Bổ sung giải pháp an toàn an ninh thông tin cho Chiến lược phát triển thông tin đến 2020 và đến 2030

(ICTPress) - Thực hiện chương trình công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) năm 2013, Bộ TT&TT đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược).

Ảnh minh họa

Theo dự thảo của Chiến lược, thông tin là nhu cầu thiết yếu của mọi người dân, thuộc mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Với dung lượng khổng lồ, thời lượng lớn, các hình thức đa dạng, thông tin và các phương tiện truyền thông có vai trò ngày càng quan trọng trong thế giới hôm nay. Thông tin tạo ra dư luận, chi phối dư luận, tác động ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của con người. Vì vậy, thông tin chính là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, con người.

Trong đời sống kinh tế - xã hội hàng ngày, mọi quá trình quản lý, giao dịch, điều hành, mệnh lệnh đều được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các văn bản, thông điệp mang thông tin. Vì vậy, thông tin là yếu tố chủ đạo để thực thi công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của mọi tổ chức, cá nhân trong hoạt động của mình.

Dự thảo Chiến lược có kết cấu gồm 6 phần chính.

- Phạm vi của Chiến lược được xác định dựa trên các Luật Báo chí, Luật Xuất bản, phạm vi của Chiến lược giai đoạn 2005 - 2010, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ TT&TT và thực tiễn phát triển các loại hình thông tin ở Việt Nam hiện nay.

- Hiện trạng phát triển thông tin ở Việt Nam.

- Xu hướng phát triển và kinh nghiệm quản lý thông tin trên thế giới

- Nội dung Chiến lược phát triển thông tin ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là nội dung trọng tâm của Chiến lược, bao gồm: Quan điểm chỉ đạo; Mục tiêu phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Định hướng phát triển đến năm 2030, bao gồm: định hướng chung và định hướng cho từng loại hình thông tin; Các giải pháp để thực hiện Chiến lược.

- Các chương trình, đề án trọng điểm: Phần này là danh mục các chương trình, đề án thực hiện Chiến lược.

-  Tổ chức thực hiện Chiến lược: Dự thảo Chiến lược phân công trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện Chiến lược, bao gồm: Bộ TT&TT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chủ quản báo chí in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử.

Chiến lược dự thảo các định hướng gồm:

- Hình thành và phát triển các cơ quan báo chí đa phương tiện, phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ, có khả năng cung cấp nhiều loại hình thông tin trên nhiều phương tiện khác nhau.

- Xác định rõ các báo in, sách, hệ phát thanh, kênh truyền hình báo báo điện tử phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu để Nhà nước hỗ trợ nhằm thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, mở rộng dân chủ, nâng cao dân trí và đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, được tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để tiến tới tự chủ về tài chính.

- Hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực quản lý thông tin và đội ngũ phóng viên, biên tập viên về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ.

- Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các đơn vị có khả năng và điều kiện để cung cấp các dịch vụ về thông tin ra thị trường quốc tế trên cơ sở tuân thủ các quy định về pháp lý của nước sở tại và của Việt Nam, đảm bảo hiệu quả kinh doanh có lãi, đồng thời quảng bá, củng cố vị thế, hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài.

Các giải pháp để thực hiện Chiến lược được dự thảo gồm các giải pháp được chia thành 8 nhóm: Hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thông tin; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực phóng viên, biên tập viên; Hoàn thiện tổ chức hệ thống các cơ quan thông tin; Đánh giá hiệu quả công tác thông tin; Xây dựng và ban hình các cơ chế tài chính phù hợp để thúc đẩy các loại hình thông tin phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà ncoongcho công tác thông tin; Tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực của đội ngũ nhân lực làm công tác thông tin, và các cơ quan thông tin ở Việt Nam; Đẩy mạnh ứng dụng, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực thông tin, chú trọng các giải pháp quản lý thông tin, đặc biệt là thông tin điện tử trên Internet.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề nghị Ban soạn thảo Chiến lược bổ sung giải pháp an toàn, an ninh thông tin. Vừa rồi nhiều trang báo, trang mạng bị tấn công, vậy cần có giải pháp để thực hiện truyền tải thông suốt an toàn thông tin, đảm bảo để các trang tin không bị thông tin xấu, độc.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho biết việc ban hành Chiến lược mới là cần thiết vì Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010 đã hoàn thành sứ mệnh. Chiến lược này mới nhằm thực hiện điều chỉnh hành vi cung cấp thông tin đến cộng đồng, phương thức làm công tác thông tin tuyên truyền đến người dân. Mục tiêu là tuyên truyền để cho người dân hiểu được đường lối của Đảng và Nhà nước, thông tin quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược này không chỉ cho Bộ TT&TT mà còn cho các ngành làm căn cứ.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề nghị Chiến lược cần được bổ sung các chỉ tiêu đảm bảo sự khả thi của Chiến lược, định hướng có những bài viết thông tin phản biện các luận điểm thù địch, sai trái để người dân biết phân biệt quan điểm đúng; Định hướng cách viết thông tin tích cực, có đưa thông tin sự việc tiêu cực nhưng cách viết có quan điểm tích cực để hướng người đọc đến tính giáo dục, tạo hiệu ứng xã hội tích cực.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Dự thảo chiến lược để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định và phê duyệt.

Dự thảo này đã được Bộ TT&TT gửi xin ý kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công An, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến nay, Bộ TT&TT đã nhận được ý kiến góp ý của tất cả các cơ quan, đơn vị được xin ý kiến. Bộ TT&TT đã tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện lại dự thảo Chiến lược.

Dự thảo Chiến lược cũng đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT để xin ý kiến rộng rãi của người dân. Bộ TT&TT đã tổng hợp ý kiến của người dân, tiếp thu chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Chiến lược.

HM

Tin nổi bật