Chuyện chưa kể về Bức ảnh của năm 2018: Khi nhà báo phải đối diện với dư luận

Giải nhất ảnh báo chí thế giới năm nay thuộc về bức ảnh chụp một người đàn ông đang bốc cháy trong cuộc biểu tình phản đối chính sách của Tổng thống Venezuela. Nhưng đằng sau nó còn có một câu chuyện khác ít người biết đến.

Bức hình này đã đoạt giải Photo of the Year - Giải thưởng danh giá nhất của ảnh báo chí thế giới năm 2018.

Ronaldo Schemidt (phóng viên hãng tin AFP) chụp bức ảnh này ngày 3/5/2017, trong một cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình chống Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Bức ảnh giành giải danh giá nhất Bức ảnh của Năm (Photo of the Year) của giải thưởng World Press Photo – Giải thưởng danh giá nhất dành cho ảnh báo chí toàn cầu.

Tác giả đã rất xuất sắc khi mô tả được không khí “nóng bỏng” của cả đất nước Venezuela trong cuộc khủng hoảng. Nhưng đằng sau bức ảnh này còn cos một câu chuyện khác. Đó là khi bức ảnh này được hàng triệu lượt chia sẻ trên toàn cầu, nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi: Vì sao nhiếp ảnh gia không tìm cách cứu người đàn ông bị cháy mà lại…đi chụp ảnh.

Những thắc mắc này khiến người ta nhớ lại bức ảnh mang tên “Kền kền chờ đợi”. Chỉ vài tháng sau khi giành giải thưởng Pulitzer cho bức ảnh gây sốc cả thế giới mang tên "Kền kền chờ đợi", Kevin Carter - phóng viên ảnh người Nam Phi đã tự sát.

Tác phẩm "Kền kền chờ đợi".

Bức ảnh "Kền kền chờ đợi" được đăng lần đầu tiên trên tờ The New York Times vào ngày 26/3/1993. Ngay lập tức, hàng trăm người gọi điện tới tòa soạn hỏi thăm về số phận đứa trẻ. Trước phản ứng dữ dội của độc giả, New York Times phải làm một điều ngoại lệ là đăng bài viết thông báo về số phận của bé gái đó. Theo đó, đứa bé đã đến được trạm cứu dưỡng và Carter đã đuổi con diều hâu đi.

Chính Carter đã bị dằn vặt bởi quá nhiều người hỏi anh: “Tại sao không cứu đứa trẻ mà lại đi chụp ảnh?”

Kevin Carter được cảnh sát tìm thấy chết vì ngộ độc khí gas trong xe hơi của mình hôm 27/7/1994, khi anh mới 33 tuổi. Bức thư tuyệt mệnh của anh viết: "Tôi hoàn toàn suy sụp, không điện thoại, không tiền thuê nhà, không tiền nuôi con, không tiền trả nợ... Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sờ sờ về sự chết chóc, những xác chết, cơn giận dữ và nỗi đau... về những đứa trẻ chết đói... về những người đàn ông điên khùng, thường là những kẻ hành hình...".

Carter đã không chịu nổi áp lực từ dư luận – thứ mà chính anh thường tạo ra.

Quay lại câu chuyện về bức ảnh của tác giả Ronaldo Schemidt. Người ta tìm ra người đàn ông bị cháy này là José Víctor Salazar Balza, 28 tuổi. Salazar đã bị bắt lửa từ một chiếc xe máy bị nổ. Salazar đã không chết. Anh đã được cứu sống ở một bệnh viện địa phương gần đó với mức bỏng độ 1 và 2.

Ronaldo Schemidt đã chụp lại được toàn bộ quá trình dập lửa cứu người này. Ban tổ chức World Press Photo 2018 đã dành một góc trang trọng để trưng bày toàn bộ những bức ảnh mà Ronaldo Schemidt chụp khi mọi người tập trung dập lửa và cứu được Salazar.

Ronaldo Schemidt đã an toàn trước dư luận. Bởi anh đã có một câu chuyện được những bức ảnh kể lại. Anh đã tự vệ thành công trước dư luận – thứ vốn không bao giờ đủ bình tĩnh để công bằng trong phán xét. Anh đã không phải đối mặt với bi kịch của Kevin Carter.

Thế đấy, thế giới càng phẳng, càng khó khăn, công việc của những nhà báo lại càng khó khăn hơn lúc nào hết. Thế giới phẳng đấy, nhưng cũng đầy hỗn loạn. Và nhà báo buộc phải tự bảo vệ mình.

Không còn cách nào khác.

Nguồn: Tử Hưng/congluan.vn

Tin nổi bật