của họ bị tổn hại do thông tin cá nhân bị rò rỉ. Vì vậy, mọi người đều đắn đo về cách xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong nội bộ công ty và làm thế nào để không gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ đồng nghiệp hiện có.

Marina Titova, Trưởng phòng tiếp thị sản phẩm tiêu dùng, Kaspersky Lab cho biết: “Khi hoạt động trực tuyến trở nên thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, mối phân cách giữa cuộc sống số của nhân viên khi ở nhà và tại nơi làm việc dần mờ nhạt hơn. Điều này không hẳn là tốt hay xấu, đó chỉ là hệ quả tất yếu trong thời đại số. Điều quan trọng là bạn nên thận trọng hơn khi đăng thông tin lên các phương tiện truyền thông xã hội hoặc truy cập những website yêu thích trong quá trình làm việc. Một hành động sai lầm trên Internet có thể gây tác động lâu dài ngay cả với những nhân viên ưu tú và có tiềm năng phát triển sự nghiệp trong tương lai”.

Để không trở thành “con mồi” của các mối đe dọa trực tuyến trong môi trường công sở, Kaspersky Lab đề xuất nhân viên có thể làm theo các nguyên tắc sau: Không đăng bất cứ thông tin nào có nội dung phỉ báng, tục tĩu, hoặc bôi nhọ tổ chức/cá nhân lên mạng xã hội.

Người dùng hãy lưu ý rằng trên lý thuyết, các quản trị viên hệ thống hoàn toàn có thể biết được các website bạn đã truy cập; Không quấy rối, đe dọa, phân biệt đối xử hoặc chê bai đồng nghiệp, đối tác, đối thủ cạnh tranh hoặc khách hàng; không chỉ là trên mạng xã hội, mà còn trong tin nhắn, email, hay bất kỳ phương tiện nào khác; Không đăng ảnh đồng nghiệp, khách hàng, nhà cung cấp, hoặc sản phẩm công ty mà không được sự đồng ý của họ bằng hình thức viết.

Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng Kaspersky Password Manager để đảm bảo phương tiện truyền thông xã hội của bạn và các tài khoản cá nhân khác không bị truy cập trái phép...

QA

Tin nổi bật