Nghề báo
Mỹ: Báo in thời khủng hoảng
Submitted by nadung on Thu, 29/12/2011 - 09:39Ngành công nghiệp báo chí đã từng sống khỏe nhờ mô hình "80-20" (80% doanh thu đến từ quảng cáo và 20% doanh thu đến từ nguồn bán báo) nhưng mô hình đó đã sụp đổ hoàn toàn mà không gì cứu vãn nổi.
Hãng AFP ngày 28-12 đưa tin, Tập đoàn New York Times nổi tiếng tại Mỹ đã đồng ý bán 16 tờ báo địa phương cho Công ty Truyền thông Halifax Media Holdings với mức giá 143 triệu USD. Quyết định của New York Times được cho là hành động để tiếp tục cứu vãn doanh thu trong bối cảnh ngành báo in tại Mỹ phải tự vật lộn trong thời kỳ khủng hoảng.
Ngành công nghiệp báo in tại Mỹ chứng kiến sự sụt giảm về lợi nhuận. Ảnh minh họa. |
Doanh thu giảm
Tình trạng quảng cáo sụt giảm và nhiều độc giả chuyển sang đọc báo trực tuyến đang trở thành một vấn đề hóc búa cản trở các tờ báo Mỹ duy trì doanh thu. Dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho rằng thị trường báo giấy ở Mỹ yếu hơn nhiều so với các nước châu Âu. Sự sụt giảm mạnh ở Mỹ sẽ tiếp diễn cho đến hết năm 2012 và vào năm 2013, thị trường báo in của Mỹ sẽ tiếp tục mất 25 tỷ USD so với thời kỳ đỉnh cao vào năm 2005.
Cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2008 đã mở đầu cho thời kỳ sụt giảm mạnh ngành công nghiệp báo in tại Mỹ. Sự đi xuống này phản ánh tác động tiêu cực của suy thoái và xu hướng dịch chuyển sang quảng cáo trên Internet. Các khách hàng quảng cáo trên báo in ồ ạt chuyển sang các trang web áp dụng mức giá rẻ hoặc thậm chí miễn phí.
Theo Hiệp hội Báo chí Mỹ (NAA), các tờ báo thành viên của hiệp hội này thu được 27,6 tỷ USD quảng cáo trong năm 2009, so với mức doanh thu 37,8 tỷ USD đạt được trong năm 2008. Con số này bao gồm cả quảng cáo trên báo giấy và phiên bản báo mạng của các tờ báo. Năm 2010, con số này dừng ở mức 25 tỷ USD. Dự đoán trong năm 2011, số lợi nhuận của quảng cáo sẽ xuống mức 24 tỷ USD.
Do khó khăn về doanh thu, công ty mẹ của nhiều tờ nhật báo lớn và có uy tín hàng đầu ở Mỹ như Chicago Tribune, Los Angeles Times, The Baltimore Sun, The Philadelphia Inquirer và The Denver Post trong năm nay đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản để giảm nợ. Một số tờ báo khác như Rocky Mountain News chọn con đường đóng cửa, hay tờ Seattle Post-Intelligencer dừng bản in và chỉ duy trì báo mạng. Nhiều nhà báo làm việc tại các tờ báo này đã mất việc. Nạn nhân mới nhất là Lee Enterprises, một trong số các công ty sở hữu những tờ báo lớn nhất nước Mỹ, ngày 12-12 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Chuyển hướng để thu lợi nhuận
Jim Moroney, chủ biên của tờ Dallas Morning News nhận định, ngành công nghiệp báo chí đã từng sống khỏe nhờ mô hình "80-20" (80% doanh thu đến từ quảng cáo và 20% doanh thu đến từ nguồn bán báo) nhưng mô hình đó đã sụp đổ hoàn toàn mà không gì cứu vãn nổi. Vì thế, ngày càng nhiều tờ báo in Mỹ đang đi theo xu hướng tăng giá bán báo và áp dụng cơ chế thu phí độc giả trực tuyến, đầu tư cho các bản tin mạng để có doanh thu khi phát hành lẫn quảng cáo sụt giảm.
Tờ New York Times từng gây xôn xao khi công bố quyết định sẽ thu phí truy cập vào các bài viết trên báo điện tử vào tháng 3 năm nay. Theo đó, độc giả chỉ được đọc miễn phí 20 bài báo mỗi tháng, quá hạn mức này sẽ được yêu cầu đăng ký trả tiền để được đọc tiếp. New York Times cho rằng tin tức của báo đủ sức thuyết phục mọi người trả tiền thay vì lướt hàng trăm website khác để đọc những tin mà có khi còn được lấy từ chính New York Times.
Trước New York Times, tờ Wall Street Journal và Financial Times đã quyết định thu phí khi đọc tin trên điện thoại di động và đọc báo trực tuyến. Sau đó là The Baltimore Sun và nhiều tờ báo khác tại Mỹ cũng quyết định đi theo xu hướng này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc thu tiền báo trực tuyến còn phải căn cứ vào chất lượng, nếu không, đây sẽ là con dao 2 lưỡi cho những tờ báo chưa gây dựng được lòng tin của độc giả. Ken Doctor, nhà phân tích nghiên cứu kinh doanh báo chí cho biết, vấn đề là làm thế nào để thu hút một lượng lớn độc giả "hạt nhân" và khiến cho phần lớn trong số họ chịu trả tiền để truy cập. Đó chính là cốt lõi của ngành kinh doanh mới mẻ này.
Thanh Hằng
Theo SGGP
Nghề báo “đeo đẳng” tôi như là duyên phận
Submitted by nlphuong on Tue, 27/12/2011 - 07:00"...Báo in đang bị cạnh tranh khốc liệt của truyền hình và internet, thậm chí có những tiên đoán về sự chấm dứt số phận của nó. Tôi cho rằng, mỗi loại hình báo chí đều có thế mạnh riêng, nhưng báo in cần có giải pháp để “thoát hiểm”.
Trải lòng mình với nghề báo bằng sự chân thành, giản dị, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đã dành nhiều giờ trò chuyện với báo Nhà báo và Công luận.
Khẳng định đến với nghề báo như một duyên phận, ông có cái nhìn đa dạng, sâu sắc về nghề. Và hẳn không lạ lắm khi biết, người đang trò chuyện là một tiến sỹ kinh tế và giữ chức vụ Tổng biên tập một tờ báo hàng đầu về kinh tế hiện nay.
Nhà báo TS. Nguyễn Anh Tuấn |
Thời gian gần đây, báo Đầu tư được đánh giá rất cao gắn với tên tuổi tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn. Người chèo lái con thuyền này hẳn là hạnh phúc với điều đó?
- Hẳn là bạn đang ưu ái tôi rồi. Tôi xuất thân là một nhà kinh tế. Năm 28 tuổi sau khi bảo vệ luận án Phó Tiến sỹ kinh tế tại Ba Lan, tôi trở về nước với tâm huyết sẽ là một chuyên gia kinh tế, nhưng ít năm sau, theo nhiệm vụ phân công tôi đến với nghề báo, rồi cứ thế bị cuốn vào công việc thú vị này. Năm 1991, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác Đầu tư nhận thấy cần có một tờ báo tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại, chính sách đối ngoại và hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Lúc đó tôi là một chuyên viên tổng hợp và ham mê viết lách nên được cử sang để cùng một số anh em khác xây dựng tờ báo. Và quyết định điều động 3 tháng đã kéo dài gần 10 năm. Đến nay, chặng đường nghề nghiệp của tôi có hai nghề chính. Một là chuyên viên làm việc quản lí nhà nước về đầu tư. Và thứ hai là nghề làm báo với 10 năm của thế kỉ trước và 5 năm vừa rồi. Tôi nghĩ nghề báo là một nghề đến với mình từ rất sớm, nhưng thành thực chưa bao giờ sẽ lựa chọn nó làm nghề nghiệp suốt đời. Nhưng nghề báo cứ đeo đẳng tôi như một duyên phận.
Hiện nay các tờ báo đang gồng mình phát triển nội dung thông tin nhưng cũng đổ xô kiếm tìm quảng cáo để tồn tại. Liệu có sự mẫu thuẫn trong hai chiến lược đó không, thưa ông?
- Tôi cho đó là những hướng đi phù hợp với tình hình thực tế vì các báo phải tự trang trải về tài chính. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn một cách khách quan và toàn diện để lựa chọn cách đi sao cho hiệu quả, vừa đảm bảo định hướng thông tin, vừa củng cố được tiềm lực tài chính. Một tờ báo muốn làm kinh doanh tốt thì trước tiên chất lượng tờ báo phải tốt. Doanh nghiệp nào cũng muốn quảng cáo trên một tờ báo có lượng phát hành lớn. Nội dung thông tin và kinh doanh báo chí luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Để phát triển kinh doanh thì trước hết phải có nội dung tốt, mà muốn nội dung tốt thì đòi hỏi hoạt động kinh tế báo chí phải hiệu quả để có tiền đầu tư nâng cấp trang thiết bị, tăng lương, nhuận bút…Tôi cho rằng, nếu tờ báo nhìn nhận đúng sự tương trợ lẫn nhau giữa hai chiến lược đó thì không hề tạo ra những mâu thuẫn hay cản trở gì trong hoạt động của tòa soạn.
Đối tượng mà báo Đầu tư hướng đến khá đặc biệt, có sự kết hợp ba vai trò: đối tượng đọc báo, đối tượng viết bài, đối tượng… mời quảng cáo để phát triển kinh tế báo chí?
- Đúng vậy. Nhưng báo Đầu tư luôn tạo ra mối quan hệ chặt chẽ giữa các bên. Người viết bài phải hiểu độc giả của mình cần gì. Người mời quảng cáo phải hiểu nếu quảng cáo trên báo Đầu tư thì họ sẽ được gì. Nếu họ đăng một quảng cáo vô nghĩa, phải trả một khoản tiền nhất định thì giỏi lắm họ chỉ đăng 1 lần với sự nể nang nào đó rồi thôi. Nhưng nếu hiệu quả rõ rệt từ việc quảng bá thì doanh nghiệp sẽ không tiếc tiền để quảng cáo. Phát hành khoảng 2- 3 vạn mỗi kì, chúng tôi đặt ra định hướng cung cấp thông tin phải mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, cho cộng đồng doanh nghiệp- bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Chúng tôi hài lòng về những việc đã làm được cho lợi ích đất nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Có đánh giá rằng: dường như mối quan hệ của doanh nghiệp và báo chí “bằng mặt mà không bằng lòng”. Tổng biên tập nghĩ sao về điều đó?
- Có một số doanh nghiệp như vậy, nhất là các doanh nghiệp có biểu hiện vi phạm pháp luật bị báo chí phê phán, chỉ trích. Nhưng tôi khẳng định càng ngày các doanh nghiệp càng nhận rõ vai trò của thông tin đối với sự phát triển của họ. Hiện nay các doanh nghiệp rất coi trọng việc quảng bá hình ảnh, sản phẩm trên các phương tiện truyền thông báo chí. Họ coi báo chí là cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, giữa nhà đầu tư với nhà đầu tư, giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với các cơ quan quản lí nhà nước. Những người làm báo với trách nhiệm của mình lên tiếng bảo vệ doanh nghiệp làm ăn theo pháp luật, đồng hành cùng với họ, phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển lành mạnh theo đúng pháp luật. Xét cho cùng các nhà báo viết về kinh tế phải góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển và qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Báo in dường như ngày càng yếu thế trong cuộc cạnh tranh với truyền hình, internet. Là Tổng biên tập của một tờ báo in có khá nhiều ấn phẩm, ông lo lắng chứ?
- Đúng là báo in đang bị cạnh tranh khốc liệt của truyền hình và internet, thậm chí có những tiên đoán về sự chấm dứt số phận của nó. Tôi cho rằng, mỗi loại hình báo chí đều có thế mạnh riêng, nhưng báo in cần có giải pháp để “thoát hiểm”. Vì vậy, Báo Đầu tư đặt ra chiến lược phát triển là phải xây dựng một cơ quan báo chí đa phương tiện. Tức là từng bước kết hợp báo in với báo điện tử, kết hợp sức mạnh của báo điện tử để phát triển và tiếp tục hiện đại hóa các phương tiện truyền thông ngoài báo in, cải thiện các phương thức truyền tải thông tin cho phù hợp và tìm kiếm khoảng riêng cho báo mình. Báo Đầu tư là tờ báo đa ấn phẩm, đa ngữ, có 4 tờ báo in, 3 tờ báo điện tử và mỗi tờ báo lại có đối tượng phục vụ khác nhau, nhưng phải kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau.
Ông có vẻ tự tin trước bối cảnh không mấy tươi đẹp này?
- Nói cách khác là tôi nhận thức rất rõ sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Tôi không quá bi quan với báo in, ít nhất là trong vòng 1 thập kỉ tới. Tất nhiên điều đó còn phụ thuộc vào nỗ lực và các giải pháp cụ thể mà chúng tôi đã, đang và tiếp tục làm. Với tôi tổng biên tập là một nghề, nghề nặng nhọc. Trong quá trình hành nghề, một tổng biên tập vừa phải chỉ đạo nội dung vừa phải đóng vai trò là một tổng giám đốc, tức là luôn nghĩ tới việc phát triển kinh tế báo chí, chứ không chỉ thuần túy chỉ đạo thông tin. Chúng tôi coi trọng cả 2 nhiệm vụ và trên cơ sở đó, phấn đấu để đến năm 2020 trở thành một tờ báo kinh tế có vị trí xứng đáng trong khu vực.
Vâng, xin cảm ơn ông.
Hà Vân
Dùng từ khi tuyên truyền các vụ việc liên quan tới mại dâm
Submitted by nlphuong on Mon, 26/12/2011 - 11:24(ICTPress) - Báo chí nên phản ánh các vụ việc liên quan tới mại dâm trên nguyên tắc: chống để xây; tôn trọng nhân phẩm con người; quan tâm vấn đề giới, mở rộng vòng tay…
(ICTPress) - Báo chí nên phản ánh các vụ việc liên quan tới mại dâm trên nguyên tắc: chống để xây; tôn trọng nhân phẩm con người; quan tâm vấn đề giới, mở rộng vòng tay…
Tại Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về Chương trình hành động, phòng chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cuối tuần trước tại Hà Nội cho các biên tập viên, phóng viên phía Bắc chuyên trách phản ánh các vụ việc liên quan tới mại dâm, các giảng viên của Hội nghị đã đề cập đến một số công việc cần chú ý khi tuyên truyền, viết tin, bài về chủ đề này.
TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết có tìm được một số câu trích từ các bài báo mạng khi viết về các vụ việc liên quan đến mại dâm như sau:
“Sau một hồi trao đổi, hai người đàn ông ngồi lên xe, lập tức hai “con bướm” kéo tay lại như cố níu giữ bước chân của khách”, “Các nhà nghỉ liên kết với các chủ nhà trọ để chứa gái mại dâm, khi khách có nhu cầu thì các chủ nhà nghỉ gọi điện thoại để đưa gái đến”, “Nếu không được xử lý triệt để tệ nạn này, Việt Trì đánh mất đi hình ảnh là cội nguồn đất Việt, trong suy nghĩ của du khách chỉ biết tới những con phố đèn đỏ và những “đàn bướm” ăn đêm trên thành phố lễ hội, “Sau khi móc nối được với khách và xác minh đúng “mật khẩu”, gái mại dâm sẽ cho khách địa chỉ để khách đến nơi thuê trọ của mình hành lạc hoặc sẽ đi xe ôm, taxi đến địa chỉ của khách…
Theo TS. Nguyễn Thị Mai Hoa khi đăng tin bài các cách dùng từ như bôi đậm trên đây nên được thay bằng từ “người mại dâm” bởi theo quan điểm của Hội Phụ nữ Việt Nam khi tuyên truyền cần chú ý tới yếu tố giới. Ngoài ra, TS. Hoa cho biết các hình ảnh đưa lên mạng đa số là hình ảnh các cô gái, điều này tạo nên sự bất bình đẳng giới.
Phó Cục trưởng cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Vũ Thanh Sơn cho biết báo chí khi đưa thông tin đến vấn đề này cần tránh kỳ thị, miệt thị. Khi viết cần suy nghĩ là mình đang viết về người thân, bạn bè mình. Những người mại dâm có những nỗi đau của họ. Khi báo chí đăng thông tin về người mại dâm có nghĩa là đã tạo áp lực, đau đớn đối với họ.
TS. Nguyễn Thị Mai Hoa đề xuất báo chí nên phản ánh các vụ việc liên quan tới mại dâm trên nguyên tắc: chống để xây; tôn trọng nhân phẩm con người; quan tâm vấn đề giới, mở rộng vòng tay để họ quay trở lại với cuộc sống và tuyên truyền những hình ảnh tích cực về những người phụ nữ mại dâm hoàn lương, ổn định cuộc sống gia đình điều này có tác động tích cực đến xã hội.
X. Tùng
Minh bạch để tái cấu trúc
Submitted by nlphuong on Fri, 23/12/2011 - 19:28Rõ ràng khi được minh bạch thông tin từ kiểm toán, tự người tiêu dùng không còn “hoa mắt”, “chóng mặt” với mê hồn trận thật giả về lỗ lãi của ngành điện và xăng dầu như thời gian qua.
Rõ ràng khi được minh bạch thông tin từ kiểm toán, tự người tiêu dùng không còn “hoa mắt”, “chóng mặt” với mê hồn trận thật giả về lỗ lãi của ngành điện và xăng dầu như thời gian qua.
Ảnh: congluan.vn |
Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến 2 sự kiện, liên quan đến 2 ngành “nhạy cảm”, có yếu tố “độc quyền”. Một là giá điện điều cỉnh tăng từ ngày 20/12 trong bối cảnh Kiểm toán Nhà nước công bố thông tin ban đầu về đợt kiểm tra báo cáo tài chính năm 2010 của EVN với nhiều vấn đề “nóng” đáng bàn. Hai là, Bộ Tài chính công khai kết quả kiểm toán 4 doanh nghiệm xăng dầu, chứng minh ngành xăng dầu nếu hạch toán đúng thì không hề lỗ như “điệp khúc” của ngành này trong nhiều năm qua.
Trước khi xảy ra 2 sự kiện trên, trong bối cảnh dư luận chưa đồng tình về việc tăng giá điện, một lãnh đạo EVN từng thể hiện quan điểm: “Vấn đề rất cần thiết đối với ngành điện chính là minh bạch thông tin”. Bây giờ, càng thấy rõ, khi minh bạch thông tin, cả 2 ngành này sẽ nhận được sự cảm thông nhất định của dư luận về cái khó của mình, đồng thời, mỗi khi tăng giá, cũng là điều kiện để người dân giám sát các doanh nghiệp này. Và như thế, minh bạch thông tin là điều cần làm và cần phải xem đó là bước đi đầu tiên của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước.
Với lý do chính là bù đắp chi phí lỗ, mức tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 62 đồng/kWh từ ngày 20/12, tính ra chỉ tăng khoảng 5%. Thực ra, điều mà người dân muốn đó là sự công bằng. 88 triệu dân có quyền biết để làm rõ trong giá EVN đưa ra hiện nay bị lỗ thì có bao nhiêu phần do neo giá, bao nhiêu phần do yếu kém trong quản lý và do đầu tư bên ngoài… Dư luận đã có sự cảm thông hơn khi Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội thông tin: Năm 2010, thực trạng sản xuất kinh doanh điện lỗ hơn 8000 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá là gần 15.500 tỷ đồng, tổng số là 23.500 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do EVN phải thực hiện mua điện giá cao của các doanh nghiệp ngoài ngành vì trong cơ cấu, thủy điện là rẻ nhất nhưng chỉ đáp ứng 40%...
Cũng giống như điện, “kịch bản” lỗ của kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính công khai với người dân. Theo đó, nếu không tính lỗ do chênh lệch tỷ giá, thì các nguyên nhân “gây” lỗ cho Petrolimex là do cơ chế hoa hồng cho các đại lý vượt xa con số 600 đồng/lít xăng, theo định mức. Ngoài ra, thất thoát do hao hụt vẫn rất cao. Và Bộ Tài chính đã khẳng định, ngành xăng dầu nếu hạch toán đúng thì không hề lỗ, trái ngược với tuyên bố từ trước đến nay của ngành này mỗi khi lý giải cho việc tăng giá. Ngành xăng dầu cũng “tích cực” đầu tư ngoài ngành dù khả năng tài chính chẳng dư giả gì. Ngay cả doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh xăng dầu như Petrolimex, đầu tư ngoài ngành trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản… chiếm 35,7% vốn chủ sở hữu.
Rõ ràng khi được minh bạch thông tin từ kiểm toán, tự người tiêu dùng không còn “hoa mắt”, “chóng mặt” với mê hồn trận thật giả về lỗ lãi của ngành điện và xăng dầu như thời gian qua. Người dân có thể nhận định rõ bản chất của câu chuyện tại sao nhiều năm qua ngành điện cứ kêu lỗ vì… điện, còn ngành xăng dầu lại cứ kêu lỗ vì… xăng dầu.
Với các doanh nghiệp điện hay xăng dầu và rộng hơn là một số doanh nghiệp Nhà nước lớn, câu chuyện tái cấu trúc là vấn đề cực kỳ phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Quá trình này có thể sẽ “đụng chạm” rất lớn đến lợi ích của một số bộ, ngành chủ quản, thậm chí là lợi ích nhóm. Trong một động thái chuẩn bị cho tiến trình này, Bộ Tài chính đang xem xét dành khoảng 50.000 tỷ đồng nhằm tái cấu trúc nợ, cấp thêm vốn điều lệ… cho các doanh nghiệp Nhà nước cần phải tái cơ cấu.
Một chuyên gia kinh tế nhận định, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước là một công việc không hề dễ dàng. Để thực hiện cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Thế nhưng, điều kiện tiên quyết cho việc tái cấu trúc đó là phải công khai minh bạch ở cả 2 cấp độ: Nhà nước trong việc ban hành quản lý; và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh theo đúng cơ chế thị trường để người dân, người tiêu dùng có điều kiện giám sát và quản lý.
Đức Thành
Báo Tiếng nói Việt Nam (VOV)
Làm báo thời B52
Submitted by nlphuong on Mon, 19/12/2011 - 14:19Ba nhà báo từng tác nghiệp trong 12 ngày đêm tôi gặp là ông Đức, ông Chu Chí Thành, và ông Nguyễn Xuân Mai.
"Chúng tôi là những cá nhân bình thường trong một dân tộc vĩ đại, làm những công việc bình thường như bao người dù là trong chiến tranh, hay giữa thời bình", ông Phạm Văn Đức, nhà báo từng bám trụ ngay giữa lòng Hà Nội trong 12 ngày đêm B52 Mỹ rải bom ở Thủ đô, bộc bạch.
Ba nhà báo từng tác nghiệp trong 12 ngày đêm tôi gặp là ông Đức, ông Chu Chí Thành, và ông Nguyễn Xuân Mai. Trong giai đoạn Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, ông Đức nguyên là phó phòng tin tiếng Pháp ban đối ngoại, Thông tấn xã Việt Nam; ông Chu Chí Thành từng là phóng viên ảnh quân sự, chính trị ngoại giao Thông tấn xã Việt và ông Nguyễn Xuân Mai- nguyên là phụ trách Tuần báo Phòng không Không quân.
Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành - miền ký ức nối dài
Trong bộ ảnh “Ký ức chiến tranh”, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã dành riêng một chương cho các tấm hình về Hà Nội và Hải Phòng 12 ngày đêm năm 1972. “Chúng tôi vào cuộc hết sức nhẹ nhàng và giản đơn, không hề gò bó hay cảm thấy khó khăn”, ông Thành mở đầu câu chuyện.
Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành - nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam (đứng trước, tại Quảng Trị 1973) |
Sáng sớm 27/12/1972, ông Thành tới hiện trường vụ bom rải thảm ở Khâm Thiên. Đêm 26, B52 dội bom dọc phố làm 500 người chết và bị thương. Hôm đó không phải phiên trực, ông cùng vợ lên thăm bố ở Hàng Bột thì gặp Mỹ bỏ bom. Gia đình ông xuống hầm trú ẩn ở Giám. “Tôi nghe thấy rõ tiếng bom nổ, tiếng đạn pháo tên lửa của mình bắn lên. Đã nếm mùi B52 trước đó, khi ấy tôi hiểu bom ở rất gần, bất chợt tôi run lên. Trong đầu thoáng qua ý nghĩ cái chết đã gần kề”.
Người đầu tiên sau trận bom ông nhìn thấy là một phụ nữ tại Cống Trắng, Khâm Thiên. “Khi ấy mọi người đã tập trung khá đông để cứu người, tìm người. Nhưng ra phía sau, tôi thấy cô ấy, giữa đổ nát lại hầu như không một bóng người. Một cô gái Thủ đô, đầu đội chiếc khăn rằn, vai đeo súng, bước chân quả quyết đi làm nhiệm vụ, không cần ai, một mình trên cánh đồng bom mênh mông, có lẽ cô đi cứu người và tôi đã cố đuổi theo để ghi lại hình ảnh”.
Có hình ảnh khiến ông đã day dứt và không được đưa vào bộ ảnh "Ký ức chiến tranh". Có lẽ, ông giữ nó cho riêng mình. Đó là cảnh ông chụp một viên phi công Mỹ chết bên cạnh xác máy bay rơi ở cánh đồng Định Công. Ông đã thấy trong chiếc túi cá nhân rơi ra từ buồng lái có tấm hình vợ và con của viên phi công. Người vợ trẻ trung xinh đẹp, đứa con có lẽ chưa đầy một tuổi rất dễ thương. “Khoảnh khắc ấy tôi chợt nghĩ, nếu người này không tham gia cuộc chiến, có lẽ anh đã có một gia đình hạnh phúc. Nhưng giờ đây, anh ta nằm chết trên cánh đồng ngoại thành Hà Nội”.
Và ông cũng không thể nào quên về kỷ niệm về bức ảnh chụp trận đánh ngay ở trận địa gần hồ Trúc Bạch. "Tôi đứng trên ụ rađa chụp ảnh, giữa trận địa khốc liệt, đường Thanh Niên và Hồ Tây mờ mờ phía sau". Chìm lắng trong nỗi xúc động, ông kể: “Vài ngày sau, trận địa ấy bị phá hủy hoàn toàn. Cả một nhóm kỹ sư trẻ của Bách Khoa mới tuyển quân, học điều khiển rađa, vào trận địa để thực tập và chiến đấu đã hy sinh. Nơi tôi đứng chụp ảnh vài ngày trước bị san phẳng…”.
Đại tá Nguyễn Xuân Mai - nhà báo viết tường thuật giữa tiếng bom
Nhà báo Nguyễn Xuân Mai bắt đầu vào nghề năm 1961. Kể từ năm 1971, ông là phụ trách Tuần báo Phòng không Không quân. "Tôi hàng ngày liên lạc với bộ phận tiền phương, có máy điện thoại ưu tiên nói chuyện trực tiếp với họ, đồng thời có thể nói trực tiếp không qua tổng đài nào với các tiểu đoàn tên lửa. Chúng tôi làm việc không chỉ cho tuần báo mà còn là đầu mối thông tin cung cấp cho các báo đài về tình hình, tin tức chiến sự".
Nhà báo Nguyễn Xuân Mai (ảnh trên, ngoài cùng bên trái) và tập bản thảo ông viết tay để Tuần báo Phòng không Không quân xuất bản |
Ông kể về đêm đầu tiên (18/12) Mỹ ném bom. Cả Hà Nội rung chuyển, rực cháy bởi bom Mỹ và pháo phòng không, tên lửa đánh trả của Việt Nam. Tới đợt ném bom thứ hai trong đêm, một tiểu đoàn đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay B52 đầu tiên tại cánh đồng xã Phù Lỗ (huyện Đông Anh). “Tôi lập tức cử phóng viên đến nơi máy bay rơi chụp hình. Anh ấy phóng mô tô tới Đông Anh thì không thể đi thêm được nữa vì đường sá bị cày tung, đành giấu mô tô vào ngôi nhà tranh của dân ở rìa đường và chạy bộ tới Phù Lỗ chụp ảnh”.
Nhìn thấy bức ảnh B52 đầu tiên rơi tại chỗ, ông đã xúc động, sung sướng đến tột cùng. “Ai cũng phấn khởi và đêm ấy thành đêm trắng. Trước nay vẫn hoài nghi chưa biết B52 bị bắn rơi ở đâu, nay được chứng kiến tận mắt. Cả đơn vị mừng tới nỗi không ăn uống được, buồn ngủ cũng không thể ngủ được”.
Không chỉ phụ trách thu thập, biên tập và xuất bản tin tức chiến sự, ông còn trực tiếp tham gia tác nghiệp ngay giữa lòng Hà Nội khi ấy. Ông kể, chiều ngày 22/12/1972, khi vừa từ trận địa tên lửa về nơi sơ tán của cơ quan ở vùng núi đá chùa Trầm thì nhận lệnh điều động nhiệm vụ đặc biệt. Đó là ghi lại đầy đủ hình ảnh, lời căn dặn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ông tới thăm các chiến sĩ trên trận địa Chèm, để kịp phục vụ Đài Tiếng nói Việt Nam phát trong đêm hoặc sáng sớm. Cuốn băng ghi âm tiếng nói Thủ tướng cần được mang về Hà Nội ngay trong đêm. Nhưng đường sá tắc nghẽn vì người đi sơ tán. Gần 1h sáng, xe mới về Cục Tuyên huấn, tại số nhà 83 Lý Nam Đế, nay là thư viện trung ương quân đội. Không còn thời gian để trích băng, ông đã viết nhanh tin tường thuật để kịp phát sóng trên Đài vào 6h sáng. Gần 3h đêm, bản tin hoàn thành trong khi máy bay Mỹ vẫn tiếp tục bắn phá, ném bom Hà Nội.
Cho tới giờ, ông còn giữ lại băng ghi âm tiếng nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và xem nó như một “chiến tích” chiến tranh.
Nhà báo Phạm Văn Đức - trải nghiệm bình thường trong hoàn cảnh khác thường
Nhà báo Phạm Văn Đức |
“Tôi không còn nhớ rõ mình làm việc thế nào trong đêm đầu tiên B52 rải thảm Hà Nội. Với tôi, ngày 18/12 không có gì khác thường. Chỉ còn nhớ khi ấy đêm cũng như ngày, ăn uống ngủ nghỉ sinh hoạt, làm việc đều tại cơ quan. Khi báo động thì bê cả bàn viết, máy móc xuống hầm tiếp tục làm việc”, ông Đức kể về chuyện tác nghiệp trong 12 ngày đêm đạn lửa.
Trong cảnh ngày thì máy bay tiêm kích bắn phá các trận địa, đêm thì B52 ném bom rải thảm ở các điểm định sẵn, người dân Hà Nội sống thế nào? Ông Đức cười giải thích: “Khi ấy có một câu tới bây giờ tôi vẫn thấy đúng. Đó là ‘ra ngõ gặp anh hùng’. Mỹ đánh cứ đánh, ta sống cứ sống, làm cứ làm. Một không khí rất bình thường, có bom thì tránh, không có bom lại làm việc và lao động. Gặp bất cứ ai, hỏi ai cũng đều có thể hành động như những anh hùng mà không cần động lực thúc đẩy, không cần tôn vinh hay tặng thưởng”.
Một nhà báo kỳ cựu với 40 năm trong nghề không nhớ nổi có bao nhiêu tin bài đã viết. Ông không viết sách vì luôn cho rằng, công việc mình làm rất bình thường, có rất nhiều người cũng làm, và cũng không có gì đáng để viết lại về bản thân.
“Chúng tôi sống trong lịch sử mà không biết, bước qua lịch sử cũng không hay”, ông Đức vui vẻ nói lúc tôi chào ra về.
Thái An
New York Times sửa lỗi cho sai lầm… 26 năm tuổi
Submitted by nlphuong on Thu, 15/12/2011 - 07:14Đây không phải lần đầu tiên N.Y Times đính chính cho một lỗi mắc phải đã nhiều thập kỷ.
Trụ sở chính của New York Times ở thành phố New York |
Vào năm 1985, một độc giả đã viết thư gửi tới báo này yêu cầu điều chỉnh việc sử dụng cụm từ “hansom cabs” (tạm dịch: taxi xe ngựa hai bánh) để mô tả loại xe ngựa chở khách Công viên Trung tâm.
“Hansom cabs” chỉ có 2 bánh, trong khi loại xe ở Công viên Trung tâm có tới 4 bánh. N.Y Times cho xuất bản bức thư, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng “hansom cabs” cho đến ngày thứ Ba tuần này, 13/12, khi nó phát hành bản sửa sai cho một bài báo phát hành hồi tuần trước.
Đây không phải lần đầu tiên N.Y Times đính chính cho một lỗi mắc phải đã nhiều thập kỷ. Trước đó, năm 1969, báo này đã rút lại một bài xã luận xuất bản năm 1920 - tuyên bố du lịch không gian là chuyện không tưởng.
Họp báo ở đâu?
Submitted by nlphuong on Tue, 13/12/2011 - 06:27(ICTPress) - Phải chăng đó là thông điệp mà Ericsson muốn gửi đến các nhà báo và bạn đọc ngay từ việc chọn địa điểm họp báo ở đâu?
(ICTPress) - Phải chăng đó là thông điệp mà Ericsson muốn gửi đến các nhà báo và bạn đọc ngay từ việc chọn địa điểm họp báo ở đâu?
Họp báo tại một sân golf trong nhà là sáng kiến thú vị của những người bạn tôi ở công ty Ericsson. Đã đến vài sân golf và một số nơi tập golf có mái che và không có mái che nên quả thực khi đọc giấy mời tôi nghĩ ngay đến một không gian cao, rộng và thoáng cho đường bay của bóng từ những cú swing mà chưa hình dung được rằng các báo cáo, hình ảnh và video sẽ được trình chiếu thế nào để có thể thu hút người nghe. “Nhưng chắc chắn sẽ có cái mới” - đó là lời quả quyết của các bạn ở Ericsson.
Vào cuối một chiều thứ Sáu, thật khoan khoái khi được trút bỏ trang phục công sở rồi khoác lên người bộ thể thao, mang theo túi gậy golf, tôi đã cảm thấy thoải mái dễ chịu ngay khi lái xe đến tòa nhà SkyCity nơi đặt CityGolf và là nơi tổ chức họp báo. Nhưng chợt nhớ ra rằng đây vẫn là một cuộc họp và có ai lại mang gậy đánh golf vào nơi họp hành đâu, mà bộ gậy thì cũng nặng, thôi để lại trong ô tô vậy, mang theo giấy bút để tỏ ra làm việc nghiêm túc chứ nhỉ. Bước vào thang máy, lên tầng KT, cửa thang máy mở - vẫn là sảnh, sàn và trần như bất cứ tầng giữa của một tòa nhà hiện đại nào, không thấy bầu trời hay không gian rộng thoáng của môn thể thao yêu thích thiên nhiên. Biển hiệu CityGolf đây rồi, không gian golf hiện ra ngay khi bạn bước chân qua cánh cửa, sát bên quầy bar là tấm thảm màu cỏ xanh được dùng làm nơi tập putt, một hố cát trắng nho nhỏ ra dáng có địa hình, xa hơn một chút là màn hình 3D hiện lên cỏ xanh tít tắp, hồ nước, bụi cây cùng những cảnh quan sinh động của một sân golf.
Jan Wassenius - Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam |
Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam - Jan Wassenius tươi cười bên bộ gậy golf ra chào đón khách và rất vui khi thấy tôi diện bộ thể thao đến họp báo; có lẽ nếu tôi cứ xách thêm túi gậy golf thì lại hợp cảnh và có vẻ sành điệu hơn là giấy bút. Theo lời giới thiệu của các bạn Việt Nam ở Ericsson thì Jan Wassenious là một tay golf lão luyện, người Thụy Điển mà, họ có dịp làm quen với môn thể thao này ngay từ khi mới tập đi. Khác hẳn với vẻ đăm chiêu thường thấy khi trả lời câu hỏi (không biết có phải vì các nhà báo luôn đặt câu hỏi khó hay vì cạnh tranh trên thị trường Việt nam quả thực còn khó hơn); với cây gậy golf trong tay, Jan Wassenious thật cởi mở với nụ cười đầy tự tin. Dáng vẻ này khiến tôi nhớ ngay đến những sân golf ở xứ sở Scandinavia không hề có hàng rào, những sân tennis nền đất đỏ au cũng chả cần tường bao để bất kỳ ai cũng có thể đến chơi. Cởi mở, chân thành, thân thiện là tính cách của đất nước, con người Thụy Điển và điều đó đang được thể hiện ở cuộc họp báo này.
Buổi họp báo bắt đầu bằng bản thuyết trình ngắn gọn chỉ gồm bảy slide về mười xu thế viễn thông năm 2012 với thị trường Việt Nam, tiếp theo là một video về ứng dụng thông tin di động chăm sóc sức khỏe, rồi đề cập đến những ý tưởng trong NEST Forum bàn về tác động của thông tin và truyền thông tới ngành giáo dục, phần cuối là khá nhiều câu hỏi thú vị với những câu trả lời gợi mở. Tất cả xoay quanh chủ đề xã hội kết nối và làm thế nào để viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ tốt hơn cho cuộc sống. Trong lúc các nhà báo hướng về phía trình chiếu slide và video, màn hình 3D sau lưng vẫn tiếp tục cảnh quan mô phỏng các sân golf nổi tiếng thế giới…
Những cú swing và putt bắt đầu khi họp báo kết thúc. Mặc dù không thể so sánh bầu trời và khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng ở những sân golf thực sự với không gian mô phỏng trong phòng tập, nhưng chắc chắn điều dễ chịu hiển nhiên đối với các tay golf nữ là không phải lo nắng mưa ảnh hưởng đến làn da. Sau cú swing, màn hình hiện lên đường bóng bay, chạm đất, tiếp tục lăn rồi dừng lại; ở một góc màn hình hiện lên con số kết quả bóng đã đi bao nhiêu mét cùng việc phân tích góc tiếp xúc của gậy và bóng… Chương trình mô phỏng thật tiện lợi cho việc luyện tập. Tôi chợt nghĩ đến việc nếu kết nối băng rộng từ nơi đây đến những phòng tập tương tự ở Stockholm hay Sydney, Nairobi, Los Angeles và những nơi khác nữa… cùng phần mềm mô phỏng được nâng cấp bổ sung thêm một số tính năng thì một giải đấu Golf-Online sẽ được thực hiện giữa các tay golf đang hiện diện ở khắp năm châu lục. Rất có thể những suy nghĩ của tôi đang được hiện thực hóa ở một phòng thí nghiệm nào đó, bởi xã hội kết nối đang làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng phong phú hơn, thuận tiện hơn.
Màn hình 3D mô phỏng cú swing golf |
Xã hội kết nối mang đến những tiện ích, những người bạn phương xa và cả những cạnh tranh ngày càng gắt gắt. Vượt lên để chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh luôn luôn là việc khó, nhưng cái khó nhất lại là vượt qua chính mình, mà golf là môn thể thao rèn luyện điều đó - kỹ năng chiến thắng bản thân. Ericsson với những tay golf lão luyện cùng vị trí hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông vẫn luôn tiếp tục những sáng kiến mới, thử nghiệm mới, hướng đi mới để vượt qua thành tựu của chính mình và mang đến cho xã hội những điều tốt đẹp hơn. Phải chăng đó là thông điệp mà Ericsson muốn gửi đến các nhà báo và bạn đọc ngay từ việc chọn địa điểm họp báo ở đâu?
Hiền Nguyễn
Nhu cầu tuyển dụng ngành truyền thông, báo chí giảm mạnh
Submitted by nadung on Fri, 09/12/2011 - 13:23(ICTPress) - Số lượng tuyển dụng ngành truyền hình - truyền thông - báo chí tháng 11 giảm 42% và là mức giảm thấp nhất từ đầu năm đến nay.
(ICTPress) - Số lượng tuyển dụng ngành truyền hình - truyền thông - báo chí tháng 11 giảm 42% và là mức giảm thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks vừa cho biết nhu cầu nhân lực trực tuyến trong tháng 11 giảm mạnh với mức giảm 13,7%.
Số lượng tuyển dụng giảm nhiều nhất ở các ngành: chứng khoán (giảm 47%), kho vận (giảm 43%), và tiếp đến là truyền hình - truyền thông - báo chí (giảm 42%).
VietnamWorks cho biết đây là tháng thứ ba liên tiếp nhu cầu tuyển dụng trực tuyến ngành truyền hình - truyền thông - báo chí bị giảm mạnh và tháng 11 là tháng thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Lê Nguyên
Các nhà báo nói gì về sở thích du lịch
Submitted by nlphuong on Wed, 07/12/2011 - 07:11(ICTPress) - Đội ngũ làm báo của trang du lịch CNNGo mới đây đã chia sẻ những trải nghiệm và các lý do cho việc đi du lịch hay sở thích “đánh bóng mặt đường” của mình.
(ICTPress) - Đội ngũ làm báo của trang du lịch CNNGo mới đây đã chia sẻ những trải nghiệm và các lý do cho việc đi du lịch hay sở thích “đánh bóng mặt đường” của mình.
Những câu chuyện ly kỳ vô giá
Charlene Fang, Biên tập viên CNNGo ở Singapore chia sẻ “Một vài năm trước tôi đã quyết định nhảy tàu từ biên giới Thái Lan/Campuchia để đến Bankok tất cả là vì tôi nghe được rằng có cơ hội được cưỡi trên nóc tàu”.
Không may, khi tôi tới nhà ga thì được biết rằng không người ta không cho phép nữa. Tôi có chút thất vọng nhưng sáu giờ sau đó là việc giải trí rất thuần khiết: ngắm nhìn những người phụ nữ với chiếc rổ đầy những món ăn vặt địa phương nhảy lên và xuống tàu, những nhà sư đi chữ chi vượt qua đường ngang tàu để bắt xe và thậm chí “kết bạn” với bảo vệ an ninh tàu.
Trên tất cả, tôi đã được ngắm phong cảnh đồng quê Thái Lan và những tiếng xình xịch của đoàn tàu như là những bản nhạc ghi âm của tôi và tất cả chỉ mất 48 baht.
Bức chân dung tự chụp của Charlene ở biên giới Campuchia sang Bangkok |
Những bức ảnh hoàn hảo
Jason Kwok, Biên tập viên thiết kế và hình ảnh của CNNGo cho biết: “Tây Tạng là một thiên đường của nhiếp ảnh gia, tuy nhiên để có được tấm hình ưng ý không hề đơn giản”. Để bắt được khoảnh khắc tuyệt vời nhất, đôi khi tôi phải đợi rất lâu. Giơ chiếc máy ảnh lên trong một ngày nóng và nắng trong 15 phút, đợi cho gió thổi qua để chụp được bức ảnh tuyệt đẹp nhất. Thực sự không hề dễ!”, Jason cho biết.
“Thêm vào đó, nếu là một người biết sử dụng phim để chụp ảnh, bạn sẽ phải đợi cho đến khi trở về nhà để xử lý đoạn phim để xem thành quả. Sẽ không có cơ hội thứ hai. Đôi khi, tôi nghĩ chúng ta phải chậm lại khi chúng ta đi lại để hưởng thụ vẻ đẹp thực sự của một nơi chốn, giống như khi chúng ta chụp ảnh”, Jason chia sẻ thêm.
Cuối cùng, Jason có được tấm ảnh lý tưởng về bầu trời trong xanh của Tây Tạng |
Những giấc mơ viết lách
Frances Cha, Biên tập viên mảng Seoul của CNNGo chia sẻ: “Tôi yêu thích tìm kiếm những làng xã truyền thống ở Hàn Quốc bởi vì nó giống như du lịch thời gian. Khi tôi làm công việc viết lách cách đây một vài thập kỷ ở Hàn Quốc, những chuyến đi như thế này quan trọng để tạo nên các nhân vật của tôi và để có được một thời gian bình yên thoát khỏi sự bận rộn của Seoul”, Frances chia sẻ.
Điều thú vị nữa mà Frances cho biết là các làng xã là những nơi nhiều bộ phim và kịch được quay ở đây, vì vậy rất thú vị là khám phá ra những nơi bạn chỉ nhìn thấy trên truyền hình.
Làng Bukchon Hanok, Seoul |
Những câu chuyện cho con cháu
Tracy You, Biên tập viên CNNGo ở Thượng Hải cho biết: “Tôi đi du lịch do đó tôi có những câu chuyện thú vị để kể cho con cháu tôi sau này như được mạo hiểm cuộc sống băng qua những cánh rừng nhiệt đới hay được một con voi hôn…”.
Có thời gian vui vẻ với gia đình
Sita Wadhwani, Biên tập viên CNNGo ở Mumbai cho biết “Tôi đi du lịch với gia đình. Bố tôi (một nhiếp ảnh gia ưa thích cuộc sống hoang dã), mẹ, anh trai, em gái và bắt đầu cười đầu cười. Thậm chí chúng tôi khóc và đánh nhau. Tuy nhiên rồi chúng tôi quên hết, Sita cho biết.
Uống bia trên bãi biển
Zoe Li, Biên tập viên CNNGo ở Hong Kong thì nói: Tôi đi du lịch để mở rộng sự hiện diện của tôi mỗi ngày và tìm kiếm những khoảnh khắc tuyệt vời, cảm thấy kết nối với nhiều thứ lớn hơn. Nhưng trên hết, tôi đã tìm được những khoảnh khắc tuyệt vời trên bãi biển tinh khôi ở Bali với bia trong tay.
Bãi biển Canggu, Bali |
Mang lại hạnh phúc
Winnie So, nhà báo tự do cho biết: Tiền có thể hoặc không thể mang lại hạnh phúc, điều này phụ thuộc vào người bạn hỏi. Nhưng du lịch hoàn toàn mang lại hạnh phúc.
Du lịch giúp tôi hạnh phúc vì mang lại cho chúng tôi cơ hội được bước ra bên ngoài những thực tế đã cũ kỹ, tự cấu trúc và mang lại một nền tảng để khám phá và phát hiện những tầm nhìn lý tưởng riêng cho tôi, Winnie So kết luận.
Bảo Ngọc
Pulitzer 2012: các tác giả nộp bài trực tuyến
Submitted by nlphuong on Fri, 02/12/2011 - 07:52(ICTPress) - Hội đồng Giải thưởng báo chí Pulitzer đã thông báo ngày 30/11 là các tác giả dự thi 14 thể loại báo chí Pulitzer 2012 phải nộp bài qua mạng. Hội đồng cũng đã sửa định nghĩa tiêu chí về đưa tin nóng địa phương, một trong 14 tiêu chí, nhấn mạnh đến việc đưa tin nóng trực tuyến.
(ICTPress) - Hội đồng Giải thưởng báo chí Pulitzer đã thông báo ngày 30/11 là các tác giả dự thi 14 thể loại báo chí Pulitzer 2012 phải nộp bài qua mạng.
Các tác phẩm báo chí tham dự Pulitzer không còn phải nộp bản giấy |
Hội đồng cũng đã sửa định nghĩa tiêu chí về đưa tin nóng địa phương, một trong 14 tiêu chí, nhấn mạnh đến việc đưa tin nóng trực tuyến (ở thời gian thực).
Hệ thống nộp bài sẽ chấm dứt việc nộp bài giấy, mà trước đây nộp theo hình thức tập bài, có lịch sử 95 năm từ khi giải thưởng này bắt đầu. Tất cả các bài bài nộp, từ những câu chuyện đến những hình ảnh, những trình bày và video, hiện nay phải nộp dạng số qua trang web nộp bài riêng của Pulitzer.
Chi tiết của sự thay đổi này được tiến hành cùng với việc các quy định và hướng dẫn cũng được sửa đổi, sẽ chính thức trên website Pulitzer. Hạn chót nộp bài là 25/1/2012, sớm hơn một tuần so với các năm trước.
Hệ thống mới này sẽ sắp xếp quá trình nộp bài cho các tác phẩm gửi đến, ước tính khoảng 1,100 bài/năm và sẽ dễ dàng cho các giám khảo báo chí Pulitzer và Hội đồng Giải thưởng Pulitzer quản lý và đánh giá các tác phẩm dự thi. Ban giám khảo Pulitzer sẽ đề cử ba ứng cử viên cho từng tiêu chí giải thưởng. Người thắng cuộc sẽ được Hội đồng Giải thưởng lựa chọn.
Hội đồng cũng hoan nghênh một loạt các hình thức nộp bài báo chí theo hình thức số – như các bài báo được đánh máy, các hình ảnh tương tác, blog, cơ sở dữ liệu, video và các hình thức đa phương tiện khác - trong số 12 của 14 tiêu chí. Hai tiêu chí ảnh chụp vẫn quy định phải là ảnh tĩnh, và phải được nộp dạng số.
Việc sửa định nghĩa về “Tin nóng” tập trung vào việc đưa tin là “nhanh chóng nhất có thể, đưa tin các sự kiện chính xác khi diễn ra, và thời gian diễn ra, những chú thích rõ ràng, để cung cấp bối cảnh và mở rộng trong bối cảnh ban đầu”.
Một ví dụ được mở rộng là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa tin trực tuyến (thời gian thực), Hội đồng cho biết sẽ không chấm điểm cho tác phẩm về một sự kiện diễn ra lúc 8 giờ sáng và tin về sự kiện này hôm sau mới đăng.
Hội đồng cũng đánh giá những tác giả nộp thông tin thời hạn của tác phẩm, trong thư giới thiệu và trong hồ sơ liên quan đến tác phẩm, chi tiết trình tự diễn ra các sự kiện trong một câu chuyện “nóng” và liên quan như thế nào tới thời gian của các sự kiện khi nộp bài.
Trong tất cả các tiêu chí của Giải thưởng Pulitzer, các tác phẩm nộp phải dựa trên các tài liệu từ một tờ báo của Mỹ hoặc các trang tin tức được xuất bản hàng tuần và tuân thủ các nguyên tắc báo chí cao nhất. Các tạp chí và các cơ quan phát tin tức và các website liên quan sẽ không đủ tư cách.
Hệ thống báo chí điển tử mới này sẽ bao gồm cả việc thanh toán thẻ tín dụng với phí 50 USD/lần nộp, không áp dụng cho các tác phẩm tiêu chí giải thưởng sách, kịch và âm nhạc.
Các giải thưởng Pulitzer được quản lý tại trường đại học Columbia được Joseph Pulitzer, một nhà báo và nhà xuất bản báo Mỹ gốc Hungary, người đã để lại tiền cho trường đại học Comlumbia khi ông mất năm 1911, thành lập. Một phần của sự trao tặng này được sử dụng để thành lập trường báo chs năm 1912 và thành lập các giải thưởng Pulitzer, được tổ chức trao giải thường lần đầu vào năm 1917.
Bảo Ngọc
Theo pulitzer.org