Syndicate content

Thời sự ICT

Thủ tướng: Ưu tiên làm các dịch vụ công thiết yếu với người dân, DN

Dịch vụ công trên nền tảng số phải thuận tiện. Nếu người dân không dùng, doanh nghiệp, tổ chức không dùng thì coi như Chính phủ điện tử thất bại, đầu tư là lãng phí.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương vào sáng nay, 23/7.

Tại Hội nghị, các bộ,  ngành, địa phương đã góp ý nhiều vấn đề trong quá trình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua.

Báo cáo về triển khai hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 20/6/2019, có khoảng 8 triệu hóa đơn được xác thực, số doanh thu là hơn 100.000 tỷ đồng, số thuế trên hóa đơn là 7.776 tỷ đồng.

Hiện nay, cùng với xu thế phát triển của thương mại điện tử, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã trở thành yêu cầu tất yếu. Bộ Tài chính cùng với các chuyên gia hàng đầu của các hãng công nghệ đang nghiên cứu giải pháp, xây dựng mô hình triển khai hệ thống hóa đơn điện tử đáp ứng việc tiếp nhận, xử lý, tra cứu hóa đơn của số lượng lớn người dùng. Trong đó, số lượng hóa đơn tiếp nhận mỗi năm trên 8 tỷ hóa đơn (với khoảng 10% số lượng hóa đơn cần tiếp nhận theo thời gian thực và phải phản hồi ngay lập tức), thời gian lưu trữ 10 năm.

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, cơ sở dữ liệu (CSDL) mà ngành đang quản lý là 14,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 363.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 12,87 triệu người tham gia BHXH thất nghiệp; 84,48 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 89% dân số.

Tuy nhiên, để CSDL của BHXH Việt Nam trở thành CSDL quốc gia, hệ thống các CSDL của ngành cần được tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa. Hiện nay, dữ liệu của BHXH Việt Nam mới có giá trị nội bộ trong ngành BHXH mà chưa được định nghĩa về nội hàm, đối sánh, kiểm chứng với các lĩnh vực, các ngành khác. Mặt khác, mức độ phát triển, xây dựng CSDL với việc xây dựng các hành lang pháp lý nhằm quản lý, định hướng trong việc xây dựng CSDL quốc gia còn chưa đồng bộ, tương xứng.

Về vấn đề này, Bộ GTVT cho rằng cần có “nhạc trưởng” khi mỗi bộ có cơ sở dữ liệu riêng. Đại diện Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ TT&TT sớm trình Thủ tướng ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) làm cơ sở để Hà Nội xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử Thành phố theo phiên bản 2.0.

“Cái gì chưa làm thì làm theo cách mới”

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ điện tử là vấn đề mới, khó nhưng nếu không có quyết tâm, không dỡ bỏ nếp cũ thì khó thành công. Vì thế tại Hội nghị này, chúng ta không bàn lùi, không vì những khó khăn về tài chính, khó khăn về kết nối, chia sẻ… mà không triển khai mạnh mẽ Chính phủ điện tử”.

Đánh giá tình hình xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho rằng kết quả đầu tiên tích cực là đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai. Đến nay, các bộ đã hoàn thành 7/83 nhiệm vụ được giao trong khi Nghị quyết mới ban hành được 3 tháng rưỡi.

Khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử từng bước hoàn thiện. Các bất cập khó khăn trong cơ chế đầu tư, dịch vụ công nghệ thông tin dần được tháo gỡ.

Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT là 2 hạt nhân quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử.

“Tuy vậy, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn vào các tồn tại, hạn chế”, Thủ tướng nói. Số lượng dịch vụ công trực tuyến có tăng lên nhưng tỉ lệ thực hiện còn thấp, hiệu quả chưa cao. Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn khá thấp, địa phương đạt tỉ lệ 15% còn các bộ, ngành đạt gần 29%. Mục tiêu đến hết năm 2019 có khoảng 30% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (theo tinh thần Nghị quyết 02) sẽ khó đạt nếu chúng ta không thúc đẩy quyết liệt việc này. Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử còn chậm, đặc biệt là cơ sở dữ liệu dân cư.

Vừa qua, tình trạng xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở”, thiếu sự lãnh đạo tập trung nên các bộ, ngành, địa phương dùng nhiều phần mềm nền tảng, cơ sở dữ liệu khác nhau, dẫn đến nguy cơ đầu tư trùng lặp, lãng phí, không tương thích, thiếu liên thông, không đồng bộ. An ninh, an toàn mạng tuy được quan tâm nhưng hiện nay còn nhiều vấn đề cần lo.

Từ các phân tích trên, Thủ tướng nêu rõ tầm nhìn trong xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Đây là 3 cấp độ phát triển khác nhau, không phải xong cấp độ 1 rồi mới tới cấp độ 2 mà ngay cấp độ 1 đã có các yếu tố của cấp độ 2, 3. Việc xây dựng Chính phủ điện tử là giải quyết 4 mối quan hệ, gồm 2 quan hệ với bên ngoài (Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp) và 2 quan hệ nội bộ (giữa các cơ quan Chính phủ với nhau, giữa Chính phủ với cán bộ công chức). Làm tốt mối quan hệ bên trong thì mới làm tốt mối quan hệ bên ngoài.

Mục tiêu của Chính phủ điện tử là cung cấp thông tin và dịch vụ công dựa trên nền tảng số tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi; tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng; tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của Chính phủ.

Về nguyên tắc, phải bảo đảm liên thông, không trùng lắp, có thể mở rộng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Các dự án triển khai phải đặt dưới sự bảo đảm về an ninh, an toàn mạng của một đơn vị có thẩm quyền, có trách nhiệm.

Về phương châm thực hiện Chính phủ điện tử, phải lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu và phải bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Dịch vụ công trên nền tảng số phải thuận tiện. Nếu người dân không dùng, doanh nghiệp, tổ chức không dùng thì coi như Chính phủ điện tử thất bại, đầu tư là lãng phí.

Về cách tiếp cận, cách làm Chính phủ điện tử, Thủ tướng lưu ý sử dụng hình thức đối tác công tư một cách chặt chẽ.

“Những gì đã phát triển, đang chạy tốt thì phải liên thông lại. Cái gì chưa làm thì làm theo cách mới, tức là xây dựng các nền tảng dùng chung cho các tỉnh, các bộ, ngành, tránh lãng phí, triển khai đồng bộ và nhanh theo hướng Chính phủ đầu tư hoặc thuê dịch vụ của nền tảng này”.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng giao Bộ TT&TT chủ trì đề xuất các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử và phương án đầu tư hay thuê dịch vụ, trình Thủ tướng phê duyệt. Cần chú ý việc thiết kế lại các quy trình cung cấp dịch vụ công để phù hợp, đưa lên trực tuyến. Ưu tiên làm trước các dịch vụ công thiết yếu với người dân, doanh nghiệp. Dữ liệu là tài nguyên trong nền kinh tế số, là vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số và Chính phủ điện tử. Bởi vậy, Bộ TT&TT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản trị dữ liệu.

Thủ tướng yêu cầu tập trung xây dựng, sớm đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, dự kiến trong tháng 11/2019.

Chính phủ điện tử là một chặng đường dài, sẽ có rủi ro trong quá trình thực hiện. Do đó, Thủ tướng giao Bộ TT&TT chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Ủy ban hằng năm đánh giá các rủi ro và đề xuất giải pháp giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện. “Cơ quan, địa phương nào, cá nhân nào không làm, bàn lùi, làm chậm phải được báo cáo lên Thủ tướng để kiểm điểm, nhắc nhở, đôn đốc và xử lý thì công cuộc này mới thành công”, Thủ tướng nêu rõ.

Nguồn: Đức Tuân/chinhphu.vn

MXH Gapo tạm ngừng hoạt động để sửa lỗi ngay trong ngày ra mắt

Chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau khi ra mắt, người dùng Gapo đã không thể truy cập mạng xã hội này. Nhà phát triển Gapo đã phải tạm dừng hệ thống để sửa lỗi. 

Khoảng 19h30 hơn ngày 23/7, nhiều người dùng mạng xã hội Gapo cho biết, việc truy cập vào mạng xã hội này gặp vấn đề. Cùng lúc đó, họ nhận được thông báo về việc Gapo đang gặp phải tình trạng bị gián đoạn dịch vụ. Theo thông báo này, nguyên nhân của việc gián đoạn là do hệ thống của Gapo bị quá tải.

Thông báo được gửi tới người dùng ứng dụng Gapo.

Đáng chú ý khi chỉ khoảng 1 giờ sau đó, Gapo đã tiếp tục gửi đi bản thông báo thứ 2 tới người dùng. Nội dung của bản thông báo này cho biết Gapo đã tạm ngưng toàn bộ hệ thống để nâng cấp và sửa lỗi. Việc ngưng hoạt động của Gapo khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ bởi mạng xã hội này chỉ vừa mới ra mắt sáng 23/7. 

Theo ghi nhận của Pv. VietNamNet, website gapo.vn đang gặp vấn đề về giao diện hiển thị. Hiện tại, người dùng có thể mở ứng dụng gapo nhưng không thể đăng nhập, tạo tài khoản mới hay chia sẻ bài đăng của mình. 

Người dùng hiện không thể đăng nhập vào ứng dụng Gapo trên điện thoại di động.

Trước đó, chia sẻ tại lễ ra mắt, ông Hà Trung Kiên - TGĐ Công ty CP Công nghệ Gapo từng cho biết mạng xã hội này chỉ mất 3 tháng phát triển (từ tháng 4/2019). Do vậy, không ít người đã đặt câu hỏi về độ sẵn sàng của Gapo khi chính thức ra mắt thị trường. 

Gapo là một mạng xã hội hoàn toàn mới và được phát triển bởi người Việt Nam. Đây là một trong số nhiều mạng xã hội Made in Vietnam sẽ ra mắt từ nay cho đến hết năm 2019.

Trọng Đạt/vietnamnet.vn

Equifax bị phạt 700 triệu USD do làm lộ lọt dữ liệu khách hàng

Công ty báo cáo tín dụng Equifax sẽ phải trả tới 700 triệu USD để hoàn tất các vụ điều tra của liên bang và các tiểu bang Hoa Kỳ đối với vụ xâm phạm dữ liệu lớn năm 2017 khi làm lộ lọt thông tin cá nhân của 147 triệu người tiêu dùng.

Đây là phán quyết lớn nhất từ trước đến nay đối với xâm phạm dữ liệu thu hút nhiều bên điều tra chặt chẽ đối với Equifax bởi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) và gần như tất cả các luật sư của tiểu bang. Việc phán quyết cũng giải quyết các vụ kiện hành động tập thể đang chờ xử lý đối với công ty này.

Trong một tuyên bố, công tố viên bang New York, Letitia James cho biết trong một công bố: Sự bất cẩn, sơ suất và các tiêu chuẩn bảo mật lỏng lẻo của Equifax gây nguy hiểm cho danh tính của một nửa dân số Hoa Kỳ.

Theo phán quyết, Equifax sẽ nộp phạt 175 triệu USD cho các tiểu bang và 100 triệu USD cho CFPB.

Công ty cũng sẽ thành lập một khoản bồi thường trị giá 300 triệu USD cho những người tiêu dùng bị hại có thể tăng lên tới 425 triệu USD tùy thuộc vào số lượng khách hàng sử dụng khoản tiền này.

Khoảng một nửa số người Mỹ thấy thông tin của họ bị xâm phạm, quỹ bồi thường chỉ dành cho những người tiêu dùng có thể cho thấy họ phải chịu chi phí trực tiếp do vụ việc xâm phạm dữ liệu mang lại, là nạn nhân của lừa đảo hoặc bằng cách thiết lập các dịch vụ giám sát tín dụng.

Người tiêu dùng bị ảnh hưởng được phép theo dõi tín dụng miễn phí 10 năm từ Equifax và công ty đã đồng ý giúp người tiêu dùng dễ dàng đóng băng tín dụng hoặc tranh chấp thông tin không chính xác trong báo cáo tín dụng.

Equifax, một trong ba công ty báo cáo tín dụng lớn, tiết lộ vào năm 2017 một vụ việc lỗ hổng dữ liệu đã xâm phậm thông tin cá nhân, bao gồm số An sinh Xã hội, của 143 triệu người Mỹ. Con số đó sau đó đã tăng lên khoảng 147 triệu.

Vụ bê bối đã làm giám đốc điều hành của Equifax từ chức, vì các thực tiễn an ninh và tốc độ chậm chạp trong việc tiết lộ vụ việc đã bị các nhà lập pháp và các nhà hoạch định chính sách thách thức.

Họ đặt câu hỏi làm thế nào các công ty tư nhân có thể tích lũy được nhiều dữ liệu cá nhân như vậy, đặt ra những nỗ lực nhằm củng cố khả năng bảo vệ và kiểm soát thông tin của người tiêu dùng.

Các tin tặc đằng sau vụ việc vẫn chưa được các cơ quan xác định. Công ty cũng đã thống nhất tăng cường khả năng bảo mật của mình và các chính sách cần được đánh giá thường xuyên bởi bên thứ ba.

QM (Theo Reuters)

Số lượng mối đe dọa trực tuyến tại Việt Nam giảm đáng kể

Theo bản tin bảo mật Kaspersky (Security Bulletin) của Kaspersky Security Network (KSN) Quý II năm 2019, số lượng các mối đe dọa trực tuyến tại Việt Nam đã giảm đáng kể so với Quý I năm 2018.

Trong Quý II năm 2019, Kaspersky đã phát hiện hơn 19 triệu mối đe dọa trực tuyến và hơn 99 triệu mối đe dọa ngoại tuyến tại Việt Nam. 

Tấn công thông qua trình duyệt là phương thức mà tội phạm mạng thường sử dụng để phát tán mã độc. Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2019, Kaspersky đã phát hiện 19.820.196 sự cố, tương ứng với 27,7% người dùng tại Việt Nam bị tấn công bởi các mối đe dọa từ internet.

So với cùng thời điểm năm 2018, số lượng các mối đe dọa trực tuyến đã giảm 36,84%, từ 31.382.419 trường hợp.

Khác với tấn công trực tuyến, tấn công ngoại tuyến được thực hiện khi mã độc lây lan qua USB, CD, DVD và các phương thức ngoại tuyến khác. Tại Việt Nam, Kaspersky đã phát hiện 99.885.492 sự cố, tương ứng với 59,9% người dùng bị tấn công ngoại tuyến. Việt Nam hiện đang xếp vị trí đầu tiên ở Đông Nam Á và vị trí thứ 30 trên thế giới về các vụ tấn công ngoại tuyến.

Dữ liệu từ KSN cũng cho thấy Singapore là quốc gia có số lượng mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến thấp nhất khu vực trong Quý II năm 2019 với số trường hợp nhiễm mã độc trực tuyến và ngoại tuyến lần lượt là 1.300.197 (xếp thứ 143 toàn cầu) và 2.141.642 (xếp thứ 116 toàn cầu).

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc của Kaspersky Đông Nam Á cho biết: “So với năm ngoái, số lượng các mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến tại Việt Nam đều giảm. Kết quả này có được nhờ sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây đối với an ninh mạng, và đây cũng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam thành công trong mục tiêu chuyển đổi kỹ thuật số. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia được dự định tiến hành vào năm 2019 có thể giúp cải thiện an ninh mạng tại Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, ông Yeo Siang Tiong cũng lưu ý hiện tại, Việt Nam vẫn gặp phải nhiều các mối đe dọa ngoại tuyến (mà nguyên nhân đến từ con người). Chúng tôi khuyến nghị các công ty và tổ chức cần nâng cao nhận thức của nhân viên về tấn công mạng thông qua các khóa học về an ninh mạng từ các đơn vị đào tạo đáng tin cậy.

QA

Chủ trương xây dựng Quốc hội điện tử lần đầu được bàn thảo

Sau khi thí điểm một số nội dung liên quan đến Quốc hội điện tử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa nội dung này ra thảo luận trong phiên họp tuần này.

Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 3 ngày, 15-17/7, với nội dung đáng chú ý là chủ trương xây dựng Quốc hội điện tử.

Dù đã được thí điểm tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội hơn một tháng trước, đến nay, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Quốc hội điện tử giai đoạn 2019-2026.

Theo chương trình, nội dung được họp kín.

Tại kỳ họp thứ 7, mỗi đại biểu Quốc hội được trang bị một máy tỉnh bảng để tra cứu tài liệu. Ảnh: Minh Quân.

Trao đổi với Zing.vn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV hồi đầu tháng 6, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết để thực hiện mục tiêu Quốc hội điện tử, trong kỳ họp vừa rồi, lần đầu tiên Quốc hội lần đầu áp dụng “trí tuệ nhân tạo”. Phần mềm này giúp chuyển tiếng nói thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa và giúp cho việc điều hành phiên họp chính xác hơn.

“Nếu như trước đây ghi câu hỏi có thể sót thì với phần mềm này, các câu hỏi của đại biểu đều được hiển thị. Bộ trưởng có quên thì Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc nhở. Vì thế, phần trả lời chất vấn rất đầy đủ”, ông Phúc nói.

Văn phòng Quốc hội cũng triển khai điều chỉnh phần mềm cho phù hợp việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử tại hội trường về một số nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau của các dự án luật.

Trên cơ sở tổng hợp các nhu cầu thông tin cần cung cấp, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Công ty AIC triển khai xây dựng phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp cho đại biểu Quốc hội dùng trên các thiết bị di động.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, mỗi đại biểu được trang bị một chiếc iPad để sử dụng tại hội trường, dùng để tra cứu được tất cả tài liệu, trừ tài liệu mật. Mục tiêu hướng tới tại các kỳ họp sau là giảm tài liệu giấy, đại biểu đi họp chỉ cần mang theo một chiếc máy tính bảng.

Ngoài nội dung trên, tại phiên họp 35, các đại biểu sẽ xem xét, cho ý kiến về 4 dự án luật, gồm: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Đây là 4 dự án luật đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc thành phố Nam Định (Nam Định); thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông (Kon Tum); xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam và cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Nguồn: Hoài Vũ/zing.vn

Facebook bị phạt tới gần 5 tỷ USD về vụ rò rỉ dữ liệu 87 triệu người dùng

Truyền thông Mỹ vừa đồng loạt thông tin Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) vừa phê duyệt khoản phạt lên tới gần 5 tỷ USD đối với Facebook sau khi tiến hành cuộc điều tra về xử lý dữ liệu người dùng.

FTC đã điều tra các cáo buộc Facebook chia sẻ thông tin không phù hợp thuộc về 87 triệu người dùng với công ty tư vấn chính trị Anh Cambridge Analytica. Cuộc điều tra tập trung vào việc chia sẻ dữ liệu có vi phạm thỏa thuận đồng ý năm 2011 giữa Facebook và cơ quan quản lý này hay không.

Khoản phạt này sẽ là hình phạt dân sự lớn nhất từng được cơ quan này đưa ra.

Ông David Cicilline, thuộc Đảng Dân chủ và chủ tịch hội đồng chống độc quyền của quốc hội, đã gọi mức phạt 5 tỷ USD là “một món quà Giáng sinh sớm năm tháng”.

“Khoản phạt này là một phần doanh thu hàng năm của Facebook. Việc này khiến họ phải suy nghĩ kỹ về trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của người dùng”, ông David Cicilline nói.

Doanh thu Facebook trong quý đầu tiên của năm nay là 15,1 tỷ USD trong khi thu nhập ròng của nó là 2,43 tỷ USD. Doanh thu này sẽ cao hơn, nhưng Facebook đã dành ra 3 tỷ USD cho hình phạt của FTC.

Phán quyết này giải quyết vấn đề đau đầu về pháp lý đối với Facebook, nhưng công ty ở Thung lũng Silicon vẫn phải đối mặt với các điều tra chống độc quyền khác nữa khi FTC và Bộ Tư pháp tiến hành đánh giá rộng rãi về cạnh tranh giữa các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ.

Theo tờ Washington Post, FTC đã mở cuộc điều tra vào Facebook vào tháng 3/2018, khi có những thông tin công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica truy cập dữ liệu cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook.

Cambridge Analytica đã phát triển một ứng dụng đố khai thác thông tin về những người đã cài đặt nó cũng như bạn bè của họ. Thông tin như vậy có thể đã giúp Cambridge Analytica tạo hồ sơ của người dùng để khách hàng có thể nhắm mục tiêu tốt hơn cho mọi người bằng các thông điệp chính trị.

Nhưng cuộc điều tra của FTC đã nhanh chóng mở rộng ngoài vụ việc Cambridge Analytica, trong đó bao gồm tiết lộ rằng Facebook đã cung cấp cho các trang web phổ biến và cho phép các nhà sản xuất một số điện thoại thông minh và các thiết bị khác truy cập vào dữ liệu xã hội của người dùng mà không cần thông báo đầy đủ cho người dùng .

Theo kết luận mới của FTC, hậu quả đối với Facebook có thể rất lớn: Gã khổng lồ công nghệ có thể phải làm văn bản mọi quyết định về dữ liệu trước khi cung cấp sản phẩm mới, theo dõi chặt chẽ hơn các ứng dụng của bên thứ ba khai thác thông tin của người dùng và yêu cầu các lãnh đạo điều hành, bao gồm Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg, để chứng thực rằng công ty đã bảo vệ đầy đủ quyền riêng tư.

Facebook đã đồng ý mở rộng các điều khoản đó như một phần của các cuộc đàm phán giải quyết bí mật với FTC, Washington Post đã đưa tin vào đầu năm nay.

Sau khi hoàn tất, một thỏa thuận mới có thể vượt xa thỏa thuận năm 2011 mà Facebook đã làm việc với FTC. Điều đó đòi hỏi Facebook phải thông báo cho người dùng nhiều về những gì xảy ra với dữ liệu của họ và cách sử dụng thông tin cá nhân của họ.

Thỏa thuận này cũng yêu cầu Facebook phải nộp các báo cáo kiểm tra quyền riêng tư thường xuyên từ các cơ quan giám sát bên ngoài lên tới 20 năm.

Facebook hiện cũng phải đối mặt với những chỉ trích về đồng tiền ảo Libra về sự riêng tư và rửa tiền.

QM

Chuỗi khách sạn Marriott bị đề nghị mức phạt 124 triệu USD vì lỗ hổng dữ liệu

Marriott International Inc cho biết hôm thứ ba, Văn phòng Ủy viên Thông tin Vương quốc Anh (ICO) đã đề xuất phạt chuỗi khách sạn 99,2 triệu bảng (tương đương 124 triệu USD) do xâm phạm dữ liệu lớn trong hệ thống đặt phòng khách sạn Starwood.

Vào tháng 11 năm ngoái, Marriott tiết lộ đã phát hiện ra cơ sở dữ liệu đặt phòng của Starwood đã bị tấn công trong khoảng thời gian 4 năm tại một trong những vụ xâm phạm lớn nhất trong lịch sử, liên quan đến 383 triệu khách.

“Chúng tôi rất thất vọng với thông báo này về ý định từ ICO, mà chúng tôi sẽ tranh luận vấn đề này”, Giám đốc điều hành của Marriott Marriott Arne Sorenson nói trong một tuyên bố.

Đề xuất khoản phạt đối với Marriott là một trong những khoản tiền lớn nhất từ cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu của Anh, khi vào hôm thứ Hai vừa qua còn có đề xuất mức phạt kỷ lục khác là 183,4 triệu bảng (230 triệu USD) đối với IAG (ICAG.L) của chủ sở hữu hãng hàng không British Airways vì đánh cắp dữ liệu từ 500.000 khách hàng từ trang web của họ năm ngoái.

Kể từ tháng 3, ít nhất năm tiểu bang của Hoa Kỳ cũng đang điều tra vi phạm của Marriott, khiến cho chuỗi khách sạn này thậm chí còn đắt hơn.

QM (Theo Reuters)

Ngành TTTT tận tâm, tận lực thúc đẩy chuyển đổi số

Ngày 5/7/2019, Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các đơn vị thuộc Bộ TTTT, các doanh nghiệp (DN) TTTT, các Hội nghề nghiệp...

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Báo chí truyền thông phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, là nhân tố chính, đấu tranh với nạn tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng, góp phần tích cực tạo ra niềm tin và sự đồng thuận xã hội, tạo nên khát vọng Việt Nam hùng cường. 

Lĩnh vực ICT là nền tảng và là hạt nhân của chuyển đổi số. "Phát triển công nghệ và công nghiệp ICT góp phần đưa Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển. Việt Nam không đi sau nữa mà sẽ đi đầu trong một số lĩnh vực”.

Theo Bộ trưởng, quản lý nhà nước là nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của lĩnh vực quản lý, lấy sự phát triển bền vững, tăng trưởng nhanh của ngành làm mục tiêu quản lý. “Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ trương trọng tâm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới”. 

“Công nghệ mới, đổi mới sáng tạo là động lực tạo ra sự phát triển bền vững và bao chùm cho Việt Nam, nâng cao thứ hạng quốc gia, bám vào các KPI quốc tế để cải thiện thứ hạng. ICT là nền tảng nên cần phải đi trước”. 

Về phương châm hành động, Bộ trưởng cho biết: Người đứng đầu phải làm gương, nhân viên kỷ cương, có kỷ luật, tìm đúng việc trọng tâm để tập trung giải quyết, làm một việc để được nhiều việc, cách tiếp cận đổi mới, đột phá để biến cái không thể thành có thể. 

“Toàn ngành đều đặt mục tiêu cao, sứ mạng mới, bám sát khát vọng Việt Nam hùng cường, năm 2045 thành nước công nghiệp phát triển”.

Theo Bộ trưởng, điều vĩ đại sẽ tạo ra người vĩ đại, DN vĩ đại. “Các cơ chế chính sách của Bộ đều có đối thoại, lắng nghe người dân, DN và các đơn vị liên quan, tháo gỡ các khó khăn để phát triển bền vững”.

Huy động mọi nguồn lực trong ngành, khích lệ các DN thương mại thành công chuyển sang làm công nghệ công nghiệp.

Bộ TTTT là nơi mà các DN ICT có thể nhờ cậy để giải quyết các vấn đề về chính sách, là nơi tập hợp của toàn ngành. Sử dụng công nghệ nhiều hơn, nhất là công nghệ mới, công nghệ số để giải quyết các bài toán của ngành của xã hội, đưa hệ thống đo lường KPI vào các lĩnh vực vào hoạt động với nhận thức cái gì đo được thì mới quản lý được. 

Toàn cảnh Hội nghị

Định hướng các lĩnh vực TTTT, Bộ trưởng nêu rõ:

Bưu chính áp dụng mạnh mẽ công nghệ số

Lĩnh vực Bưu chính 6 tháng cuối năm: Sẽ ban hành chỉ thị của Bộ trưởng về định hướng phát triển bưu chính trong nền kinh tế số theo hướng thuơng mại điện tử, áp dụng mạnh mẽ công nghệ số, hình thành một số công ty lớn làm nòng cốt; triển khai xây dựng hệ thống mã bưu chính tới từng địa chỉ và đề án cung cấp dịch vụ công qua hệ thống bưu chính, thành lập hiệp hội bưu chính Việt Nam. 

Chuyển dịch hạ tầng ICT thúc dẩy chuyển đổi số

Đối với lĩnh vực viễn thông, cần chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển dịch ngành viễn thông từ thoại sang data thông qua việc giảm cước kết nối thoại, phổ cập smartphone, đấu thầu băng tần 2.6GHz và 700 MHz, quy hoạch tần số 5G, tuyên bố lộ trình cắt sóng 2G, 3G, thử nghiệm mobile money.

Các vấn nạn về rác viễn thông như SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư rác cần được xử lý. Về chuyển mạng giữ số, cần nâng cao tỷ lệ chuyển mạng thành công đạt ít nhất 90% vào cuối năm.  6 tháng đầu năm, Bộ TTTT nhận được hơn 4.000 khiếu nại về chuyển mạng giữ số. Điều này làm mất đi hình ảnh đẹp của ngành. 

Tuyên bố chuyển đổi số quốc gia

Đối với lĩnh vực CNTT, 6 tháng cuối năm cần tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, ban hành các khung về chính phủ điện tử, thành phố thông minh, nghị định về đầu tư và thuê ngoài CNTT.

Cần xây dựng các nghị định về dữ liệu mở (open data), định danh và xác thực điện tử, thúc đẩy chính phủ điện tử mà trọng tâm là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 với mục tiêu đạt 30% đến hết năm 2019.

Xây dựng Việt Nam thành Hub an toàn, an ninh mạng của ASEAN

Tiếp tục xây dựng Việt Nam thành Hup về an toàn, an ninh mạng của ASEAN; hỗ trợ Lào và Campuchia xây dựng trung tâm về giám sát an toàn không gian mạng.

Xây dựng các trung tâm SOC, giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam cả về thông tin và tấn công mạng; tích cực làm sạch không gian mạng, đảm bảo tỷ lệ tin tiêu cực trên không gian mạng không quá 10%. Tất cả các mạng viễn thông đều phải đầu tư công nghệ về chặn lọc mạng ở mức sâu.

Chương trình đảm bảo an toàn an ninh mạng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước, phát triển các mạng xã hội Việt Nam, nhất là các mạng xã hội với cách tiếp cận mới, khác biệt căn bản với Facebook.

Thử nghiệm mạng Internet Việt Nam hoạt động độc lập. Phát triển các doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam mạnh, không chỉ bảo vệ Việt Nam mà còn đi ra nước ngoài. 

Thúc đẩy phát triển 4 loại hình DN công nghiệp ICT

Định hướng phát triển lĩnh vực công nghiệp ICT, Bộ trưởng nêu cần thúc đẩy 4 loại DN: (1) DN dịch vụ thương mại chuyển sang làm công nghệ công nghiệp, (2) DN ICT đã khẳng định được thương hiệu sẵn sàng đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ…; (3) DN khởi nghiệp công nghệ với các hoạt động tư vấn chuyển giao làm chủ, ứng dụng công nghệ vào trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; (4) DN đổi mới sáng tạo cả về công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Các DN này phải nhiều và rộng khắp trên toàn quốc.

“DN ICT đang hoạt động phải nhận thức sứ mạng mới về phát triển sản phẩm Việt Nam và chuyển đổi số cho đất nước”. 

Bộ TTTT đang nghiên cứu, xây dựng quy định về thử nghiệm chính sách (sandbox), đặc khu về thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới, triển khai trung tâm chính sách cho CMCN 4.0 nhờ hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới. Thúc đẩy nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G để năm 2020 Việt Nam có thiết bị 5G.

Có chính sách kết nối nhà mạng và báo chí

Thực hiện quy hoạch báo chí, Bộ sẽ làm việc trực tiếp với từng tờ báo và các hội, làm việc với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và trung ương đoàn về sắp xếp báo chí.

Quy hoạch báo chí không chỉ là sắp xếp mà còn là cơ chế chính sách phát triển báo chí, nâng cao năng lực của 6 cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực đa phương tiện, là đào tạo nhân lực báo chí, giải quyết tốt các phát sinh khi thực hiện quy hoạch báo chí.

Bộ cũng sẽ ra chính sách về kết nối nhà mạng và báo điện tử, xây dựng nền tảng cung cấp nội dung trên không gian mạng cho các báo nhằm hỗ trợ báo chí dùng công nghệ để phát triển. 

Bộ trưởng cho biết: Vận hội đất nước đang tới, cơ hội của cuộc cách mạng số, của các công nghệ CMCN 4.0, của đất nước. Chính trị ổn định, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng nhanh trong suốt 30 năm qua, cơ hội khi cả nước chung một khát vọng Việt Nam phát triển hùng cường, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển và thịnh vượng vào năm 2045. 

Ngành TTTT với sứ mạng tạo ra niềm tin cho xã hội và khát vọng dân tộc, thúc đẩy chuyển đổi số, công nghệ số vào mọi lĩnh vực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra sự tăng trưởng, tăng năng suất lao động, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển. Việc này đòi hỏi mỗi chúng ta phải tận tâm và tận lực mỗi ngày”. 

“ICT là hạ tầng vật chất cho phát triển, báo chí truyền thông là hạ tầng tinh thần cho phát triển, hạ tầng bao giờ cũng phải đi trước, trách nhiệm này đặt trên vai chúng ta”. 

Bộ trưởng kêu gọi “Toàn ngành tập trung cao độ, hoàn thành các nhiệm vụ mà năm 2019 đã đặt ra cho chúng ta”.

Lan Phương/ictvietnam.vn

Báo Nhật Bản: HP, Dell và loạt công ty công nghệ cân nhắc chuyển sản xuất khỏi TQ

Một số công ty công nghệ lớn có trụ sở tại Hoa Kỳ đang lên kế hoạch chuyển sản xuất đáng kể ra khỏi Trung Quốc, do cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, báo Nikkei vừa đưa tin.

Các nhà sản xuất máy tính cá nhân HP và Dell Technologies đang lên kế hoạch tái phân bổ tới 30% sản lượng máy tính xách tay của họ ra khỏi Trung Quốc, theo Nikkei.

Nikkei cho biết thêm Microsoft, Alphabet, Amazon, Sony và Nintendo đang xem xét việc chuyển một số máy chơi game và sản xuất loa thông minh ra khỏi đất nước.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp gỡ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tuần qua tại Nhật Bản, mở đường cho việc tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại sau nhiều tháng bế tắc.

Tuy nhiên, các công ty không có khả năng thay đổi kế hoạch chuyển một số sản phẩm ra khỏi Trung Quốc vì họ cũng phải đối mặt với chi phí hoạt động cao hơn ở đây.

Vào tháng 6, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp lớn của mình đánh giá tác động của chi phí khi chuyển 15% -30% công suất sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á khi họ chuẩn bị tái cấu trúc chuỗi cung ứng, Nikkei đã đưa tin tháng trước.

QA (Theo Nikkei)

Chuyển đổi số VN: Cần ban hành sandbox để start-up Việt tránh nguy cơ hồi tố

Nếu chính sách sandbox không sớm được triển khai, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn về mặt pháp lý, đặc biệt là trong vấn đề hồi tố. 

Việt Nam sẽ chuyển đổi số thế nào từ nay đến 2025?

Năm 2018, với tốc độ tăng trưởng 7,08%, nền kinh tế Việt Nam đã đánh dấu mốc mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, so với các nước phát triển, Việt Nam vẫn là nước có mức thu nhập trung bình, mức độ cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao.

Một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến mức độ thu nhập của người dân là năng suất lao động. Năng suất lao động người Việt Nam còn rất thấp, ngay cả so với các nước trong khu vực.

Nhiều thông tin về hiện trạng chuyển đổi số Việt Nam được chia sẻ tại buổi tọa đàm góp ý cho dự thảo Đề án Chuyển đổi số Quốc gia. Ảnh: Trọng Đạt

Báo cáo “Mức độ sẵn sàng cho tương lai của ngành sản xuất” được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố vào tháng 1/2018 cũng cho thấy, Việt Nam không nằm trong nhóm các quốc gia sẵn sàng cho nền kinh tế sản xuất tương lai. Theo đánh giá về chỉ số nguồn nhân lực của WEF đối với các nước Đông Nam Á năm 2016, 41% nguồn nhân lực của Việt Nam được đánh giá có kỹ năng thấp, chỉ có 10% được đánh giá có kỹ năng cao.

Trong đó, một số chỉ số được đánh giá yếu kém như “Chỉ số công nghệ và đổi mới” (xếp hạng thứ 90/100), chỉ số “Vốn con người” (xếp hạng thứ 70/100). Các chỉ số thành phần như “Tiếp thu công nghệ ở doanh nghiệp”, “Tác động của ICT đến dịch vụ và sản phẩm mới”, “Năng lực đổi mới” xếp hạng lần lượt là 78/100, 70/100 và 77/100.

Một trong những giải pháp căn cơ, nền tảng nhất để Việt Nam có thể phát triển đột phá trong giai đoạn này là phải chuyển đổi số mạnh mẽ, đi đầu khu vực trong cuộc CMCN 4.0.

Theo báo cáo nghiên cứu của Csiro và Data 61 về kịch bản chuyển đổi số của Việt Nam, nếu không chủ động, chuẩn bị và đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi số thì Việt Nam sẽ rơi vào kịch bản lạc hậu, trong đó, nền kinh tế chuyển đổi số chậm và năng suất lao động trì trệ.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), quan điểm của Bộ TT&TT là phải tận dụng tối đa cơ hội số để xây dựng xã hội và nền kinh tế số. Ảnh: Trọng Đạt

Trước tình hình này, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng Đề án Chuyển đổi số Quốc gia. Tầm nhìn cho Đề án Chuyển đổi số Quốc gia là Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực, nơi thử nghiệm các công nghệ và mô hình mói.

Đối với Đề án này, quan điểm của Bộ TT&TT là phải tận dụng tối đa cơ hội số để xây dựng xã hội và nền kinh tế số. Theo đó, Việt Nam sẽ đi nhanh, đi trước trong một số lĩnh vực như an ninh mạng, công nghiệp ICT, thương mại điện tử,... Các doanh nghiệp số Việt Nam sẽ trở thành một động lực thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế. 

Muốn làm được điều này, cả hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc trong chuyển đổi số, xác định rõ nhiệm vụ từng bộ ngành địa phương. Một trong những giải pháp đặt ra là phải triển khai thành công sandbox như một mô hình mới trong cách tiếp cận, giải quyết các vấn đề mới. 

Ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam khẳng định, chuyển đổi số là xu thế toàn cầu và là tiến trình không thể đảo ngược tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Theo dự thảo về Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2020 - 2022) sẽ là khoảng thời gian tạo nền tảng (hạ tầng kỹ luật, nhân lực số, hạ tầng pháp lý,...) cho quá trình chuyển đổi số. 

Ở giai đoạn 2 (2023 – 2025), Việt Nam sẽ tăng tốc chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Đến giai đoạn 3 (2026 – 2030), nước ta sẽ chuyển đổi số toàn diện nền kinh tế, lúc này, xã hội sẽ vận hành dựa trên công nghệ số, đổi mới và sáng tạo.

 

Mục tiêu của đề án này là đến năm 2025, Việt Nam thuộc top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia và nằm trong top 40 về Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia - World Competitiveness Scoreboard của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Đề án Chuyển đổi số phải đi vào thực tế, giải quyết được vấn đề sandbox

Tại buổi góp ý cho dự thảo Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, nhiều ý kiến đã được các chuyên gia trong nước chia sẻ nhằm đưa Đề án Chuyển đổi số Quốc gia đi vào thực tế cuộc sống. 

Theo đại diện Hội vô tuyến điện tử Việt Nam, Việt Nam đã có những bài học về các đề án được thực hiện rất công phu nhưng sau đó lại không khả thi. Ví dụ nhãn tiền nhất là Đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và Truyền thông” hồi năm 2010. Sau khi Đề án được đưa ra, chẳng có gì thay đổi, và cũng chẳng có ai đánh giá và đôn đốc việc thực hiện đề án, đại diện Hội vô tuyến điện tử Việt Nam nhận định.

Do vậy, với Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, Hội vô tuyến điện tử Việt Nam đề nghị ban soạn thảo cần phải làm sao để Đề án có giá trị pháp lý, và có cách kiểm tra việc thực hiện của các đối tượng liên quan. 

Nhóm chuyên gia góp ý cho dự thảo Đề án Chuyển đổi số Quốc gia. Ảnh: Trọng Đạt

Hội vô tuyến điện tử Việt Nam cũng đề xuất việc đưa ra các chính sách và giao nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan trọng điểm của Đề án. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tự mình khảo sát hiện trạng chuyển đổi số trong nước thay vì phụ thuộc vào đánh giá của các tổ chức nước ngoài. 

“Cơ sở dữ liệu dân cư là thông số đầu vào cơ bản để thực hiện việc chuyển đổi số quốc gia, thế nhưng chúng ta vẫn chưa làm được đến nơi đến chốn. Nếu không nói được ta đứng ở đâu thì làm sao nói được 5 năm nữa ta sẽ thế nào?”, đại diện Hội vô tuyến điện tử Việt Nam đặt câu hỏi. 

Chia sẻ thêm về nhận định này, ông Vũ Kiến Văn - đại diện VNPost cho biết, ở góc nhìn của một doanh nghiệp, khi đọc dự thảo Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, bản thân ông cũng chưa biết doanh nghiệp của mình sẽ phải làm gì. 

Tuy vậy, ông Văn cho rằng, để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp rất cần những ưu đãi, tạo thuận lợi của nhà nước, đặc biệt là việc giải quyết vấn đề nguồn nhân lực CNTT và đề ra các chuẩn, tiêu chuẩn cho từng lĩnh vực. 

Theo ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Lienviet PostBank, muốn chuyển đổi số thành công, phải giải quyết sớm vấn đề sandbox. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Lienviet PostBank, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, vấn đề mấu chốt trong đề án Chuyển đổi số Quốc gia là phải giải được bài toán sandbox. Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng, Đề án phải lưu ý hơn tới vấn đề quyền riêng tư và an toàn dữ liệu. Điều này nhằm khuyến khích công dân chia sẻ các dữ liệu của mình. Ông Đồng cũng cảnh báo về vấn đề tranh chấp số, điều sẽ sớm bùng nổ ở Việt Nam trong những năm tới đây. 

Theo đó, cần đề ra những chính sách cụ thể khi cho phép các doanh nghiệp tiến hành thử nghiệm dịch vụ mới. Điều này nhằm tránh việc hồi tố, nếu không, những người đi tiên phong sẽ phải chịu rủi ro lớn về mặt pháp lý.

Trọng Đạt/vietnamnet.vn