New York Times và số báo ngày tàu Apollo 11 đáp xuống Mặt trăng

Công việc khó nhất với mỗi tờ báo có lẽ là chuẩn bị trang bìa cho số báo ngày hôm sau để nói về một sự kiện lịch sử của loài người. Tờ New York Times và số báo về Apollo 11 cũng không ngoại lệ.

Hình ảnh đầu tiên của Trái đất nhìn từ Mặt trăng. Ảnh: NASA

Tựa đề chính của số báo, bức ảnh trang bìa, sapo bạn viết, tất cả đều không chỉ dừng lại ở việc tóm tắt một sự kiện hoành tráng vào vài trăm chữ cho độc giả.

Trang bìa đó sẽ được giữ lại, đóng khung và treo trên những bức tường, được cất trong những quyển lưu bút, được truyền lại từ đời này sang đời sau và là minh chứng rõ ràng nhất cho một trong những bước tiến của loài người.

Tháng 7 năm 1969, công việc đó tại tờ New York Times được trao cho Abe Rosenthal, một Phó Trưởng ban của tờ báo. Thiết kế trang bìa được thực hiện bởi Louis Silverstein - Giám đốc nghệ thuật của tờ báo.

Những người tại tờ báo đã quyết định lựa chọn một layout đơn giản, với một dòng tít duy nhất, to nhất từ trước tới nay trong lịch sử tờ báo rằng "Con người bước trên Mặt trăng" kèm theo dòng tít phụ: "Các phi hành gia đáp xuống Mặt trăng, thu thấp đá vá và cắm cờ".

Format cổ điển của tờ báo, với 8 cột chữ đã được thay thế bằng ba bức ảnh rất lớn ở giữa trang kèm theo hai cột chữ to hai bên. Bài chính được viết từ Houston bởi John Noble Wilford, một phóng viên khoa học 35 tuổi tại thời điểm đó.

Dòng sapo của anh cũng cực kỳ đơn giản và ngắn gọn, y như dòng tít vậy: "HOUSTON, Thứ Hai, 21/7 - Con người đã đáp xuống và bước trên Mặt trăng".

Trang nhất của tờ New York Times về sự kiện lịch sử Apollo 11. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Rosenthal biết rằng sự kiện này cũng cần thêm một chút gia vị, hơn là những thông tin trực tiếp như vậy. Đó là thời khắc của một chút thơ ca.

Đó cũng là sự thay đổi độc nhất của tờ báo ở phía góc dưới bên trái: một bài thơ của Archibal MacLeish. Là một nhà thơ, một phát ngôn viên, một nhà báo, người từng 3 lần đoạt giải Pulitzer, ông đã được chọn là người tổng hợp mọi sự kiện quan trọng đó vào trong 1 bài thơ.

Đây cũng không phải lần đầu ông được viết về sự kiện trên Mặt trăng. 8 tháng trước đó, Apollo 8 là tàu đầu tiên tiếp cận được quỹ đạo của Mặt trăng, cách mặt đất chỉ khoảng 70 dặm. Vào thời điểm đó, Tờ Times cũng đã mời ông làm người viết bài báo quan trọng, ví von tàu Apollo 8 tương đồng với cuộc khởi nghĩa Copernic.

Trong bài báo đó, ông viết:

"Suy nghĩ của con người về bản thân mình và người khác luôn phụ thuộc vào định nghĩa trái đất. Khi Trái đất là cả thế giới, là nơi giao thoa giữa thiên đàng và địa ngục, con người luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ, tồn tại duy nhất đáng sự quan tâm của Chúa, và ở vị trí đó, họ trị vì và thống trị như họ muốn.

Và vài thế kỷ sau, khi Trái đất không là gì khác ngoài một tiểu hành tinh nhỏ bé ở sát rìa trong hệ Mặt trời, khi mà thiên đàng và địa ngục biến mất, con người không còn coi họ là sứ giả của Chúa nữa, mà trở thành những nạn nhân có thể bị sát hại trong những cuộc thế chiến, trong các trại tị nạn chẳng vì một lý do gì.

Giờ đây, trong vài giờ vừa qua, định nghĩa này có thể đã thay đổi một lần nữa. Lần đầu tiên, con người đã có thể thấy các đại dương, các châu lục, không phải từ một khoảng cách xa hàng trăm cây số, mà là từ một địa phương khác trong vũ trụ, như một hình cầu to đẹp mà chưa ai có thể nghĩ tới. 

Và cũng tại thời điểm đó, con người chợt có suy nghĩ rằng, liệu hành tinh nhỏ bé, bơ vơ đang trôi nổi ngoài kia "có ai đang sinh sống hay không?".

Định nghĩa về Trái đất trong thời kỳ phục hưng đặt con người ở trung tâm mọi thứ. Định nghĩa nguyên tử của Trái đất chẳng còn cho con người được một chỗ đứng, lạc lõng giữa các cuộc chiến. Định nghĩa cuối có thể có những hệ lụy khác. Những người tạo nên bước tiến đột phá trong du hành vũ trụ cũng là con người.

Hình ảnh đó có thể thay đổi định nghĩa của một con người, không còn ở vị trí trung tâm, không còn là nạn nhân của sự khát máu, mà có thể, cuối cùng, quay về với chính bản ngã của mình. 

Thấy được Trái đất với đúng hình dáng của mình, bé nhỏ, xanh tươi và xinh đẹp trong sự im lặng vô tận, là thấy được bản thân chúng ta những những du hành gia đang đi cùng trái đất, khi con người biết được rằng họ thực sự là con người.

Bài viết chỉ 503 từ đó đã khiến cả nước Mỹ chấn động, khi bản thân họ còn đang loay hoay không thể rút chân ra khỏi cuộc chiến tại Việt Nam, từ các cuộc nổi dậy và ám sát.

Khi một trong số những phi hành gia của Apollo 11, Frank Borman, quay trở về Trái đất và điều trần trước Quốc hội, ông đã dùng lại chính những ngôn từ của MacLeish để nói về sự kiện.

Vì thế, khi sự kiện trọng đại xảy ra vào năm sau đó, MacLeish, giáo sư đã 76 tuổi và ngừng giảng dạy ở Harvard, được trao cho trọng trách cao cả.

"Những gì mà một nhà thơ viết là có giá trị nhất", Rosenthal nhớ lại. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn các độc giả của mình hiểu rằng, tờ báo chúng tôi không biết cách truyền tải được sự hoành tráng và trọng đại của sự kiện này, và có thể các bạn cũng không thể, vì thế chúng ta có một nhà thơ cố gắng làm điều đó".

Việc biên tập và chuẩn bị số báo khiến MacLeish phải viết bài thơ trước khi sự kiện diễn ra, đồng nghĩa với việc bản thân ông không thể biết được đây sẽ là một thành công hay thất bại. (Các biên tập viên đã yêu cầu ông "túc trực để sửa đổi bài thơ khi cần")

Dưới đây là bài thơ của MacLeish:

50 năm sau khi sự kiện này, trong một thế giới đang chia rẽ, có vẻ như chẳng thể nào hồi tưởng lại được cảm hứng mà Apollo 11 đã mang lại cho con người. Cũng bất khả thi như việc một bài thơ xuất hiện trên trang nhất của tờ New York Times vậy.

Nhưng cũng để nhớ lại rằng đã từng có lúc báo chí cũng có hạn chế, và nhường đường cho thơ ca lên tiếng.

Nguồn: Hoàng Việt/congluan.vn

Tin nổi bật