Khởi nghiệp Israel: kinh nghiệm từ một quốc gia hàng đầu về công nghệ

(ICTPress) -  “Israel từ một quốc gia nhỏ bé, nghèo, không có tài nguyên cũng đã vượt lên trong chuỗi giá trị và Việt Nam cũng có thể làm như vậy”, GS. Shlomo Maital, Israel đã chia sẻ và đề xuất chiến lược đổi mới căn bản cho Việt Nam “vượt lên trong chuỗi giá trị” trong một buổi nói chuyện gần đây với nhiều doanh nhân tại Hà Nội do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Đại sứ quán Israel tổ chức.

GS. Shlomo Maital tại Hà Nội và học trò TS. Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc Vietsoftware trao đổi về khởi nghiệp

GS. Shlomo Maital là học giả nổi tiếng thế giới về quản trị sự sáng tạo, Trường Quản trị kinh doanh Sloan thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ và Học viện Công nghệ Technion, Israel. Hiện ông là Giám đốc Học thuật của Học viện Quản lý Technion.

Việt Nam cần có chiến lược kinh doanh để "Vượt lên trong chuỗi giá trị"

Bởi nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nước ở Đông Nam Á, đang cạnh tranh với Việt Nam về vị trí truyền thống của chuỗi giá trị. Thông thường, các nước luôn nỗ lực vượt lên trong chuỗi giá trị này, thông qua khả năng cạnh tranh về “yếu tố đầu vào”, tiến tới khả năng cạnh tranh theo hướng nâng cao hiệu quả, và cuối cùng, khả năng cạnh tranh theo hướng sáng tạo. 

Israel, một quốc gia nhỏ nghèo tài nguyên, đã “vượt lên trong chuỗi giá trị” bởi vì không có lựa chọn nào khác. 

Việt Nam có thể "vượt lên trong chuỗi giá trị” bằng cách cạnh tranh ở cả ba vị trí trong chuỗi giá trị: Tạo ra giá trị lớn cho khách hàng với chi phí thấp nhất và mang lại giá trị cho bản thân cũng như cổ đông, bao gồm cả việc theo định hướng sáng tạo trong công nghệ cao.

Kinh nghiệm thực tiễn về đổi mới và khởi nghiệp của Israel

“Tôi có một lời khuyên dành cho các bạn: Hãy mạnh dạn lên, hãy “nhảy cóc” đi. Đừng chờ đợi các nước khác họ làm, họ vươn lên rồi đến lượt mình. Quan trọng hơn hết nếu muốn “vượt lên trong chuỗi giá trị” là đầu tư để đưa công nghệ cao vào hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với lợi thế địa phương”, GS. Shlomo nhấn mạnh đặc biệt đến yếu tố đi sáng tạo trong quá trình phát triển.

1. Israel hỗ trợ sự ra đời và phát triển của trường đại học khoa học và công nghệ ưu tú quy mô nhỏ, nhưng đẳng cấp thế giới.

Hãy ra ngoài và khởi nghiệp, GS. Shlomo Maital khuyến khích những người doanh nhân trẻ Việt Nam và mong muốn khởi nghiệp.

Việt Nam chưa có đại học đẳng cấp thế giới, nhưng hoàn toàn có thể. Với hơn 400 trường đại học, Việt Nam là đất nước của những học giả - đó là yếu tố quan trọng hàng đầu, Việt Nam cần tập trung xây dựng các trường đại học, qui mô không lớn nhưng tiên tiến về các mặt: điều kiện vật chất - kỹ thuật, nội dung đào tạo - nghiên cứu, và tổ chức - quản trị.

2. Chiến lược can thiệp của chính phủ

GS. Shlomo Maital tin tưởng rằng Việt Nam có thể vượt lên trong chuỗi giá trị, bằng cách cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh bằng sáng tạo trong công nghệ cao.

Chính phủ Israel đã thực hiện đầu tư chiến lược vào công nghệ để tạo ra lợi thế cho quốc gia.

3. Làm cho tinh thần khởi nghiệp được phổ biến rộng khắp

Việt Nam cần lan truyền tinh thần khởi nghiệp. Hệ thống pháp luật và những chuẩn mực kinh doanh cần khuyến khích và tạo điều kiện cho khởi nghiệp. Hệ thống này cũng cần tạo ra ý thức xã hội: Trân trọng khởi nghiệp trong bất cứ ngành nghề nào, nếu đem lại lợi nhuận và lợi ích xã hội.

4. Giao thương với các nước láng giềng

Vì lý do địa chính trị, Israel không thể giao thương với các nước láng giềng, ngay cả với Ai Cập là nước chung hiệp ước hòa bình. Đó là bất lợi rất lớn.

Singapore là nơi tiếp nhận đầu tư từ khắp thế giới, và đầu tư vào các nước trong khu vực, trong đó luôn trong nhóm đứng đầu về FDI vào Việt Nam.

Việt Nam nên theo đuổi một chiến lược địa chính trị giống như Singapore. Khối thị trường chung Đông Nam Á (AEC) sẽ ra đời năm 2015. Các DN Việt Nam nếu không sẵn sàng sẽ mất cơ hội kinh doanh trong khu vực, và mất luôn vị thế sân nhà vào DN khác trong ASEAN.

5. Chất lượng và hiệu quả của đầu tư nước ngoài

FDI tại Israel tập trung vào công nghệ cao, nhờ sự hấp dẫn của nguồn nhân lực sáng tạo.

Việt Nam cần quan tâm đến chất lượng và hiệu quả của các dự án FDI đối với cải thiện năng lực cạnh tranh. Không nên chỉ nhìn vào GDP, hoặc quá phụ thuộc vào các yếu tố sẵn có như lao động rẻ, quỹ đất, tài nguyên, điều kiện tự nhiên...

6. Đặt ra chuẩn mực cao

Nhiều công ty đa quốc gia đặt ra mục tiêu cực cao (như Intel) - là mục tiêu tưởng như rất khó để đạt được.

Việt Nam cũng cần phải có mục tiêu cực cao. Ví dụ như mục tiêu mỗi năm phải tăng ba bậc trong năng lực tranh toàn cầu, bằng cách tăng cường giáo dục và công nghệ đẳng cấp thế giới, cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút FDI chất lượng cao, tạo điều kiện cho DN công nghệ cao.

Mỗi người Việt Nam sẽ hiểu và chia sẻ tầm nhìn này, mỗi người Việt Nam sẽ được hưởng lợi, mỗi người Việt Nam sẽ biết phải làm thế nào để đạt được các mục tiêu

7. Tận dụng lợi thế chi phí thấp của sản xuất song song với sáng tạo công nghệ cao.

Israel đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về công nghệ cao, với nhiều sản phẩm thống lĩnh thị trường, đặc biệt trong CNTT, công nghiệp quốc phòng. Israel còn được biết đến là một quốc gia hàng đầu về nông sản và đứng số 1 thế giới về xuất khẩu trái bơ.

Một lợi thế lớn của sản xuất hàng hóa là gần thị trường. Việt Nam cần tối đa hóa cơ hội kinh doanh và giá trị gia tăng tại thị trường nội địa. Không thể chấp nhận thua trong những lĩnh vực dựa vào yếu tố sẵn có, điển hình là nông nghiệp và du lịch. 

Với 7 kinh nghiệm thực tiễn của Israel và những đề xuất của GS. Shlomo Maital cho doanh nhân và các bạn trẻ Việt Nam sẽ là động lực để vượt lên trong chuỗi giá trị.

Nguyễn Quyên

Tin nổi bật