Tác nghiệp trên biển ngày xuân

Ngày xuân tác nghiệp trên biển đảo là một may mắn mà không phải nhà báo nào cũng có được. Mỗi chuyến đi như thế, những kỷ niệm về nghề lại đầy ắp trong hành trang của những người làm báo.

Tác nghiệp trên biển, đảo trong những ngàyTết là niềm vinh dự và tự hào ít ai có được. Ảnh: PV

Say cũng phải... có sản phẩm

Xuân Bính Thân 2016, chúng tôi tham gia hành trình tuần tra, thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tuyến đảo Tây Nam, do Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức. Đoàn công tác có gần 20 nhà báo thuộc nhiều cơ quan báo, đài khác nhau; trong đó có nữ phóng viên Anh Vân (Báo điện tử Vietnamnet). Anh Vân thuộc dạng khỏe trong số các nhà báo nữ. Suốt mấy ngày lênh đênh trên tàu CSB 8001, có lúc sóng mạnh cấp 6, cấp 7 nhưng cô vẫn... tỉnh bơ, trong khi không ít đồng nghiệp chỉ nằm, nôn ói.

Ra khỏi vịnh Thái Lan, gió giật mạnh, cánh chắn sóng bị trục trặc khiến con tàu bồng bềnh, chao lắc, Anh Vân mới thấm mệt, mặt mày tái mét. Thế nhưng, khi biết cán bộ, chiến sĩ trên tàu tổ chức đón Giao thừa sớm, Anh Vân cố gượng dậy, bám sát bộ đội để tác nghiệp. Cô vừa vịn bàn ghế vừa quay phim, chụp ảnh; thỉnh thoảng gặp cơn sóng dữ, tàu chao nghiêng khiến cô ngã chúi. Loạng choạng ngồi dậy, nữ nhà báo trẻ lại tiếp tục ôm bàn, vịn vai một anh bộ đội, cố chụp để có những tấm hình đẹp.

Anh Vân tâm sự: Hôm nay sóng to quá, em chịu không nổi. Nhưng dù rất mệt và say sóng em cũng phải cố chụp ảnh, viết bài gửi về tòa soạn trong ngày. Không khí đón Tết trên tàu của các anh Cảnh sát biển vừa ấm tình đồng đội, vừa giản dị, gần gũi nhưng cũng rất độc đáo mang đặc trưng lính biển không phải ai cũng biết.

Còn nhớ, trong chuyến tác nghiệp ở nhà giàn Xuân Giáp Ngọ, mặc dù bị say sóng suốt mấy ngày gần như không ăn được gì nhưng khi tàu thả neo sát chân nhà giàn, phóng viên Mỹ Hương (Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh) vẫn khăng khăng đề nghị được... đu dây lên nhà giàn tác nghiệp. Các chiến sĩ Hải quân đã phải sử dụng phương tiện chuyên dùng để kéo Mỹ Hương và một số nhà báo khác lên giàn lô.

Lạ thay, khi gặp các anh lính Hải quân nhà giàn, cô như khỏe hẳn, tươi cười tác nghiệp, xông xáo đi lại, phỏng vấn, ghi âm rồi ngồi tại chỗ chỉnh sửa, gửi tin, bài về tòa soạn với tinh thần “say cũng phải hoàn thành sản phẩm”, sau đó mới nhập tiệc Tết sớm cùng “gia đình nhà giàn” giữa mênh mông sóng vỗ.

Ướt người, không ướt máy

Đó là phương châm tác nghiệp của nhiều nhà báo trên tàu biển. Trong mỗi chuyến đưa hàng Tết ra đảo hoặc lên nhà giàn, do thời tiết khắc nghiệt, sóng to gió lớn nên phải chuyển hàng và đưa nhà báo vào đảo bằng xuồng nhỏ. Những cơn sóng xô mạn tàu bọt tung trắng xóa trùm cả lên xuồng, nếu không cẩn thận sẽ chẳng còn phương tiện tác nghiệp.

Cũng từng “dính” trường hợp tương tự, phóng viên Duy Nguyễn (Báo Bình Dương) chia sẻ: Cách đây mấy năm, đúng vào dịp Tết Nguyên đán, ngồi trên tàu HQ 621 (Vùng 2 Hải quân) tới cụm nhà giàn tặng quà chúc Tết, thấy các chiến sĩ Hải quân kéo mấy bạn đồng nghiệp lên nhà giàn rất kỹ thuật, nét mặt tươi vui, mừng rỡ, đầy biểu cảm, tự nhiên tôi nảy ra ý tưởng chớp lấy khoảnh khắc đắt giá này nên liền nhoài người ra lan can tàu, bấm máy.

Ai ngờ, do trơn trượt nên bị té, may mà túm được cột trụ thành tàu nhưng người treo lơ lửng, máy ảnh sắp rớt xuống nước. Hai anh bộ đội chạy lại, tôi kêu: “Giữ hộ em chiếc máy ảnh!”. Lúc được giải nguy tôi đã bị ướt toàn thân nhưng chiếc máy ảnh không hề hấn gì... Sau chuyến công tác, bức ảnh tôi chụp được bạn đọc và đồng nghiệp khen ngợi...

Kỷ niệm tác nghiệp trên tàu và ngoài biển đảo trở thành kinh nghiệm quý cho các nhà báo. Họ có thể tận dụng mọi thứ làm điểm tì, xoay người đủ tư thế để có được bức ảnh, khuôn hình như ý; song cũng phải rất cẩn thận kẻo té ngã, ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí nguy hiểm cả tính mạng.

Tác nghiệp ở biển đảo dù gian nan, vất vả nhưng vượt lên tất cả là tình cảm, trách nhiệm của nhà báo với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đang ngày đêm quên mình vì cái Tết yên bình, vui tươi của nhân dân, cho đất mẹ mùa xuân ấm áp./.

Nguồn: Yến Long

Tin nổi bật