Chủ nhiệm VPQH: Không hạn chế báo chí đưa tin về lấy phiếu tín nhiệm

“Lần trước có chuyện đại biểu đang ghi phiếu thì phóng viên vào chụp ảnh, rất bất tiện. Lần này khi các đại biểu ghi phiếu, phóng viên không vào để thời gian cho đại biểu yên tĩnh suy nghĩ, ghi phiếu”.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp, trước khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh vào ngày 15/11.

Chủ nhiệm VPQH: Không có chủ trương hạn chế báo chí về việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm

Trước phiên bỏ phiếu, đã có những thông cáo báo chí được phát đi với những nội dung hoàn toàn khác nhau xoay quanh việc đưa tin lấy phiếu tín nhiệm. Thực hư câu chuyện này thế nào, thưa ông?

Không có chủ trương hạn chế báo chí về việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Việc công khai lấy phiếu lần này cũng là thực hiện đúng như Nghị quyết 35. Đó chỉ là do thông báo số 1 không rõ nên mới bị hiểu như vậy. Đó chỉ là nhầm lẫn về cách diễn đạt chứ không phải chủ trương hạn chế báo chí.

Vào buổi sáng khi Quốc hội bắt đầu tiến hành, báo chí được vào chụp ảnh, quay hình ảnh bỏ phiếu. Sau đó sẽ chờ thời gian kiểm phiếu, khi có kết quả rồi thì phóng viên báo chí sẽ ghi, nghe, thông tin đầy đủ cho cử tri biết về kết quả bỏ phiếu. Tất cả báo chí được vào từ lúc bỏ phiếu cho đến lúc công bố kết quả.

Khi đề cập đến chủ trương này tại Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng khuyến các các ĐBQH cần thận trọng với những thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng. Vậy đến thời điểm này các ĐBQH đã tiếp cận được đầy đủ những thông tin cần thiết theo quy định chưa?

Báo cáo của các đối tượng lấy phiếu đã gửi trước cho các đại biểu 20 ngày theo quy định. Đây là thời gian để các đại biểu nghiên cứu, đánh giá. Ngoài ra đại biểu cũng có thể tiếp cận thông tin từ việc lắng nghe ý kiến của cử tri, qua việc triển khai công việc của các đối tượng trong diện lấy phiếu…

Đại biểu sẽ có 30 phút suy nghĩ trước khi quyết định lá phiếu

Tại lần lấy phiếu thứ 2 này có khá nhiều đổi mới, chẳng hạn như đại biểu sẽ có hẳn 30 phút ghi phiếu. Vì sao lại phải đổi mới như vậy thưa ông?

Do trước đây hội trường chật quá, cả người bỏ phiếu và người được bỏ phiếu cũng ngồi sát nhau quá nên cũng có cái bất tiện. Lần trước có chuyện khi đại biểu đang ghi phiếu thì có phóng viên vào chụp ảnh cả cảnh phóng viên đang ghi phiếu, cái đó rất bất tiện cho đại biểu.

Bây giờ hội trường của ta rộng rãi rồi, đại biểu ngồi đâu cũng được, ngồi trong hội trường cũng được, và ngồi ở các đoàn của mình cũng được, sau 30 phút đại biểu sẽ quay lại. Lần này khi các đại biểu ghi phiếu, phóng viên không vào để thời gian cho đại biểu yên tĩnh suy nghĩ, để ghi phiếu cho chính xác.

Bên cạnh đó Quốc hội cũng muốn dành thời gian thỏa đáng để đại biểu suy nghĩ, cân nhắc để đưa ra quyết định.

Trong đợt bỏ phiếu đầu tiên, nhiều đại biểu đánh giá cao sự quyết tâm của các tư lệnh ngành và thực tế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ông nghĩ sao về điều này?

Qua theo dõi tôi thấy các đồng chí Bộ trưởng ở lần lấy phiếu tín nhiệm trước có kết quả không được cao lắm, như Bộ trưởng giao thông, Thống đốc Ngân hàng, Bộ trưởng Giáo dục, Y tế…nhưng sau đó các đồng chí ấy cũng rất tích cực, khắc phục những tồn tại, bất cập trong ngành và trên thực tế đã có những chuyển biến tích cực.

Kết quả sau đợt lấy phiếu tới đây có làm cơ sở cho công tác quản lý cán bộ nói chung?

Kết quả này sẽ là cơ sở để giúp cho chúng ta làm công tác quản lý cán bộ, các cơ quan có thể đánh giá cán bộ từ kết quả đó, đồng thời cũng phục vụ công tác quy hoạch cán bộ.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Dũng (ghi)

Infonet

Tin nổi bật