Kinh nghiệm cổ phần hóa từ Tập đoàn Viễn thông Telstra

(ICTPress) - Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một trong những chủ đề đáng chú ý đã được các chuyên gia viễn thông từ Bộ Truyền thông Úc, Tập đoàn viễn thông Telstra và Việt Nam trao đổi tại Hội thảo Việt - Úc “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý viễn thông trong môi trường cạnh tranh” do Bộ TT&TT tổ chức ngày 13/8.

Ngành Viễn thông Úc đã trải qua quá trình phát triển bền vững chuyển từ độc quyền nhà nước, độc quyền doanh nghiệp sang thị trường cạnh tranh vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước tiếp đến là việc cổ phần hóa Tập đoàn Telstra. Đến nay Úc đã có hạ tầng mạng viễn thông phát triển với mạng 4G thuộc top đầu thế giới. Bên cạnh đó vẫn đảm bảo tốt việc phổ cập các dịch vụ viễn thông công ích.

Tại sao lại cổ phần hóa Telstra?

Bà Imogen Colton, chuyên gia cao cấp của Bộ Truyền thông Úc cho biết việc cổ phần hóa Telstra do 3 yếu tố thúc đẩy: việc mở cửa thị trường viễn thông là một trong số những cải cách kinh tế ở Úc trong suốt những năm 1980 - 1990; Khả năng xảy ra xung đột lợi ích khi chính phủ vừa là cơ quan quản lý thị trường viễn thông mở, vừa là chủ sở hữu của nhà cung cấp viễn thông lớn nhất; Rỡ bỏ một số rào cản đối với Telstra giúp cho doanh nghiệp này tăng vốn để mở rộng mạng lưới và hiện đại hóa, cạnh tranh trong một thị trường được thương mại hóa và toàn cầu hóa ngày càng tăng.

Vào thời điểm cổ phần hóa năm 1997 doanh thu của Telstra là 16 tỷ USD, giá trị tài sản là 25,9 tỷ USD, có 90% các cuộc gọi cố định, 62% thị phần di động (2,8 triệu khách hàng), sở hữu 50% Foxtel (công ty truyền hình trả trước).

Theo bà Colton khi tiến hành cổ phần hóa rất cần một sự chuẩn bị chu đáo và một trong những điều quan tâm đầu tiên là các vấn đề về chính sách. Đó là có quy định bảo vệ khách hàng mạnh mẽ, trong đó có nghĩa vụ phổ cập dịch vụ (được Ngành hỗ trợ) để đảm bảo sự phổ cập các dịch vụ viễn thông ở các vùng xa xôi của Úc và kiểm soát giá bán lẻ đối với Telstra) để đảm bảo các dịch vụ có giá cước hợp lý. Tiếp theo các vấn đề về vốn từ việc cổ phần hóa nằm ngoài các mục đích cụ thể như tăng cường hạ tầng viễn thông ở vùng sâu, xa; Hỗ trợ các hãng viễn thông, CNTT nhỏ và vừa thành lập các doanh nghiệp mới; Hỗ trợ tiếp cận tới các mạng CNTT và các dịch vụ chính phủ dễ dàng hơn và tăng cường bảo vệ môi trường thông qua việc đóng góp cho Quỹ di sản quốc gia. Vấn đề thứ ba liên quan đến chính sách là khung pháp lý cạnh tranh dài hạn có hiệu lực từ tháng 7/1997. Và thứ tư là chính sách ràng buộc sở hữu nước ngoài.

Bà Colton cũng cho hay cổ phần hóa Telstra là một phần của chính sách bầu cử của Chính phủ Thủ tướng Howard năm 1996.

Quá trình tư nhân hóa của Telstra diễn ra theo các giai đoạn: Tháng 11/1997, 33% cố phiếu đã được bán, năm 1999 là 16,6%, năm 2006 là 31%, năm 2007, cổ phần còn lại của chính phủ được chuyển cho Quỹ Tương lai (Future Fund), một cơ quan đầu tư thuộc chính phủ quản lý và dần được bán hết. Tổng số vốn được huy được được cho cổ phần hóa là 45,6 tỷ USD.

Những lợi ích từ cổ phần hóa Telstra

Theo ông Simon Brookes, Luật sư trưởng quốc tế của Telstra các bên đều được hưởng lợi từ việc cổ phần hóa Telstra. Về phía Telstra, việc cổ phần hóa hoàn toàn đã tạo nên sự thay đổi về quan điểm và thái độ, chuyển từ công ty nhà nước được kiểm soát thành công ty công chúng độc lập được niêm yết trên thị trường chứng khoán và một kế hoạch tham vọng tự đổi mới. Về phía chính phủ, nợ đã được giảm trừ và có thể hỗ trợ cho các sáng kiến chính phủ và xã hội khác. Trong khi đó, khách hàng được cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất. Nhân viên Telstra chia sẻ các chương trình mà hàng ngàn nhân viên có thể tham gia. Cổ đông được chia cổ phần và giá cổ phiếu ổn định. Một điểm đáng lưu ý là hiện nay Telstra có gần 1 triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ, các cổ đông được chi trả cổ phần ở mức ổn định, do đó họ không phải phụ thuộc nhiều vào chính sách an sinh của chính phủ. Lợi ích cho Ngành là thị trường đạt được sự cạnh tranh mạnh mẽ và thúc đẩy ngành phát triển, sáng tạo, phát triển dịch vụ và mạng diễn ra liên tục. Năm 2014, Telstra được vinh danh là công ty tôn trọng nhất ở Úc.

Việt Nam có nên lựa chọn đối tác chiến lược?

Theo ông Sinmon cho biết kinh nghiệm của Telstra cổ phần hóa là một quá trình khó khăn, là một quyết định mang tính chính trị. Cổ phần hóa cần là chiến lược của chính phủ.

Một trong những lợi ích lựa chọn đối tác chiến lược là sẽ có nhà đầu tư chiến lược, có thông tin, kinh nghiệm cổ phần hóa và giá trị cộng thêm cho doanh nghiệp. Thật tốt nếu nhà đầu tư có cùng tầm nhìn, mở rộng tầm nhìn, kinh nghiệm. Tất nhiên điều này cũng phục thuộc vào chiến lược của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn nâng cao trình độ công nghệ tìm tìm nhà chiến lược tương tự. Người dân sẽ có lợi ích vì là người dùng cuối, ông Simon cho biết

Thêm nữa, theo ông Simon việc chọn đối tác chiến lược nên quan tâm tới nhân tố văn hóa.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã cho biết Telstra là Tập đoàn Viễn thông lớn nhất tại Úc và đã có các hoạt động hợp tác với Việt Nam, cụ thể là hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam nay là Tập đoàn VNPT từ năm 1986 khi mà Việt Nam vẫn đang trong thế bao vây, cấm vận đặc biệt là cấm vận về kinh tế và công nghệ cao. Vì vậy, việc hợp tác từ chính phủ Úc nói chung và Tập đoàn Telstra nói riêng đã có vai trò rất quan trọng đối với ngành Viễn thông Việt Nam trong việc tiếp cận công nghệ cao và nguồn vốn để xây dựng lại hạ tầng viễn thông bị tàn phá trong chiến tranh, qua đó giúp Việt Nam thiết lập được hệ thống thông tin kết nối với thế giới. Với sự giúp đỡ của Chính phủ Úc, thông qua hợp tác kinh doanh với Telstra, Việt Nam đã từng bước xây dựng được hạ tầng viễn thông hiện đại làm cơ sở để ngành Viễn thông thực hiện thành công các chiến lược tăng tốc phát triển Ngành. Nước Úc nói chung và Telstra nói riêng đã đào tạo một số lượng lớn nguồn nhân lực chuyên gia viễn thông trong suốt quá trình hợp tác giữa Telstra và VNPT.

HM

Tin nổi bật