Ngành TT&TT đảm bảo hạ tầng thông tin tiên tiến nhất đáp ứng CMCN 4.0

Trong không khí cả nước thi đua sôi nổi, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chiều 12/10, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV, giai đoạn 2020-2025. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Tham dự có các đại biểu của các ban, bộ, ngành Trung ương và 20 tập thể, 41 cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 – 2020.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những kết quả tích cực đạt được từ các phong trào thi đua yêu nước của ngành TT&TT trong 5 năm qua.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành TT&TT

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Công tác khen thưởng ngày càng đi vào nề nếp, kịp thời động viên, tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Công tác thông tin, tuyên truyền về các phong trào thi đua và biểu dương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến được chú trọng".

5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành TT&TT

Để phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của toàn Ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị ngành TT&TT tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nhận lãnh trách nhiệm tham mưu định hướng chiến lược cho đất nước trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng CNTT-TT; hoạch định chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn nhân lực và nguồn tài chính trong nước và quốc tế để đảm bảo hạ tầng thông tin tiên tiến nhất đáp ứng mọi nhu cầu phát triển cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Bộ TT&TT tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm triển khai chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2014 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW.

Bộ TT&TT tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Ngành, trong đó tập trung phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong bưu chính; chuyển dịch hạ tầng viễn thông sang hạ tầng CNTT-TT để thúc đẩy chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển dịch từ chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số; đảm bảo an toàn, an ninh mạng đặc biệt trong thời gian diễn ra đại hội Đảng các cấp và các sự kiện quan trọng của đất nước.

Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng mạng 5G, Bộ TT&TT cần sớm phê duyệt quy hoạch Trung tâm Dữ liệu quốc gia - một trụ cột không thể thiếu của CMCN 4.0 - để chủ động quản lý hiệu quả các hoạt động diễn ra trên mạng thông tin, phát huy tối đa những lợi ích tích cực của thông tin mạng, không để thất thoát tài nguyên số quốc gia, kiểm soát an ninh mạng một cách hiệu quả, ngăn chặn hiệu quả các thông tin độc hại, chống thất thu thuế từ các hoạt động thương mại trên mạng...

Hai là, tổ chức thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam.

Bộ TT&TT tập trung phát triển các DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số tại địa phương; Tiếp tục tổ chức những hoạt động hỗ trợ DN giải quyết các khó khăn trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các sản phẩm, giải pháp công nghệ thương hiệu Việt Nam; Phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc CMCN lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia...

Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí truyền thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, đặc biệt tập trung tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bộ TT&TT cần hoàn thành việc triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đối với các bộ, ngành và địa phương.

Muốn vậy, Bộ phải ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như một công cụ để phân tích, nắm bắt kịp thời nhịp đập hơi thở cuộc sống, tâm tư đời sống xã hội, để tham mưu cho Đảng và Nhà nước điều chỉnh đường lối chính sách phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đại đa số người dân; hạn chế những sản phẩm độc hại lan truyền trên mạng xã hội.

Bộ phải định hướng và giao nhiệm cho lực lượng báo chí cách mạng làm sao để các sản phẩm thông tin thực sự lành mạnh, hữu ích phải lớn hơn, áp đảo các luồng thông tin giả mạo, xấu độc vì mục đích chính trị hay trục lợi cá nhân (việc này sẽ được kiểm soát tốt hơn nếu có Trung tâm Dữ liệu Quốc gia đủ điều kiện để các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới chấp nhận đặt máy chủ tại nước ta).

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong theo các tiêu chí, điều kiện quy định tại các Nghị định khung về tổ chức các bộ (Nghị định 101/2020/NĐ-CP), các Nghị định về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện (Nghị định 107/2020/NĐ-CP và Nghị định 108/2020/NĐ-CP).

Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới chế độ công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của toàn Ngành, triển khai việc thực hiện các quy định mới về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các Nghị định hướng dẫn Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi).

Năm là, nâng cao vai trò các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các phong trào thi đua cần xác định rõ mục tiêu, chủ đề, nội dung và biện pháp tổ chức thực hiện. Các hình thức thi đua phải sáng tạo, phong phú, hấp dẫn, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời.

Bộ TTT&TT cần chú trọng khen thưởng đột xuất, nhất là khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích mang tính đột phá, tích cực ứng dụng công nghệ 4.0, đam mê nghiên cứu, sáng tạo để phát triển các sản phẩm, mô hình dịch vụ kinh doanh mới, đưa CNTT vào các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội và phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội

Bộ TT&TT sẽ tạo ra nhiều giá trị cho đất nước phát triển

Trước sự mong mỏi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đối với Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng ngành TT&TT nhấn mạnh Bộ TT&TT sẽ tiếp thu đầy đủ chỉ đạo để thực hiện công tác thi đua yêu nước trong 5 năm tới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc. Yêu nước tức là góp phần mình để làm cho Việt Nam phát triển thịnh vượng vào năm 2045.

Bộ trưởng khẳng định: Phong trào thi đua yêu nước của Bộ TT&TT sẽ có nhiều đổi mới, sẽ bám sát nhiệm vụ, chính trị trọng tâm mà Phó Thủ tướng đã đề cập cụ thể. Bộ TT&TT sẽ tạo ra nhiều giá trị cho đất nước phát triển và qua đó mỗi cá nhân được hoàn thiện bản thân mình.

Theo Bộ trưởng, việc tổ chức thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng trong những năm qua đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi, thực sự là động lực thúc đẩy toàn ngành TT&TT hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: "Thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc. Yêu nước tức là góp phần mình để làm cho Việt Nam phát triển thịnh vượng vào năm 2045. Yêu nước là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Yêu nước tức là phát triển và quản lý tốt báo chí, xuất bản. Vì yêu nước mà phải đặt mục tiêu cao, tìm giải pháp đột phá. Và vì mục tiêu cao mà phải thi đua. Việc 5 năm hãy làm một năm, khi đó có phong trào thi đua sôi nổi, tạo ra những giá trị lớn lao".

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng công việc hằng ngày của mỗi người chính là nền tảng của thi đua. Thi đua là việc của mỗi người. Thi đua là thông qua việc hàng ngày của mỗi người. Bởi vậy, mục tiêu cao là phải đến được từng người. Ngày nay, mỗi người đều có thể tiếp cận kho tri thức của nhân loại, có thể lập nhóm làm việc với bất kỳ ai, bất kỳ đâu, vì vậy, sức mạnh của mỗi cá nhân là vô cùng to lớn. Hãy giao việc lớn cho nhóm nhỏ. Hãy giao việc lớn cho mỗi cá nhân. Việc càng lớn, càng thách thức thì cơ hội xuất hiện nhân tài càng lớn. Việc vĩ đại sẽ tạo nên người vĩ đại.

Đồng thời, theo Bộ trưởng, thi đua là để tạo ra giá trị. Thi đua phải có mục tiêu, tiêu chí rõ ràng, tạo ra giá trị và giá trị tăng thêm. Thi đua phải có kế hoạch tỉ mỉ do các nhóm nhỏ và cá nhân góp phần xây dựng nên từ chính công việc hàng ngày, tự thấu hiểu mục tiêu và làm thế nào đạt được, tự nguyện tự giác thực hiện hàng ngày. Phải tuyệt đối tránh sự chung chung, áp đặt, cào bằng.

"Việc là gốc của thi đua. Có việc thì mới có thi đua. Việc không đến mức phải thi đua thì không có thi đua. Lãnh đạo các cấp phải coi nghĩ ra việc, nghĩ ra thách thức đúng, làm những việc có tầm nhìn đúng, khác biệt và đột phá, tạo ra nhiều giá trị cho ngành, cho nhân dân, cho xã hội , cho đất nước, để làm tiền đề cho thi đua yêu nước".

Thi đua là toàn dân, thi đua là để phát triển từng cá nhân. Phong trào thi đua cần liên tục đổi mới, sáng tạo để khích lệ tinh thần thi đua trong tất cả các cơ quan, đơn vị, nhất là trong mỗi người. Thi đua phải huy động được sự tham gia thực chất của toàn dân, bất kỳ ai trong đơn vị dù làm công việc gì, chức danh nhiệm vụ ra sao đều được tham gia thi đua. 

"Đất nước chúng ta rộng lớn, dân chúng ta đông, sức sáng tạo của ng Việt Nam chúng ta là đến từng cá nhân, bởi vậy bằng việc phổ biến kinh nghiệm và bài học, nhân rộng điển hình sẽ tạo ra giá trị ở cấp số nhân. Mục tiêu cuối cùng của thi đua là tạo ra giá trị cho đất nước phát triển, thông qua đó để mỗi cá nhân phát triển bản thân mình. Giá trị luôn cần được nhân lên thì đất nước mới phát triển nhanh chóng. Cá nhân mới nhanh khám phá và hoàn thiện bản thân", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sau Đại hội này, Bộ trưởng cho rằng mỗi chúng ta sẽ thi đua với chính mình, nghiêm túc hơn và khác đi ngay cả với chính mình. "Tốt hơn và khác đi mỗi ngày để tạo ra giá trị cho đơn vị mình, cho ngành mình, cho đất nước mình phát triển nhanh và bền vững, để khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển và có thu nhập cao vào năm 2045 sẽ trở thành hiện thực. Và qua đó, mỗi chúng ta sẽ khám phá ra chính bản thân mình. Hãy làm công việc hàng ngày với một tình yêu lớn".

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng Phan Tâm, Hoàng Vĩnh Bảo, Phạm Anh Tuấn trao Bằng khen Bộ trưởng kỷ niệm chương cho các tập thể, cá nhân

Đại hội đã tôn vinh và trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho 20 tập thể và 41 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước Bộ TT&TT giai đoạn 2015 – 2020 và giao lưu với các gương điển hình tiên tiến xuất sắc.

Nguồn: ictvietnam.vn
Tin nổi bật