Truyền thông thế giới 2019: Nhọc nhằn cuộc chiến bản quyền!

Năm 2019 với làng truyền thông thế giới tiếp tục là một năm không có nhiều thành quả tích cực. Báo in vẫn vật vã với bài toán tồn tại; không phải tờ báo điện tử nào cũng thành công với câu chuyện thu phí; truyền hình ngày càng phải đối mặt với sự cạnh tranh khủng khiếp từ mạng xã hội…

Nhưng không gục ngã và nản chí, báo chí truyền thống vẫn đang tìm mọi cách giữ cho mình chỗ đứng trong lòng công chúng. Năm 2019, bên cạnh cuộc đua tranh bằng nội dung chất lượng cao, báo chí đã, đang trong cuộc chiến bản quyền đầy thách thức với các “đại gia” công nghệ.

Khi báo chí bị “hút máu” quá lâu

Nếu đánh hai cái tên Rupert Murdoch và Google cùng một lúc trên thanh công cụ tìm kiếm, sẽ hiện ra trước mắt bạn một cụm từ rất đặc biệt: Rupert Murdoch vs Google - nghĩa là Rupert Murdoch đối đầu với Google. Cuộc đối đầu giữa ông chủ của Tập đoàn News Corp và “đại gia” công nghệ Google có lẽ bắt đầu từ 10, 11 năm trước khi trùm truyền thông này lớn tiếng cáo buộc Google là “kẻ hút máu báo chí”, “kẻ ăn cắp trơ trẽn” khi sử dụng cũng như thụ hưởng nguồn doanh thu quảng cáo khổng lồ từ những nội dung chất lượng mà báo chí đã tạo dựng ra nhưng lại không trả một đồng phí dịch vụ nào. Một thập kỷ sau, năm 2019, ông trùm truyền thông lừng danh vẫn giữ nguyên quan điểm về những nền tảng công nghệ như Google, Facebook rằng sự áp đảo thị phần truyền thông của Google, Facebook… đã, đang giết chết dần các nhà xuất bản và muốn bảo vệ sự tồn tại của các loại hình báo chí truyền thống, Google, Facebook phải chấp nhận chia sẻ lợi nhuận với báo chí.

Sự nổi giận của Rupert Murdoch là có cơ sở. Những số liệu mới được đưa ra bởi các tổ chức nghiên cứu báo chí: 63% doanh thu quảng cáo kỹ thuật số do Google và Facebook kiểm soát. Riêng Google, chỉ trong năm 2018, ước tính đã kiếm được tới 4,7 tỷ USD doanh thu quảng cáo. Trong khi đó, tổng doanh thu quảng cáo trên báo chí giảm mạnh từ năm 2006. Thực tế này là nguyên nhân chính dẫn tới con số 1.800 trong tổng số 9.000 tờ báo phá sản hoặc phải sáp nhập từ năm 2004.

Phải chua chát mà thừa nhận, báo chí truyền thống, đúng như Rupert Murdoch đã tuyên ngôn, đã bị Google, Facebook… “hút máu” quá lâu. Bao nhiêu năm tháng, giới báo chí phải ngậm ngùi chấp nhận thực tế các nền tảng số hóa thu bộn tiền trong khi những người tham gia sản xuất nội dung lại không được hưởng lợi khi nội dung của mình bị sử dụng lại.

Hơn 2 năm để tìm kiếm đồng thuận cho dự luật bản quyền

Ngày 26/3/2019, Nghị viện châu Âu (EP) đã đi đến đồng thuận cuối cùng với Chỉ thị bản quyền (Copyright Directive).  Động thái này cộng với việc nếu vượt qua được công đoạn phê chuẩn tại từng quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), dự luật bản quyền này sẽ trở thành luật chính thức và được đánh giá sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của mạng Internet hiện nay. Trong đó, “tâm điểm” của mọi sự chú ý là việc các công cụ tìm kiếm và các nền tảng tích hợp tin tức sẽ phải trả tiền nếu muốn sử dụng đường link từ các trang tin tức. Nói một cách khác, các đơn vị xuất bản tin tức báo chí sẽ được pháp lý hóa quyền thu phí các công cụ tìm kiếm và các nền tảng tích hợp tin tức khi dẫn lại các đường dẫn kết nối tới tin tức của họ.

Việc Chỉ thị bản quyền được thông qua thực sự là một thành công lớn, dù mới chỉ mang tính chất bước đầu và đối tượng tác động chủ yếu mới chỉ là báo chí châu Âu. Nói là thành công lớn bởi để Chỉ thị này hoàn thiện và được EP bỏ phiếu đồng thuận, dư luật này đã phải trải qua hành trình hơn 2 năm có lẻ (chính xác là 2 năm 6 tháng) với rất nhiều tranh luận trái chiều giữa các “đại gia” công nghệ, các đơn vị quản lý bản quyền cũng như các nhà hoạt động bản quyền, thậm chí là một số chính phủ. Bản thân con số 348 phiếu thuận nhưng cũng có tới 274 phiếu chống và 36 phiếu trắng khi EP bỏ phiếu cũng đã cho thấy độ căng thẳng hiếm có trong các quan điểm nhìn nhận về dự luật này.

Trong dự luật bản quyền, được chú ý nhất và cũng gây tranh cãi nhiều nhất là điều 11, hay còn gọi là “thuế dẫn link” (link tax) và điều 13 (sau đổi thành điều 17), hay còn gọi là “bộ lọc tải lên” (upload filter). Điều 11 quy định các công cụ tìm kiếm và các nền tảng tích hợp tin tức phải trả tiền cho các đơn vị báo chí sản xuất tin tức để được quyền sử dụng đường dẫn từ các trang tin tức của họ. Điều 13 yêu cầu các nền tảng phải có trách nhiệm ngăn chặn người dùng tải lên những nội dung có bản quyền (trước đây, trách nhiệm này thuộc về người dùng).

Cũng bởi hai tâm điểm tranh cãi này nên dự luật bản quyền (ban đầu còn được gọi đơn giản tới cụm từ “cải cách bản quyền”) được khởi động thảo luật từ năm 2016, đến tháng 7/2018, các nghị sĩ châu Âu vẫn từ chối thông qua và đến tận ngày 12/9, dự luật này lại một lần nữa được đem ra bàn thảo và may mắn thu được 438 phiếu thuận (bên cạnh đó còn có tới 226 phiếu chống và 39 phiếu trắng), qua được “cửa ải” đầu tiên và đến kỳ họp tháng 3, may mắn lại mỉm cười khi EP cuối cùng cũng đã đạt được sự đồng thuận trong câu chuyện buộc các công ty công nghệ trả phí.

Hành trình “nổi dậy” lắm gian nan

Cuộc “nổi dậy” của báo chí truyền thống trong công cuộc đòi quyền lợi tài chính về cho mình, tới thời điểm này có thể tạm coi đã có kết quả bước đầu. Từ hiệu ứng của việc Chỉ thị bản quyền được thông qua, ngày 23/10/2019, “đại gia” công nghệ Google được phen giật mình bối rối trước việc khoảng 800 nhà báo cùng đặt bút ký vào bức thư ngỏ đăng trên các báo kêu gọi các chính phủ đảm bảo rằng Google và các công ty công nghệ khác phải tuân thủ đạo luật Bản quyền mới của EU. Lá thư nêu rõ: “Tình hình hiện nay, khi Google đang được hưởng hầu hết thu nhập từ quảng cáo nhờ việc đăng phát các tin tức mà họ không phải trả tiền, là không thể chấp nhận được, và đã đẩy truyền thông vào cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng”. Đây có thể nói là “động thái vùng dậy” ấn tượng thứ hai của giới báo chí sau lần cách đó 2 năm, năm 2017, khi 9 cơ quan báo chí lớn nhất châu Âu cùng kêu gọi EU phê chuẩn luật buộc các hãng dịch vụ Internet như Facebook, Google trả phí cho nội dung tin tức.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, để có thể buộc những công ty công nghệ như Google móc hầu bao trả phí, còn quá nhiều rào cản. Trước mắt, như đã nói, Chỉ thị bản quyền này phải vượt qua được công đoạn phê chuẩn tại từng quốc gia thành viên của EU mà công đoạn này không hề dễ dàng bởi quan điểm khá khác biệt của từng quốc gia. Thứ nữa, rào cản lớn nhất đến từ chính “người trong cuộc” là các công ty công nghệ - điều khiến “Chỉ thị có nguy cơ mất hoàn toàn ý nghĩa ngay trước khi có hiệu lực” như cảnh báo trong lá thư nói trên của 800 nhà báo. Bởi với việc tuân thủ bản quyền như “ngăn chặn người dùng tải lên những nội dung có bản quyền”, các công ty công nghệ sẽ cần phát triển công nghệ nhận diện nội dung, hay các bộ lọc, để ngăn người dùng đăng và chia sẻ những thông tin có bản quyền. Tuy nhiên, theo một số nền tảng trực tuyến như Wikipedia, Facebook, Google, quy định này sẽ dẫn tới sự kiểm duyệt thông tin gắt gao hơn, ảnh hưởng tới sự tự do trên Internet. Bên cạnh đó, nhiều nền tảng trực tuyến khác lại cho rằng quy định này sẽ càng làm tăng sự thống trị của các “ông lớn” trong mảng cung cấp tin tức bởi việc xây dựng bộ lọc nội dung là rất tốn kém. Trước đây, Google từng tuyên bố tiêu tốn khoảng 100 triệu USD cho việc xây dựng hệ thống bộ lọc của YouTube.

Câu chuyện trả phí cũng không đơn giản. Google đã từng… dám từ chối thẳng thừng việc trả phí sử dụng tin tức cho các hãng tin đồng thời tuyên bố nếu các hãng tin không đồng ý cho sử dụng miễn phí thì Google sẽ chỉ cho phép các bài viết, hình ảnh, và video hiển thị dưới dạng đường dẫn (link) chứ không phải một phần nội dung, và rằng họ không cần thiết phải trả phí khi đã đem lại lợi ích cho các hãng tin bằng việc mang đến cho họ lượng người truy cập. Phó Chủ tịch Google phụ trách mảng tin tức Richard Gingras còn khăng khăng: “Chúng tôi không chi trả cho các đường dẫn được hiển thị trong các kết quả tìm kiếm, vì điều đó sẽ hủy hoại lòng tin của người sử dụng”.

Nhìn lại những động thái trước đây, có thể thấy dường như những công ty công nghệ như Google khá nhất quán và cứng rắn với quan điểm của mình. Bằng chứng là trước đây, Tây Ban Nha và Đức từng thử nghiệm việc thu phí bản quyền tin tức của các nền tảng công nghệ nhưng đều thất bại. Công ty Axel Springer, chủ sở hữu những tờ báo Đức nổi tiếng như Die Welt và Bild cũng đã từng yêu cầu Google trả phí khi dẫn lại nội dung của họ. Tuy nhiên, Google đã phản ứng bằng việc không dẫn lại trích đoạn các bài báo của Axel Springer trong kết quả tìm kiếm. Còn tại Tây Ban Nha, tờ Cinco Días của Tây Ban Nha nhắc lại chuyện năm 2014, khi  các tờ báo nước này yêu cầu Google phải thanh toán bản quyền, tuy nhiên, Google không những lắc đầu mà còn tuyên bố chấm dứt luôn hoạt động dịch vụ tin tức của họ tại đây.

Như vậy, rõ một điều là cuộc chiến trả phí sản phẩm báo chí chưa biết bao giờ mới ngã ngũ và phía trước các đơn vị xuất bản tin tức báo chí, hành trình “nổi dậy” ấy là con đường dài lắm gian nan, thử thách.

Nâng cao chất lượng nội dung - hướng đi không đơn giản

Năm 2019 với báo chí truyền thống tiếp tục là năm phải chứng kiến những con số doanh thu và tin tức buồn bã. Từ tháng 11/2019, tờ Marie Claire UK ngừng sản xuất phiên bản in tại Anh để trở thành sản phẩm chỉ cung cấp kỹ thuật số, chấm dứt 31 năm gặt hái không ít thành công với bản in. “Người tiêu dùng và nhà quảng cáo đã đẩy nhanh việc chuyển sang các lựa chọn thay thế kỹ thuật số” - phát ngôn viên của Marie Claire lý giải về nguyên nhân đã khiến tờ Marie Claire UK phải đưa ra quyết định từ bỏ báo in. Cũng theo đại diện của tờ Marie Claire, “một chiến lược tập trung vào kinh doanh kỹ thuật số là giải pháp tốt nhất hiện nay để đảm bảo lợi nhuận và sự phát triển bền vững cho Marie Claire”. Tờ Esquire cũng từng rậm rịch câu chuyện tiếp tục cắt giảm các số báo giấy, được đồn thổi là xuống còn 6 hoặc 4 số mỗi năm để tập trung vào mảng điện tử. Nói là tiếp tục bởi trước đó, tờ báo giấy Esquire đã giảm từ 12 số xuống còn 8 số.

Marie Claire UK hay Esquire chỉ là hai trong số nhiều câu chuyện buồn tương tự của làng báo năm 2019 và không ai đảm bảo những câu chuyện này sẽ không tiếp tục xảy đến. Nhưng không thể ngồi im chờ cái chết đến với mình. Các cơ quan báo chí truyền thông, trong đó quyết liệt nhất, bức thiết nhất là báo in, đã phải tìm mọi phương cách để tồn tại. Hai trong số những phương cách đang được bàn thảo nhiều nhất hiện nay là thu lợi nhuận từ tác quyền báo chí mà cụ thể, như đã nói ở trên, là buộc các công cụ tìm kiếm và các nền tảng tích hợp tin tức trả tiền nếu muốn sử dụng đường link từ các trang tin tức. Còn phương cách còn lại, lại là câu chuyện không hề mới: nâng cao chất lượng nội dung.

Xung quanh mục tiêu nâng cao chất lượng nội dung, thời gian qua, làng báo thế giới nói nhiều tới hai khái niệm: slow journalism (báo chí chậm) và niche markets - Thị trường ngách.  Slow journalism không khó hiểu ở khái niệm bởi đúng như tên gọi của nó - slow - chậm, loại hình báo chí này buộc độc giả phải “giảm tốc độ” đọc - đọc chậm tới mức tối đa. Mục đích để làm gì: để độc giả cảm nhận, “thấm” được ý nghĩa tối đa của bài báo chứ không phải là tiếp nhận được bao nhiêu thông tin từ bài báo ấy. Nói một cách khác, với những tờ đi theo “trường phái” slow journalism (báo chí chậm), thà để độc giả cảm nhận sâu sắc một bài báo còn hơn đọc tới 5 bài báo mà mức độ đọng lại bằng không. Mà để độc giả chịu “đọc - chậm” thì chất lượng, độ chính xác, khách quan của bài báo đương nhiên phải đạt mức cao tối đa có thể. Điều này có thể tạo nên sự đồng nghĩa ở một mức độ nào đó giữa báo chí chậm và báo chí  sâu, chất lượng. Quan điểm slow journalism dĩ nhiên không nhận được sự đồng tình của tất cả độc giả cũng như chính làng báo. Tuy nhiên, phải ghi nhận đó là một hướng đi rất đáng trân trọng.

Còn niche markets - Thị trường ngách - theo quan điểm của nhật báo tài chính Anh Financial Times - là việc đáp ứng nhu cầu thông tin của một bộ phận độc giả riêng biệt với nội dung đặc biệt và khác biệt - Financial Times gọi đó bằng cụm từ “distinctive, differentiated content” hướng tới đối tượng độc giả mục tiêu nhất định hay còn gọi là độc giả thị trường ngách - niche audience. Để tạo được cái gọi là nội dung khác biệt, đặc biệt thì bản chất sâu xa vẫn là chất lượng nội dung cao. Thế mới có chuyện, với “bà đầm tóc bạc” The New York Times, thị trường ngách hiểu luôn báo chí chất lượng và “A Plea for Newspaper Quality - lời cầu xin cho báo chí chất lượng” đã được họ nói ra cách đây hơn 50 năm.

Tuy nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm và làm được đến đâu, thành công đến đâu thì lại còn là câu chuyện dài khác nữa. Dù vậy, mọi ý tưởng để mang đến cho độc giả những tin tức chính xác, khách quan, trung thực, chất lượng - dù được chuyển tải tới độc giả thông qua dạng thức báo chí nào - cũng đều hết sức đáng trân trọng.

Cuộc chiến chống tin giả ngày càng gian nan

Sự bành trướng của các trang mạng xã hội, trang tin tổng hợp đã “tiếp tay” cho tin giả, biến tin giả nhiều năm qua đã trở thành vấn nạn toàn cầu và cho đến nay, cuộc chiến chống lại vấn nạn này vẫn đang là cuộc chiến đầy gian nan. Năm 2019, ngày càng nhiều quốc gia có những động thái “mạnh tay” hơn với vấn nạn tin giả. Đơn cử như ngày 21/4/2019, Chính phủ Sri Lanka tạm thời đóng cửa Facebook cùng hàng loạt trang mạng xã hội khác đang hoạt động tại quốc gia này với mục tiêu ngăn chặn sự lan rộng của các thông tin sai lệch, tin tức giả mạo (fake news). Tháng 10/2019, Luật chống tin giả ở Singapore chính thức có hiệu lực, theo đó các cá nhân tung tin giả có thể chịu mức phạt lên tới 100.000 SGD (hơn 72.000 USD) hoặc ngồi tù tới 10 năm hoặc cả hai. Tháng 11/2019, Thái Lan mở trung tâm chống tin giả đầu tiên của nước này để xác minh những thông tin chưa được kiểm chứng lan truyền trên mạng xã hội…  Các nền tảng trực tuyến sau những né tránh, trong năm 2019 cũng đã có những động thái khá tích cực trong chống tin giả. Tháng 6/2019, mạng xã hội Twitter đã xóa bỏ hàng nghìn tài khoản trên toàn thế giới có hành vi lan truyền thông tin giả mạo. Tháng 8/2019, Facebook gỡ bỏ nhiều tài khoản tại Ai Cập, Saudi Arabia và các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vì đăng tải những thông tin sai sự thật… Bản thân báo chí chính thống cũng trực tiếp bắt tay vào công cuộc chống lại vấn nạn tin giả. Đơn cử như nhật báo Mỹ New York Times chống lại tin tức giả bằng công nghệ blockchain…  Điểm nhấn trong năm 2019 là việc ngày 26/9, trong khuôn khổ kỳ họp 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ở New York (Mỹ), 20 quốc gia, trong đó có Pháp, Anh và Ấn Độ, đã ký kết thỏa thuận chống tin giả. Theo đó, 20 quốc gia cam kết đẩy mạnh thông tin “độc lập, đa dạng và xác thực” trên mạng Internet, ngăn chặn hành vi lan truyền tin tức giả mạo trực tuyến.

Nhiều động thái là vậy, quyết liệt là vậy… nhưng đáng tiếc là đến nay hiệu quả đạt được của cuộc chiến chống tin giả vẫn chẳng mấy ấn tượng. Bởi, nguyên nhân sâu xa của mọi nguyên nhân, khiến tin giả vẫn hoành hành, như lý giải của ký giả Callum Borchers tờ The Washington Post: “Sự lừa dối tạo ra tin giả, sự cả tin làm lan truyền nó”. Một khi tin giả còn “độc giả”, chừng nào những người tiếp nhận thông tin còn chưa tự nâng cao cho mình khả năng “miễn dịch”, không tỉnh táo và thẩm định trước mọi nguồn tin thì chừng ấy, tin giả còn đất sống, còn tạo ra những nỗi đau có thật. Mọi cơ chế chống tin giả, dù “mạnh tay” đến mấy, chỉ mang tính chất kỹ thuật và cơ học.

Nguồn: Thư Trang/congluan.vn

https://congluan.vn/truyen-thong-the-gioi-2019-nhoc-nhan-cuoc-chien-ban-quyen-post72299.html

Tin nổi bật