Syndicate content

Thời sự ICT

Trăn trở trình độ tiếng Anh cho sinh viên CNTT

Tóm tắt: 

(ICTPress) - "Nếu chúng ta chăm lo đào tạo tiếng Anh từ bậc học phổ thông 10 năm nữa may ra mới có cơ hội thâm nhập với thế giới".

(ICTPress) - Đào tạo tiếng Anh cho nguồn nhân lực CNTT tương lai thực sự là nỗi trăn trở của người đặt câu hỏi và cả người trả lời tại phiên tọa đàm Hội thảo quốc gia về CNTT-TT với chủ đề "Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT - Một năm nhìn lại" vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Ảnh minh họa: vnu.edu.vn

Ông Thang Văn Phúc, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ trăn trở tiếng Anh là công cụ không thể thiếu trong môi trường làm việc hiện nay đối với bất kỳ lao động nào, đặc biệt là đội ngũ làm việc trong ngành CNTT. Vậy chúng ta đã làm gì và phải chăm lo như thế nào? Nếu chúng ta chăm lo đào tạo tiếng Anh từ bậc học phổ thông 10 năm nữa may ra mới có cơ hội thâm nhập với thế giới. Các đối tác vào giao tiếp với chúng ta nhưng chúng ta vẫn dường như chưa có công cụ là tiếng Anh để thẩm định lại họ.

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết Bộ GD&ĐT đã có đề án đào tạo tiếng Anh đến năm 2020 nhằm tăng cường dạy tiếng Anh từ lớp 5. Chương trình này đang được triển khai rầm rộ. Bộ GD&ĐT cũng đang chuẩn bị một số nhóm công tác thí điểm giảng dạy một số môn bằng tiếng Anh.

Đào tạo tiếng Anh cho sinh viên CNTT rất quan trọng. Bộ GD&ĐT đã quán triệt sử dụng giáo trình CNTT bằng tiếng Anh dạy CNTT thay cho việc dịch như trước đây. Bộ GD&ĐT thời gian qua khuyến khích các trường tham khảo giáo trình tiếng Anh, mời giáo viên giảng dạy bằng tiếng Anh. Đây chưa phải là nhiều nhưng đã cho thấy những dấu hiệu khởi sắc, ông Ngọc cho biết.

Bắt đầu từ năm nay, Bộ GD&ĐT đã cho tuyển sinh khối khối A1 gồm các môn Toán, Lý và Anh văn để khuyến khích các em học theo học tự nhiên, học CNTT bằng tiếng Anh. Ngoài ra, các em học CNTT được khuyến khích viết đồ án, bảo vệ tốt nghiệp bằng tiếng Anh.

Nhiều trường bắt đầu quan tâm tới việc đào tạo 2 năm đầu học cơ bản 2 năm sau học chuyên ngành bằng tiếng Anh. Các trường công nghệ ở nhiều nước coi việc học theo phương thức này là bắt buộc.

Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” đã đặt ra mục tiêu cụ thể về nguồn nhân lực CNTT  là đến năm 2015, 30% số lượng sinh viên CNTT, điện tử, viễn thông sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế.

TS. Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết đào tạo bằng tiếng Anh rất quan trọng mà Việt Nam còn thiếu. Đại học Công nghệ 4 năm qua coi giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên là chiến lược. Các khoa Khoa học Máy tính và Điện tử CNTT sẽ tiến tới dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trường đã mời toàn các thầy đào tạo ở nước ngoài về giảng dạy.

Tháng 6 này khóa đầu tiên gồm 80 học sinh công nghệ được giảng dạy bằng tiếng Anh sẽ là khóa đầu tiên ra trường. Trường còn mong muốn số giáo viên ngồi hội đồng bảo vệ luận văn là 1/3 người là người nước ngoài. Luận văn của họ sinh được gửi 1 giáo viên nước ngoài phản biện bằng tiếng Anh, ông Bình cho biết.

Tuy nhiên, việc đào tạo này theo ông Bình là phải làm từ từ. Khối A1 được đề nghị mấy năm và nay đã trở thành hiện thực.

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng trường Đại học FPT cho biết FPT xác định trang bị tiếng Anh cho sinh viên công nghệ là rất quan trọng. Đào tạo sinh viên ở đại học FPT được cam kết là ra trường sẽ làm việc được trong môi trường tiếng Anh. Trong thời gian qua, nhiều em tốt nghiệp đã ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng giảng dạy và học trực tiếp bằng tiếng Anh phải dần dần.

Ông Quách Tuấn Ngọc cho rằng học tiếng Anh quan trọng là phải có thầy nói tiếng Anh tốt.

X.T

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Kết quả một năm thực hiện quốc gia mạnh về CNTT chưa rõ ràng

Tóm tắt: 

(ICTPress) - "Bộ TT&TT phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng bộ tài liệu khẳng định khả năng đóng góp của CNTT đối với đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh..."

(ICTPress) - "Bộ TT&TT phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng bộ tài liệu khẳng định khả năng đóng góp của CNTT đối với đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh..."

Báo chí cần vào cuộc để cập nhật thông tin về Đề án

Kết luận Hội thảo CNTT Hội thảo Quốc gia về CNTT-TT Việt Nam diễn ra hôm nay 7/1, với chủ đề "Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT - Một năm nhìn lại", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Minh Hồng cho biết sau hơn 1 năm - hơn 10% quỹ thời gian - vẫn chưa thực hiện được nhiều việc lắm, kết quả cụ thể chưa rõ ràng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT trong phiên họp buổi sáng cho biết: Năm vừa qua là năm quá độ về mặt tài chính, quản lý, chẳng hạn Đề án được phê duyệt tháng 10 khi các cơ quan Nhà nước đều đã chốt kế hoạch tài chính năm. Nhiều lý do khách quan đã khiến việc triển khai Đề án chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Để triển khai Đề án trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tới việc vẽ lại ma trận chính sách liên quan tới Đề án. Các Bộ TT&TT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cần ngồi lọc lại tất cả chính sách của những chương trình đã có, khâu nào đang bị cản trở, điểm nào cần Nhà nước hỗ trợ và hỗ trợ như thế nào, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.

Phó Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ TT&TT phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng bộ tài liệu khẳng định khả năng đóng góp của CNTT đối với đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như hoạt động quản lý Nhà nước. Thực tế, CNTT chưa được quan tâm đúng mức vì nhiều khi lãnh đạo không đủ thông tin cần thiết về tiềm năng, cách thức phát triển và ứng dụng CNTT-TT.

Để nâng cao nhận thức về CNTT-TT nói chung và tầm quan trọng của Đề án, theo Phó Thủ tướng, các cơ quan truyền thông đại chúng như Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Thanh niên cần mở chuyên mục "Cửa sổ Nước mạnh về CNTT-TT" để thường xuyên nhắc nhở rằng Đề án vẫn đang được triển khai và cập nhật kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục.

Thanh niên sẽ là lực lượng nòng cốt, xung kích triển khai Đề án, Các Bộ, ngành liên quan cần chú trọng, Phó Thủ tướng cũng đề nghị.

Để đảm bảo hiệu quả cho việc triển khai Đề án, theo Phó Thủ tướng, Bộ TT&TT và Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT cần cân nhắc thành lập Ban điều phối hoạt động triển khai Đề án.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh CNTT gọi là đề án nhưng thực chất là chiến lược. Trong đề án này gồm rất nhiều chương trình, đề tài nhánh nên gọi là chiến lược đến năm 2020 mạnh về CNTT là so sánh Việt Nam nước ta hiện nay với thời điểm đó và so với các nước. Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Đề án có nhiều con số định lượng nhưng chưa làm được nhiều, phải nỗ lực nhiều hơn. Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng về những việc làm được, chưa làm được để tháo gỡ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện Đề án. Sau Hội thảo, Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT sẽ tiếp tục xin ý kiến các Bộ, ngành, doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ.

Sử dụng nguồn quỹ viễn thông công ích hỗ trợ các thiết bị đầu cuối đa phương tiện như máy tính cho Chương trình máy tính nối mạng tri thức để hỗ trợ nhiều người có thiết bị và đường truyền phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cũng sẽ là một giải pháp được Bộ nghiên cứu và báo cáo chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết.

 X.T

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Viettel vẫn chưa “qua mặt” được VNPT về doanh thu

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Hai "ông lớn" ngành ICT không cán đích mục tiêu doanh thu năm 2011, Viettel vẫn tiếp tục chưa qua mặt được "ông anh cả" VNPT.

(ICTPress) - Hai "ông lớn" ngành ICT không cán đích mục tiêu doanh thu năm 2011, Viettel vẫn tiếp tục chưa qua mặt được "ông anh cả" VNPT.

VNPT tiếp tục tăng trưởng ổn định với doanh thu năm 2011 đạt trên 120.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 tổ chức sáng nay (6/1), Bộ TT&TT cho biết, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có tổng doanh thu năm 2011 ước đạt 120.800 tỷ đồng, tăng 18,26% so với năm 2010. Trong đó, dịch vụ Bưu chính, Viễn thông và CNTT đạt 103.864 tỷ đồng, tăng 24,98% so với năm 2010, nộp ngân sách nhà nước 7.880 đồng, bằng 90,27% so với năm 2010.

VNPT chưa đạt mục tiêu doanh thu như kỳ vọng, nhưng Viettel - doanh nghiệp từng thách thức "ngôi vương" của VNPT vào năm ngoái - dù cùng đặt mục tiêu doanh thu 130.000 tỷ trong năm 2011 cũng đã tiếp tục bỏ lỡ cơ hội qua mặt "ông anh cả" ngành ICT.

Con số doanh thu thực hiện của Viettel năm 2011 được Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đạt 116.012 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 9.453 tỷ đồng.

Dù cùng chưa cán đích mục tiêu, song tổng doanh thu tương đương trên 10 tỷ USD của 2 doanh nghiệp đầu đàn ngành ICT là con số rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế đầy khó khăn năm vừa qua.

Cũng cần nói thêm rằng, con số 130.000 tỷ đều là mục tiêu đã được điều chỉnh theo hướng tăng lên của hai doanh nghiệp này. Đầu năm 2011, VNPT đặt mục tiêu doanh thu trên 120.000 tỷ đồng, còn Viettel có mục tiêu thấp hơn, ở mức gần 110.000 tỷ đồng.

Doanh thu tại các thị trường ngoài nước của Viettel vẫn chưa đạt tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu toàn tập đoàn. Ảnh: mạng di động Metfone của Viettel tại Campuchia.

Xét về cơ cấu doanh thu, trong khi VNPT đạt mức tăng trưởng ổn định với nguồn thu chủ yếu từ hai "con gà đẻ trứng vàng" là MobiFone và VinaPhone, việc Viettel không đạt được mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ như mong muốn được giới chuyên môn nhận định là do các lĩnh vực mới được đặt nhiều kỳ vọng như đầu tư nước ngoài, sản xuất thiết bị viễn thông và CNTT chưa đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn.

Năm qua Viettel đã đầu tư ra mạnh mẽ ra thị trường nước ngoài và gây nhiều tiếng vang, song theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, tổng doanh thu phát sinh trong nước vẫn chiếm tỷ trọng chủ đạo với 105.432 tỷ đồng, tổng doanh thu phát sinh ở 5 thị trường ngoài nước đạt dưới 10% tổng doanh thu toàn tập đoàn với 10.580 tỷ đồng.

Ông Hùng cho biết, Viettel sẽ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2012 ở mức 20-25%, riêng đầu tư ra nước ngoài có mục tiêu tăng trưởng trên 50%. Nếu hoàn thành được mục tiêu này, Viettel nhiều khả năng sẽ "soán ngôi" của VNPT bởi VNPT chưa có các mảng kinh doanh mới giúp mang lại mức đóng góp doanh thu đột phá trong khi thị trường viễn thông di động trong nước đang được đánh giá là đã đạt mức bão hòa.

Kết quả doanh thu của một số doanh nghiệp khác:

VTC đạt 10.300 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Dịch vụ BCVT Sài Gòn 786 tỷ đồng, FPT Telecom và FPT IS 3.500 tỷ đồng và 4.200 tỷ đồng, Vishipel 215 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội 9000 tỷ đồng, Đông Dương Telecom 16 tỷ đồng, Gtel Mobile 336,86 tỷ đồng, Viễn thông CMC 70 tỷ đồng, công ty Cổ phần Misa 175 tỷ đồng.

Linh Hoàng - An Du

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Hồ sơ trình Thủ tướng không gửi kèm file điện tử sẽ không được xử lý

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Văn phòng Chính phủ lưu ý, việc gửi hồ sơ trình giải quyết công việc không đính kèm file điện tử sẽ được coi như không hợp lệ, không đảm bảo thủ tục hành chính và Văn phòng Chính phủ sẽ không xử lý.

(ICTPress) - Hôm qua (5/1), Văn phòng Chính phủ vừa có công văn đề nghị thực hiện đầy đủ việc gửi kèm file điện tử hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết công việc.

Ảnh minh họa.

Các cơ quan cần thực hiện yêu cầu này gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND và UBND các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế nhà nước và các Tổng công ty 91.

Theo Văn phòng Chính phủ, trước đó ngày 6/12/2011, cơ quan này đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị nói trên từ ngày 15/12/2011 gửi hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trừ văn bản có nội dung mật) đề nghị giải quyết công việc thuộc thẩm quyền xử lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngoài bộ hồ sơ giấy đều phải đính kèm file điện tử của toàn bộ hồ sơ trình. Song, đến nay việc gửi file điện tử hồ sơ trình giải quyết công việc của các đơn vị chưa được thực hiện đầy đủ.

Do đó, Văn phòng Chính phủ lưu ý, việc gửi hồ sơ trình giải quyết công việc không đính kèm file điện tử sẽ được coi như không hợp lệ, không đảm bảo thủ tục hành chính và Văn phòng Chính phủ sẽ không xử lý.

Minh Phương

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Hướng đi nào cho nội dung số Việt Nam?

Tóm tắt: 

Hướng đi nào cho nội dung số Việt Nam là chủ đề trọng tâm của Hội thảo khoa học “Công nghệ xử lý ngôn ngữ và phát triển thị trường nội dung số Việt Nam ra thế giới”.

Hướng đi nào cho nội dung số Việt Nam là chủ đề trọng tâm của Hội thảo khoa học “Công nghệ xử lý ngôn ngữ và phát triển thị trường nội dung số Việt Nam ra thế giới” được Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 5/1/2012 tại Hà  Nội.

Cùng với những phân tích, đánh giá về thực trạng công nghiệp công nghệ thông tin Việt nam nhìn từ những góc độ khác nhau, hội thảo khoa học này cũng đưa ra một số câu hỏi đối với các nhà công nghệ và các doanh nghiệp Việt Nam:

-         Ngành kinh tế tri thức nào cho Việt Nam?

-         Hướng nào cho Công nghiệp CNTT Việt Nam?

-         Ai dùng phần mềm đóng gói Việt Nam?

-         Cơ hội nào cho các sản phẩm Made inVietnamtrên thị trường thế giới?

-         R&D nên tập trung vào những vấn đề gì?

-         Chuyển giao kết quả R&D thế nào?

-         Các nhà khoa học và doanh nghiệp của chúng ta có hợp tác thực sự được không?...

Đối với thế giới, nội dung số đang phát triển rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực: viễn thông, tài chính ngân hàng, xuất bản, giáo dục, y tế, văn hóa, điện ảnh, giải trí…Các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp CNTT Việt Namcần làm gì để không bị tụt hậu trong xu thế phát triển đó?

Trong số các báo cáo, bản tham luận của Viettel khá nổi bật với việc chỉ rõ sức ép từ doanh thu ở thị trường ViệtNam, mức tăng trưởng doanh thu đang giảm dần do thị trường đang tiến tới bão hòa. Cùng với việc phát triển kinh doanh ra các nước trên thế giới, Viettel cũng xác định rằng “Khi nguồn sống chủ yếu của viễn thông bắt đầu bị giới hạn thì Viettel phải bắt đầu đi tìm nguồn sống mới trước kh quá muộn” và “R&D là bắt buộc và mang tính sống còn nếu muốn tiếp tục phát triển trên thị trường trong và ngoài nước”. Năm 2011, Viettel đã dành 10% lợi nhuận trước thuế, tức khoảng 1500 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu phát triển, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết với các cơ sở nghiên cứu.

Các nội dung thảo luận khác như: vấn đề dịch thuật, ứng dụng trong cải thiện giao thông thành phố, điện toán đám mây, số hóa các văn bản… cũng là những chủ đề đang được quan tâm. Các tham luận và câu hỏi đã gợi mở một số hướng đi cho công nghiệp nội dung số Việt Nam.

Quý Minh

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT
Các chuyên mục liên quan: 
Thời sự ICT

Yahoo bổ nhiệm CEO mới

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Yahoo vừa thông báo bổ nhiệm Scott Thompson - Chủ tịch Bộ phận Paypal của eBay - làm Giám đốc điều hành mới.

(ICTPress) - Yahoo vừa thông báo bổ nhiệm Scott Thompson - Chủ tịch Bộ phận Paypal của eBay - làm Giám đốc điều hành mới.

Scott Thompson - CEO mới của Yahoo.

Tim Morse - người đang tạm nắm giữ vị trí này thay bà Carol Bartz mới bị sa thải hồi tháng 9 năm ngoái - sẽ trở lại vị trí Giám đốc Tài chính.

Yahoo cũng cho hay, Thompson đồng thời được bổ nhiệm vào Hội đồng quản trị, các quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 9/1.

Trước khi giữ vị trí Chủ tịch Paypal từ tháng 1/2008, Thomson là Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ. Kể từ khi đứng đầu Paypal, ông đã đưa dịch vụ thanh toán trực tuyến này tăng từ 50 triệu lên trên 104 triệu người sử dụng, doanh thu tăng từ 1,8 tỷ USD lên trên 4 tỷ USD vào năm 2011.

Các chuyên gia quốc tế đánh giá đây là lựa chọn gây ngạc nhiên của Yahoo, bởi Thomson dù đã đạt các thành tích ấn tượng trong lĩnh vực thanh toán và là nhà lãnh đạo công nghệ tài ba song lại thiếu kinh nghiệm về truyền thông và quảng cáo trực tuyến - lĩnh vực chính mà Yahoo nhắm tới.

Tuy thế, trong thông cáo được phát đi, Chủ tịch Yahoo Roy Bostock khẳng định Thompson là nhà lãnh đạo phù hợp để giúp Yahoo đưa lĩnh vực kinh doanh cốt lõi trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh cùng với các sáng kiến, cải tiến dẫn đầu trong ngành.

"Nhiệm vụ trọng tâm của Scott là hoạt động kinh doanh cốt lõi, anh sẽ làm việc chặt chẽ với HĐQT để tiếp tục quá trình đánh giá lại chiến lược nhằm xác định hướng đi tốt nhất cho công ty và các cổ đông", Bostock nói.

Chủ tịch Yahoo cũng cho biết, công ty Internet này đang cân nhắc những cơ hội khác nhau cho hoạt động kinh doanh, trong đó có việc nhận đầu tư hoặc bán lại các tài sản của công ty.

Sau khi công bố thông tin, thị trường tài chính đã phản ứng khá tiêu cực, cổ phiếu của Yahoo giảm hơn 2,6%, trong khi cổ phiếu của eBay giảm tới gần 4%.

Bảo Lê

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Bkav chi 2,3 tỷ đồng lấy lại tên miền quốc tế Bkav.com

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Công ty Bkav vừa cho biết đã chi tới 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền quốc tế Bkav.com từ một công ty của Mỹ.

(ICTPress) - Công ty Bkav vừa cho biết đã chi tới 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền quốc tế Bkav.com từ một công ty của Mỹ.

Bkav với tham vọng vươn ra toàn cầu. Ảnh minh họa.

Đây là số tiền lớn nhất cho một tên miền của Việt Nam được biết đến chính thức tới thời điểm hiện nay.

Hôm nay (4/1), Bkav đã chính thức đưa tên miền này vào sử dụng, song hiện đang chuyển hướng về tên miền cũ là Bkav.com.vn.

Được biết, tên miền Bkav.com đã bị đăng ký từ năm 2001. Tại thời điểm đó, theo Tổng Giám đốc Bkav Nguyễn Tử Quảng, Bkav không nghĩ tới việc có thể đưa thương hiệu ra toàn cầu, do đó đã không mua tên miền quốc tế mà chỉ mua tên miền trong nước Bkav.com.vn.

"Mãi tới năm 1997 Việt Nam mới kết nối Internet, nền kinh tế lại chưa phát triển, trong hoàn cảnh đó doanh nghiệp chưa thể nghĩ đến toàn cầu. Có lẽ đây cũng là lý do mà các thương hiệu khác của Việt Nam đã để mất tên miền quốc tế", ông Quảng nói.

Theo ông Quảng, khi sản phẩm bắt đầu có thương hiệu, các doanh nghiệp nên mua ngay tên miền quốc tế để tránh phải chi nhiều tiền mua lại sau này.

NH

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Yêu cầu Viettel ngưng cung cấp dịch vụ trên 100 nghìn thuê bao di động

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Văn phòng UBND TP. HCM vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch TP Lê Mạnh Hà về công tác quản lý thuê bao điện thoại di động trên địa bàn.

(ICTPress) - Văn phòng UBND TP. HCM vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch TP Lê Mạnh Hà về công tác quản lý thuê bao điện thoại di động trên địa bàn.

Trên 100 nghìn thuê bao của Viettel sẽ bị ngưng cung cấp dịch vụ. Ảnh minh họa.

Theo thông tin trên Tuổi trẻ, ông Hà yêu cầu chi nhánh Viettel tại TP. HCM phải chấm dứt ngay việc cung cấp dịch vụ cho 114.352 thuê bao di động trả trước đăng ký thông tin sai quy định.

Đồng thời, ông Hà chỉ đạo Sở TT&TT TP. HCM yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động cung cấp thông tin thuê bao di động trả trước và trả sau để tiếp tục kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Sở cũng được yêu cầu xây dựng kế hoạch quản lý thuê bao di động trong quý 1/2012, trình UBND TP. HCM trước ngày 15-1-2012.

Quyết định mới của TP. HCM cho thấy quyết tâm của địa bàn này trong việc đi đầu cả nước chấn chỉnh và siết chặt việc quản lý thuê bao di động trả trước theo đúng quy định của Thông tư 22 do Bộ TT&TT ban hành và có hiệu lực từ ngày 10/8/2009.

Trước đó, cũng theo chỉ đạo của UBND TP. HCM, Thanh tra Sở TT&TT đã xử phạt 3 mạng di động Viettel, Vinaphone, MobiFone mỗi doanh nghiệp 30 triệu đồng và yêu cầu ngưng cung cấp dịch vụ với toàn bộ 37.288 thuê bao di động trả trước không kê khai đúng thông tin.

Phó Chủ tịch TP. HCM Lê Mạnh Hà trước đó cũng đề nghị Sở TT&TT TP có văn bản đề nghị Bộ TT&TT áp dụng quản lý thuê bao trả trước như thuê bao trả sau.

Lê Nguyên

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Anh phong tước cho trưởng nhóm thiết kế của Apple

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Những người hâm mộ vẻ hấp dẫn bên ngoài của iPhone, iPad và những sản phẩm bom tấn khác của Apple là rất nhiều trong đó có nữ hoàng Anh Elizabeth II.

(ICTPress) - Những người hâm mộ vẻ hấp dẫn bên ngoài của iPhone, iPad và những sản phẩm bom tấn khác của Apple là rất nhiều trong đó có nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Vương quốc Anh đã trao tước hiệu hiệp sỹ cho Jonathan Paul Ive, một công dân Anh và là Đội trưởng của đội thiết kế của Apple từ giữa những năm 1990, vào ngày đầu năm mới 2012.

Jonathan Ive, Phó chủ tịch cấp cao về thiết kế công nghiệp (bên trái) và Steve Jobs. Ive là người đã sáng tạo thiết kế cho iPod và nhiều sản phẩm được công nhận rộng rãi của Apple đã được nhận tước hiệu hiệp sỹ từ nữ hoàng Anh Elizabeth II trong danh sách vinh danh theo truyền thống đầu năm mới của Hoàng gia Anh

Ive đã nhận được huân chương cao quý này của Hoàng gia Anh cho các công việc thiết kế và doanh nghiệp.

Ive được đánh giá là đã hỗ trợ Steve Jobs đưa công ty điện tử tiêu dùng này hồi phục sau khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990 với thiết kế giàu tính tưởng tượng cho chiếc máy tính iMac, mà ban đầu xuất hiện với những màu sáng vào thời điểm mà màu tối dịu thống trị thế giới PC.

Sau đó Ive hỗ trợ chuyển đổi Apple thành một công ty nhiều người để ý tại thung lũng Silicon với những thiết kế cho iPod, iPhone và gần đây nhất là iPad.

Bảo Ngọc

Theo newsday

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

EVN Telecom lộn xộn trong thời điểm chuyển giao

Tóm tắt: 

Dù ngày chuyển giao chính thức là 1.1.2012, tuy nhiên các cửa hàng giao dịch, trung tâm chăm sóc khách hàng, phòng kỹ thuật... của EVN Telecom tại Đà Nẵng đã đóng cửa, cắt các giao dịch với khách từ trước đó nửa tháng.

Nhà mạng EVN Telecom của Tập đoàn Điện lực VN chính thức được chuyển giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội – Viettel kể từ 1.1.2012 dù vẫn còn nhiều thắc mắc, khiếu nại của các nhà mạng khác vì cho rằng vi phạm Luật Cạnh tranh.

Tuy vậy, tác động trực tiếp, nhanh nhất của cuộc chuyển giao này lại là khách hàng của EVN Telecom...

Dù ngày chuyển giao chính thức là 1.1.2012, tuy nhiên các cửa hàng giao dịch, trung tâm chăm sóc khách hàng, phòng kỹ thuật... của EVN Telecom tại Đà Nẵng đã đóng cửa, cắt các giao dịch với khách từ trước đó nửa tháng. Người sử dụng mạng điện thoại của EVN Telecom dù trả tiền đầy đủ, nhưng nếu có trục trặc, thắc mắc, khiếu nại về dịch vụ, tiền cước... thì không thể tìm được người có trách nhiệm để giải quyết.

EVN Telecom Đà Nẵng đóng cửa, "trốn" giao dịch với khách hàng.

Trụ sở tổng đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông EVN Telecom tại Đà Nẵng tại 391 Trưng Nữ Vương đã khép hờ hoặc đóng cửa gần nửa tháng nay. Nhân viên tứ tán. Điều đáng nói là đơn vị này hoàn toàn không có treo bảng báo hoặc một dòng thông báo nào để giải thích cho hiện tượng giao dịch trì trệ, thiếu trách nhiệm với khách hàng trong giai đoạn "ngừng hoạt động", chờ chuyển giao cho Viettel.

Do dịch vụ nhà mạng ngày càng kém, nhiều khách hàng khu vực quận Hải Châu tìm đến "hội sở" của EVN Telecom Đà Nẵng để thanh lý hợp đồng và họ đã phải khốn khổ đi "truy tìm" người có trách nhiệm.

Các phòng giao dịch, chăm sóc khách hàng cho đến lãnh đạo phụ trách viễn thông của điện lực Đà Nẵng đều tình trạng khoá trái cửa. Một khách hàng cho biết, khi đã tìm được cán bộ viễn thông của EVN Telecom thì họ cũng không giải quyết được.

Nhân viên giao dịch của tổng đại lý EVN Telecom Đà Nẵng - ông Trần Ngọc Phúc - cho biết: "Toàn bộ hệ thống dữ liệu liên quan đến khách hàng đều đã bị khoá. Nhân viên giao dịch và kỹ thuật viên không thể vào mạng để cắt dịch vụ (chấm dứt thuê bao)...". Thế nhưng, ông Phúc và các nhân viên tại tổng đại lý này không thể đưa ra những hướng dẫn về địa điểm mới, thời gian và ai sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của khách hàng.

Một số nhân viên khác chỉ biết đưa ra lời ta thán: "Mong khách hàng thông cảm, EVN Telecom đang giai đoạn bàn giao. Bản thân các nhân viên viễn thông của EVN Telecom cũng không biết "số phận" của mình như thế nào, vì Viettel không tiếp nhận nhân sự cũ của EVN Telecom.

Với thái độ cư xử kiểu "phụ bạc" một cách trắng trợn của EVN Telecom đối với khách hàng như hiện nay không chỉ gây bức xúc, thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn gây hậu quả nặng nề cho nhà mạng tiếp nhận bàn giao - Viettel - trong thời gian sắp tới.

Cũng dễ có sự thông cảm với lề lối làm việc trì trệ theo kiểu ngày tàn của EVN Telecom, trong không khí EVN không thưởng tết... Tuy nhiên, khách hàng khó có thể chấp nhận bị cư xử thiếu thiện chí, gây thiệt hại của EVN Telecom như hiện nay.

Thanh Hải

(Theo Lao động)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT