Kết quả thử nghiệm 4G sắp được báo cáo

(ICTPress) - Bộ TT&TT đang hoàn thiện chính sách cấp phép 4G và các doanh nghiệp di động trong nước cũng đang chuẩn bị báo cáo kết quả thử nghiệm 4G để xin cấp phép triển khai chính thức.

Sáng nay 8/6, Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo quốc tế "Quản lý tần số đối với di động băng rộng và các công nghệ ứng dụng cho di động băng rộng trong tương lai" tại Hà Nội. Các nhà sản xuất, công nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, các tổ chức thông tin di động hàng đầu khu vực và thế giới như Ericsson, Qualcomm, Intel, Samsung, GMSA, Viettel, FPT..

Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, ông Đoàn Quang Hoan phát biểu khai mạc Hội thảo cho biết, Hội thảo lần này được tổ chức nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về công nghệ di động băng rộng, các xu hướng phát triển của di động băng rộng và xu hướng sử dụng băng tần trong tương lai gần và tương lai xa, giúp cho các nhà cung cấp, các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực có thể khai thác hiệu quả phổ tần cho sự phát triển thành công của băng rộng di động.

Quản lý tần số đối với di động băng rộng và các công nghệ ứng dụng cho di động băng rộng trong tương lai là một vấn đề nóng tại Việt Nam, khi theo lộ trình của Chính phủ công nghệ 4G sẽ phải sớm được cấp phép trong năm 2016 và khái niệm công nghệ 5G đã được thông qua trên thế giới. Một trong những đặc tính ưu việt của công nghệ 4G là khả năng kết hợp phổ tần để cung cấp đường truyền tốc độ cao. Theo đó, công nghệ di động băng rộng trong tương lai chỉ có thể được hiện thực hóa khi đáp ứng được nhu cầu phổ tần.

Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo quốc tế này, vấn đề cấp phép đã được 4G Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đề cập. Theo đó, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết Bộ TT&TT đang hoàn thiện chính sách cấp phép 4G và các doanh nghiệp di động trong nước cũng đang chuẩn bị báo cáo kết quả thử nghiệm 4G để xin cấp phép triển khai chính thức.

Thứ trưởng cũng khẳng định Bộ TT&TT luôn coi trọng việc học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách phát triển Internet, viễn thông và tần số VTĐ. Theo đó, các kinh nghiệm quốc tế sẽ giúp thể triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn công nghệ 4G, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hoàn thiện chính sách cấp phép 4G và các doanh nghiệp cũng đang tích cực chuẩn bị báo cáo kết quả thử nghiệm 4G để xin phép triển khai chính thức.

Theo Cục Tần số VTĐ, trong năm 2015, các DN trong nước đã được cấp phép thử nghiệm cung cấp dịch vụ 3G trên cơ sở refarming (phân bổ lại) băng tần 900 MHz dành cho 2G. Từ cuối năm 2015, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu triển khai thử nghiệm 4G trên băng tần 1800 MHz. Thời gian thử nghiệm dự kiến kéo dài trong một năm. Hiện Viettel đã thử nghiệm dịch vụ tại Hà Nội, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong khi VinaPhone thử nghiệm tại TP. HCM, Kiên Giang. MobiFone triển khai ở 3 địa phương Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM.

Thứ trưởng Phan Tâm cho biết Bộ TT&TT rất coi trọng việc phát triển thông tin di động băng rộng thế hệ tiếp theo để hướng tới hạ tầng viễn thông hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, góp phần chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một trong những mục tiêu cơ bản của Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020 của Chính phủ là phủ sóng 3G/4G đến 95% dân số vào năm 2020, đủ năng lực cung cấp đa dịch vụ băng rộng với chất lượng tốt, giá cước hợp lý theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Tâm thừa nhận các mục tiêu này đặt ra rất nhiều thách thức đối với công tác quản lý tần số. Để đạt được hiệu quả cao thì các hệ thống băng rộng di động phải được phân bổ nhiều tài nguyên tần số. Yêu cầu tổ chức thị trường băng rộng cạnh tranh đòi hỏi phải phân bổ đủ tài nguyên tần số một cách công bằng, hợp lý cho các nhà khai thác.

Mặt khác, để đảm bảo cho 4G phát triển thành công, bền vững tại Việt Nam thì rất cần một mô hình hợp tác, chia sẻ lợi ích hợp lý giữa các DN hạ tầng băng rộng di động, các DN di động ảo, DN cung cấp nội dung, dịch vụ ứng dụng, các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối thông minh, người sử dụng và đồng thời cũng là những người tạo ra nội dung có giá trị thương mại.

"Vấn đề này rất cần được xem xét một cách toàn diện và có giải pháp sớm từ khâu quy hoạch, tổ chức cấp phép tần số", Thứ trưởng nêu rõ.

Tại Hội thảo, Cục Tần số VTĐ cũng chia sẻ nhiều thông tin về định hướng băng tần cho VN trong thời gian tới. Chẳng hạn như băng tần 700 MHz - một băng tần được ví là "quý như kim cương" đang được quy hoạch cấp cho di động ngay sau khi hoàn tất đề án số hóa truyền hình mặt đất Việt Nam. Hiện băng tần này đang được truyền hình sử dụng, do đó, việc “tắt” sóng analog, chuyển đổi sang phát sóng số sẽ giúp giải phóng băng tần này và phân bổ lại cho di động để khai thác hiệu quả hơn.

Theo kế hoạch, vào ngày 15/8 tới đây, Việt Nam sẽ tiến hành tắt sóng analog hoàn toàn tại 4 thành phố lớn và 19 tỉnh lân cận, tác động đến 40% dân số cả nước.

"Đây là một tiền đề cực kỳ quan trọng để có thể sớm hoàn thành Đề án. Tốc độ giải phóng băng tần 700 MHz sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào lộ trình này", ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ cho biết.

HM

Tin nổi bật