Tham vấn Địa phương và Doanh nghiệp để thúc đẩy Viễn thông phát triển

Ngày 05/1/2019, Các đơn vị thuộc khối Viễn thông gồm Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ), Cục Bưu điện Trung ương (BĐTW) và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2019. Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải đã tham dự và chỉ đạo công tác của khối năm 2019. 

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải đã đánh giá cao những bước phát triển khí thế hơn so với các năm trước và sự nỗ lực của các cán bộ công nhân viên của các đơn vị.

Năm 2018, lĩnh vực Viễn thông đã đổi mã mạng thành công, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, không để xảy ra sơ suất lớn, bắt đầu triển khai chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao di động (MNP). Các doanh nghiệp (DN) viễn thông, theo đó, đã tăng cường công tác chăm sóc khách hàng, giúp phát triển viễn thông trong thời gian tới.

Năm 2018 cũng ghi nhận một số định hướng, quyết định phát triển lĩnh vực viễn thông được tham vấn, đối thoại với DN và đi vào thực chất hơn. Ngoài việc ban hành các quy định nhà nước kịp thời, sự hợp tác giữa các DN viễn thông tốt hơn. Các Sở TTTT cũng tham gia đối thoại tích cực. “Đây là xu hướng cần được tiếp tục trong năm 2019. Các DN, hiệp hội cùng tham gia với cơ quan quản lý nhà nước đóng góp xây dựng, triển khai các quy định quản lý nhà nước”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề như quản lý SIM rác, tin nhắn rác dù đã có những tiến bộ, cải tiến. Quy định và thực thi quản lý thông bao thuê bao trả trước chưa đạt yêu cầu. Tiến độ các dự án chưa đạt đúng tiến độ, thủ tục. Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu: "Trong năm 2019, các công tác trên cần phải thực hiện kiên quyết, triệt để".

Cụ thể, một số công việc trọng tâm của các đơn vị, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tập trung cho việc tổ chức bộ máy, đặc biệt là Cục Viễn thông, Cục Tần số VTĐ, VNNIC phải hoàn thiện bộ máy tổ chức của đơn vị công lập.

Năm 2019, Cục Viễn thông, Cục Tần số VTĐ cần cải tiến rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về Luật Viễn thông, Luật Tần số VTĐ. Hai đơn vị cần phải bắt tay ngay việc thành lập các tổ để xây dựng đề án sửa đổi các luật để trình Quốc hội để đưa vào kế hoạch sửa đổi vào năm 2020. Tiếp theo, Cục Viễn thông, Cục Tần số VTĐ, VNNIC quan tâm nghiên cứu hướng sửa đổi Nghị định 25/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, Quyết định 16/2012/QĐ-TTg đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số; Quyết định 38/2014/QĐ-TTg quy định về đấu giá, chuyển nhượng sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet.

Việc đấu giá tài nguyên viễn thông, đặc biệt tần số 2,6GHz, các đơn vị liên quan như Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Pháp chế cùng 2 cục Viễn thông, Tần số VTĐ tham gia cùng giải quyết vấn đề. Đây là việc cần làm gấp, đã có nhiều cuộc họp liên quan, đáp ứng nhu cầu DN. Việc cấp phép băng tần này cũng liên quan đến cấp phép 5G.

Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, Cục Tần số VTĐ và các đơn vị liên quan hoàn thành các nội dung liên quan. Năm 2019, là năm bản lề thực hiện Đề án này.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục BĐTW nghiên cứu quan điểm hình thành, quản lý mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, đặc biệt, bên cạnh đảm bảo chất lượng của mạng cần lưu ý tiêu chuẩn, quy định đảm bảo an toàn an ninh cho mạng này. Đây là việc rất quan trọng trong triển khai chính phủ điện tử (CPĐT). Các đơn vị cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Các DN viễn thông tích cực xây dựng tham gia xây dựng chính sách phát triển viễn thông để khi ban hành các chính sách mới phù hợp với thực tiễn. DN cần tích cực phối hợp với nhau và chắc chắn cần có sự hợp tác tốt hơn nữa trong năm 2019 để lĩnh vực Viễn thông phát triển hơn nữa. Cụ thể, DN cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu (CSDL) và phần mềm ứng dụng trong thời gian tới để đáp ứng CPĐT, đặc biệt là tham gia xây dựng CSDL và phần mềm ứng dụng, có thể theo hướng DN triển khai và Nhà nước đứng ra thuê vận hành, khấu hao. Chỉ có cách thức như vậy mới thúc đẩy xây dựng CPĐT nhanh bởi DN viễn thông là những đơn vị có nguồn lực về con người, trí tuệ, năng lực bên cạnh nguồn lực tài chính để năm 2019 - 2020 là đột phá trong công tác xây dựng CPĐT của Chính phủ. Các DN viễn thông lưu ý cùng phối hợp để đấu tranh các mạng xã hội không tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam. Đây là việc cần lưu ý và phải làm ngay. Các đơn vị liên quan sớm ra kế hoạch để triển khai việc này.

Thứ trưởng nhấn mạnh, "bước sang năm 2019, các đơn vị khối Viễn thông và DN viễn thông cần bảo đảm thực hiện được những kế hoạch công tác, tiến độ các dự án, đề án một cách hoàn hảo".

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải trao Huân chương Lao động hạng II cho ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc VNNIC và ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đã có thành tích xuất sắc trong trong giai đoạn 2013 - 2017
Thứ trưởng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 5 cá nhân cho Cục Viễn thông, Cục Tần số VTĐ, VNNIC đã có thành tích trong công tác

Một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực Viễn thông

Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo các kết quả công tác nổi bật trong năm 2018.

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông

Thay mặt Cục Viễn thông, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng cho biết hạ tầng viễn thông đã có hơn 800.000 km cáp quang đã được triển khai đến tận thôn/bản/xã phường của 63/63 tỉnh/thành phố trên cả nước, sóng di động đã phủ tới 99,7% dân số (trong đó vùng phủ 3G, 4G phục vụ trên 98% dân số, hình thành xa lộ kết nối toàn cầu (bằng thông quốc tế 8,1 Tbps).

“Hạ tầng mạng lưới này đã góp phần đưa dịch vụ số vào các hoạt động đời sống kinh tế xã hội và sẽ là nền tảng vững chắc cho nền kinh tế số trong tương lai thông qua việc đầu tư, nâng cấp mở rộng mạng 4G, triển khai 5G trong thời gian tới và mạng cáp quang phủ rổng để cung cấp các kết nối dung lượng lớn, chất lượng cao đáp ứng cho IoT và cách mạng công nghiệp 4.0”.

Cục đã triển khai thành công kế hoạch chuyển đổi mã mạng, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, không có sự cố. Kết quả của việc chuyển đổi mã mạng này là dành được 500 triệu số phục vụ giao tiếp người – người và khoảng gần 1 tỷ số cho giao tiếp máy – máy. Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao đã được cung cấp chính thức từ 16/11/2018, góp phần thúc đẩy DN di động nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng.

Năm 2018, Cục Viễn thông đã đề xuất với Bộ TTTT bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị vô tuyến, cắt giảm hơn 50% sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tần số VTĐ

Về công tác nổi bật của Cục Tần số VTĐ trong năm 2018, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách cho biết năm 2018 Cục đã cấp 38.217 giấy phép (tăng 08% so với 2017), trong đó: 26.866 giấy phép điện tử (chiếm 70,3%) và 11.351 giấy phép giấy; cấp 1.031 chứng chỉ VTĐ viên hàng hải.

Cục đã giải quyết xong 174/183 vụ can nhiễu. Số vụ nhiễu giảm khoảng 25% so với năm 2017. Trong đó, nhiễu mạng di động chiếm 71% với 126 vụ, tổng số 524 trạm gốc bị nhiễu (Viettel: 110, Mobifone: 312, Vietnamobile: 37, VinaPhone: 45), giảm so với hơn 800 trạm gốc bị nhiễu năm 2017. Nguồn gây nhiễu chủ yếu là điện thoại chuẩn DECT 6.0 (801 chiếc) và thiết bị kích sóng điện thoại di động (115 thiết bị).

Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết 10 vụ can nhiễu liên quan mạng quốc phòng, an ninh. Tổ chức đo, khảo sát, đánh giá thực trạng sử dụng tần số tại một số khu vực quân sự phục vụ cho công tác quy hoạch tần số.

Cục đã thực hiện thu phí, lệ phí đạt 548,128 tỷ đồng (vượt 1,6% kế hoạch); nộp ngân sách nhà nước 272.693 tỷ đồng.

Công tác hợp tác quốc tế lĩnh vực Tần số VTĐ ghi nhận thống nhất với Lào về nguyên tắc phối hợp tần số cho mạng di động thế hệ mới trên băng tần 1800MHz; đạt thỏa thuận với Campuchia đối với 08 kênh truyền hình và điều chỉnh thỏa thuận với băng tần 900 và 1800 MHz. Trong năm, đại diện của Việt Nam tái trúng cử thành viên RRB nhiệm kỳ 2019-2022.

Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương

Về kết quả công tác nổi bật của Cục BĐTW, ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng cho biết Cục đã hoàn thành tốt công tác phục vụ các sự kiện của đất nước như các Hội nghị Trung ương, các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp thường kỳ và chuyên đề của Chính phủ; các Hội nghị GMS 6, CLV 10, Hội đồng chấp hành, liên minh bưu chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn kinh tế thế giới ASEAN (WEF-ASEAN)…

Thông tin bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước đảm bảo chất lượng, an toàn. Sản lượng bình quân hàng tháng đạt trên 105.000 bưu gửi, trong đó bưu gửi KT1 và khẩn chiếm 45%.

Năm 2018, Chính phủ giao nhiệm vụ bảo đảm kết nối phục vụ các bài toán CPĐT, Cục BĐTW đã duy trì, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn mạng, thông tin liên lạc thông suốt (độ khả dụng của mạng đạt 99,91%), và đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ phiên điện đàm quốc tế của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Cục BĐTW đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để thực hiện triển khai các cơ chế thúc đẩy triển khai IPv6 trong các cơ quan Đảng, Nhà nước sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng; Triển khai thí điểm tại Văn phòng Chính phủ và Bộ TTTT.

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC

Về công tác của VNNIC trong năm 2018, ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC nhấn mạnh VNNIC thực hiện tốt các công tác quản lý tên miền “.vn”; Cải cách trong thủ tục đăng ký sử dụng tên miền “.vn” thông qua việc triển khai thử nghiệm hồ sơ điện tử trong đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” tại một số Nhà đăng ký (NĐK). Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng duy trì sử dụng và thuộc top 10 tên miền mã quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng cao nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tính tới hết ngày 31/12/2018, có 465.890 tên miền “.vn” đang duy trì sử dụng, tăng 8.23% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng tên miền “.vn” đăng ký mới năm 2018 đạt 143.261.

Kết quả chuyển đổi IPv6 ở Việt Nam đạt 25,85%, đứng thứ 13 trên thế giới, thứ 6 khu vực  Châu Á - Thái Bình Dương (sau Ấn Độ, Mỹ, Malaysia, Đài Loan và Nhật Bản) đứng thứ 2 khu vực ASEAN, với hơn 14.000.000 người sử dụng IPv6.

Trong năm 2018 hệ thống VNIX không ngừng được nâng cấp và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm nâng cao đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, tính ổn định, an toàn, an ninh và tăng cường khả năng dự phòng cho toàn bộ mạng Internet Việt Nam trong các sự cố đứt kết nối với các kênh quốc tế, qua đó nhằm hỗ trợ tốt cho các DN Internet ISP tham gia kết nối. Tổng số thành viên hiện nay là 20 DN ISP đang kết nối tới các điểm VNIX tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, tổng băng thông kết nối 269 Gbps, trong đó có nhiều DN kết nối dung lượng lớn như CMCTi (51GB), VNPTNet (50GB), Viettel (42GB). Tổng lưu lượng trao đổi lũy kế tính đến hết 30/12/2018 đạt 571,093,433 GBytes.

Lan Phương/ictvietnam.vn

Tin nổi bật