Syndicate content

Tiếng nói ICTPress

Thay thương hiệu, Gmobile có thực sự “lột xác”?

Ở thời điểm thị trường đang dần bão hòa, nhưng mạng di động 100% vốn “nội” với thương hiệu Gmobile đến từ Bộ Công an vẫn đang ấp ủ nhiều tham vọng, không từ bỏ mục tiêu là mạng di động lớn thứ tư của Việt Nam, thậm chí còn hơn thế…

Thừa nhận Beeline Việt Nam không thành công

Với thương hiệu mới, liệu Gmobile có thực sự làm nên chuyện?

Trong buổi ra mắt thương hiệu mới thay thế Beeline Việt Nam hôm 17/9, theo Tổng giám đốc Gtel Mobile Nguyễn Văn Dư, trong suốt ba năm có mặt trên thị trường Việt vừa qua, nếu xét về mặt doanh thu, lợi nhuận thì Beeline Việt Nam đã không thành công.

Với một thị trường viễn thông di động cạnh tranh mạnh như ở Việt Nam thời gian qua, ông Dư cho rằng, chỉ ba năm kinh doanh thì Beeline Việt Nam chưa thể có lợi nhuận được. Tuy nhiên, vị lãnh đạo của Gtel Mobile cũng cho hay, dù khẩu hiệu của mạng hiện giờ là “nghĩ mới, làm mới”, nhưng tinh thần Beeline, giá trị sản phẩm và niềm yêu mến khách hàng Việt đã dành cho Beeline chắc chắn sẽ được thương hiệu mới của GTel Mobile kế thừa trọn vẹn và phát triển.

Đại diện của Gtel Mobile cho biết, cách đi của Gmobile giờ cũng khác so với khi mang tên mình tên gọi Beeline. Không còn vốn ngoại góp, giờ là 100% vốn của doanh nghiệp Việt Nam, Gtel Mobile sẽ không đầu tư dàn trải mà đã “đổ tiền” vào đâu đều phải tính tới hiệu quả. Gtel Mobile tiếp tục đầu tư cho việc phát triển vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng, đây là cách làm mà theo ông Nguyễn Văn Dư, ba tháng vừa qua đã phần nào chứng minh hiệu quả cho doanh nghiệp.

Và sự tự tin đó đã giúp Gmobile đặt ra mục tiêu phát triển thuê bao trong năm 2012 chắc hẳn ngay cả ba nhà mạng lớn nhất thị trường hiện nay cũng khó đạt tới. Tổng giám đốc Gtel Mobile Nguyễn Văn Dư không giấu diếm tham vọng đó là tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành mạng di động lớn thứ 4 trên thị trường di động Việt, thậm chí còn cao hơn nữa. Với 3,2 triệu thuê bao có trong tay ở thời điểm này, Gmobile sẽ có được 5 triệu người dùng vào cuối năm 2012.

“Tôi biết thị trường viễn thông di động Việt Nam cạnh tranh quyết liệt, trong đó có các nhà mạng rất lớn, còn chúng tôi là mạng rất nhỏ. Nhưng theo tôi, dù lớn dù nhỏ thì vẫn còn cơ hội để cạnh tranh. Tiềm năng của thị trường viễn thông Việt Nam còn rất to lớn và vẫn đang phát triển. Với sự quyết tâm nỗ lực của mình thì chắc chắn Gtel Mobile sẽ vượt qua được thách thức hiện nay” - ông Dư nói.

Quyết tâm, nhưng có thực sự “lột xác”?

Đã từng đặt niềm tin lớn, và giờ, tinh thần lạc quan vẫn còn trong đội ngũ lãnh đạo của mạng di động Gmobile, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, những yếu tố vẫn chưa đủ để họ có thể xoay chuyển vị thế của mình trên thị trường.

Nếu nhìn vào các chính sách hiện Gmobile đang áp dụng, triển khai, vẫn chưa thấy những đột phá thực sự. Việc phát triển mạng lưới, chất lượng là điều tất yếu để một mạng di động phải có trên thị trường. Với Gmobile, dường như ai cũng nhìn thấy rằng, một phần nỗ lực này được Gmobile gửi gắm vào gói cước Tỷ phú 3 ra mắt đúng ngày công bố thương hiệu mới. Từng giành được thành công lớn từ gói cước tỷ phú, nhà mạng tiếp tục đặt niềm tin lớn vào Tỷ phú 3.

Tỷ phú 3 được bán với giá 35.000 đồng/bộ kit hòa mạng gồm 1 sim Gmobile và tài khoản 1 tỷ đồng có giá trị trong 10 năm. Khách hàng chỉ cần kích hoạt một lần để sử dụng tài khoản tỷ phú trong 30 ngày thay cho việc kích hoạt hàng ngày như các gói cước "tỷ phú" trước đây.

Gói cước tỷ phú đã từng gây sóng gió và giúp Beeline Việt Nam khi trở lại thị trường vào tháng 9/2011 có một lượng thuê bao đáng kể. Nhưng, xem ra, với mức siêu rẻ tiếp tục được áp dụng với tỷ phú 3, Gmobile có thể giành được thêm một lượng thuê bao nhất định, còn lợi nhuận đạt được thì lại là câu chuyện khác.

Không phải không có cơ sở khi một chuyên gia đến từ hãng viễn thông Thụy Điển Ericsson đã phân tích, thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông cho hay tổng số thuê bao di động tại Việt Nam hiện tại đang hơn 122 triệu. Với tổng dân số khoảng 88 triệu như hiện nay, bình quân mỗi người dân Việt Nam sở hữu tới 1,5 thuê bao điện thoại di động. Đây là tỷ lệ tương đối lớn so với các nước trên thế giới.

Nhưng con số 122 triệu không phản ánh số lượng người sử dụng trong thực tế bởi có rất nhiều người dân đăng ký hơn 1 số thuê bao di động. Vì thế, cơ hội để các nhà mạng nâng cao số lượng thuê bao vẫn còn nhưng không quá lớn.

Mặt khác, người sử dụng di động trong nước đã quá quen thuộc với các dịch vụ thoại (voice), tin nhắn (SMS) cơ bản mà các nhà mạng cung cấp. Nhu cầu sử dụng và số tiền họ bỏ ra cho các dịch vụ này không có khả năng thay đổi quá lớn.

Theo thống kê, ARPU (doanh nhu trung bình thu được trên mỗi đầu thuê bao) của Việt Nam khá thấp khoảng từ 3USD - 4USD và đang trên xu hướng giảm. Và khi doanh thu từ các dịch vụ thoại thông thường bị ảnh hưởng thì việc các nhà mạng phải tìm kiếm doanh thu trong việc phát triển các dịch vụ mới, khai thác các ứng dụng mới cho người dùng là điều cần thiết. Việc triển khai cung cấp các gói dịch vụ dữ liệu đang là cơ hội cho những nhà mạng trong nước tìm kiếm nguồn thu mới.

Thiết nghĩ, lời khuyên này có lẽ dành cho tất cả các mạng di động Việt, trong đó có Gmobile ở thời điểm này. Một chính sách phát triển phải thực sự đột phá mới có thể giúp những kỳ vọng lớn mà lãnh đạo nhà mạng Gmobile đã đặt ra trở thành hiện thực.

Hiền Mai

VNMedia

Sửa đổi bổ sung Hiến pháp là để đưa đất nước tiến lên

(ICTPress) - Ngày 18/8 vừa qua, tại Hà Nội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã họp phiên toàn thể lần thứ 4 để cho ý kiến về Dự thảo sơ bộ Hiến pháp (sửa đổi). Dự thảo sơ bộ Hiến pháp (sửa đổi) sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10 tới.

Nhân dịp này, ICTPress giới thiệu bài viết “Sửa đổi bổ sung Hiếp pháp là để đưa đất nước tiến lên” của nhà báo Trần Bình Tám đến bạn đọc để hiểu hơn việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992.


Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.

Qua các thời kỳ kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Mỗi lần bổ sung sửa đổi Hiến pháp đều nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước. Trên tinh thần kế thừa và phát huy những nội dung cơ bản của các Hiến pháp trước đó, tại kỳ họp Quốc hội lần thứ nhất khóa XIII và các kỳ tiếp theo, Quốc hội đã thảo luận việc sửa đổi và bổ sung Hiến pháp năm 1992 không ngoài mục đích đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới phù hợp với đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phù hợp với ý nguyện của toàn dân nhằm đưa đất nước tiến lên.

Điểm lại hoàn cảnh ra đời của các Hiến pháp trước đây chúng ta nhận thấy Hiến pháp năm 1946 đã ra đời sau cuộc cách mạng tháng 8/1945 thành công. Cùng với việc bảo vệ nền độc lập của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân ta phải tiến hành xây dựng chính quyền và ban hành các văn bản pháp luật. Ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, nhà nước ta đã xác định việc xây dựng một bản Hiến pháp là 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ. Cũng tại phiên họp này Hồ Chủ Tịch đã khẳng định: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân phong kiến không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một bản Hiến pháp dân chủ”*. Mặc dù do hoàn cảnh chiến tranh, việc tổ chức tổng tuyển cử bầu nghị viện nhân dân không có điều kiện thực hiện. Vì vậy, Hiến pháp năm 1946 không được chính thức công bố, nhưng Chính phủ cùng Ban Thường vụ Quốc hội luôn dựa vào tinh thần và nội dung của Hiến pháp để chỉ đạo mọi hoạt động của Nhà nước, lãnh đạo toàn dân làm cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

Tổng hợp toàn bộ nội dung Hiến pháp năm 1946 chúng ta thấy mang nhiều dấu ấn của Hiến pháp các nhà nước Tư sản. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ được Đảng và nhân dân ta đặt ra lúc bấy giờ, chứ chưa phải là mục tiêu cách mạng xã hội chủ nghĩa như các giai đoạn sau này của Hiến pháp năm 1959, 1980. Đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp này cũng thu hẹp hơn, chỉ tập trung vào quy định những vấn đề cơ bản liên quan đến việc tổ chức quyền lực Nhà nước mà không mở rộng đối tượng điều chỉnh trong các lĩnh vực khác như văn hóa, kinh tế, xã hội như các Hiến pháp sau này…

Theo đó việc bổ sung điều chỉnh các Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992 đều dựa trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp của từng thời kỳ, phải căn cứ vào nội dung cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và một số các văn kiện khác của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc; kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp để dửa đổi bổ sung những nội dung cần thiết đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Việc nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992 lần này là khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong cương lĩnh (bổ sung phát triển năm 2011) đó là, nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh - Là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Vai trò và trách nhiệm đó được lịch sử giao phó và nhân dân thừa nhận việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ được thực hiện theo một trình tự đặc biệt được quy định tại Hiến pháp. Cả quá trình xây dựng, sửa đổi Hiến pháp đều được sự quan tâm và lãnh đạo của Đảng. Thông thường, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo trực tiếp công việc xây dựng, sửa đổi và bổ sung Hiến pháp và trước khi trình Quốc hội chính thức thông qua bản dự thảo thường được một hội nghị Trung ương xem xét cho ý kiến dựa trên cơ sở tham gia đóng góp xây dựng của mọi tầng lớp nhân dân.

Như vậy việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là một việc làm bình thường, đúng pháp luật, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước. Thực tiễn cho thấy, nước ta đã trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và cả 4 lần đều thu được kết quả tốt đẹp góp phần đưa đất nước tiến lên theo đúng mục tiêu đặt ra là nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Trên thực tế, Đảng và nhà nước ta đang ra sức phấn đấu cho một đất nước vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh. Mục tiêu đó không phải là xa vời mà nó đã và đang trở thành hiện thực.

Trước bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, khủng hoảng kinh tế ở khắp toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh và các cuộc chiến tranh đang diễn ra ở khắp mọi nơi, Đảng và nhà nước Việt Nam vẫn bình tĩnh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đứng vững trước những thử thách và khó khăn vô cùng ác liệt. Chủ động kiềm chế lạm phát, kiên định phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước đưa nền đất nước tiến lên. Hơn nữa việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp là công việc nội bộ của Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Hiến pháp Việt Nam luôn tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và biên giới quốc gia của các nước, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước, đồng thời góp phân xây dựng và bảo vệ nền hòa bình của khu vực và thế giới.

Nhân dân Việt Nam hiểu và tôn trọng những thành quả mà Đảng, Bác Hồ và toàn thể nhân dân đã giành được từ trong khổ đau lầm than và nô lệ. Chúng ta quyết không chấp nhận những kẻ cố tình quay lưng lại với con đường cách mạng Việt Nam, cố tình xuyên tạc, nói xấu và chống lại đường lối quan điểm của Đảng, chống lại nhân dân Việt Nam trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ đoạn và âm mưu của những kẻ phản nghịch không làm cho nhân dân Việt Nam dao động, hoài nghi mà ngược lại còn coi hành động đó là quá tầm thường, hoàn toàn không xuất phát từ lòng tự trọng và tự tôn dân tộc. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tin tưởng vào Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, tin tưởng và ủng hộ, góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 của toàn Đảng, toàn dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đưa đất nước tiến lên.

Trần Bình Tám

* HCM toàn tập - trang 356

Đôi điều bàn về công tác CSKH của VNPT từ nhận dạng thương hiệu

(ICTPress) - Nhận dạng thương hiệu được Tập đoàn VNPT bắt đầu triển khai từ cuối năm 2005 và coi đây là điểm mốc quan trọng trong tiến trình chuẩn bị hội nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ảnh: NN

Trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông (BCVT), VNPT là doanh nghiệp lớn đầu tiên tại Việt Nam xây dựng hệ thống thương hiệu và bảo vệ thương hiệu của mình tại thị trường quốc tế, đặc biệt tại Hoa Kỳ được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (United States Patent and Trademark Office - USPTO) công nhận.

Nhìn chung, công tác nhận dạng thương hiệu đã được VNPT triển khai hiệu quả và đạt được nhiều kết quả khả quan. Có thể thấy, các hình ảnh nhận dạng thương hiệu với khẩu hiệu "VNPT - Cuộc sống đích thực" được đưa vào các sản phẩm dịch vụ của VNPT từ thiết bị đầu cuối, bao bì thư, xe chuyên dụng, xe buýt, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng… đến trang trí ở các nhà trạm, nhà làm việc, đồng phục nhân viên, ấn phẩm phát hành, website, văn phòng phẩm, biển hiệu...

Tuy nhiên, công tác truyền thông để khách hàng hiểu, nhớ đến VNPT và có một kênh gắn kết thật đơn giản mà bền chặt với VNPT thì còn đôi điều cần bàn.

Trước hết, việc đọc đúng bốn chữ cái VNPT như thế nào thì ngay cả CBCNV VNPT đọc cũng chưa thống nhất. Cũng bốn chữ đó nhưng có nhiều cách đọc: Vi-en-pê-tê, Vi-en-pi-ti, Vê-nờ-pê- tê, Vê-nờ-pi-ti. Nếu đọc chuẩn nhất để đưa thương hiệu ra cả thế giới phải là Vien-pi-ti…

Còn về dịch vụ thì cũng khá nhiều dịch vụ có tên gọi khác nhau: chẳng hạn FiberVNN có các cách đọc: Phai-bơ-vê-en-en, Phi-bơ-vê-ên-ên; ADSL thì có thể đọc là a-đê-ếch-eo hoặc ai-đi-ếch-eo… Do đó, thiết nghĩ VNPT nên có qui định rõ phải đọc như thế nào cho chuẩn tên gọi. Thậm chí điều nhỏ nhất là khi có dịch vụ mới, thiết bị mới thì cần hướng dẫn rõ cách đọc (phiên âm cụ thể). Có như thế mới truyền đến CBCNV và khách hàng những thông tin chuẩn để đọc đúng tên Tập đoàn và tên dịch vụ.

Thứ hai, nhận dạng tên của các đơn vị thuộc VNPT cũng chưa có một hệ thống tín hiệu nhận dạng. Chẳng hạn, tại Đà Nẵng có thể thấy các cái tên sau đây cùng tồn tại trên một địa bàn: Viễn thông Đà Nẵng, Công ty Dịch vụ Viễn thông - Chi nhánh Viễn thông Đà Nẵng, Trung tâm Dịch vụ Viễn thông Khu vực III (Vinaphone), Trung tâm Thông tin Di động khu vực III (MobiFone), Trung tâm Viễn thông Quốc tế khu vực III (VTI), Trung tâm Viễn thông Khu vực III (VTN)… Các cái tên đó nghe qua không ai biết họ làm gì, thuộc ai, có quan hệ gì với nhau không. Nếu như tất cả tên đó được hệ thống lại sao cho dễ hiểu kiểu như VNPT-Vinaphone, VNPT-Viễn thông Liên tỉnh Khu vực III, VNPT A… thì khách hàng dễ dàng nhận biết hơn và tăng thêm sức mạnh về thương hiệu cho VNPT, chữ VNPT sẽ được nhắc đến nhiều hơn trong đời sống xã hội.

VNPT có một lợi thế là mạng lưới rộng khắp, nhà trạm phân bố tương đối nhiều trên địa bàn nên hãy tận dụng tối đa nguồn tài nguyên này để khuếch trương thương hiệu VNPT.

Thứ ba, một điều cần nói nữa là số điện thoại chăm sóc khách hàng (CSKH). Đây cũng là “vấn nạn” cho khách hàng khi phải nhớ đến một lô bòng bong các con số điện thoại mà họ đáng ra không cần phải nhớ nhiều như vậy. Mỗi dịch vụ có một đơn vị chủ quản riêng nên số CSKH cũng muôn hình vạn trạng, không có một qui luật nào để khách hàng nhớ. Một số Viễn thông tỉnh thành thì ngoài việc dùng 800126 còn có số chăm sóc cho từng dịch vụ riêng (Gphone, ADSL, IPTV…), Vinaphone và Mobifone thì dùng 1800109x, VDC thì dùng 18001260… Các cấu trúc này dường như không có một qui luật nào chung cả. Nếu VNPT có thể qui hoạch rõ ràng số CSKH có một định dạng cấu trúc theo qui luật 1800xxxx thì tiện hơn cho khách hàng.

Thứ tư, về logo, hiện nay, tất cả các đơn vị dọc đều xây dựng logo riêng cho mình. Như vậy phần nào làm yếu đi nhận dạng thương hiệu về logo của Tập đoàn. Người viết bài này thiết nghĩ nếu các đơn vị thành viên của Tập đoàn chỉ dùng chung một logo của Tập đoàn chứ không nên dùng riêng và bên dưới ghi tên các đơn vị thành viên.

Cuối cùng, về tên miền Internet thì các đơn vị trong VNPT cũng dùng đơn lẻ. Cụ thể: VDC có tên miền vdc.com.vn; Vinaphone có tên miền Vinaphone.com.vn, nhưng VNPT thì tên miền là vnpt.vn. Do đó, cần phải làm sao tên miền tất cả các đơn vị đều có VNPT làm tiền tố và thống nhất cấp tên miền để khi tìm kiếm (search) trên mạng qua 4 chữ VNPT sẽ hiện ngay tất cả các địa chỉ Website của các đơn vị thành viên. Nếu không thực hiện được như vậy thì ngay trang chủ của các Website các đơn vị thành viên phải thuận tiện nhất để người truy cập có thể link đến các đơn vị khác của Tập đoàn.

VNPT vẫn đang nỗ lực hoàn thiện để đưa thương hiệu đến gần mọi người hơn và trên đây là một vài ý kiến nhỏ về nhận dạng thương hiệu VNPT.

Cách Tân

VNPT, một trong những DNNN hoạt động hiệu quả nhất sau 6 tháng đầu năm

(ICTPress) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2012 đạt 4.38%, giảm 1.25 so với cùng kỳ, trong đó khu vực dịch vụ tăng 5,57%. Chỉ số giá tiêu dùng CPI 6 tháng đầu năm tăng 12,2% nhưng chỉ số giá dịch vụ bưu chính viễn thông (BCVT) giảm 1,67% so với cùng kỳ.

VNPT Lào Cai giới thiệu các dịch vụ viễn thông cho bà con (Ảnh: NN)

Thị trường Viễn thông - Công nghệ thông tin (CNTT) đầu năm mặc dù bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, doanh thu thuần lĩnh vực BCVT 6 tháng đầu năm vẫn ổn định và đạt mức tăng trưởng khá cao. Tổng doanh thu thuần BCVT 6 tháng đầu năm ước tính đạt gần 75.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2011.

Ngay từ đầu năm, Tập đoàn VNPT đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các đơn vị thành viên tích cực hợp tác để cùng phối hợp kinh doanh, thu hút khách hàng, tăng doanh thu, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Với những giải pháp này, VNPT đã đạt được những kết quả khả quan trong tình hình khó khăn như sau:

Tổng doanh thu toàn VNPT ước đạt 57.000 tỷ, đạt 42% kế hoạch năm, bằng 118 % so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu BCVT - CNTT đạt khoảng 48.420 tỷ, đạt 42% kế hoạch năm, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng lợi nhuận ước đạt gần 4000 tỷ đạt gần 39% kế hoạch, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận đạt 3.600 tỷ, đạt 35,5% kế hoạch, tăng khoảng 66% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 3.000 tỷ, đạt gần 41% kế hoạch tăng gần 5,9% so với cùng kỳ.

VNPT chứng tỏ là một trong những tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động hiệu quả nhất. Tuy nhiên, VNPT vẫn cần tiếp tục tìm kiếm những giải pháp, thực hiện việc tái cơ cấu tập đoàn theo hướng gọn nhẹ, linh hoạt, hiệu quả, xứng đáng với sự kỳ vọng của Nhà nước và nhân dân.

TT

Quản vấn nạn SIM rác sau thông tư 04/TT-BTTTT - Cần hợp tác đồng bộ

(ICTPress) - Vấn nạn SIM rác vẫn luôn là điều khiến các nhà mạng và Bộ chủ quản (Bộ Thông tin và truyền thông - Bộ TT&TT) đau đầu.

Ảnh: Vietnamnet

Trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý đã áp dụng rất nhiều biện pháp để đẩy lùi vấn nạn này, bao gồm việc yêu cầu đăng ký thông tin thuê bao trả trước, sẽ cắt liên lạc nếu phát hiện đăng ký thông tin sai; mỗi người chỉ được sở hữu tối đa ba (3) sim trả trước của một mạng. Số thừa ra cũng sẽ bị cắt liên lạc; các đại lý không được phép bán sim kích hoạt trước, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt.

Tuy nhiên, các biện pháp đó vẫn chưa đạt được mục tiêu của nó vì quản lý không theo kịp sự phát triển của đối tượng bị quản lý. Số SIM rác vẫn tiếp tục tăng đến chóng mặt. Theo thống kê vào thời điểm 4 năm trước, nhà mạng cứ tung ra 4 sim thì có 1 sim ở lại mạng (25%). Cho đến năm 2011, MobiFone tung ra thị trường 30 triệu SIM thì cuối năm chỉ giữ lại được 500.000 SIM (khoảng 1,66%), nghĩa là con số giảm tới 15 lần. Chưa có con số thống kê cụ thể đối các nhà mạng khác như Vinaphone, Viettel. Nhưng xét về đối tượng khách hàng trả trước của các nhà mạng này mà chủ yếu là giới trẻ, sinh viên, ham mê khuyến mại thì con số SIM còn ở lại của các nhà  mạng này có lẽ còn  thấp hơn nhiều. Tuổi thọ trung bình của SIM trả trước rất ngắn, chỉ từ 6 tháng đến 1 năm.

Sau ngày 1/6/2012, ngày Thông tư 04/04/TT-BTTTT của Bộ TT&TT có hiệu lực, khách hàng vẫn rất dễ dàng mua được SIM trả trước được kích hoạt với khuyến mại lớn của các nhà mạng. Tuy nhiên, giá SIM cao hơn một chút vì lo ngại nguồn cung bị các nhà mạng siết chặt ở một số nơi. Có nhiều lý do khiến Thông tư của Bộ TT&TT chưa phát huy hiệu quả cao:

Một là, các đại lý vẫn còn sim kích hoạt trước từ trước, nên giờ vẫn tiếp tục bán nốt để thu hồi vốn;

Hai là, một số đại lý nhỏ lẻ từ trước tới nay chỉ lấy SIM về bán sẵn chứ không quan tâm đến quy định mới. Nhiều đại lý biết quy định nhưng thấy thị trường vẫn bán SIM kích hoạt trước tràn lan nên cũng không có lý do gì để ngừng bán;

Ba là, việc siết chặt quản lý chưa đồng loạt, có thể nói vào những ngày đầu sau khi Thông tư có hiệu lực, chưa có cơ quan quản lý nào đi kiểm tra và xử phạt nên các đại lý cũng như doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục bán SIM kích hoạt trước;

Bốn là, các đại lý vẫn có cách lách luật như nhờ bạn bè, người thân đứng tên đăng ký hộ một số SIM số đẹp.

Quản lý thông tin thuê bao trả trước là một việc rất nan giải. Sau nhiều năm thực hiện với nhiều biện pháp khác nhau, số thông tin thuê bao trả trước chính xác mà cơ quan quản lý cũng như các DN chỉ chiếm một số rất ít cho đến thời điểm này. Với Thông tư mới, Bộ TT&TT hy vọng sẽ đạt được kết quả cao hơn, nhưng nếu các Sở TT&TT không ra quân đồng loạt, xử phạt nghiêm các đại lý thì mọi việc vẫn y như trước đây.

Có ý kiến cho rằng cần xử phạt DN viễn thông vì đây là đầu mối để cung cấp phương tiện kích hoạt SIM trả trước, nhưng đó chỉ là một phần trong công cụ xử lý vì người thực hiện trực tiếp là các đại lý. Bên cạnh đó, việc phạt các DN viễn thông vài trăm triệu có thể chưa thấm vào đâu và liệu có tác dụng răn đe. Nhưng với đại lý đó là một số tiền lớn nên xử phạt các đại lý như vậy chắc chắn việc quản lý sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, số lượng cũng lên tới hàng chục ngàn đại lý trên toàn quốc mà lực lượng của cơ quan quản lý thì lại mỏng.

Ngoài ra, SIM được kích hoạt mà hiện các đại lý SIM thẻ đang bán là từ trước, còn tồn đọng với số lượng lớn và việc xử lý tồn tại này đã xảy ra trong quá khứ là cả một quá trình vì thế không thể thực hiện ngay được. Cùng với việc các đại lý có tự động kích hoạt SIM hay không từ khi Thông tư 04 có hiệu lực cũng chưa thể xác định được cần có sự kiểm tra.

Cơ quan quản lý và các nhà mạng đã nhiều lần họp bàn với nhau để tìm ra những đề xuất mới nhằm xóa bỏ vấn nạn SIM rác. Theo kết quả các cuộc họp, trong thời gian tới, có thể những biện pháp sau sẽ được áp dụng như:

Thu cước hòa mạng đối với thuê bao di động trả trước giống như thuê bao trả sau. Cục Viễn thông hiện đang xây dựng quy định về mức phí và các vấn đề liên quan để nhanh chóng đưa vào áp dụng trên thực tế.

Một mức giá SIM chung được áp dụng cho tất cả các nhà mạng. Và giá bán SIM sẽ bằng giá sản xuất ra SIM (chi phí tạo SIM trắng cộng phí tài nguyên sử dụng kho số), tạm tính bán vào khoảng 15.000đ, còn tài khoản bằng 0. Khách hàng sẽ phải mua thẻ cào để nạp tiền vào tài khoản. Đây là một biện pháp hay nhưng cần sự điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước, bởi trong thời gian vừa qua các nhà mạng đua nhau cạnh tranh để thu hút thuê bao nên ngày càng sa lầy vào các chương trình khuyến mãi lớn cho SIM rác. Không nhà mạng nào chịu nhường bước và hệ quả là cùng nhau kéo ARPU xuống nhóm thấp gần nhất thế giới. Sự điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp các nhà mạng tăng được ARPU cũng như quản lý tốt hơn thông tin của thuê bao trả trước.

Xây dựng chính sách ưu đãi cho thuê bao trả sau. Thời gian qua, thị trường nóng hơn bao giờ hết với cuộc đua phát triển thuê bao trả trước. Theo lý thuyết, cước trả sau sẽ rẻ hơn cước trả trước, tuy nhiên, với những chương trình khuyến mại lớn cho thuê bao trả trước thì tính ra, cước trả trước bằng, thậm chí có thể rẻ hơn trả sau. Chẳng hạn cước liên lạc trả trước khoảng 1.400 đ/phút, nhưng được khuyến mãi 100% cho 5 - 10 thẻ nạp đầu tiên và đều đặn hàng tháng có chính sách khuyến mãi tặng 50% thẻ nạp. Trong khi đó, cước trả sau khoảng 1.000 đ/phút nhưng phải đóng phí thuê bao là 50.000 đồng/tháng. Với 50.000đ, thuê bao trả trước sẽ được tặng thêm 25.000đ và gọi được được khoảng 54 phút, đó là chưa kể nếu dùng SIM rác sẽ được hưởng khuyến mại 50.000 đ và gọi được 71,5 phút. Còn thuê bao trả sau phải trả khoản tiền thuê bao hàng tháng là 50.000đ.

Như vậy rõ ràng việc khách hàng chuyển sang dùng trả trước là rất dễ hiểu. Số thuê bao trả sau chỉ chiếm từ 7- 9%  tổng số thuê bao của các nhà mạng. Do đó, để giảm thiểu vấn nạn SIM rác, thì biện pháp cần thiết là khuyến khích khách hàng chuyển sang thuê bao trả sau với những hợp đồng gắn chặt với các nhà mạng trong thời gian một vài năm. Như vậy, các thuê bao trả sau sẽ được hưởng ưu được nhiều hơn và các nhà mạng cũng bớt đi mối lo khách hàng nhảy mạng. Thị trường sẽ trở nên ổn định hơn bây giờ.

Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ ban hành Thông tư điều chỉnh giá cước giữa thuê bao trả sau và thuê bao trả trước, giữa thuê bao đăng ký mới và thuê bao cũ đang sử dụng để tạo sự phát triển bền vững thuê bao di động.

Các nhà mạng cũng cần xây dựng những gói cước giữ chân khách hàng là thuê bao di động trả sau, ví dụ như tặng smartphone nếu khách hàng ký hợp đồng với nhà mạng 2 năm.

Tóm lại, việc quản lý thuê bao trả trước hay vấn nạn SIM rác là một việc làm đòi hỏi sự đồng bộ và hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà mạng.

 TT

Thủ tục và kỹ thuật chuyển mạng giữ số - cần nghiên cứu kỹ

(ICTPress) - Dự kiến tháng 10/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ chính thức cho triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số. Khi đó, các thuê bao điện thoại di động có thể được đổi mạng, sử dụng các dịch vụ của mạng khác nhưng vẫn được giữ số cũ.

Hiện đề án “Chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam” vẫn đang được Bộ TT&TT  tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến đóng góp từ các đơn vị liên quan để quyết định việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số trong thời gian tới.

Hai thủ tục cơ bản

Việc chuyển mạng giữ số được dựa trên một kỹ thuật gọi là Mobile Number Portablility (MNP). Và MNP đã được thực hiện theo nhiều cách khác nhau trên thế giới. Có hai thủ tục cơ bản:

Một là, do mạng mới hướng dẫn (Recipient-Led)  khi khách hàng muốn đổi số sang nhà mạng mới (recipient, mạng đích hay mạng nhận), nhà mạng mới sẽ thực hiện các thủ tục với nhà mạng cũ (Donor, mạng cho hay mạng nguồn) để thực hiện thủ tục này và đó là cách phổ biến ở châu Âu và trên thế giới.

Hai là, do mạng cũ hướng dẫn (Donor-Led), khách hàng tiếp xúc với mạng cũ để có Mã cho phép chuyển đổi ( Porting Authorisation Code - PAC) hay Mã chuyển đổi duy nhất (Unique Porting Code - UPC) và cung cấp cho mạng mới. Sau đó mạng mới sẽ liên hệ với mạng cũ tiến hành thủ tục chuyển đổi. Cách này bị chỉ trích bởi vì tính thiếu hiệu quả của việc phụ thuộc của khách hàng vào nhà mạng cũ, nhà mạng mà khách hàng muốn rời bỏ. Tuy nhiên, nó cũng cho phép nhà mạng cũ có thời gian chinh phục lại khách hàng. Thủ tục do mạng cũ hướng dẫn được thực hiện ở một số nước như Anh, Ấn Độ.

Kỹ thuật MNP

Kỹ thuật chủ yếu của MNP dựa trên việc định tuyến (route) các cuộc gọi hay các thông báo (SMS, MMS) đến số điện thoại đã được chuyển số (ported). Có nhiều cách thức định tuyến khác nhau được thiết lập trong các mạng trên thế giới. Tuy nhiên, theo cách thông thường của châu Âu và quốc tế thì sử dụng một cơ sở dữ liệu chung (Central Database - CDB) tầm quốc gia cho các số chuyển đổi mạng. Các nhà khai thác mạng sẽ sao chép (copy) cơ sở dữ liệu chung này về cơ sở dữ liệu riêng của từng nhà mạng và thực hiện việc truy vấn (query) các số chuyển đổi để định tuyến cuộc gọi đến đó. Cách truy vấn này gọi là All Call Query (ACQ), hiệu quả và khá uyển chuyển (scalable). Và đa số các nhà khai thác mạng trên thế giới dùng mô hình (CDB/ACQ) này cho phương pháp định tuyến đến các số chuyển mạng.

Tuy nhiên có vài quốc gia không theo mô hình đó, ví dụ như Anh. Trong đó, cuộc gọi đến số đã chuyển mạng vẫn được định tuyến qua mạng cũ (donor network), sau đó từ mạng cũ sẽ định tuyến đến mạng mới (recipient netwok). Điều này gây lãng phí tài nguyên mạng truyền dẫn và dung lượng chuyển mạch (switching capacity). Trong mô hình không tập trung, chức năng FNR (Flexible Number Register) sẽ thực hiện việc quản lý dữ liệu số chuyển đi (ported out), số chuyển đến (ported in) để định tuyến cuộc gọi. Vì bản chất phụ thuộc mạng cũ (donor dependent) nên cách thức định tuyến gián tiếp (indiret routing) sẽ làm rớt các cuộc gọi chuyển số nếu mạng cũ (donor) bị lỗi hay ngưng hoạt động. Chính vì thế mà cơ quan điều phối viễn thông của Anh  Ofcom (The Office of Communications) đã yêu cầu MNP ở Anh phải chuyển đổi mô hình sang CDB/ACQ chậm nhất vào 01/9/2009.

Trước năm 2008, việc chuyển mạng giữ số sẽ được thực hiện trong 5 ngày làm việc ở Anh so với hai giờ ở Mỹ, hai mươi phút ở Ireland hay thậm chí ngay tức thời ở New Zealand [1]. Tuy nhiên thời gian chuyển mạng giữ số đã được rút ngắn từ 5 ngày xuống 02 ngày từ 04/2008), xuống 02 giờ từ 09/2009 ở Anh. Thời gian trung bình cho thủ tục MNP là 03 ngày ở Brazil, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Pháp, Áo, Albani, Hà Lan,... MNP thường là miễn phí ở nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Hồng Kông,.. và có phí 2 đô la ở Singapore, 99 baht ở Thái Lan, 1000 Uôn ở Hàn Quốc, 25 Euro ở Đức,…

Kinh nghiệm triển khai ở một số nước

Việc tiến hành MNP không thể thực hiện ngay ngày một ngày hai vì cần phải có các điều kiện kinh tế, kỹ thuật.

Kinh nghiệm ở Pháp cho thấy, theo quyết định  2002/22/CE  của Nghị viện Âu châu vào năm 2002, thì các quốc gia thành viên phải thiết lập các cơ sở kỹ thuật cho việc chuyển mạng giữ số. Đến 30/06/2003, việc chuyển mạng giữ số các thuê bao di động với thời gian là 10 ngày. Và đến năm 2009, ARCEP (Cơ quan điều phối thông tin điện tử và bưu chính (Pháp) - Autorité de régulation des communications électroniques et des postes) mới đưa ra thủ tục cho việc thiết lập chuyển mạng giữ số với thuê bao cố định. Từ 7/2011, một thủ tục thiết lập chuyển mạng giữ số cho thuê bao di động được rút xuống 3 ngày (tuy nhiên vẫn 10 ngày ở Re1union và Myotte). [2]

Mỹ áp dụng chính sách chuyển mạng giữ số vào tháng 11/2003 tại 100 thành phố nhưng đến tháng 5/2004, chính sách MNP được áp dụng trên toàn nước Mỹ. Các nhà mạng thực hiện yêu cầu chuyển mạng giữ số của thuê bao miễn phí và chỉ mất 2 giờ đồng hồ. Ý tưởng về MNP xuất phát từ năm 1995 và dự định sẽ triển khai chính sách MNP vào năm 1999 nhưng phải trì hoãn nhiều lần vì các vấn đề khó khăn trong kỹ thuật của các nhà mạng và sự phản đối của một số hãng viễn thông. Theo số liệu của FCC, trong năm đầu tiên ứng dụng MNP, chỉ có 7,8 triệu người Mỹ sử dụng dịch vụ MNP. Hơn thế nữa, các nhà mạng nhỏ không gia tăng thuê bao, mà 5 nhà mạng hàng đầu lại thâu tóm hầu như toàn bộ những khách hàng sử dụng MNP. Một trong những lý do khiến các thuê bao di động Mỹ không hào hứng với chính sách chuyển mạng giữ số chính là các chiến lược “khoá” thuê bao của các nhà mạng Mỹ. Các thuê bao không thể chuyển mạng vì họ bị vướng phải các loại phí, hình thức thành viên và hợp đồng dài hạn. [3]

Sau khi triển khai chính sách chuyển mạng giữ số (MNP), Phần Lan lại là một trong số ít những nước có sự thay đổi mạnh mẽ, số thuê bao yêu cầu chuyển mạng giữ số cao. Chính sách chuyển mạng giữ số được Phần Lan triển khai vào ngày 25/7/2003. Chỉ trong 1 năm, từ tháng 8/2003 đến tháng 8/2004, thị phần của 3 hãng lớn là TeliaSonera, Elisa, và DNA đã giảm từ 98,7% xuống 87,9%. Chính cuộc “cách mạng chuyển mạng đổi số” đã dẫn đến sự thay đổi trong thị phần giữa các hãng viễn thông. Cơ quan viễn thông Phần Lan cho biết trước khi chính sách MNP thực hiện, tỷ lệ rời mạng của TeliaSonera và Elisa chỉ khoảng 15%. Tuy nhiên, sau khi triển khai chính sách MNP, tỷ lệ rời mạng đã tăng đáng kể, ở mức 30% với cả hai nhà mạng. Thực tế, có nhiều yếu tố giúp chính sách MNP phát huy hiệu quả tại Phần Lan. Chẳng hạn, Phần Lan là một trong số những quốc gia châu Âu cấm các chính sách trói buộc thuê bao, cấm trợ giá máy đầu cuối, cấm bán những mẫu điện thoại khóa SIM và cấm nhà mạng đưa ra các hợp đồng cam kết sử dụng dịch vụ lâu dài. Ngoài ra, thủ tục chuyển mạng giữ số đơn giản, miễn phí, và cả các chiến dịch marketing, quảng bá về chính sách chuyển mạng giữ số đã tác động đến các thuê bao. [4]

Giải pháp MNP là một giải pháp có lợi cho kho tài nguyên số quốc gia nói chung và người tiêu dùng nói riêng. Ngoài ra, theo Cục Viễn thông: “Việc chuyển mạng giữ nguyên số sẽ góp phần mang lại nhiều quyền lợi cho khách hàng như: thoải mái lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Không những thế, hoạt động chuyển đổi này còn giúp cơ quan quản lý nhà nước có thêm công cụ để theo dõi và phát triển lĩnh vực thương mại điện tử.” [5]

Tuy nhiên, quá trình thực hiện MNP là một quá trình chuẩn bị tương đối dài về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hành lang pháp lý, nhu cầu của thị trường và lợi ích của nhà khai thác. Việc triển khai MNP không nhất thiết thành công ở tất cả các môi trường kinh doanh dịch vụ viễn thông, vì vậy Bộ TT&TT cũng cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm triển khai của các nước để áp dụng MNP thành công ở Việt Nam.

Trung Thành

Tài liệu tham khảo:

[1]. Mobile number portability, http://en.wikipedia.org/wiki/Mobile_number_portability

[2]. Conservation des numéros mobiles, http://www.arcep.fr

[3]. "Chuyển mạng giữ số" ế khách tại Mỹ, ICTnews, 13/10/2010.

[4]. Phần Lan náo nhiệt với "chuyển mạng giữ số", ICTNews, 15/12/2010.

[5]. Đề xuất đổi mạng được giữ số khiến kẻ mừng, người lo, Người đưa tin, 29/05/2012.

Ghập ghềnh đường ra Trường Sa

(ICTPress) - Mặc dù được báo trước nhưng lần thứ 2 ra với đảo, với người Trường Sa trong lòng tôi vẫn tràn đầy cảm xúc.

Đứa con thứ hai của tôi có tên Trần Bách năm 2001 khi ấy chưa tròn 6 tuổi nhưng cu cậu rất thích những sự phân công của bố như kiểu bộ đội, rất thích những từ “tuân lệnh”, “rõ và hết”… Lần ấy cháu đi mẫu giáo lớn, mọi thư từ, chữ nghĩa của tôi viết cho vợ và các con đều thông qua mẹ và anh trai. Trước khi lên đường ra Trường Sa tôi ghi lại mấy dòng đại loại như sau: “Em và các con thân yêu! Vài tiếng nữa bố sẽ bay vào Nha Trang để đi công tác ở Đảo Trường Sa, vì mẹ đi làm, các con đi học nên bố gửi lại thư này phân công cho Minh và Bách: Đồng chí Minh là người đàn ông lớn nhất trong nhà (khi đó cháu 11 tuổi) phải đảm trách mọi công việc nặng nhọc, quán xuyến việc nhà cửa và giúp mẹ chăm em. Đồng chí Bách phải ngoan hơn, ăn ngủ đúng giờ và đi học đều, riêng mẹ hãy coi như bố vẫn còn ở bộ đội, mà bộ đội thì việc xa nhà là thường…”.

Mấy dòng ngắn ngủi ấy vợ tôi vẫn giữ trong tủ hơn 10 năm qua… Lần công tác này tôi chẳng phải lo như lần trước, từ việc chuẩn bị quần áo, chè thuốc, thẻ cào để làm quà tặng các chiến sỹ Trường Sa đều do Minh và Bách đảm nhiệm. Trước lúc lên đường tôi đã mất một đêm không ngủ, chuyện nhỏ thôi nhưng sao vẫn cảm thấy cay cay nơi sống mũi, nói ra thì thấy xấu hổ mà không nói thì không sao nuốt nổi cái cục đắng này. Chẳng là lúc nhận được giấy mời của Quân chủng Hải quân gửi cho đoàn nhà báo của Bộ, tôi có báo cáo lãnh đạo cơ quan và đặt vấn đề xin một chút kinh phí làm quà tặng cho các đảo. Thay bằng nhận được sự đồng tình chia sẻ, tôi chỉ nhận được cái lắc đầu và câu trả lời lạnh tanh: Làm gì có tiền và biết thanh toán vào đâu?…vv và vv… Thế là tôi bực, bực đến tím tái người. Buổi tối tôi bàn với vợ con, bố muốn có ít quà mang ra Trường Sa, vừa dứt lời vợ và các con tôi hỏi luôn: Bố cần những quà gì? Tôi trả lời: Nhiều lắm, nhưng bố chỉ muốn gọn nhẹ thôi, năm nay bố già rồi không khỏe như 10 năm trước nữa.

Hôm sau vợ con tôi sắm một túi quà và dặn rằng: Trong số 20 thẻ cào loại 100 nghìn đồng có 6 cái là của anh Thắng ở Thư viện Hà Nội gửi, anh ấy là lính công binh thời đánh Mỹ đấy, còn lại thuốc, chè, dao cạo… thì của nhà mình. Tôi thích cái từ “của nhà mình” nghe vừa yêu, vừa đoàn kết, nhưng rồi lại thoáng buồn khi làm phép so sánh giữa việc đề xuất với cơ quan và đề xuất với vợ con cùng một sự việc lại cho hai kết quả khác nhau…

Máy bay hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, mọi suy nghĩ trong tôi tan biến nhường chỗ cho sự háo hức với công việc sắp tới. Chiếc xe 16 chỗ ngồi của Quân chủng Hải quân ra tận sân bay đón chúng tôi về quân cảng. Sự hối hả bắt đầu từ đây…!

Bữa cơm đầu tiên được thưởng thức mang đậm chất bộ đội, tôi quen rồi nhưng nhiều đại biểu thì còn ngỡ ngàng, ngạc nhiên lắm. Buổi chiều họp mặt đoàn công tác, đồng chí Trưởng đoàn quán triệt toàn bộ nội dung chuyến đi. Ông căn dặn rất nhiều nhưng tựu trung lại là mỗi đại biểu phải làm hết sức mình để chuyến đi thu được kết quả tốt đẹp, để tình cảm và hình ảnh của các đại biểu đọng mãi trong lòng quân và dân Trường Sa… Tôi thích bài phát biểu của anh Đinh Gia Thật, Chuẩn Đô đốc - Phó Chính Ủy Quân chủng Hải quân. Anh nói ngắn gọn nhưng lượng thông tin thật đồ sộ, từ tình hình khu vực, bờ biển Việt Nam, tuyên truyền, chấp hành nội quy chuyến đi… Tất cả đều gấp gáp, hối hả và chính xác.

Sáng 19/4 tàu nhổ neo rời cảng, Sài Gòn nhìn từ con tàu HQ 996 đẹp quá, những ngôi nhà cao tầng, những thôn làng êm ả, những rừng đước, rừng tràm xanh mát mắt tạo cảm giác cho các đại biểu như đang xem một bộ phim hay…

Đêm đầu tiên trên biển mới thú vị làm sao! Trời cao và rất nhiều sao sáng. Nước biển đen sẫm thỉnh thoảng lại tung bọt trắng xóa mỗi khi có con sóng vỗ vào mạn tàu. Nhà báo - nhà quay phim Nguyễn Xuân Đại không nén được cảm xúc khi thốt lên: Đất nước mình đẹp thật anh nhỉ! Nói rồi Đại không bình luận thêm gì nữa, anh lặng lẽ nhìn biển, nhìn trời và có lẽ anh đang tự nghĩ về mình. Đứng trước biển bao giờ cũng vậy, ai cũng muốn tự vấn trước mênh mông biển cả.

Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Trưởng đoàn công tác Nguyễn  Hải Đường vui mừng gặp gỡ quân và dân đảo Trường Sa lớn

Thế là mọi ước ao đã trở thành hiện thực. Trường Sa đã hiện ra trước mắt chúng tôi đẹp như trong huyền thoại. Cảm giác một miền quê Việt Nam yên ả đã làm cho mọi người quên hết cả mệt nhọc và say sóng vì những nụ cười hồn hậu, những chiếc áo dài truyền thống Việt Nam, nụ cười hồn nhiên của con trẻ và đặc biệt là nụ cười của người lính, các anh rắn rỏi, ý chí, nghị lực và trách nhiệm. Họ không nói gì về mình, nhưng lòng tin, lòng khâm phục của chúng tôi đối với các anh là vô tận. Bất chợt tôi thoáng nghe một tiếng chuông chùa, còn đang ngơ ngác ngó nghiêng thì một sỹ quan Hải quân nhanh nhảu giải thích: Đó là tiếng chuông của Chùa Trường Sa đấy! Chùa Trường Sa ư? Sao những từ đó nghe thân thương đến thế. Tôi thầm nghĩ đến thế hệ những người đi trước, thầm tự hào và cảm phục ý chí của dân tộc mình. Đất nước nằm bên bờ biển Đông đầy nắng gió, chịu biết bao gian nan thử thách của thiên nhiên và địch họa. Đất nước có Đảng, nhân dân và quân đội kiên cường yêu nước, có tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm… Và hôm nay, ở giữa Trường Sa, chúng tôi được nghe một tiếng chuông chùa, một tiếng quê hương sao lắng lòng đến thế.

“Vâng! Tổ Quốc Việt Nam phải là tất cả

Những núi cao, biển rộng, sông dài

Những nụ cười của em bé ngày mai

Đều mang nặng hồn mặn mòi của biển…”

Giữa trưa, Trường Sa đầy nắng. Sau cuộc gặp mặt vội vã, các đại biểu trong đoàn công tác tỏa đi thăm đảo, vui nhất là cảnh những cháu bé ôm quà chạy tung tăng khắp đảo, đứa nào cũng cười hít mắt và vui vẻ để các ông, các bác, các cô, các chú ôm vào lòng chụp hình lưu niệm.

Mẹ con cô giáo Bùi Thị Nhung

11h tôi vào thăm các nhà dân trên đảo. Nhà ai cũng có ti vi, tủ lạnh, có bàn thờ cụ kị, ông bà, cha mẹ và có dăm con gà, vài con chó, chậu rau xanh, có nhà trồng chuối đã cho ăn quả. Nói chung cuộc sống vật chất đã khá hơn nhiều, chỉ có điều làm thế nào để bà con yên tâm bám biển, bám đảo và ở lâu trên đảo. Đây thật sự là công việc không dễ để một sớm, một chiều có thể giải quyết được. Đối với người lính nhiệm vụ của họ cụ thể và rõ ràng, còn đối với các hộ dân, họ phải lo kế sinh nhai, lo cho tương lai con cái, lo tích góp để xây dựng việc nhà cửa… Chúng tôi đến thăm nhà cô giáo Bùi Thị Nhung đúng vào lúc anh chị đang làm lễ thôi nôi cho đứa con thứ hai, cháu bé được sinh ra ở hòn đảo nhỏ bé này. Công dân ấy phải được coi là ưu tú, chắc nhiều người sẽ phải ghen tị với nó bởi niềm kiêu hãnh tự hào. Có thể nói, cả nước này mấy ai được như cu Tý… Tôi tặng cháu bé chút tiền gọi là quà mừng sinh nhật. Bố mẹ cháu bé mừng vui lắm, họ nói rằng: Vợ chồng em không ngờ ngày sinh nhật của cu Tý lại đông vui như thế. Tôi hỏi cô giáo Nhung, chị đã dạy học ở đây hơn 4 năm rồi, nếu đảo yêu cầu thì chị có ở thêm không? Cả hai vợ chồng đều vui vẻ nói, chúng em sẽ ở và dạy học cho đến lúc nào có người ra thay anh ạ. Vậy là yên tâm rồi, Trường Sa đã và đang có những công dân ưu tú, đang ngày đêm bám biển, bám đảo để cùng với các chiến sỹ Hải quân giữ vững chủ quyền của biên giới quốc gia…

Buổi tối Trường Sa tổ chức giao lưu văn nghệ với đoàn công tác. Lần đi này khối văn nghệ hơi yếu, chưa có những tiết mục xuất sắc và gần gũi với biển, với đảo, phần giao lưu vẫn hơi bị dài khiến khán giả phải ngồi đợi. Dù sao thì anh Thật cũng sắp xếp khoa học rồi, khó có thể làm tốt hơn được nữa.

Đoàn trở về tàu lúc hơn 22h, ăn đêm và tắm rửa xong xuôi tôi vẫn không sao ngủ được. Hình ảnh của Trường Sa sau một ngày trải nghiệm lại ùa về, có biết bao điều mới lạ, bao điều học được, một ngày thật là bổ ích.

Hôm nay lên đảo Đá Tây, đảo chìm nhỏ bé nhưng bộ đội ở đây sinh hoạt rất sạch sẽ gọn gàng. Cái gì các anh cũng làm đẹp, từ mắc áo, giường nằm, chăn, màn, quần áo đến chậu rau, cây cảnh, vật nuôi… Tất cả đều được tính toán một cách chi li, khoa học. Tôi tâm sự với một chiến sỹ Hải quân quê ở Thanh Hóa, người lính có nước da đen cháy chỉ nở một nụ cười bẽn lẽn ấy rất ngại nói về bản thân mình, đặc biệt là những khó khăn gian khổ, sự thiếu thốn nước ngọt, rau xanh, thiếu tình cảm của người thân, của đất liền. Tôi có đem chuyện này nói với đồng chí Nguyễn Hải Đường - Trưởng đoàn công tác, ông tỏ ý chia sẻ và thật sự có những trăn trở nghĩ suy. Thử hỏi: Nếu một trong số chúng ta nằm trên các hòn đảo như Đá Tây, Thuyền Chài, An Bang hoặc nhà giàn nào đó vào một đêm bão lớn? Vâng! Chỉ một đêm thôi để tận mắt, tận tai nhìn và nghe sóng gào gió giật và khi ấy hoặc là chúng ta sợ hãi hoặc là chúng ta bình tĩnh vượt qua. Như vậy đã được xem là thành công… Còn những người lính Trường Sa, họ ở đây cả tháng, cả năm, trải qua cả một mùa giông bão. Đó mới chỉ là những khó khăn khắc nghiệt của thiên nhiên, còn địch họa thì lúc nào cũng phải ở trong tư thế sẵn sàng. Vậy là người lính Trường Sa chẳng có lúc nào ngơi nghỉ, chẳng có nhiều thời gian để nghĩ về mình.

Các chiến sỹ ở đảo Trường Sa đông chờ đón đoàn công tác

Ở Trường Sa Đông, ngay phía chân cầu tàu có ba ngôi mộ khắc tên các liệt sỹ Hoàng Toàn Đỉnh quê Nam Định, Vũ Văn Tiến ở Mê Linh - Hà Nội và Lê Quang Thành ở Chương Mỹ - Hà Tây cũ. Các anh ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, mảnh đất các anh đang nằm là Trường Sa thân yêu, nơi có hàng cây tra và bàng vuông xanh tốt, có tiếng sóng biển Đông dào dạt, có tình đồng chí, đồng đội vẫn hàng ngày ra thăm và kể chuyện cho các anh nghe… Thương lắm các anh ơi! Những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự bình yên của biển đảo Tổ quốc. Một đại biểu vỗ vai tôi nói nhỏ, liệt sỹ phải hy sinh trong thời bình thật sự là cay đắng…

Nắng chiều trên Trường Sa Đông vẫn rực rỡ, chúng tôi ra cầu tàu để xuống xuồng ra tàu lớn, không ai nói với ai nhưng tất cả mọi người đều hướng mắt về phía ba ngôi mộ. Xin kính chào các anh, xin tạm biệt Trường Sa Đông…

Suốt chặng đường hành quân tiếp theo, tôi và nhiều đại biểu vẫn trở trăn suy nghĩ. Lại nhớ đêm đầu tiên ra đảo, nhà quay phim Nguyễn Xuân Đại thốt lên lời khen: Đất nước mình đẹp quá! Vâng đất nước Việt Nam rất đẹp, con người Việt Nam cần cù sáng tạo, tâm hồn người Việt Nam nhân hậu, thủy chung. Một dân tộc như thế sao cứ phải chịu những thương đau, mất mát… Có một điều mà mỗi người Việt Nam không được phép lãng quên đó là lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sỹ. Họ hy sinh để cho chúng ta được sống, hy sinh để cho dân tộc Việt Nam được trường tồn…

Chúng tôi vào Đảo Phan Vinh rất dễ dàng vì hôm nay biển lặng. Hòn đảo nổi này đang được các chiến sỹ nới rộng thêm, đây quả thật là một công trình đồ sộ, nó còn vất vả hơn gấp nhiều lần việc quai đê lấp biển. Thật là đã mắt vì mấy ngày hôm nay, lần nào lên các đảo nổi, đảo chìm cũng chỉ toen hoẻn mấy bước chân. Tôi gặp đội sửa chữa, bảo quản vũ khí, khí tài vừa ở đất liền ra, họ ở tạm trong một hầm pháo nên chẳng có bàn ghế gì. Chỉ có năm tấm phản gỗ nhỏ kê sát vào nhau. Năm sỹ quan chuyên nghiệp thì ở năm tỉnh khác nhau, một ông ở Quảng Bình, còn lại là Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên và Hà Tĩnh. Thiếu Úy chuyên nghiệp Nguyễn Thế Dương quê ở An Châu - Đông Hưng - Thái Bình có khuôn mặt hiền nhất, hỏi cái gì cũng xưng cháu. Dương kể đã có vợ và một con trai được hơn hai tuổi. Cô vợ đang theo học bằng hai Đại học Ngoại ngữ ở Hà Nội. Tôi hỏi Dương mỗi người một nơi như thế chắc là gặp nhiều khó khăn lắm? Anh chỉ mỉm cười và nói: Mọi việc đều nhờ cả vào ông bà. Câu chuyện tôi tâm sự với Dương rất dài, dài bởi vì tôi muốn tìm hiểu xem phía sau người lính là gì? Quê hương, bố mẹ, vợ con và dự định lâu dài của họ… Có vẻ Dương chưa nói thật lòng mình, anh đưa mắt nhìn ra phía biển. Tôi đành kết thúc câu chuyện bằng cách nhắc Dương - Hãy nói một câu gì đó với bố mẹ, với vợ và con đi! Dương nhìn vào ống kính máy quay phim nhưng anh không nói ngay được. Người lính ấy đã khóc, khóc một cách thầm kín không để cho nước mắt chảy ra. Tôi sợ Đại không phát hiện ra giây phút cảm động tột cùng của người lính đảo nên đưa mắt tìm anh. Nhưng tôi đã nhầm, Đại đã kịp ghi toàn bộ phút giây hiếm hoi và tràn đầy niềm kiêu hãnh ấy…

Sang Đảo Tốc Tan C, hòn đảo chìm có diện tích khoảng hơn 100m2 như một ngôi nhà ba tầng đứng giữa biển. Các cầu thang lên xuống dốc đứng chẳng khác nào cầu thang của các nhà trong phố cổ ở Hà Nội, chật hẹp và tù túng. Tôi gặp Thượng Úy Phạm Quốc Phương, anh là Điểm trưởng của Tốc Tan C. Phương giấu chúng tôi việc đứa con đầu lòng của anh vừa chết vì ung thư máu. Cháu bé 40 tháng tuổi đã biết nói, biết hát, trước ngày cháu mất, Phương còn nói chuyện với cháu qua điện thoại… Phương kể: Trước khi ra đảo em phải trốn cháu vì không chịu được ánh mắt của cháu nhìn em trong những ngày cháu đang nằm viện. Chúng tôi chia sẻ với Phương nỗi đau quá lớn này và tặng Phương chiếc điện thoại di động để tiện động viên vợ và gia đình. Phương vẫn đứng nghiêm trước đồng chí Trưởng đoàn và Chuẩn Đô đốc Quân chủng báo cáo tình hình hoạt động của đơn vị. Nước da đen sạm, gò má gồ cao, đôi mắt trũng sâu và thâm quầng nhưng vẫn ánh lên niềm tin mãnh liệt… Đồng chí Nguyễn Hải Đường, Đinh Gia Thật và các đồng chí trong đoàn quyên góp nhanh được 10 triệu đồng để giúp Phương và gia đình. Trong vòng tay tình cảm của đồng chí, đồng đội và các đại biểu, Phương cảm động nói: Ở ngoài đảo xa, trường hợp như em không phải là hiếm, nhiều đồng chí còn có hoàn cảnh khó khăn hơn đấy! Quả đúng như vậy! Khi đoàn chúng tôi đến nhà giàn DKI/14 lại chứng kiến một hoàn cảnh éo le hơn thế. Đó là Trung úy Trần Hữu Mạnh, quê Hải Dương mới vĩnh biệt người vợ thân yêu của mình sau thời gian dài chữa trị ung thư máu. Vợ anh ra đi để lại đứa con thơ dại… Và ngay lúc này, Mạnh vẫn đang thực hiện nhiệm vụ ở nhà giàn. Chia sẻ với khó khăn của Trung úy Mạnh, đoàn nhà báo chúng tôi quyên góp nhanh được 2,5 triệu đồng, trong đó có 500.000 đồng của Biên tập viên Diệp Anh để làm quà gửi tặng cho cháu bé. Lúc sắp rời nhà giàn, khi ngồi nói chuyện với mấy sỹ quan các anh nói: Ở đảo nổi, đảo chìm người lính còn có đất để bám, còn ở nhà giàn chỉ có trời trên đầu và biển dưới chân… Bất chợt tôi nhìn xuống lòng biển  bao la, chỉ có sóng còn gió giật, chỉ có những hiểm họa luôn rình rập ngày đêm… Tôi liên tưởng đến 8 chiến sỹ ở nhà giàn năm 1998 trong cơn bão số 8, một nhà giàn đã bị đổ và chìm sâu dưới lòng biển. Những khoảnh khắc cuối cùng của người lính nhà giàn còn giữ mãi trong tâm khảm của các chiến sỹ Quân chủng Hải quân và nhân dân cả nước. Đó là hình ảnh người chỉ huy nhà giàn nhường chiếc áo phao cho đồng đội, là tiếng nói cuối cùng của người chiến sỹ: “Vĩnh biệt đất liền”...

Câu chuyện và những kiến nghị của các anh hôm nay không phải là để nói về mình, nói về những khó khăn, gian khổ ở nơi đầu sóng ngọn gió. Nó hoàn toàn đúng, hoàn toàn chân thật. Những khó khăn mà người lính nhà giàn nói riêng, của Quân chủng Hải quân nói chung đang phải đương đầu chưa phải một sớm, một chiều khắc phục được. Sự cố gắng của Đảng, Nhà nước và Quân đội cho đến nay thật đáng ghi nhận, các đảo nổi, đảo chìm và nhà giàn đã được quan tâm và được đầu tư, trang bị tương đối đầy đủ và hiện đại.

Tuy vậy, cảm nhận của đoàn công tác số 7 khi ra với Trường Sa lần này thì thật là đặc biệt. Với đồng chí Nguyễn Hải Đường, người có tuổi đời khá cao, nhưng ông không bỏ một biển, đảo nào, kể cả nhà giàn DKI/14 là nơi rất khó khăn cho việc lên xuống. Sâu sát, lắng nghe, chia sẻ và kịp thời đưa ra ý kiến chỉ đạo chính là phong cách của đồng chí Trưởng đoàn. Âm thầm, cần mẫn và sâu lắng là tính cách của Phó ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ. Ông đã bật khóc khi chứng kiến những khó khăn, những nỗi đau của từng người lính đảo. Tôi nhớ mãi lời tâm sự rất chân thực của đồng chí Phó ban: “Cứ mỗi lần lên đảo và trở về tàu là lại thêm cảm xúc… Thậm chí khi về tàu tôi chỉ rửa qua người chứ không dám tắm. Cứ nghĩ đến nước ngọt trên các đảo còn thiếu mình lại như có lỗi…”.

Nhà quay phim trẻ Nguyễn Thanh Tùng ở VTV5 lại có sự tự vấn với chính mình, anh nói: “Chuyến đi này con thấy mình tự lớn lên nhiều bố ạ…”. Vâng, đó chỉ là những cảm nhận, ghi nhận và tự nhận về chuyến thăm đảo của một số đại biểu trong đoàn công tác số 7. Vẫn còn nhiều lắm những tình cảm, những suy nghĩ trăn trở, lo toan… đã được các đại biểu mang theo về đất liền. Giờ phút chia tay Trường Sa thật là xúc động. Tôi chợt nhớ mấy vần thơ viết vội hôm chia tay ở nhà giàn DKI/14:

“Trường Sa ơi! Nhà giàn ơi!

Mai chia tay rồi em nhớ

Dáng hình cháy nắng da anh

Nhớ bát canh nước nhiều rau ít

Nhớ những chiều mù mịt bão giông

Biển vẫn cứ mênh mông

Đảo nhỏ thiếu tiếng cười con gái

Chậu hoa trước nhà anh gieo hạt cải…”

Ấn tượng về Trường Sa, về nhà giàn là màu da đen sạm và nụ cười đầy răng trắng xóa của những người lính Hải quân. Về những chậu rau “kiên cố” được che chắn cẩn thận để giữ được màu xanh thương nhớ của đất liền… và nhớ nhất vẫn là những gương mặt cương nghị, những cái bắt tay chặt cứng, những câu dặn dò ngắn gọn gửi vào đất liền: Xin hãy tin ở chúng tôi, những người lính Hải quân và nhân dân huyện, đảo Trường Sa nguyện giữ trọn lời thề - “Chỉ biết còn người là còn đảo”.

Trần Bình Tám

Tăng giá hay giảm giá tạo nên động lực phát triển?

(ICTPress) - Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2011 – 2015 sẽ hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng giúp người dân sử dụng dịch vụ. Doanh nghiệp viễn thông cũng có quyền lợi khi tham gia chương trình.

Hầu như chúng ta ai cũng nhận thấy rằng điện, điện thoại, internet và phương tiện giao thông đang trở thành những thứ không thể thiếu được trong cuộc sống. Thông tin về dịch vụ viễn thông nào đang khuyến mại, giá điện hay giá xăng lại tăng, sắp tới các phương tiện giao thông phải đóng thêm vài loại chi phí… trở thành chủ đề thường xuyên của câu chuyện bên bàn nước cơ quan, trong bữa ăn gia đình và trên các tờ báo in, báo mạng.

Trong khi giá điện, giá xăng và chi phí giao thông cứ lăm le tăng tiến hoặc lùi một bậc rồi leo phắt lên dăm ba bậc, thì chỉ có giá các dịch vụ viễn thông là liên tục giảm. Giữa những lo toan cân đối chi phí xăng dầu xe cộ sao cho vừa vặn trong phạm vi đồng lương hạn hẹp, các tin khuyến mại di động khiến chúng ta nhẹ nhõm hơn. Có khi nào chúng ta đặt câu hỏi: Tại sao giá điện, xăng và các loại phí giao thông cứ ngày càng tăng trong khi giá dịch vụ viễn thông ngày càng giảm? Việc tăng giá, tăng phí hay giảm giá, giảm phí mới thực sự tạo nên động lực phát triển?

Bài viết này gom lại vài điều tản mạn để chúng ta cùng suy nghĩ:

 Câu chuyện về Điện:

Đầu năm 2012, Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán năm 2011: Tập đoàn điện lực EVN lỗ hơn 8000 tỷ đồng.

Chỉ riêng trong năm 2011, đã hai lần EVN tuyên bố nâng giá điện.       

Thuyết minh cho việc tăng giá điện, EVN trình bày rằng tăng giá là tín hiệu để thu hút đầu tư vào các công trình điện, cũng là cách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy những điều khác hẳn:

Theo số liệu của Học viện Tài chính,  tỷ lệ tiêu dùng điện bình quân đầu người ở Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực, chẳng hạn như chỉ bằng 2/5 ở Thái Lan (báo Dân trí, 14/3/2012). Việc sử dụng điện ít hơn sẽ giúp cho cuộc sống chúng ta tốt hơn hay kéo chúng ta ngược trở lại những thập niên trước?

Việc tăng giá điện ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ví dụ: Một công ty may xuất khẩu hằng năm phải chi vài tỉ đồng tiền điện, chi phí điện chiếm khoảng 10% trong chi phí giá sản xuất gia công của doanh nghiệp. Khi điện tăng giá, ngoài việc bù chi phí tiền điện thêm hàng trăm triệu đồng, mức tăng của chi phí điện cũng kéo theo hàng loạt nguồn cung đầu vào tăng. Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đương nhiên bị suy giảm. Đối phó với tình hình khó khăn, chủ doanh nghiệp phải cắt giảm chi tiêu bao gồm cả việc cắt giảm lương thưởng cho công nhân. Điều này tiếp tục dẫn tới những hệ lụy khác đối với đời sống kinh tế xã hội.

Chuyện xăng dầu và phí giao thông

Lộ trình giá của xăng là những bước đi khéo léo với tên gọi điều chỉnh giá, nghĩa là có tăng có giảm. Nhưng mỗi lần giảm chỉ vài trăm đồng, còn khi tăng thì bật lên hàng ngàn đồng trên một lít. Gần đây nhất, xăng giảm giá 500 đồng/lít, tháng 8/2011; để rồi tháng 3/2012 - xăng tăng giá 2.100 đồng/lít. Đúng là lùi một bước rồi tiến hơn bốn bước.

Mỗi đợt tăng giá xăng là cơ hội để nhiều đại lý ung dung bỏ túi hàng tỉ đồng. Đối với các công ty kinh doanh xăng dầu, lời lãi bởi những vụ tăng giá thật khó tính nổi một cách chính xác.

Người dân thì không thể không dùng đến xăng dầu, khi xe máy hay ô tô là phương tiện di chuyển, thậm chí là phương tiện kiếm sống của họ. Đối với các doanh nghiệp khác thì xăng tăng giá cũng kéo theo vô số hệ lụy không kém việc tăng giá điện. Mặc nhiên, có vẻ như xăng vẫn sẽ tiếp tục lộ trình lùi và tiến khéo léo của nó.

Không chỉ vấn đề xăng dầu, các phương tiện giao thông còn đối mặt với các chi phí giao thông. Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện ô tô đang phải chịu 8 loại thuế, phí bao gồm: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí đăng ký biển số, phí bảo hiểm vật chất, phí bảo hiểm dân sự và phí xăng dầu. Nhiều chuyên gia cho rằng biện pháp thu nhiều loại phí trên đầu phương tiện chỉ nhằm đánh vào túi tiền người dân mà không thể giảm ùn tắc. Thuế và chi phí cao, doanh nghiệp sẽ không có tích luỹ để tái sản xuất, người dân không có cơ hội tiêu dùng. Điều đó triệt tiêu động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chuyện ngành Viễn thông

Từ năm 2004, cước phí viễn thông của Việt Nam đã bằng và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Người dân có nhiều cơ hội tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ viễn thông. Điều này tạo động lực thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong, ngoài nước; sản xuất kinh doanh viễn thông ngày càng phát triển.

Năm 2011, tổng doanh thu của Viettel và VNPT gộp lại đạt 237.800 tỉ đồng, trong đó VNPT đạt 120.800 tỉ đồng và Viettel đạt 117.000 tỉ đồng. Mỗi tập đoàn đều cho biết đạt lợi nhuận 1 tỉ USD, và nộp thuế lần lượt là 7.880 tỉ đồng và 10.000 tỉ đồng. Dù kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, khối kinh doanh của ngành thông tin truyền thông vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khoảng 20% trong những năm gần đây. Công nghiệp phần mềm và nội dung số đứng thứ 8 trong 50 nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

Sản xuất kinh doanh viễn thông phát triển khiến dịch vụ càng phong phú và chi phí cạnh tranh khiến người dân được hưởng lợi. Các dịch vụ thông tin mang đến cho người dân, đặc biệt là những người trẻ tuổi, nhiều cơ hội mới, xóa dần khoảng cách nông thôn-thành thị.

Đặc biệt, Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (VTCI) giai đoạn 2011 – 2015 sẽ hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng giúp người dân sử dụng dịch vụ VTCI, phát triển hạ tầng viễn thông…Với sự hỗ trợ của chương trình, sẽ có thêm 1 triệu hộ gia đình tại các xã đặc biệt khó khăn có thuê bao điện thoại cố định, người dân được truy nhập miễn phí khi sử dụng một số dịch vụ viễn thông cơ bản. Doanh nghiệp viễn thông cũng có quyền lợi khi tham gia chương trình VTCI với tỷ lệ 21% kinh phí của chương trình dành cho đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, 29,5% hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì cung cấp dịch vụ VTCI…

Chương trình VTCI là sự kết hợp hài hòa giữa quản lý nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông, điều tiết hợp lý quyền lợi của doanh nghiệp và người sử dụng, nhằm mang đến lợi ích cho đông đảo người dân và toàn xã hội, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Chương trình đặt mục tiêu đến 2015, 100% số xã được kết nối bằng đường truyền dẫn băng rộng đa dịch vụ.  

Và túi tiền người dân

Dù đã được cải thiện nhiều do đổi mới và mở cửa cách đây hơn một phần tư thế kỷ, thu nhập trung bình của người Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với các nước trong ASEAN và Trung Quốc. Trong một vài năm gần đây, nền kinh tế còn bộc lộ nhiều rủi ro tiềm ẩn về tính bền vững của quá trình tăng trưởng.

Đây là cảnh báo của một đề tài khoa học cấp nhà nước mang tên “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020: từ nhận thức với hành động” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện theo yêu cầu của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Báo cáo này cũng trích dẫn số liệu về thu nhập của Việt Nam và các quốc gia khu vực do Quỹ Tiền tệ Quốc tế thực hiện năm 2010. Sau hơn một phần tư thế kỷ đổi mới và mở của, Việt Nam đã chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm thu nhập trung bình, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, căn cứ vào tốc độ tăng trưởng thu nhập trên đầu người tính theo giá cố định trong giai đoạn 2001 – 2007 của các quốc gia, Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng: thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.

Quy mô GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2010 đạt 1.061 đô la tính theo tỷ giá hối đoái, và 2.948 đô la theo PPP.

Rõ ràng là đại đa số người dân Việt Nam đang sở hữu túi tiền eo hẹp.

Chính sách quản lý của Nhà nước cần tạo sự dung hoà lợi ích các bên để mang lại hiệu quả cho toàn xã hội.

Với thu nhập khiêm tốn của đại đa số người tiêu dùng, chắc chắn việc tăng giá, tăng phí không phải là biện pháp kích cầu phát triển sản xuất.

Việc giảm giá, tăng cường khả năng cạnh tranh sẽ giúp người dân có thêm cơ hội tiêu dùng, tạo nên thị trường tiềm năng cho việc kêu gọi đầu tư, tạo nên động lực để doanh nghiệp phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội.

QM 

Thu nhập của người Việt Nam

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.

Thu nhập trung bình của người Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với các nước trong ASEAN và Trung Quốc, dù đã được cải thiện nhiều do đổi mới và mở cửa cách đây hơn một phần tư thế kỷ.

Trong khi đó, cơ hội để Việt Nam đuổi kịp Trung Quốc và các nền kinh tế ASEAN sẽ vẫn là viễn cảnh xa vời, nếu thiếu đi những động lực cải cách hơn nữa.

Đây là cảnh báo của một đề tài khoa học cấp nhà nước mang tên “Mô hình tăng trưởng kinh tế ViệtNamgiai đoạn 2011-2020: từ nhận thức với hành động” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện.

Báo cáo này, thực hiện theo yêu cầu của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, trích dẫn số liệu về thu nhập của Việt Nam và các quốc gia khu vực do Quỹ Tiền tệ Quốc tế thực hiện năm 2010.

Theo đó, tính theo tỷ giá hối đoái, GDP đầu người của Việt Nam đã tăng từ mức 114 đô la năm 1991 lên 1.061 đô la năm 2010. Trong khi đó, GDP đầu người của Trung Quốc tăng từ 353 đô la lên 3.915 đô la trong khoảng thời gian trên.

Như vậy, thu nhập đầu người của Việt Nam tương đương 32% của Trung Quốc năm 1991 đã giảm xuống còn 27% năm 2010.

Mặt khác, tính theo sức mua tương đương (PPP), GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 706 đô la năm 1991 và lên tới 2.948 đô la năm 2010. Trong khoảng thời gian đó, con số này của Trung Quốc tăng từ 888 đô la lên 6.786 đô la.

Như vậy, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng 80% của Trung Quốc năm 1991 đã giảm xuống còn 43% năm 2010.

Bên cạnh đó, so với các quốc gia ASEAN khác, dù thu nhập của người Việt Nam đã dần được thu hẹp trong 20 năm qua, khoảng cách vẫn còn rất lớn ở vào thời điểm hiện tại.

Tiến sĩ Phạm Hồng Chương và các đồng sự ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo PPP chưa bằng 1/2 của Philippines, hay Indonesia, khoảng 1/5 của Thái Lan, 1/10 của Malaysia năm 1991.

Con số này đã vượt qua mức 3/4, 1/3 và 1/5 của các nước trên sau gần 20 năm.

Tóm lại, quy mô GDP bình quân đầu người của Việt Namnăm 2010 đạt 1.061 đô la tính theo tỷ giá hối đoái, và 2.948 đô la theo PPP.

Tiến sĩ Phạm Hồng Chương nhận xét: “Đây là những chỉ số còn thấp xa so với mức bình quân chung của khu vực, của châu Á và thế giới”.

Ông nhận xét, sau hơn một phần tư thế kỷ đổi mới và mở của, Việt Nam đã chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm thu nhập trung bình, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Chương, xét về nhiều mặt, động thái tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa thể hiện rõ quyết tâm và khả năng thoát khỏi nguy cơ tụt hậu phát triển.

Trong khi đó, trong một vài năm gần đây, nền kinh tế còn bộc lộ nhiều rủi ro tiềm ẩn về tính bền vững của quá trình tăng trưởng.

Báo cáo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra thêm về thực trạng thất nghiệp ở mức 4,6% ở thành thị và 20% lao động ở nông thôn chưa được sử dụng; báo cáo nhận xét: “Như vậy, tỷ lệ trên tương đương với trên 10 triệu lao động thất nghiệp hoàn toàn ở Việt Nam”.

Thu nhập của người ViệtNambị bỏ lại quá xa bởi các nước trong khu vực không phải là vấn đề mới.

Theo Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.

Báo cáo này căn cứ vào tốc độ tăng trưởng thu nhập trên đầu người tính theo giá cố định trong giai đoạn 2001 - 2007 của các quốc gia và kết luận “thực tế là Việt Namsẽ phải rất lâu mới theo kịp được”.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn)

ViMoPhone?

(ICTPress) - Mấy ngày hôm nay giới viễn thông đang quan tâm đến sự kiện về tách nhập Vinaphone - Mobifone. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) chưa trình phương án sáp nhập MobiFone và Vinaphone lên Chính phủ, nhưng đây vẫn là phương án được tập đoàn này đưa ra [1]. Phương án này lợi hại như thế nào và những ai sẽ hưởng lợi?

Ảnh minh họa

Năm 2011, tổng doanh thu của VNPT đạt 120.800 tỷ đồng, tăng trưởng trên 20%; lợi nhuận xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 6.500 tỷ đồng và là một trong doanh nghiệp dẫn đầu danh sách nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất [1]. Năm 2010, MobiFone đạt doanh thu là 36,034 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 35% tổng doanh thu của VNPT đạt mức lợi nhuận là 5.860 tỷ đồng, chiếm 52,32% lợi nhuận của toàn VNPT, trong năm 2011, MobiFone đặt mục tiêu lợi nhuận khoảng 6.160 tỷ đồng và doanh thu 39.000 tỷ đồng [2] nhưng đạt doanh thu phát sinh là 43.698 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2010 [3].

Chiếm đến trên 50% lợi nhuận tập đoàn, số nhân viên chiếm khoảng 6% (5400 người) tổng số nhân viên của VNPT (hơn 90.000) [4] nhưng năng suất lao động đạt 6,7 tỷ đồng/người/năm trong khi bình quân năng suất lao động của VNPT trong năm 2011 là 1,3 tỷ đồng/người/năm. Năng suất lao động của nhân viên Viettel trong năm 2011 là 4,7 tỷ đồng/người/năm. Như vậy, năng suất lao động của nhân viên MobiFone cao gấp hơn 5 lần bình quân chung của VNPT và cao hơn khoảng 1,5 lần so với Viettel. [5]

Như thế , ta có thể thấy vị trí đáng kể của Mobifone trong tập đoàn VNPT. Đó là một đơn vị hiệu quả nhất, mang lại lợi nhuận lớn nhất cho tập đoàn và chính là “con gà đẻ trứng vàng” của VNPT. Nếu phải bán cổ phần hay tách Mobifone khỏi tập đoàn mẹ, thì VNPT mất luôn danh hiệu tập đoàn chủ đạo trong lĩnh vực viễn thông, không còn là doanh nghiệp có mức đóng thuế lớn nhất của Việt Nam. VNPT suy giảm ngay sức chiến đấu kéo theo lương thưởng và nhiều hệ lụy khác. Do đó việc kiểm soát, giữ lại Mobifone va Vinaphone trong cơ cấu tập đoàn là một vấn đề có tính nguyên tắc của VNPT. Tuy nhiên không phải VNPT muốn giữ là được. Vấn đề của Mobifone còn phải được đặt trong lợi ích của các bên tham gia, của chính phủ, bộ ngành, đối thủ và nhiều nhóm lợi ích đang "hăm he" nhảy vào giành miếng bánh "béo bở" này.

Theo phân tích của các chuyên gia, mà thật ra là các báo cũng như nhiều nhóm lợi ích đứng đằng sau về cái gọi là câu hỏi lớn nhất hiện nay với VNPT là sáp nhập Vinaphone - MobiFone sẽ dẫn đến thị trường viễn thông trở lại thời độc quyền? Hiện thị trường di động nằm trong thế chân vạc với 3 “ông lớn” là Vinaphone, MobiFone và Viettel chiếm đến 95% thị phần. Mặc dù, VinaPhone và MobiFone hoạt động riêng rẽ nhưng xét về bản chất, vốn dĩ 2 nhà mạng này đã cùng một “mẹ” VNPT, chuyện sáp nhập có thể coi như việc hợp thức hóa mà thôi. Bởi vì theo như chuyên gia Vũ Đình Ánh nhận định:

“Nếu nói VinaPhone và MobiFone tách ra để tạo một thị trường cạnh tranh lành mạnh thực ra chỉ là nói cho vui. Thị trường viễn thông nội địa tại Việt Nam bây giờ chỉ có 2 đối thủ ngầm là Viettel và VNPT thôi”. Và:

“Từ trước tới nay, người ta cứ nói tới thế chân vạc nhưng tôi thấy làm gì có thế chân vạc, về bản chất, thực tế chỉ diễn ra thế đối đầu giữa 2 “đại gia” viễn thông Viettel và VNPT”. [6]

Nhiều người đưa ra cảnh báo về sự mất mát giá trị thương hiệu của hai mạng di động đang trực thuộc VNPT nếu việc sáp nhập diễn ra. Bởi lẽ, giá trị thương hiệu của hai nhà mạng này trên thị trường đều rất lớn, nếu nhập vào làm một, tức là một trong hai hoặc cả hai sẽ mất đi một thương hiệu và sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Nhưng trên thực tế, theo ông Ánh:

“Thương hiệu (brand, brand name, trademark), hiểu một cách đơn giản, là một cái tên gắn với một sản phẩm hoặc một nhà sản xuất. VinaPhone và MobiFone vừa là trademark vừa là nhãn hiệu thương mại. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hoàn toàn có thể sáp lập VNPT với MobiFone thành lập một công ty dịch vụ viễn thông di động thuộc VNPT, đặt tên là gì thì tùy VNPT nhưng VinaPhone và MobiFone vẫn giữ vì nó là nhãn hiệu thương mại.” [6]

Như vậy trên thực tế vẫn chỉ có hai người chơi lớn nhất là  VNPT (55%) và Viettel trên thị trường viễn thông Việt Nam (37%) [9]. Việc nhập Mobifone vào Vinaphone thực chất không làm thay đổi cục diện thị trường, viễn thông vẫn là thị trường độc quyền nhóm của hai đại gia kia. Tuy nhiên, vấn đề là tách Mobifone thành đơn vị độc lập với VNPT, cổ phần hóa Mobifone như dự định thì đồng nghĩa với giảm sức cạnh tranh của VNPT, một doanh nghiệp nhà nước. Ông Hoàng Ngọc Diệp, chuyên gia viễn thông, cũng cho rằng sáp nhập là xu hướng tất yếu của thị trường, và đây là tiền đề tích cực giúp cho VNPT nói riêng và ngành viễn thông phát triển. Theo phân tích của ông Diệp, MobiFone và VinaPhone đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng, nên khi sáp nhập, hai nhà mạng sẽ tương hỗ cho nhau phát triển, tạo thuận lợi để đưa dịch vụ đi vào chiều sâu, từ đó thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển. [8]

Không chỉ các nhà đầu tư trong nước như FPT muốn đầu tư vào Mobifone mà các hãng Viễn thông lớn thế giới như Telenor (Bỉ), Vodafone (Anh), NTT DoCoMo (Nhật) và Orange France Telecom (Pháp) vẫn đang tiếp tục kiên trì chờ đợi việc đầu tư vào thị trường viễn thông Việt Nam thông qua Mobifone ngay khi có cơ hội [7]. 

Giả sử có một mạng viễn thông nào đó của nước ngoài định vào Việt Nam, phía Việt Nam nếu chiến đấu lẻ tẻ thì hẳn là sẽ thua, vì vậy, việc hợp nhất sẽ tốt hơn.

“Nếu rơi vào trường hợp này thì việc sáp nhập có 2 cái lợi: Một là tăng tính cạnh tranh của Việt Nam với đối tác nước ngoài, hai là tận dụng được về kinh tế khi sử dụng chung mạng lưới cơ sở hạ tầng” - TS. Phong nói [6].

Như vậy bài toán khó với chính phủ và bộ ngành Viễn thông là làm sao vừa thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh vừa đảm bảo lợi ích của người dân thông qua sự dụng vốn hiệu quả ở doanh nghiệp nhà nước về Viễn thông như VNPT và Viettel.

Có thể nói, MobiFone và VinaPhone đều là 2 doanh nghiệp đem lại lợi nhuận chủ yếu cho VNPT. Để tuân thủ Nghị định 25 của Chính phủ, việc buộc phải sáp nhập Mobifone và VinaPhone để tránh phải thoái vốn xuống còn 20% tại một trong 2 đơn vị kinh doanh của mình là một bài toán khó và sẽ còn gây nhiều tranh cãi trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

[1]. http://www.tienphong.vn/kinh-te/570452/sap-nhap-vinaphone-mobifone-loi--...

[2]. http://xahoithongtin.com.vn/20110122094753653p0c112/mobifone-chiem-5232-...

[3]. http://www.baomoi.com/Home/LaoDong/ictnews.vn/Nang-suat-lao-dong-khung-c...

[4]. http://www.vnpt.com.vn/Default.aspx?tabid=79&IntroId=3&temidclicked=3

[5]. http://www.ictnews.vn/home/Kinh-doanh/8/Nang-suat-lao-dong-khung%C2%A0cu...

[6]. http://giaoduc.net.vn/ntd-thong-thai/chuyen-gia-kinh-te-toi-khong-phan-d...

[7]. http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=11531

[8]. http://www.vnbusiness.vn/?q=articles%2Fs%C3%A1p-nh%E1%BA%ADp-mobifone-vi...

[9]. http://www.baomoi.com/Home/CNTT/vov.vn/Co-the-sap-nhap-VinaphoneMobifone...

Trung Thành