Syndicate content

Thời sự ICT

Sửa Luật Viễn thông nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0

Việc sửa đổi Luật Viễn thông sau hơn 13 năm thi hành nhằm đáp ứng kịp thời những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện các cam kết quốc tế, đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật thời gian qua.

Báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sự cần thiết xây dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Ảnh: VGP

Cần thiết xây dựng và ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 2/6, Quốc hội đã nghe báo cáo về về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sự cần thiết xây dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Bộ trưởng nhấn mạnh, Luật Viễn thông 2009 có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa.

Sau hơn 12 năm áp dụng, Luật và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phù hợp với bối cảnh mới có nhiều thay đổi, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu mới và khắc phục các vướng mắc trong công tác thực thi, quản lý nhà nước thời gian qua.

Mục đích xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

Khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Đồng thời, bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số - hạ tầng của nền kinh tế số.

Hiện dự thảo Luật được xây dựng gồm 10 chương, 74 điều, quy định về hoạt động viễn thông, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông.

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động viễn thông tại Việt Nam.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: VGP

Hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu theo quy định

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc sửa đổi Luật Viễn thông sau hơn 13 năm thi hành nhằm đáp ứng kịp thời những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện các cam kết quốc tế; góp phần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực viễn thông; thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Viễn thông thời gian qua.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Qua rà soát, Ủy ban thấy rằng báo cáo đánh giá tác động của các chính sách cơ bản đã đáp ứng theo quy định của Điều 35 Luật Ban hành VBQPPL.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhận thấy, chính sách "quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet" trong hồ sơ dự án Luật là chính sách mới, không có trong hồ sơ đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022) để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Có ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích cụ thể hơn vấn đề về giới đối với các quy định của dự thảo Luật. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bổ sung thông tin trong quá trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẳng định, nhìn chung nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp. Dự thảo Luật đã kế thừa hợp lý các quy định của Luật Viễn thông hiện hành; bổ sung một số quy định mới; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để khắc phục bất cập trong thực tiễn.

Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật và các luật khác có liên quan trong lĩnh vực thông tin và truyền thông lĩnh vực tư pháp… để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, Ủy ban đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo Luật này với các dự thảo luật khác đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua, như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)...

Về tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, ông Lê Quang Huy cho rằng, phần lớn các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn việc quy định tại khoản 3 Điều 47 dự thảo Luật "có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ TT&TT" có thể chưa bảo đảm nguyên tắc loại bỏ các yêu cầu phê duyệt đối với kết nối mạng viễn thông dùng riêng theo quy định của Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.

Nguồn: baochinhphu.vn

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 30/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Ở phiên thảo luận, có 12 đại biểu Quốc hội phát biểu, 2 đại biểu tranh luận, 9 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian, Quốc hội đề nghị gửi ý kiến đến Ban Thư ký để tổng hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cũng phát biểu giải trình các nội dung đại biểu nêu. 

Không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính khi thực hiện giao dịch điện tử

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), có 77 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến ở Tổ và 15 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường. 

Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, về đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật (26 luật và các văn bản quy định chi tiết) và điều ước quốc tế (09 văn bản) liên quan đến dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi; có ý kiến đề nghị nên hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các lĩnh vực đất đai, thừa kế, ly hôn, kết hôn, khai sinh… Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Điều 1 đã được chỉnh lý như trong dự thảo Luật theo hướng: chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động GDĐT; có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò quản lý nhà nước về GDĐT của cơ quan thuộc Chính phủ, bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, xin Quốc hội cho phép bỏ khoản 4 Điều 7, đồng thời đề nghị bổ sung nội dung “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng” vào khoản 2, khoản 3 Điều 7 và bổ sung khoản 4 Điều 7 quy định như sau: “4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng và phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật”.

Đại biểu đánh giá cao nội dung hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu tương đối đầy đủ, chi tiết ý kiến của các đại biểu, chuẩn bị tài liệu kỹ lưỡng, toàn diện. 

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ thống nhất với Báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu cho rằng đây là một trong những Dự thảo luật khó, vừa phải có quy định chung để điều chỉnh các hành vi trong thực tiễn có liên quan đến giao dịch điện tử; lại vừa không được quá chi tiết, vừa không nặng về kỹ thuật chuyên ngành sâu.

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Góp ý về một số nội dung cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc nêu rõ, tại điểm b khoản 2 Điều 17, có quy định: "Người nhận có thể coi thông điệp dữ liệu là của người khởi tạo nếu đã áp dụng các phương pháp xác minh được người khởi tạo chấp thuận và cho kết quả thông điệp dữ liệu đó là của người khởi tạo", đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh cụm từ "các phương pháp xác minh được người khởi tạo chấp thuận" bằng một cụm từ khác phù hợp hơn và không nên sử dụng cụm từ "được người khởi tạo chấp thuận". 

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay trên thế giới đang chuyển đổi theo xu hướng lưu trữ điện tử, những tài liệu xuất bản trong tương lai phần nhiều sẽ là ở dạng điện tử. Vì vậy, việc chuyển đổi dữ liệu giữa văn bản điện tử và văn bản giấy áp dụng trong các thủ tục hành chính sẽ ngày càng tăng. Việc sử dụng văn bản điện tử cũng đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy, đại biểu nhất trí cao với việc bổ sung quy định trong Điều 15 trong việc chuyển đổi văn bản giấy sang văn bản điện tử và ngược lại.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đánh giá cao nội dung hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trình tại Kỳ họp này. Về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong giao dịch điện tử, đại biểu đồng tình với nội dung Báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH là một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Điều 7 của dự thảo quy định như vậy là phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Giao dịch điện tử có phạm vi tác động rộng, trong đó có các quy định yêu cầu bảo đảm, bảo mật, an ninh, an toàn thông tin của thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử, trong cung cấp, quản lý chứng thư điện tử và chi phí điện tử. Dự thảo luật đã quy định những hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện giao dịch điện tử là phù hợp.

Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Các đại biểu có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đặt ra nhiều vấn đề quan trọng để cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu thấu đáo, giải trình đầy đủ và hoàn thiện dự thảo luật. 

Về định danh điện tử, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã làm việc với Chính phủ, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuyển các quy định về nội dung này sang Luật Căn cước công dân. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, cơ quan thẩm tra sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến của các đại biểu để đảm bảo dự án luật đạt chất lượng cao.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, qua thảo luận các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến chất lượng, xác đáng và sôi nổi; cần nghiên cứu kỹ nữa để hoàn thiện dự án luật như phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ, trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, chữ ký số chuyên dùng công vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng, tài khoản định danh điện tử. 

Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua./.

Nguồn: mic.gov.vn

Báo hiệu đỏ về lừa đảo trực tuyến video giả người thân, bạn bè

Thời gian gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới là cuộc gọi video deepfake.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: tamindir)

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.

Deepfake đang là một mối đe dọa đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh. Nó có thể được sử dụng không chỉ để lừa đảo trực tuyến mà còn sử dụng cho các mục đích khác như tấn công chính trị, tạo ra những tin tức giả mạo hoặc phá hoại danh tiếng của người khác.

Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính. Đối với các cuộc gọi deepfake như hiện nay thì bằng mắt thường vẫn có thể có một số các dấu hiệu để nhận biết như thời gian gọi thường rất ngắn chỉ vài giây. Khuôn mặt của họ thiếu tính cảm xúc và khá "trơ" khi nói, hoặc tư thế của họ trông lúng túng, không tự nhiên, hoặc là hướng đầu và cơ thể của họ trong video không nhất quán với nhau…

Ngoài ra, cũng có thể thấy màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Điều này có thể khiến cho video trông rất giả tạo và không tự nhiên. Âm thanh cũng là một vấn đề có thể xảy ra trong video. Âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh.

Bộ TT&TT cảnh báo có thể xảy ra tình huống mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi. Và thường kẻ gian sẽ ngắt giữa chừng, bảo là mất sóng, sóng yếu... “Các yếu tố kỳ lạ như trên là báo hiệu đỏ của deepfake. Người dân nên luôn cảnh giác và tuyệt đối bình tĩnh”.

Ông Trần Quang Hưng: cuộc chiến chống lại lừa đảo trên không gian mạng là cuộc chiến trường kỳ

Thông tin thêm về hình thừa lừa đảo này, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TT&TT cho biết ngay thời điểm nhận được thông tin từ người dân về hình thức lừa đảo trực tuyến này, Cục đã phân tích và cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hình thức lừa đảo này áp dụng công nghệ mới deepfake. Việc sử dụng công nghệ tiên tiến để lừa đảo đã diễn ra ở các nước. Các tổ chức, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang cùng nhau chung tay để tìm ra các biện pháp, giải pháp kỹ thuật để phát hiện kiểu lừa đảo này.

Ông Hưng cho biết: “Công nghệ liên tục có những bước tiến, cuộc chiến chống lại trên không gian mạng là cuộc chiến trường kỳ và liên tục phải chạy theo”.

Biện pháp căn cơ để giải quyết bài toán lừa đảo trực tuyến, theo ông Hưng là phải xem xét lại cái gốc của vấn đề. Đó là lừa đảo trực tuyến phần lớn liên quan đến lừa đảo tài chính. Kẻ lừa đảo tìm cách lấy được tiền của người bị lừa đảo và để lấy được tiền thì cần những tài khoản ngân hàng để chuyển tiền vào. Những tài khoản ngân hàng chính chủ có thể nói là vẫn được mua dễ dàng trên mạng với giá vài triệu đồng.

Vấn đề này, ông Hưng cho rằng không chỉ mỗi Cục ATTT - Bộ TT&TT xử lý được mà cần sự phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn được những tài khoản ngân hàng này giả mạo. Điều này liên quan đến việc đồng bộ đồng bộ các thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, hiện nay có căn cứ pháp lý rất mạnh là Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân được ban hành ngày 17/4/2023, là căn cứ tốt để giải quyết căn cơ việc xử lý được triệt để tài khoản ngân hàng không chính chủ. Theo đó, câu chuyện lừa đảo trực tuyến sẽ giảm.

Ông Hưng cũng cho biết, trong thời gian gần đây, với sự phối hợp đồng bộ giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ TT&TT, Bộ Công an việc xử lý xong SIM rác, đồng bộ thông tin người dùng thì tài khoản giả mạo và lừa đảo sẽ giảm. “Thủ đoạn trực tuyến diễn ra nhiều và thường xuyên thay đổi theo sự phát triển của xã hội cũng như sự phát triển của công nghệ nên rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các bên, trong đó có cơ quan báo chí để lan toả thông tin”./.

Nguồn: ictvietnam.vn


Đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế không bị nghẽn

Bộ TT&TT đã thành lập Ban chỉ đạo khắc phục sự cố và xây dựng quy hoạch quốc gia về cáp quang biển do Thứ trưởng Phạm Đức Long làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp viễn thông để xử lý sự cố đứt cáp quang biển, đảm bảo kết nối của Việt Nam đi quốc tế. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Hiện 4 tuyến cáp quang biển đều gặp trục trặc. Trong tháng 2/2022 và tháng 6/2022, cáp AAG lần lượt gặp sự cố trên cả 2 hướng kết nối đi Singapore và Hong Kong (Trung Quốc). Với hướng cáp Singapore, AAG gặp sự cố trên các nhánh S1B, S1D và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei) và Sriracha (Thái Lan); còn ở hướng kết nối Hong Kong, AAG bị lỗi trên nhánh S1H vào Việt Nam và S1I vào Hong Kong (Trung Quốc). Trong những lỗi này, đã có sự cố trên nhánh S1H và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei) được khắc phục xong.

Vào ngày 24/11/2022, tuyến cáp AAE-1 gặp sự cố trên nhánh S1H.1 hướng kết nối đi Hong Kong (cách trạm cập bờ Hong Kong khoảng 3,21km). Sự cố làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Hong Kong trên tuyến cáp AAE-1.

Ngày 11/12/2022, tuyến cáp AAG tiếp tục xảy ra sự cố trên nhánh S1I hướng kết nối đi Hong Kong (vị trí lỗi cách trạm cập bờ Hong Kong khoảng 149km). Với tuyến APG, lần lượt vào các ngày 26/12/2022 và 21/01/2023 (tức 30 Tết), tuyến cáp APG gặp sự cố trên các nhánh S6 hướng kết nối đi Hong Kong (vị trí lỗi cách trạm cập bờ Hong Kong khoảng 126km) và S9 hướng kết nối đi Singapore (cách trạm cập bờ Singapore khoảng 149km). Hai sự cố này gây mất toàn bộ dung lượng trên tuyến cáp APG.

Đến ngày 28/01/2023, tiếp tục xảy ra sự cố trên tuyến cáp biển IA. Nguyên nhân được xác định do đứt cáp tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore của tuyến cáp khoảng 130km. Hậu quả là mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore của tuyến cáp Liên Á (IA).

Đây là lần đầu tiên các DN viễn thông tại Việt Nam phải đối mặt với việc ứng cứu khi số lượng tuyến cáp quang biển bị sự cố lớn nhất. Trong 4 tuyến này, 2 tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, còn 2 tuyến IA và AAE-1 vẫn còn một phần đang hoạt động. Thời điểm hiện tại, còn tuyến SMW-3 đi Hong Kong và Singapore vẫn đảm bảo kết nối 100%; tuyến AAE-1 đi Singapore đảm bảo 100% và tuyến IA đi Hong Kong đảm bảo 100%.

Theo báo cáo, tất cả doanh nghiệp (DN) viễn thông Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi sự cố. Không riêng gì Việt Nam mà các quốc gia trong khu vực châu Á đều bị ảnh hưởng.

Họp với các DN viễn thông để xử lý sự cố đứt cáp quang biển, đảm bảo kết nối Việt Nam đi quốc tế, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến việc phải đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế của Việt Nam không chỉ đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp đến người dùng mà còn giúp cho các hoạt động kinh tế Inernet được kết nối thông suốt.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu các DN viễn thông phải mở thêm hướng kết nối trên đất liền và áp dụng biện pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo kết nối đi quốc tế. Cụ thể, nhà mạng phải đảm bảo dung lượng sử dụng thực tế của khách hàng vào giờ cao điểm sẽ luôn ở mức không quá 90% dung lượng quốc tế mà nhà mạng có thể đáp ứng để không bị nghẽn. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo xử lý sự cố và các doanh nghiệp viễn thông cần chuẩn bị cho tình huống cáp biển có thể gặp sự cố tiếp để có phương án đảm bảo kết nối của Việt Nam đi quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Cục Viễn thông làm việc với các DN viễn thông để xây dựng quy hoạch tuyến cáp quang biển Việt Nam, thúc đẩy nhanh thêm các tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế nhằm bảo đảm vai trò dẫn dắt, làm chủ của Việt Nam, trong bất kỳ phương án nào (có hoặc không có sự tham gia của đối tác nước ngoài), DN Việt phải giữ vị trí đứng đầu, đại diện nhóm đầu tư, liên doanh tiến hành xây dựng tuyến mới. Như vậy, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển đi quốc tế.

“Trong khó khăn, Bộ TT&TT sẽ đóng vai trò dẫn dắt DN và cùng nhau giải các bài toán kết nối cáp quang biển đi quốc tế. Khi mà các tuyến cáp quang biển kết nối đi HongKong và Singapore gặp nhiều khó khăn thì chúng ta lại nhìn thấy cơ hội để Việt Nam trở thành hub kết nối đi quốc tế. Hiện nay khi công nghệ và dung lượng tăng mạnh cũng là cơ hội cho Việt Nam mở các tuyến cáp quang biển mới”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh, cần mở thêm các tuyến cáp quang biển với nhiều hướng kết nối khác nhau do DN Việt Nam chung tay xây dựng, triển khai phương án cụ thể đáp ứng nhu cầu phát triển, đảm bảo kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế.

DN viễn thông cam kết Internet đi quốc tế không bị nghẽn

Sau khi sự cố xảy ra, VNPT đã làm việc với các đối tác mở thêm kênh kết nối trên đất liền. Theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, VNPT đang tiếp tục mở rộng thêm dung lượng quốc tế trên đất liền, triển khai thêm các biện pháp tối ưu đảm bảo kết nối đi quốc tế cho khách hàng. 

Phó Tổng giám đốc VNPT Nguyễn Nam Long cho biết VNPT kết nối cáp biển đi quốc tế theo 3 đường sang Hong Kong, Singapore và Nhật. Khi hướng đi Hong Kong và Singapore đang khó khăn là cơ hội để Việt Nam trở thành hub kết nối đi quốc tế. VNPT cam kết tham gia cùng các DN viễn thông để xây dựng thêm tuyến cáp quang biển của Việt Nam đi quốc tế.

Trong khi đó, Viettel có 4 tuyến cáp quang biển kết nối vào các hub chính là Hong Kong, Singapore, Mỹ và châu Âu. Khi sự cố xảy ra, đại diện Viettel cho biết vẫn có tuyến cáp biển kết nối đi sang Singapore và Hong Kong. Viettel cũng nhanh chóng mở thêm kênh kết nối trên đất liền để đảm bảo dung lượng kết nối đi quốc tế phục vụ khách hàng. Đến thời điểm này, Viettel đảm bảo đủ dung lượng kết nối đi quốc tế cho dù 4 tuyến cáp quang biển đều gặp sự cố.

Đại diện các DN MobiFone và FPT cho biết đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật đảm bảo dung lượng kết nối đi quốc tế. Hai DN này khẳng định cùng với Bộ TT&TT và các DN viễn thông để xây dựng quy hoạch cáp quang biển cũng như đầu tư vào các quyến cáp quang biển do Việt Nam triển khai. MobiFone và FPT cũng đồng tình với phương án tăng cường thêm tuyến cáp quang trên đất liền để các DN làm dự phòng.

Với giải pháp kỹ thuật và tăng dung lượng những tuyến cáp quang trên đất liền, các DN viễn thông khẳng định sẽ đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet cho khách hàng. Tuy nhiên, với những DN bị ảnh hưởng lớn có thể cần thêm sự chia sẻ dung lượng của các đơn vị khác.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo“Khi nhiều tuyến cáp quang biển đồng loạt gặp sự cố, ảnh hưởng đến kết nối Inernet của Việt Nam thì các DN viễn thông phải hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn này. Nếu sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật mà vẫn bị nghẽn thì các DN còn dung lượng sẽ san sẻ kết nối đi quốc tế cho DN thiếu để đảm bảo chất lượng dịch vụ”.

Bắt đầu từ đêm nay 10/2, các DN viễn thông cam kết sẽ đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế không bị nghẽn./.

Nguồn: ictvietnam.vn

“Canh bạc thế kỷ” của Intel

Theo trang China Times, "gã khổng lồ" công nghệ Intel cho biết, mặc dù kinh tế toàn cầu đang suy thoái, nhưng Intel sẽ tiếp tục xây dựng các nhà máy sản xuất đĩa bán dẫn (wafer) mới ở Mỹ và châu Âu.

Các cơ sở bán dẫn như nhà máy wafer cần thời gian từ 3-5 năm mới có thể hoàn thành xây dựng, đồng thời nhà sản xuất chip này cũng phải tìm cách dự đoán nhu cầu trong 3-4 năm tiếp theo, sau đó thông qua việc xây dựng các nhà máy wafer để sản xuất chip mới.

Tóm lại, yêu cầu về lịch trình như vậy trùng khớp với kế hoạch mở rộng của Intel, bởi Intel dự đoán nhu cầu bán dẫn sẽ có sự đảo chiều ngoạn mục trong vài năm tới, và Intel sẽ thôn tính thị trường khổng lồ này bằng việc mở rộng năng lực sản xuất. 

Biểu tượng của Tập đoàn sản xuất chip Intel Corp. Ảnh: Reuters

Dự đoán của Intel là có căn cứ. Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA), nhu cầu chất bán dẫn sẽ tăng trưởng với biên độ 5%/năm trong thời gian tới. Đến năm 2030 quy mô thị trường tiềm năng của chất bán dẫn sẽ đạt 1.000 tỷ USD, tăng gấp đôi so với quy mô hiện nay.

Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng, việc Intel mở rộng xây dựng các nhà máy wafer vào thời điểm này cơ bản là một “canh bạc thế kỷ”, bởi vì công ty hoàn toàn mơ hồ về ảnh hưởng to lớn gây nên từ việc chuyển đổi mô hình hội tụ số (từ cứng sang mềm). Đầu tiên, báo cáo số liệu ngành VR/AR (thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường) của một công ty nghiên cứu thị trường uy tín vào năm 2017 nhấn mạnh, doanh thu buôn bán các phần mềm và dịch vụ liên quan của hệ sinh thái VR/AR sẽ tăng hàng chục lần sau 5 năm. Bây giờ đúng là thời điểm để đánh giá nhận định nói trên và có thể nói rằng số liệu đó không đáng tin cậy.    

Những năm gần đây, tình hình chính trị và kinh tế quốc tế đã có những thay đổi lớn, thách thức địa chính trị ngày càng gia tăng, làn sóng phản đối toàn cầu hóa đang trỗi dậy, lạm phát, kinh tế suy thoái, các loại áp lực đang làm xáo trộn toàn cầu. Tuy nhiên, trong số những nguyên nhân này, những yếu tố như sự thiếu hụt nghiêm trọng về đổi mới kỹ thuật số hiếm khi được đề cập.

Thứ hai, trong một giai đoạn rất dài trước đây, kinh tế số có sức ảnh hưởng mang tính quyết định đối với kinh tế toàn cầu. Giá trị thị trường của nhiều doanh nghiệp liên quan đến Internet ở Mỹ và Trung Quốc liên tục phá vỡ các kỷ lục, thậm chí giá trị thị trường của Apple có thời điểm vượt 3.000 tỷ USD.

Chất bán dẫn không phải là sản phẩm cuối cùng hướng đến người tiêu dùng, khi thị trường giải thích sự suy giảm về nhu cầu chất bán dẫn, rốt cuộc kinh tế số ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu hay kinh tế toàn cầu kéo kinh tế số đi xuống, hiện nay vẫn chưa có kết luận chính xác. Trong bối cảnh như vậy, Intel hoàn toàn dựa vào góc độ hướng đến doanh nghiệp, phần cứng chip để xem xét kinh tế số là điều khá nguy hiểm.
Có hai lựa chọn để dẫn đầu hậu hội tụ hậu kỹ thuật số toàn cầu, phân nhánh mới ra khỏi hợp lưu mới: metaverse (vũ trụ ảo) và "connected car" (ô tô kết nối với mạng Internet). Cả hai đều là những công nghệ hoàn toàn mới, những vùng đất còn nguyên sơ cho các ứng dụng đổi mới kỹ thuật số.

Chip máy tính của Tập đoàn công nghệ Intel. Ảnh: Digit

Theo tin tức ngày 3/12 của Euronews, Cơ quan Hợp tác quốc tế của Ủy ban châu Âu đã tổ chức một “bữa tiệc lớn” trên nền tảng metaverse vào ngày 30/11, hy vọng thúc đẩy kế hoạch “Cửa ngõ toàn cầu” (Global Gateway) của Liên minh châu Âu (EU), thu hút 300 tỷ euro (316,25 tỷ USD) để hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo hoặc ứng phó biến đổi khí hậu. Mục đích của buổi tiệc metaverse này là hy vọng giới trẻ trong độ tuổi 18-35 chưa hiểu về EU, không thường xuyên tiếp xúc với các thông tin liên quan đến EU, quen sử dụng mạng xã hội TikTok và Instragram hiểu hơn nhiệm vụ và sứ mệnh của EU.

Tuy nhiên, kết quả thu được không như kỳ vọng, sự kiện tiêu tốn 387.000 euro nhưng chỉ có 6 người tham gia. Mặc dù metaverse mà nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đề cập là rất tham vọng, nhưng xét cho cùng chỉ là một hệ sinh thái mới. Liệu metaverse có thể bùng nổ sau 5 năm như Intel mong đợi, tạo ra nhu cầu thị trường chất bán dẫn khổng lồ hay không vẫn là điều đáng hoài nghi.

Tiếp đến hãy xem xét "connected car", lấy dịch vụ băng thông rộng vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk làm ví dụ. Dưới ảnh hưởng của các “ông lớn” xe điện trên toàn cầu, xe điện đang phát triển mạnh. Hơn một năm trước, đã có dự báo tỷ phú Elon Musk sẽ giương cao ngọn cờ hồi sinh kinh tế số.

Các hành động của ông Musk khiến mọi người kinh ngạc, không những đưa ra phiên bản Starlink 1.0, Starlink 2.0, gây nên cơn sốt vệ tinh quỹ đạo thấp trên toàn cầu, đồng thời ông còn thôn tính Twitter, cố gắng hết sức để cải tạo và thúc đẩy đăng ký nội dung, muốn phát triển Twitter trở thành một siêu ứng dụng chưa từng xuất hiện ở Mỹ, thậm chí tuyên bố muốn tung ra điện thoại di động của mình. Tuy nhiên, hiện nay kết quả của Starlink phiên bản 2.0 chỉ có thể hỗ trợ truyền văn bản, có lẽ phải mất thêm một thời gian tương đối dài mới có thể thực sự phát triển các xe ô tô kết nối Internet.

Mạng viễn thông mà chúng ta sử dụng, quãng đường từ 3G đến 5G ngày nay đã mất khoảng 20 năm. Vấn đề quan trọng là, liệu Intel có thể mong đợi connected car sẽ bùng nổ trong 5 năm tới hay không?
Các nhà phân tích liên tục cảnh báo, số lượng nhà máy wafer mà Intel xây dựng mới trong vài năm tới nhiều khả năng sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa công suất./.

Nguồn: Thạch Bình (TTXVN Tại Hong Kong)

https://bnews.vn/canh-bac-the-ky-cua-intel/271524.html

FIFA tăng cường ngăn chặn thông tin xấu độc trên nền tảng trực tuyến

Với dịch vụ kiểm duyệt mới, FIFA sẽ giám sát các tài khoản truyền thông xã hội của tất cả những người tham gia tại World Cup nhằm lọc bỏ toàn bộ các bình luận mang tính lăng mạ, đe dọa...

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino phát biểu với báo giới tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đang triển khai một dịch vụ kiểm duyệt mới nhằm ngăn chặn những phát ngôn mang tính thù địch và phân biệt đối xử trên nền tảng trực tuyến trong thời gian diễn ra Vòng chung kết Giải Vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2022.

Với dịch vụ kiểm duyệt mang tên "Dịch vụ bảo vệ phương tiện truyền thông xã hội," FIFA sẽ giám sát các tài khoản truyền thông xã hội của tất cả những người tham gia tại World Cup nhằm lọc bỏ toàn bộ các bình luận mang tính lăng mạ, phân biệt đối xử và đe dọa, sau đó báo cáo những trường hợp này với các mạng xã hội và cơ quan pháp luật.

Các cầu thủ, thành viên đội tuyển hoặc những người làm việc tại World Cup 2022 có thể đăng ký tham gia dịch vụ kiểm duyệt.

Sau đó, dịch vụ này sẽ ngay lập tức ẩn đi các bài đăng mang tính lăng mạ và xúc phạm họ trên Facebook, Instagram và YouTube, ngăn không cho họ và những người theo dõi họ (follower) nhìn thấy các bài đăng này.

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino khẳng định: "FIFA cam kết cung cấp những điều kiện tốt nhất có thể để các cầu thủ thể hiện hết khả năng của mình. Tại FIFA World Cup Qatar 2022, chúng tôi rất vui khi ra mắt một dịch vụ giúp bảo vệ các cầu thủ trước những tác hại mà các bài đăng trên mạng xã hội có thể gây ra cho sức khỏe tinh thần và thể chất của họ."

Theo hãng tin Reuters, một báo cáo do FIFA công bố trong năm nay cho thấy hơn 50% số cầu thủ tham dự Giải Vô địch bóng đá châu Âu (EURO) và Cúp Bóng đá châu Phi (AFCON) hồi năm ngoái đã trở thành nạn nhân của các vụ bài xích, phân biệt đối xử trên nền tảng trực tuyến./.

Nguồn: Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/fifa-tang-cuong-ngan-chan-thong-tin-xau-doc-tren-nen-tang-truc-tuyen/829680.vnp

Người dân chính là nhân tố quan trọng ngăn ngừa thông tin xấu, độc

Theo đại biểu tỉnh Phú Yên, giải pháp căn cơ nhất vẫn là nhận thức của người dân và toàn xã hội vì khi công chúng không tin, không theo thì những tin xấu, độc cũng sẽ không có đất tồn tại.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp, ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các thành viên Chính phủ liên quan trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đánh giá Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nắm chắc vấn đề ngành mình phụ trách, trả lời rõ ràng các vấn đề đại biểu quan tâm, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến vấn nạn lừa đảo qua mạng; hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử và việc thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Xử lý thật nghiêm những đối tượng lừa đảo qua mạng

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vấn nạn lừa đảo qua mạng rất nan giải, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Việc đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai để xử lý vấn nạn này là hoàn thiện các quy định.

Ủng hộ giải pháp này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, những vấn đề Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời cho thấy, thời gian qua, Bộ đã tích cực triển khai những giải pháp, khắc phục tình trạng lừa đảo qua mạng, nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Theo đại biểu tỉnh Hải Dương, tình trạng lừa đảo qua mạng, qua điện thoại đã được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Những năm qua cơ quan chức năng đã tăng chế tài xử phạt, thậm chí có những hành vi lừa đảo bị tăng mức xử phạt lên gấp ba lần nhưng theo đại biểu Nga, mức phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe do mức lợi nhuận thu được do lừa đảo qua mạng rất lớn.

Đại biểu cho biết công tác cảnh báo của cơ quan chức năng về tệ nạn này vẫn chưa thường xuyên, kịp thời, chủ yếu người dân tự phát hiện và thông báo với nhau để đề phòng. Để ngăn chặn tối đa tình trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp cảnh báo song song với đó là hoàn thiện các văn bản pháp luật để hiệu quả hơn và đổi mới hình thức tuyên truyền. “Phải xử lý hình sự thật nghiêm những đối tượng lừa đảo qua mạng mới đủ sức răn đe,” đại biểu nêu ý kiến.

Về việc xử lý sim rác, đại biểu Nga cho rằng, Bộ trưởng đã đưa ra những giải pháp hoàn toàn có tính khả thi và sẽ đem lại hiệu quả cao nếu chúng ta thực hiện tốt. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung thêm những giải pháp làm sao để nâng cao được nhận thức của người dân mới thực sự đem lại hiệu quả.

Đại biểu dẫn chứng, thời gian qua, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển rất nhanh, người dân có thể dễ dàng sử dụng điện thoại thông minh để truy cập vào các nền tảng xã hội, nhưng sự nhận thức của họ trong kỷ nguyên số này vẫn chưa theo kịp hạ tầng kỹ thuật nên còn nhiều hạn chế…

Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với giải pháp của Bộ trưởng là để giải quyết tình trạng thông tin xấu, độc không chỉ mình Bộ Thông tin và Truyền thông có thể làm được mà phải có sự vào cuộc rất tích cực của nhiều bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên vai trò của Bộ vẫn là chính yếu.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, Bộ trưởng đã trả lời đúng và trúng những vấn đề mà cử tri quan tâm. Cho rằng vẫn còn vùng “lõm” trong phủ sóng viễn thông ở một số địa phương, nhất là Nghệ An, đại biểu nhấn mạnh đây là vấn đề cần quan tâm để đảm bảo khoảng cách số giữa vùng núi, vùng sâu, vùng xa và thành phố được rút ngắn.

Cần có "vaccine" nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu, độc

Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên), không gian mạng là nền tảng đa quốc gia, khác với việc quản lý theo lãnh thổ, địa giới hành chính. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin xấu, độc và xử lý những tài khoản vi phạm thì cũng giống như việc phòng, chống COVID-19 mới dừng lại ở việc đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng giải pháp căn cơ nhất là cần có "vaccine" nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu, độc, tức là công chúng không tin, không nghe các thông tin xấu, độc.

Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh, truyền thông cần mang đến cho công chúng nhiều hơn các thông tin đa chiều, tích cực, có tính thuyết phục cao và khuyến khích các tờ báo đi thẳng vào vấn đề nóng với một thái độ trách nhiệm; không nên khen nhiều bởi trên thực tế: "thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc. Nếu để độc hại ngấm vào rồi mới uống giải độc thì chúng ta mãi mãi sẽ phải chạy theo khắc phục," đại biểu nói.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cho rằng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là người nắm chắc vấn đề, đặc biệt là công nghệ, rất say sưa với những nội dung của ngành và cơ bản cũng đáp ứng được yêu cầu của đại biểu và cử tri. Tuy nhiên, theo đại biểu, giải pháp căn cơ và lâu dài nhất vẫn là nhận thức của người dân và toàn xã hội vì khi công chúng không tin, không theo thì những loại tin xấu, độc cũng sẽ không có đất tồn tại.

“Người dân chính là nhân tố quan trọng ngăn ngừa thông tin xấu, độc. Thế hệ trẻ là chủ nhân của đất nước nên nếu họ nhận thức tốt thì việc loại bỏ thông tin xấu, độc sẽ rất hiệu quả,” đại biểu nhấn mạnh.

Kiểm soát tốt quá trình chuyển đổi số để phát huy cơ hội

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng, phiên chất vấn lĩnh vực thông tin và truyền thông diễn ra rất thành công, thể hiện từ việc điều hành của Đoàn Chủ tịch cũng như phần trả lời của Bộ trưởng và các câu hỏi cơ bản tuân thủ thời gian. Không khí phiên chất vấn cũng hết sức xây dựng, thẳng thắn và tập trung.

Các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đặt ra bám sát vào tình hình và chủ đề mà Quốc hội đã lựa chọn để chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các bộ, ngành liên quan khác. Đồng thời các vấn đề được nêu trong câu hỏi cũng được trả lời toàn bộ, đặc biệt, qua quá trình trả lời thể hiện Bộ trưởng nắm rất chắc lĩnh vực quản lý trong khi đây là ngành quản lý nhà nước nhưng có tính chất kỹ thuật.

Theo đại biểu, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số cũng là những định hướng chiến lược của đất nước, thời gian vừa qua đã có những đóng góp rất quan trọng, có nhiều khía cạnh đi trước mong đợi của xã hội. Chính vì vậy, những câu trả lời của Bộ trưởng không chỉ thu hút sự chú ý của những đại biểu nêu câu hỏi mà của cả nghị trường Quốc hội.

Có thể thấy phiên chất vấn lĩnh vực thông tin và truyền thông có rất nhiều sự tranh luận, điều này thể hiện sự quan tâm của các đại biểu, làm sâu sắc hơn những giải pháp để có tính khả thi cao.

Bên cạnh đó, trong quá trình trả lời, Bộ trưởng đã khẳng định và có những lời hứa trực tiếp trước Quốc hội, cử tri, nhân dân cả nước. Đại biểu hy vọng, với tinh thần làm việc, thái độ tiếp thu ý kiến như vậy, trong thời gian tới, những nguyên nhân và giải pháp sẽ lần lượt được cụ thể hóa và tiếp tục triển khai để đáp ứng được mong mỏi của Quốc hội và sự chờ đợi của cử tri, nhân dân trong chuyển đổi số - một lĩnh vực đặc biệt mới và khá nhạy cảm.

Theo đại biểu, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại cho đất nước rất nhiều cơ hội nhưng bên cạnh đó cũng có những thách thức rất khó lường. Cho nên, nếu kiểm soát được thì sẽ phát huy được nhiều cơ hội hơn thách thức.

Ngoài ra, đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao, bên cạnh việc chuyển giao công nghệ, có những nỗ lực kết hợp giữa doanh nghiệp với các bộ, ngành thì thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu để có những công nghệ, kỹ thuật riêng biệt của Việt Nam góp phần giải quyết được những thách thức đặt ra.../.

Nguồn: Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/nguoi-dan-chinh-la-nhan-to-quan-trong-ngan-ngua-thong-tin-xau-doc/827393.vnp

5G là một cú huých lớn để nhân loại chuyển lên môi trường số

Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2022 (Vietnam International Digital Week - VIDW2022) với chủ đề "Đối tác toàn cầu vì tương lai số bền vững" (Global Partnership for the Sustainable Digital Future) do Bộ TT&TT Việt Nam tổ chức đã chính thức khai mạc sáng ngày 11/10/2022.

Tham dự phiên khai mạc VIDW2022 có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ (KHCN) và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các bộ chuyên ngành, các cơ quan quản lý, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ số của các nước ASEAN và các nước đối thoại, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Đối tác toàn cầu vì một tương lai số bền vững

Phát biểu khai mạc Tuần lễ số quốc tế, Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các tổ chức quốc tế: ITU, GSMA, UNICEF, UNESCO, ILO và Ngân hàng thế giới; các đoàn đại biểu ASEAN (Lào, Campuchia, Myanmar, Thailand, Brunei, Indonesia, Singapore, Philippines và Malaysia); các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và EU và các công ty công nghệ quốc tế gồm Nokia, Huawei, Samsung, LG, Cisco, Qualcomm, KDDI, Softbank, Red Hat, Kaspersky,...

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Công nghệ số muốn phát huy thì cần hạ tầng số, đó là 5G, là điện toán đám mây

Theo Bộ trưởng, cuộc di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là công cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại và cũng là thách thức nhất đối với nhân loại. Chuyển đổi số (CĐS) sẽ là nội dung chính trong Tuần lễ số quốc tế 2022 được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội, Việt Nam.

Trong thế giới số, Bộ trưởng cho biết chúng ta sẽ gần nhau hơn, ảnh hưởng lẫn nhau sẽ lớn hơn, và vì vậy, chúng ta sẽ phải học thêm để sống cùng nhau. Khả năng chung sống hòa bình cùng nhau là thước đo văn minh của nhân loại. Có thể, trên không gian số, loài người sẽ học hỏi được nhiều hơn để chung sống hòa bình tốt hơn quá khứ.

Một không gian sống mới, một môi trường sống mới sẽ cần đến những nguyên tắc mới, luật lệ mới, văn hóa mới. Cái mới thì không có ai đi trước để dạy bảo, mà chỉ còn cách là trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Vì lý do này mà chủ đề được lựa chọn cho Tuần lễ số Quốc tế đầu tiên là: Đối tác toàn cầu vì một tương lai số bền vững. Sáng kiến này lần đầu được tổ chức tại Việt Nam và ẽ duy trì để nó trở thành thường niên của các nước ASEAN. Tuần lễ sẽ cùng nhau trao đổi về CĐS, thể chế số, hạ tầng số, công nghệ số, nền tảng số, ứng dụng số, nhân lực số, an toàn số và hợp tác số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự VIDW2022

5G là một cú huých lớn để nhân loại chuyển lên môi trường số

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định: "5G là một cú huých lớn để nhân loại chuyển lên môi trường số. Di động và băng rộng vẫn là chủ đề chính của viễn thông. Công nghệ số muốn phát huy thì cần hạ tầng số, đó là 5G, là điện toán đám mây. Các nước ASEAN, từ năm 2019, đã tổ chức hội nghị thường niên về 5G. ASEAN cam kết đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ mới. Không có lý do gì mà chúng ta lại đi sau. Cái mới luôn là cơ hội cho những nước đi sau vượt lên phía trước".

Bộ trưởng khẳng định: Hợp tác số giữa các nước ASEAN là để tạo ra một ASEAN số. Để thực hiện One ASEAN thì CĐS và hợp tác số là lời giải tốt nhất. Việt Nam mong muốn ký kết hợp tác đối tác số với các nước ASEAN và các nước khác. Hợp tác đối tác số là một kiểu hợp tác mới. Chúng ta sẽ có các diễn đàn Việt Nam - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản và Việt Nam - Hàn Quốc để bàn về phát triển đối tác số.

Cũng tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara đã chia sẻ những kế hoạch phát triển quốc gia số của Lào. Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cho biết Chính phủ Lào cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội thông qua việc tăng tốc chuyển đổi số và áp dụng công nghệ. Năm 2021, tại Kỳ họp Quốc hội, Chính phủ Lào đã thông qua Tầm nhìn 20 năm về phát triển kinh tế số (2021-2040), Chiến lược 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển quốc gia số 5 năm (2021-2025). Kế hoạch phát triển nói trên đã đưa ra 8 ưu tiên chiến lược và 14 chương trình nhằm thúc đẩy cải thiện năng suất thông qua CĐS trong cả khu vực hành chính công và khu vực tư nhân cũng như khuyến khích hợp tác với các đối tác bên ngoài và các bên liên quan.

ICT, kỹ thuật số và viễn thông: một trong những lĩnh vực quan trọng nhất đối với hợp tác Lào - Việt Nam

CĐS mang lại cả cơ hội và thách thức cho CHDCND Lào, Bộ trưởng Boviengkham Vongdara hy vọng sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư và tận dụng tiềm năng của công nghệ số cho cả ngành công nghiệp và dịch vụ. Chính phủ cũng đã cải thiện một số khuôn khổ quy định và chính sách để nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp kỹ thuật số và cho phép các DN nhỏ và vừa (MSME) và công ty khởi nghiệp tiếp cận các quỹ đầu tư và thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp.

Bộ trưởng Boviengkham Vongdara: ICT, kỹ thuật số và viễn thông là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất đối với hợp tác Lào - Việt Nam

Đối với quan hệ đối tác kỹ thuật số của Lào, Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cho biết Chính phủ Lào đã giao Bộ Công nghệ và Truyền thông chủ trì và điều phối về CNTT - truyền thông, kỹ thuật số và viễn thông. "Chúng tôi đã tích cực tham gia vào nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế bao gồm ASEAN, APT, ITU, UNESCAP, v.v.. Chúng tôi đã mở tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác của chúng tôi với các đối tác đối thoại như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế khác", Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cho biết.

Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào cũng khẳng định ICT, kỹ thuật số và viễn thông là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất đối với hợp tác Lào - Việt Nam, là những yếu tố chính hỗ trợ phát triển kết nối kỹ thuật số. CHDCND Lào đang chuyển đổi từ một quốc gia không có đất liền sang một quốc gia liên kết với đất liền trong khu vực thông qua chuyển đổi kỹ thuật số. Vì vậy cần học hỏi những nước đã làm và thành công trước chúng ta. Việt Nam là một quốc gia đã phát triển qua nhiều kinh nghiệm và đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là trong đợt bùng phát COVID-19. Việt Nam là một trong những quốc gia ASEAN vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bất chấp những thách thức và khó khăn từ đại dịch, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ở mức 7%. Và Việt Nam có thể chia sẻ bí quyết và kinh nghiệm với Lào theo nhiều cách.

"Năm nay, Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào sẽ tổ chức Tuần lễ kỹ thuật số Lào vào tháng 12/2022, nhằm thúc đẩy và phát triển công nghệ số đổi mới, CNTT-TT và Viễn thông cho tất cả các ngành từ trung ương đến địa phương cũng như thúc đẩy quá trình số hóa số hóa quy trình sản xuất và dịch vụ để cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Chúng tôi đã đặt chủ đề của sự kiện sắp tới là: "Hợp tác xuyên suốt quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Lào", Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cho biết.

Đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam và ASEAN lĩnh vực ICT, số hoá

Tại phiên khai mạc, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Vương Quốc Anh, Nhật Bản, Hàn quốc đã khẳng định vai trò của CĐS, số hóa trong đại dịch và phục hồi sau đại dịch.

Ông Jesús Laviña, Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết EU nỗ lực CĐS và xanh. Công nghệ số đã cho thấy tầm ảnh hưởng, vai trò, được đẩy mạnh và hỗ trợ trong cuộc sống, công việc cũng như mang lại nhiều cơ hội. Tuy nhiên, cũng có những thách thức cần phải giải quyết.

Theo đó, ông Jesús Laviña cho biết 27 nước EU đã thống nhất định hướng "la bàn số" tập trung vào 4 ưu tiên: kỹ năng, chính phủ, hạ tầng và doanh nghiệp. Mục tiêu của định hướng là đưa con người vào trung tâm phục vụ như đảm bảo quyền lựa chọn trên không gian số, bảo đảm an ninh mạng cho người dân.

Sau định hướng "la bàn số", EU còn có sáng kiến con đường vào thập kỷ số (path to the digital decade) có các trụ cột về mục tiêu à nguyên tắc số, các nghĩa vụ hợp tác và điều phối hành động , các hỗ trợ đầu tư.

EU cũng có Dự án hợp tác với ASEAN (ASEAN Digital Index) - bộ công cụ phát triển số hoá, có các chỉ số tổng quan và cụ thể, giúp so sánh quốc tế, các nước nội bộ ASEAN; Chương trình hợp tác đa niên (MIP 2021 – 2027), thúc đẩy hợp tác giữa EU và Việt Nam về kinh tế số, kinh tế toàn hoàn, DN có trách nhiệm và việc làm; tăng cường quản trị, cải cách thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền.

Ông Jesús Laviña khẳng định: "CĐS là trục xuyên suốt các phát triển này".

Toàn cảnh phiên khai mạc VIDW2022

Trong khi đó, ông Lee Byoung Moog, Đại diện Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc chia sẻ sự phát triển của KHCN có đáp ứng thích ứng với những biến động như hiện nay và giúp các nước nắm bắt cơ hội. Hàn Quốc đang tiên phong AI, số hóa để vượt qua thách thức đang gặp phải và cất cánh trong tương lai.

Chiến lược số hóa của Hàn Quốc đã được đưa ra vào tháng 9/2018, xây dựng mục tiêu, lộ trình để theo đuổi giá trị con người trên môi trường mạng, phù hợp với chiến lược của Tổng thống Hàn Quốc đưa ra vào tháng 9/2022 là thúc đẩy kinh tế số - xã hội. Hàn Quốc tập trung thúc đẩy 5 lĩnh vực: số hóa hàng đầu thế giới thúc đẩy XH hóa bao trùm, chính phủ số, văn hóa số, xã hội số, kinh tế số.

Hàn Quốc cũng tập trung đầu tư vào dữ liệu phát triển kinh tế - xã hội, AI, đám mây, phần mềm, hạ tầng, hệ thống lượng tử, OTT, xây dựng hệ sinh thái liên quan đến AI, sử dụng dữ liệu lớn, nguồn nhân lực để vào năm 2026 lọt vào top quốc gia về năng lực số.

Hàn Quốc đang được WIPI xếp hạng thứ 5 về số hóa và mục tiêu của Hàn Quốc dẫn đầu, thứ 3 về AI vào năm 2027 khi hiện tại đang ở vị trí thứ 6. Hàn Quốc quy mô thị trường dữ liệu đạt 50 tỷ USD vào năm 2027 khi hiện nay đạt 24 tỷ USD. Hàn Quốc đặt mục tiêu dẫn dắt trật tự số hóa mới.

Bà Mercedes White, Vương Quốc Anh bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam và ASEAN vì khu vực này và châu Á – Thái Bình Dương là nơi đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.

Ông Atsushi, Umino, đại diện Bộ Nội vụ và Truyền Thông Nhật Bản chia sẻ Bộ tăng cường hợp tác với Việt Nam, ASEAN, khuyến khích các DN tư nhân tham gia thúc đẩy hợp tác về 5G, CĐS trong ASEAN, thúc đẩy hỗ trợ đầu tư vào Việt Nam và các nước ASEAN.

Tuần lễ số quốc tế sẽ diễn ra từ 11 – 14/10/2022 tập trung thúc đẩy và mở rộng các uqan hệ đối tác số, với các ưu tiên: hoàn thiện thể chế và môi trường quản lý, đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ số, hạ tầng số; xây dựng không gian mạng an toàn và tin cậy; nâng cao kỹ năng số cho người dân.

Trong khuôn khổ VIDWW2022, phiên toàn thể là dịp để cơ quan hoạch định chính sách của các nước chia sẻ các chiến lược, tầm nhìn, định hướng và lộ trình phát triển số, kinh nghiệm quản lý và đo lường kinh tế số, các ưu tiên trong việc xây dựng và thiết lập quan hệ đối tác số với Việt Nam và khu vực.

Hội nghị ASEAN về 5G, diễn ra ngay sau phiên toàn thể, là sáng kiến của Việt Nam được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thông báo tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT ASEAN 2018, nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư./.

Nguồn: ictvietnam.vn

5 thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 5 thông điệp nhân Ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia 10/10/2022. Đây là lần đầu tiên, Ngày CĐS quốc gia được tổ chức.

Ngày 10/10/2022, Bộ TT&TT đã tổ chức Ngày CĐS quốc gia lần đầu tiên. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về CĐS; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về CĐS; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về CĐS; Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara đã tham dự.

Cùng tham dự còn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, hội, hiệp hội nghề nghiệp; đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp (DN) và các trường đại học, học viện.

Sự kiện nhằm nhìn lại tiến trình phát triển, các điểm mốc, dấu ấn, bài học kinh nghiệm trong CĐS; tôn vinh tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho CĐS; đặc biệt Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CĐS có thông điệp nhân ngày CĐS quốc gia năm 2022.

Định hướng CĐS quốc gia xuyên suốt trong năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Qua đó, hướng tới cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phổ cập kỹ năng số, phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy các DN công nghệ số Việt Nam nghiên cứu, phát triển các nền tảng số; thúc đẩy các DN Việt Nam đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) lên môi trường số.

CĐS là xu thế tất yếu

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cùng với xu thế chuyển đổi xanh, CĐS là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. CĐS góp phần phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả SXKD; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, DN; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: CĐS là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng

Thời gian qua, việc CĐS của Việt Nam đã đạt được các kết quả tích cực: Nhận thức và hành động về CĐS có nhiều chuyển biến; việc xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo. Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục phát triển; cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy. Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng. Nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho CĐS được tăng cường. Tỉ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.

Thủ tướng cho rằng, kết quả này mới chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước. Để thực hiện được CĐS quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, DN là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của CĐS. "CĐS phải để người dân, DN hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn".

5 thông điệp đẩy mạnh CĐS Quốc gia

Nhân Ngày CĐS Quốc gia lần đầu tiên được tổ chức, Thủ tưởng Phạm Minh Chính gửi tới các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng DN và người dân thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh CĐS quốc gia trong thời gian tới.

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược CĐS quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.

Thứ hai, nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến; tăng cường chất lượng cung cấp DVCTT, nâng cao mức độ hài lòng của người dân; tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với ĐMST, ứng dụng khoa học và công nghệ; Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của CĐS quốc gia.

Thứ tư, các DN cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động SXKD lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến; đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế trong CĐS. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và DN.

Thứ năm, tăng cường truyền thông về lợi ích của CĐS để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, DN hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của CĐS, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà CĐS mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định với quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN, người dân thời gian qua, công cuộc CĐS quốc gia sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được ấm no, hạnh phúc.

Ngày CĐS quốc gia: Ngày toàn dân, toàn quốc cùng học tập, cùng nỗ lực hành động

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết CĐS là một hành trình dài, toàn dân, toàn diện. CĐS chỉ có thể thành công nếu lấy người dân là trung tâm và huy động sự có sự tham gia của toàn dân. Vì vậy, Ngày CĐS quốc gia là dịp để nâng cao của người dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của CĐS của mỗi người dân nói riêng, với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: CĐS là phương thức tăng trưởng mới, CĐS là phương thức mới để giải quyết các vấn đề cuộc sống

Bộ trưởng nhấn mạnh: CĐS là hành động. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số, thông qua các nền tảng số Make in Viet Nam, tháng 10 là tháng tiêu dùng số. Bộ TT&TT chỉ đạo đánh giá và công bố 16 nhóm nền tảng số phục vụ nhu cầu của người dân. Mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng đã được tiếp cận trên toàn quốc. Hơn 100.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp xã đã được bồi dưỡng, tập huấn cơ bản về CĐS, hơn 5 triệu lượt người dân được tiếp cận, phổ biến kỹ năng số cơ bản thông qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà.

Vì vậy, theo Bộ trưởng, "Ngày CĐS quốc gia là ngày toàn dân, toàn quốc cùng nhau học tập, cùng nhau nỗ lực hành động".

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: CĐS là phương thức tăng trưởng mới, CĐS là phương thức mới để giải quyết các vấn đề cuộc sống. Trong thế giới thực chúng ta đang gặp phải những vấn đề như cạn kiệt tài nguyên, khoảng cách nông thôn và thành thị, một cá nhân không thể sở hữu công nghệ cao đắt đỏ sáng tạo… Kinh tế số sẽ tạo một không gian sống mới là không gian số.

Trong không gian này, theo Bộ trưởng, những vấn đề của giới thực sẽ cơ bản được giải quyết, con người tạo ra tài nguyên dữ liệu, không còn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị trong tiếp cận giáo dục, y tế. Công nghệ cao được cung cấp dưới dạng dịch vụ với giá rất rẻ như điện, như nước, ai cũng có thể tiếp cận, sáng tạo. Con người làm việc trên nền tảng số là đứng trên cả hệ tri thức đồ sộ. CĐS sẽ tạo nên sức mạnh cho mỗi người. 100 triệu người Việt Nam đang CĐS và đây là sức mạnh của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao các giải thưởng Viet Solutions 2022
Tại Chương trình Ngày CĐS quốc gia năm 2022, Bộ TT&TT đã trao giải cuộc thi Tìm kiếm giải pháp CĐS quốc gia đã được tổ chức. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao giải và phần thưởng cho các bộ, ngành, địa phương, DN, cá nhân có giải pháp CĐS xuất sắc./.
Nguồn: ictvietnam.vn

Việt Nam xếp thứ tư Đông Nam Á về môi trường kỹ thuật số và hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Theo “Chỉ số toàn cầu về Hệ thống khởi nghiệp kỹ thuật số” (GIDES) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xây dựng, Việt Nam đứng thứ tư tại Đông Nam Á trong bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kỹ thuật số và hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Số hóa mang lại cơ hội phát triển lớn cho các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: CAO TÂN)

Được ADB công bố như là một phần của báo cáo “Cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2022”, chỉ số GIDES đo lường chất lượng của môi trường dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số bằng cách xem xét mức độ số hóa trên 8 phương diện: văn hóa, thể chế, điều kiện thị trường, hạ tầng, vốn con người, tri thức, tài chính và mạng lưới.

Theo chỉ số này, với 23,1 điểm (trên tổng số 100 điểm), Việt Nam xếp thứ 63 trong tổng số 113 nền kinh tế trong bảng xếp hạng GIDES và đứng thứ tư tại Đông Nam Á.

Singapore được đánh giá có môi trường kỹ thuật số và hệ thống hỗ trợ dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp tốt nhất thế giới, với 81,3 điểm, dẫn đầu bảng xếp hạng GIDES. Mỹ đứng thứ hai (79,7 điểm), trong khi Thụy Điển đứng thứ ba (79,6 điểm) trong số 113 nền kinh tế trong danh sách.

Ở khu vực Đông Nam Á, trong số các nền kinh tế được thống kê, Singapore đứng đầu trong bảng xếp hạng toàn cầu này, tiếp đến là Malaysia (hạng 27 thế giới, 43,1 điểm) và Thái Lan (hạng 59 thế giới, 25,9 điểm).

Nguồn số liệu: Báo cáo "Cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2022" của ADB

Theo đánh giá của ADB, số hóa mang lại cơ hội phát triển lớn cho các doanh nghiệp ở châu Á và Thái Bình Dương, là động lực đổi mới, chìa khóa cho các nền kinh tế đang phấn đấu đạt được mức thu nhập cao.

Số hóa cũng có thể giúp cho các nền kinh tế trở nên dễ thích ứng hơn, thí dụ như công nghệ kỹ thuật số đã giúp nhiều doanh nghiệp "sống sót" sau đại dịch Covid-19, và có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn diện nhờ giảm chi phí khởi nghiệp.

Tuy vậy, 17 trong số 21 nền kinh tế đang phát triển ở châu Á có mặt trong danh sách GIDES lại xếp thứ hạng chót. Theo ADB, điều này nhấn mạnh nhu cầu của nhiều quốc gia trong số đó cần phải khuyến khích khởi nghiệp kỹ thuật số.

 

ADB đánh giá, mặc dù môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số của châu Á đã đạt được những bước tiến đáng kể trong vài năm qua, vẫn còn rất nhiều điểm cần phải cải thiện.

Khởi nghiệp kỹ thuật số giúp các nền kinh tế trụ vững trong đại dịch Covid-19 và có thể trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong thế giới sau đại dịch.

Ông Albert Park, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB

Đối với toàn bộ khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nền văn hóa thiếu tính hỗ trợ là một trong những điểm yếu lớn nhất khi đề cập đến khuyến khích khởi nghiệp kỹ thuật số.

Công chúng nói chung còn chưa đánh giá cao vai trò quan trọng mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đóng góp trong tiến trình phát triển kinh tế. Do đó, ADB khuyến nghị, một cách để thay đổi điều này là nâng cao nhận thức của công chúng về khởi nghiệp thông qua giáo dục.

Ông Albert Park, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhận định, khởi nghiệp kỹ thuật số đã giúp các nền kinh tế trụ vững trong đại dịch Covid-19 và có thể trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong thế giới sau đại dịch.

Để làm được điều đó, chuyên gia ADB khuyến nghị cần tạo lập 1 môi trường mang tính hỗ trợ thông qua các chính sách tạo điều kiện và các ưu đãi khuyến khích.

Ngoài việc đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số như mạng băng thông rộng, các chính phủ cần thúc đẩy ổn định chính trị, hệ thống luật pháp đáng tin cậy, thị trường mở và cạnh tranh, cũng như quyền sở hữu mạnh mẽ.