Quảng cáo của nhiều "đại gia" xuất hiện trên trang web phim "lậu"

(ICTPress) - ICTPress đã khảo sát trên một số trang phim và thấy xuất hiện quảng cáo của các nhãn hàng lớn như: OMO, Nokia, Sony, IBM, Number One, TH True Milk, Nutrilite; cùng với quảng cáo của các trang web cá độ bóng đá, cờ bạc online như Ibet, CMD368, game online xuất hiện trên các trang web chiếu phim vi phạm bản quyền.

Quảng cáo Nokia trên trang hayhaytv.vn sáng 12/6/2014.

Theo nguồn tin riêng của ICTPress, ước tính trên Internet đang tồn tại khoảng hơn 400 trang web chiếu phim online bằng tiếng Việt, với hàng chục nghìn bộ phim sản xuất trong nước và các bộ phim đến từ các nước châu Âu, châu Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ. Trong đó, có một số lượng lớn phim đến từ kinh đô điện ảnh thế giới là Hollywood. Con số các trang web phim online đang tăng lên nhanh chóng, từ 180 trang vào năm 2012 lên hơn 400 trang vào năm 2014 và được dự báo là sẽ tăng thêm trong thời gian tới.

Theo số liệu từ Cục Điện ảnh, số lượng phim của Hollywood chiếm từ 70 - 80% số lượng phim Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam. Hiệp hội điện ảnh Mỹ (MPA) là đại diện cho 6 hãng phim lớn nhất của Hollywood và nhiều hãng điện ảnh liên kết với các hãng phim này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các hãng phim thành viên của MPA chưa trao quyền phát hành phim online cho bất cứ một đơn vị nào ở Việt Nam.

"Chưa có một nhân vật nào ở Việt Nam có quyền cung cấp phim của các thành viên của MPA lên Internet. Tất cả các phim Mỹ đang chiếu trên các trang web tiếng Việt đều là phim vi phạm bản quyền", nguồn tin của ICTpress cho biết.

Theo ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí Xuất bản (Thanh tra Bộ TT&TT), hiện nay tình trạng cung cấp phim trên mạng Internet tương đối phức tạp, rất nhiều các website cung cấp phim của nhiều hãng trên thế giới vào lãnh thổ Việt Nam. Hầu hết các trang web này đều đăng ký tên miền quốc tế và vi phạm bản quyền. Hành vi vi phạm bản quyền gây tổn hại cho toàn xã hội, cả về kinh tế cũng như làm mất đi các ý tưởng và mong muốn sáng tạo của con người.

Cũng theo ông Toàn, những năm gần đây một số hãng phim nước ngoài đã bắt đầu lên tiếng vì nạn vi phạm bản quyền phim trên Internet và gửi đơn đến các cơ quan chức năng của Việt Nam đề nghị can thiệp, trong đó có Bộ TT&TT. Có một số trang web đã bị Bộ VH-TT&DL đóng cửa hoặc yêu cầu rút hết phim vi phạm bản quyền, mới đây Bộ TT&TT cũng chỉ đạo các Sở TT&TT xử lý vi phạm của 2 trang web bị TVB khiếu nại. Thanh tra Bộ TT&TT sẽ kiên quyết xử lý khi nhận được phản ánh của các chủ sở hữu quyền tác giả.

Trong khi đó, người dùng Internet có thể dễ dàng tải phim về máy tính để xem hoặc xem online ngay trên các trang phim. Hiện rất ít các trang phim online thu phí người xem, còn lại phần lớn là cho người xem miễn phí và chủ các trang web này thu lợi nhuận từ quảng cáo.

Theo tìm hiểu của ICTpress, trên trang hayhaytv.vn đang công bố mức giá quảng cáo khá cao. Ví dụ, quảng cáo banner có giá từ 2 triệu - 8 triệu đồng/tuần; quảng cáo banner hoặc clip trước hoặc trong lúc phim trình chiếu có giá lên đến 45 triệu đồng/tuần, mức tối thiểu là 15  triệu đồng, giá quảng cáo phụ thuộc vào từng vị trí, kích cỡ và thời gian xuất hiện trong lúc xem phim.

ICTpress đã khảo sát trên một số trang phim và thấy xuất hiện khá nhiều quảng cáo của các nhãn hàng lớn như: OMO, Nokia, Sony, IBM, HTC, Toyota, Number One, TH True Milk, Nutrilite... Các quảng cáo này xuất hiện trực tiếp trên trang hoặc xuất hiện qua một số mạng quảng cáo của Ambient Digital, eClick, Adplus.

Bên cạnh đó có xuất hiện khá nhiều các trang web cá độ bóng đá, cờ bạc online như Ibet, CMD368, game online xuất hiện trên các trang web chiếu phim vi phạm bản quyền.

Ông Toàn cho biết, nhà nước không thể can thiệp vào việc chặn nguồn tiền quảng cáo của các trang web vi phạm bản quyền. Bởi quảng cáo là hoạt động thông thường và nhà nước chưa có quy định cấm các doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng vi phạm bản quyền.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, có thể doanh nghiệp không biết trang web mà họ mua quảng cáo đang vi phạm bản quyền. Nhưng dù sao việc quảng cáo trên các trang web phim "lậu" vô tình tiếp tay cho nạn vi phạm bản quyền trên Internet gia tăng. Hồi đầu tháng 10/2012, Coke và Samsung đã cắt hợp đồng quảng cáo trên Zing vì lý do chống vi phạm bản quyền. Hồi cuối tháng 5/2014, Ngân hàng HSBC cũng đã rút quảng cáo trên hayhaytv.vn vì lý do trang web này vi phạm bản quyền phim.

Cùng điểm mặt một số nhãn hàng "đại gia" trên các trang phim "lậu":

Quảng cáo điện thoại HTC bên góc phải của xem.net.vn (ảnh chụp sáng 12/6)
Quảng cáo của Toyota xuất hiện trên phim3s.net, góc phải là quảng cáo game online của Sgame, TTV (ảnh chụp sáng 12/6).
TH True Milk trên trang xem.net.vn (ảnh chụp 10/6)
Sony xuất hiện trên góc phải của hayhaytv.vn (ảnh chụp sáng 10/6).
OMO và Number One cùng xuất hiện trên v1vn.com (ảnh chụp sáng 10/6)
Nutrilite và quảng cáo cờ bạc online trên xemphimso.com (ảnh chụp sáng 10/6).
CMD368 ngang nhiên quảng cáo cá độ bóng đá, cờ bạc online trên nhiều trang phim trực tuyến.
Quảng cáo game Giang hồ Vận kiếm của CMN Online trên hayhaytv.vn

Minh Quyên

Tin nổi bật