4 yếu tố cốt lõi giúp nhà mạng cạnh tranh với OTT

(ICTPress) - Như chúng ta biết, xu hướng OTT đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi nhà mạng trên thế giới, từ nhỏ đến lớn nhất như China Mobile, AT&T hay Vodafone.

Do mức độ thâm nhập OTT vào cuộc sống tự nhiên và nhanh, nên một số nhà mạng chủ quan, nhận diện hời hợt và chậm chuyển mình ứng phó. Chỉ khi nguy cơ hiện rõ thì các nhà mạng mới bắt đầu tìm giải pháp.

Bài viết đề cập đến những yếu tố cốt lõi mà các nhà mạng lớn trên thế giới thường xây dựng và phát triển để cạnh tranh trước thay đổi môi trường kinh doanh, cụ thể cạnh tranh với xu hướng OTT.

Thực trạng nhà mạng quốc tế

Ảnh hưởng của "bão" OTT

Dự báo từ nhà mạng China Mobile thì đến năm 2018, doanh thu thoại và tin nhắn của họ có thể sẽ giảm xuống mức dưới 50%. Với dự báo này, những nhà mạng có cấu trúc doanh thu chủ yếu dựa vào thoại và nhắn tin sẽ khó khăn sâu trong thời gian tới và các nhà mạng cần nhanh chóng mở rộng lĩnh vực kinh doanh để bù đắp khoản doanh thu bị hao hụt. Hầu hết các nhà mạng lớn đều có các mảng doanh thu bù đắp, bên cạnh thoại và tin nhắn, các nhà mạng đã đầu tư vào lĩnh vực sức khỏe, y tế, giáo dục, quảng cáo, truyền hình, dịch vụ CNTT, tivi, thiết bị di động, M2M… Tuy nhiên, không thể làm tất cả cùng lúc mà phải hiểu rõ địa ngành để chọn cái nào phù hợp nhất đầu tư.

Ngoài ảnh hưởng mạnh về doanh thu, nhà mạng còn bị ảnh hưởng về vị thế kinh doanh. Trước đây, nhà mạng làm chủ thị trường Viễn thông, từ khách hàng, đối tác đến nhà cung ứng nội dung, thiết bị đều ở thế bị động khi liên kết với nhà mạng… thì nay nhà mạng đang dần thay đổi vị thế đúng mức hơn, cùng song hành với các bên hữu quan để tìm phương án phát triển bền vững.

Phản ứng của nhà mạng

Tùy vào đặc điểm của mỗi quốc gia mà nhà mạng có những phản ứng khác nhau. Nhìn chung các nhà mạng thường có khuynh hướng ngăn chặn các nguy cơ trước khi tìm giải pháp thích ứng và vượt qua. Ví dụ các nhà mạng Hàn Quốc, ban đầu cũng tận dụng sự hỗ trợ từ chính phủ để chặn các dịch vụ của KaKao-Talk, nhưng do việc chặn ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng nên họ buộc phải ngừng chặn và tìm giải pháp thích ứng với OTT. Hiện hầu hết các nhà mạng lớn như AT&T, Vodafone, China Mobile và SK Telecom đều tung các gói cước thích ứng với OTT.

Song song với phương pháp điều chỉnh gói cước, các nhà mạng cũng đưa ra các giải pháp "đáp trả" OTT bằng cách cùng liên minh xây dựng các nền tảng dịch vụ truyền thông hợp nhất đặc sắc. Điển hình là nền tảng RCS được hiện thực bởi hệ ứng dụng Joyn, cho phép người dùng có thể chat, chia sẻ nội dung và trao đổi mạng xã hội thuận tiện hơn các OTT đơn lẻ hiện nay. Nền tảng RCS/Joyn là một điển hình ứng phó tích cực của các nhà mạng, tuy nhiên yếu tố thời gian và sự hợp nhất sâu rộng giữa các nhà mạng ở quy mô toàn cầu sẽ quyết định tính hiệu quả của RCS.

Thường các nhà mạng lớn rất chú trọng công tác R&D. Nhờ đầu tư bài bản vào R&D, nhà mạng rất linh hoạt và chủ động đưa yếu tố CNTT tích hợp hài hòa vào Viễn thông một cách nhanh chóng khi môi trường kinh doanh biến đổi. Nhờ vậy, họ có nhiều thuận lợi khi đối mặt với OTT. Họ nhanh chóng đưa ra nhiều nền tảng mới, mô hình kinh doanh mới và các dịch vụ độc đáo phù hợp bản địa kịp thời.

Giải pháp nào cho nhà mạng trong nước

Sự khác biệt và tương đồng giữa nhà mạng trong và ngoài nước

Cơ bản thì các nhà mạng trong nước cũng bị ảnh hưởng giống nhà mạng quốc tế, đều bị tụt giảm doanh thu thoại và tin nhắn. Đây là xu hướng toàn cầu!. Tuy nhiên, do đặc thù ngành ICT Việt Nam, nên mức độ ảnh hưởng của các nhà mạng trong nước có vẻ vẫn chưa đáng kể dù lượng thuê bao 3G đạt gần 20 triệu. Điều này cũng hơi ngạc nhiên!.

Vừa rồi, Apple đã tung nền tảng iOS 7 tích hợp tính năng thoại miễn phí. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy các tính năng cơ bản như gọi và nhắn tin sẽ được tích hợp sẵn vào các nền tảng (Android, iOS, Window Phone, Tizen) trong tương lai, khi đó người dùng sẽ không cần phải cài các ứng dụng riêng lẻ như Viber để gọi miễn phí. Xu hướng này ắt hẳn khiến doanh thu của nhà mạng trong nước tụt giảm nhanh hơn trong thời gian tới.

Có người đã hỏi tại sao nhà mạng Việt Nam không áp dụng cách tính cước giống nhà mạng nước ngoài (miễn phí thoại và tin nhắn, tính cước theo lưu lượng data)? Rất khó cho các nhà mạng trong nước nếu áp dụng cách tính cước theo data vì cấu trúc doanh thu của nhà mạng nước ta chủ yếu dựa vào thoại và tin nhắn. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng data của người Việt chưa cao mà đa phần chỉ tập trung vào thoại, nhắn tin và duyệt Web, chất lượng data thấp nên khó kích thích nhu cầu sử dụng data và tốc độc 3G còn chập chờn… vì vậy nếu nhà mạng áp dụng cách tính cước theo data thì e doanh thu tụt giảm rất nhanh, doanh thu từ data chưa thể bù đắp kịp.

Nhà mạng cần gì để cạnh tranh với OTT?

Xu hướng di động bùng nổ, cùng sự phát triển nhanh của các công nghệ big data, cloud và mobility khiến môi trường kinh doanh hiện nay rất cạnh tranh và đa dạng. Nhà mạng cần bảo đảm chuyển mình đủ nhanh để kịp thích ứng với xu hướng mới. Đối thủ của nhà mạng giờ không chỉ có các nhà mạng cùng ngành, mà còn có nhà cung cấp dịch vụ OTT (Google, Facebook, Viber), nhà sản xuất thiết bị (Apple, Samsung) và cả các lập trình viên …

Quan sát, có thể nhận thấy có 4 yếu tố trọng yếu nền tảng mà các nhà mạng lớn trên thế giới thường có:

Về hạ tầng mạng lưới: năng lực mạng lưới là yếu tố cạnh tranh duy nhất mà chỉ nhà mạng mới có. Tuy nhiên, mạng lưới phải đủ rộng lớn và nhanh để đáp ứng nhu cầu data ngày càng tăng cao. Ngoài hạ tầng mạng Viễn thông, tùy vào chiến lược kinh doanh của mỗi nhà mạng mà họ cần thêm các Data Center, Call Center và Logistic tương ứng. Hạ tầng ICT là yếu tố nền tảng cốt lõi để có thể khai thác tốt xu hướng công nghệ Big Data, Cloud và Mobility.

Nổi bật cho năng lực này là nhà mạng AT&T, họ đã và đang triển khai mạng 4G, có khoảng 38 IDC khắp toàn cầu, và doanh thu năm 2012 khoảng 126 tỷ USD. Một số OTT cũng bắt đầu nghiên cứu giải quyết vấn đề hạ tầng mạng lưới cho mình, điển hình như dự án Google Loon, cho phép người dân toàn cầu kết nối WiFi miễn phí.

Về năng lực R&D: nghiên cứu và làm chủ công nghệ là một trong những yếu tố then chốt giúp mở rộng và tăng trưởng doanh thu bền vững. Không đầu tư bài bản R&D, đồng nghĩa với hạn chế trong việc cung ứng dịch vụ sản phẩm mới, độc đáo đến người tiêu dùng kịp thời.

Minh chứng điển hình về đầu tư R&D là nhà mạng China Mobile. Ngay từ năm 2010, China Mobile đã làm chủ và tự triển khai dự án “Big Cloud” ở cấp quốc gia với năng lực Cloud đáp ứng lên đến 5.000 chip và 3.000 TB.

Về năng lực quản trị: các nhà mạng lớn nhất hiện nay đều có hệ thống quản trị hiện đại. Với hệ thống CNTT hiện đại, họ nhanh chóng nhận biết được xu hướng kinh doanh thay đổi, rủi ro trong ngoài tổ chức để kịp thời điều chỉnh cải tiến kinh doanh phù hợp. Việc ứng dụng CNTT tốt, còn giúp tăng cường khả năng quản trị minh bạch, tự động hóa bán buôn và kiểm soát tốt mọi hoạt động chi phí, đầu tư mua sắm.

China Mobile, AT&T và Vodafone đều là những nhà mạng đại chúng hàng đầu thế giới, họ luôn hướng đến sự minh bạch trong quản trị.

Về trách nhiệm xã hội cộng đồng: muốn phát triển lớn mạnh và bền vững, phải biết lấy cộng động và xã hội là nguồn cội cho sự phát triển. Nhà mạng chỉ thật sự trường tồn nếu biết đặt quyền lợi khách hàng lên trên quyền lợi của chính mình, biết dựa vào chính cộng đồng xã hội để làm tiền đề cho sự phát triển.

Ví dụ, nhà mạng AT&T tạo điều kiện hỗ trợ việc làm cho những người lính hoàn thành nghĩa vụ. Hay nhà mạng China Mobile ưu tiên đô thị hóa nông thôn, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người khuyết tật và vùng xâu vùng xa.

Nếu xây dựng và duy trì tốt 4 yếu tố nền tảng trên, các nhà mạng sẽ tự nhận biết được nên cần làm gì để kiến tạo những giá trị cạnh tranh mới khi môi trường kinh doanh thay đổi.

Phạm Văn Việt - VietPace

Tin nổi bật