Thách thức không nhỏ khi viết về khoa học và công nghệ

“Chúng ta phải thừa nhận rằng làm khoa học luôn khó, khô và khổ, thì đương nhiên viết về lĩnh vực này cũng vậy. Hơn nữa lĩnh vực khoa học và công nghệ ở Việt Nam không có nhiều vấn đề nóng. Giữa việc đảm bảo truyền tải những thông tin khoa học công nghệ đến với công chúng một cách chính xác nhất, nhưng vẫn phải sinh động, dễ hiểu và cuốn hút là công việc không phải dễ dàng gì”- nhà báo Tạ Thị Lan (Đài Tiếng nói Việt Nam), thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ, tác giả vừa đoạt giải Nhất loại hình Phát thanh giải Báo chí về Khoa học và Công nghệ chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao Giải nhất cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả (nhà báo Tạ Thị Lan thứ 2 từ phải sang) (Ảnh: IT)

Được biết nhà báo Tạ Thị Lan đã có khoảng 10 năm viết về khoa học và công nghệ và đã đoạt Giải thưởng Báo chí về Khoa học và Công nghệ. Năm nay chị đoạt giải Nhất với tác phẩm phát thanh “Sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ: Nói không với công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường”. Nhà báo Tạ Thị Lan đã dám dấn thân với lĩnh vực đầy chông gai và bước đầu đã có những thành công nhất định.

Chia sẻ trong buổi lễ trao giải Báo chí về Khoa học và Công nghệ (ngày 15/5), nhà báo Tạ Thị Lan đại diện cho nhóm tác giả đoạt giải xúc động cho biết: “Không chỉ cá nhân tôi mà các bạn đồng nghiệp của tôi chắc cũng cùng chung cảm xúc với tôi là đó rất xúc động, hạnh phúc và tự hào khi công sức và thành quả lao động của mình trong thời gian qua đã được ghi nhận, động viên, khích lệ bằng Giải thưởng Báo chí về Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh sự tự hào thì chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm của mình là cần phải làm tốt hơn nữa công việc của mình trong thời gian tới, đó là truyền tải những thông tin về khoa học và công nghệ đến với thính giả và bạn đọc cả nước”.

Với mỗi lĩnh vực, nhà báo cũng luôn gặp phải những khó khăn. Tuy nhiên do khoa học công nghệ có những đặc thù riêng đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức sâu, tư duy mạch lạc. Nói về sự khác biệt của các bài viết về lĩnh vực khoa học công nghệ so với lĩnh vực khác, nhà báo Tạ Thị Lan bộc bạch: “Trong khoảng thời gian viết về khoa học và công nghệ, tôi may mắn được làm việc, được gặp gỡ với nhiều nhà khoa học, các chuyên gia cả trong và ngoài nước, được làm việc với các đồng chí làm quản lý ở các Bộ, ngành khác nhau. Trong những lần gặp gỡ ấy thì nhiều người có chia sẻ với tôi rằng “làm khoa học vừa khó vừa khổ lại vừa khô”. Tôi tin là mọi người cũng đồng tình với nhận định này. Tôi cũng tin là các bạn đồng nghiệp của tôi cũng đồng ý với tôi rằng, viết về khoa học và công nghệ cũng tương tự như vậy, cũng vừa khó vừa khổ lại vừa khô”.

Tuy nhiên là một nhà báo, với trách nhiệm phải đưa tin đảm bảo chính xác nhất, nhưng vẫn phải sinh động, dễ hiểu và cuốn hút, chị đã gặp không ít khó khăn. Những thật may mắn, trong chừng ấy năm viết về lĩnh vực này, chị đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của các nhà khoa học các chuyên gia trong việc đóng góp ý kiến để bài viết của chị khi được gửi tới thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam đảm bảo được các tiêu chí dễ nghe, dễ hiểu, cuốn hút người nghe nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác của khoa học. Chị cũng thừa nhận rằng lĩnh vực khoa học công nghệ ở Việt Nam không có nhiều vấn đề nóng. Chính vì vậy mà những thông tin về khoa học công nghệ thường không thu hút được sự quan tâm của công chúng.

Lễ công bố 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2016 do Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức (Ảnh: IT)

Được biết hiện nay Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ, trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập ngày 27/7/2011. Câu lạc bộ với vai trò là cầu nối giữa các nhà báo với các Bộ, ngành, Viện, doanh nghiệp… hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Thông qua các chương trình hội thảo, hội nghị, tọa đàm, gặp gỡ do Câu lạc bộ phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức, giúp cho các nhà báo có thêm “sân chơi” ý nghĩa; giúp các tổ chức khoa học công nghệ nâng cao công tác truyền thông về các hoạt động của mình. Đồng thời các nhà báo có thêm hiểu biết, kiến thức cũng như kinh nghiệm do các nhà khoa học chia sẻ nhằm nâng cao công tác chuyên môn nghiệp vụ của mình trong quá trình tác nghiệp và viết bài. Đến nay, Câu lạc bộ đã thu hút khoảng trên dưới 100 thành viên, là các nhà báo viết về khoa học và công nghệ ở các cơ quan báo chí khác nhau trên cả nước.

Mong rằng Câu lạc bộ sẽ càng phát triển và càng ngày mỗi thành viên sẽ càng nâng cao “tay nghề” để đưa đến cho độc giả những “món ăn” thực sự bổ ích. Nhưng quan trọng hơn cả là những nhà báo, thành viên của Câu lạc bộ thông qua tác phẩm báo chí của mình sẽ “chắp cánh” cho những công trình nghiên cứu khoa học được nhiều người biết đến cũng như được ứng dụng rộng rãi trong thực tế đời sống./.

Nguồn: Ngô Khiêm/hoinhabaovietnam.vn

Tin nổi bật