Văn hóa người cầm bút

Ngày 15-8, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định đình bản 3 tháng và xử phạt 207 triệu đồng đối với Báo điện tử Trí Thức Trẻ vì đã đăng nội dung thông tin gây mất đoàn kết dân tộc, vi phạm pháp luật về báo chí, gây bức xúc dư luận. Đây là bài học đắt giá cho những tờ báo nào đó còn có thái độ xem thường văn hóa, coi nhẹ thông tin chuẩn mực và cố tình đưa tin giật gân, câu khách rẻ tiền.

Mấy ngày qua, dư luận bày tỏ phẫn nộ trước bài viết “Gái miền Tây và ba chữ “N” nổi danh thiên hạ” đăng ngày 12-8-2014 trên báo điện tử Trí Thức Trẻ (thuộc Hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam). Bài báo có nội dung: Sau thời gian “trải nghiệm” yêu một cô gái miền Tây, một chàng trai đất Bắc đã khẳng định như đinh đóng cột rằng, các cô gái miền Tây “nổi danh thiên hạ” nhờ ba chữ “Ngon, Ngoan, Ngu”. Ba chữ đó được lý giải là các cô gái miền Tây có vẻ đẹp nổi bật về hình thể (“ngon mắt”), tính cách hiền lành, thùy mị (“ngoan”), nhưng lại là những người rất thiếu hiểu biết, không có kiến thức, ngờ nghệch (“ngu”)!

Không khó để nhận diện ra ngay những sai phạm của bài báo này.

Báo chí cần góp phần củng cố, vun đắp truyền thống đại đoàn kết dân tộc (Trong ảnh: Các thiếu nữ trong ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Hà- Lào Cai).

Mặc dù trong lời tái bút ở phần cuối bài báo, người viết "rào trước đón sau" rằng: “Tôi không có ý phân biệt vùng miền mà chỉ muốn nhân sự việc em trai đưa bạn gái miền Tây về nhà, nhớ lại chuyện cũ nên mang ra bàn luận cho vui”, nhưng chính nội dung bài báo lại phủ nhận lời lẽ ngụy biện trên. Thêm nữa, cái kiểu nói “mang ra bàn luận cho vui” là vô cảm, nếu không muốn nói là có phần nhẫn tâm. Vì bất cứ một người cầm bút chân chính nào cũng không bao giờ được phép cố tình “bàn luận cho vui” về một vấn đề nhạy cảm, hệ trọng như việc nhận định, đánh giá về tư cách của cả một cộng đồng người trong một vùng miền rộng lớn như thế!

Thực ra bài báo “Gái miền Tây và ba chữ “N” nổi danh thiên hạ” giờ đây không còn là trường hợp cá biệt. Vì trước đó một số tờ báo và trên nhiều trang mạng cũng xuất hiện không ít bài viết có tính chất miệt thị văn hóa vùng, miền. Nào là doanh nghiệp tẩy chay người lao động xứ Thanh- Nghệ, nào là người các tỉnh khác chê bai người Đồng Nai tham lam trong vụ “hôi bia tập thể”, nào là người Hà Nội đổ lỗi cho người ngoài tỉnh tứ xứ mới là “thủ phạm” ngắt hoa, bẻ cành tại “lễ hội Hoa Hà Nội” và gây lộn xộn, làm méo mó thêm hình ảnh giao thông ở Thủ đô…

Những bài viết kiểu này đều có chung đặc điểm là: Có ít suýt ra nhiều, nhận định cảm tính, đánh giá chủ quan, bình luận tùy tiện, vô lối, suy diễn từ cái đơn lẻ, riêng biệt thành cái chung, cái toàn thể, cố tình “nghiêm trọng hóa” vấn đề nên dễ làm biến dạng, méo mó đối tượng phản ánh.

Như chúng ta đã biết, đánh giá chính xác về con người vốn đã khó, đánh giá đúng đắn, đầy đủ về bản chất của cả một cộng đồng người ở một địa phương, vùng miền nào đó lại càng khó khăn gấp bội. Không ai cấm báo chí phản ánh, nhận định, đánh giá về một con người, một tập thể, một cộng đồng cụ thể nào đó. Nhưng trong phạm vi, chức năng, quyền hạn của mình, các cơ quan báo chí nói chung, mỗi nhà báo nói riêng, cần phải có sự lựa chọn sáng suốt, cân nhắc kỹ lưỡng khi nhận định, bình luận về nguồn gốc, phong tục, tập quán, lối sống, niềm tin, tín ngưỡng, đặc điểm văn hóa của họ. Bởi vì, một trong những sứ mệnh, thiên chức cao quý của báo chí là nâng niu, trân trọng những cái hay, cái đẹp, cái tốt của con người, khơi dậy những phẩm hạnh cao quý còn tiềm ẩn trong mỗi cuộc đời, mỗi số phận và làm nhịp cầu kết nối, gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng ngày càng sâu sắc, bền chặt hơn. Chỉ có như vậy báo chí mới thể hiện tinh thần nhân văn, góp phần làm cho cuộc sống, xã hội ngày càng trở nên tiến bộ, tốt đẹp hơn.

Bài và ảnh: Thiện Văn

Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân

Tin nổi bật