Chính thức khai trương Trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Dự Lễ khai trương có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Nước; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ông Nguyễn Đức Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước; Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Bà Nguyễn Phương Nga Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam...; cùng các lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Về phía Hội Nhà báo Việt Nam có ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam… cùng các nhà báo lão thành các thời kỳ, đại diện một số hội nhà báo địa phương.

Ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Sơn Hải

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ban ngành Trung ương và thành phố Hà Nội đã quan tâm hỗ trợ giúp đỡ Hội Nhà báo Việt Nam hoàn thành các nhiệm vụ.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Ngay từ khi mới xuất hiện báo chí Việt Nam đã sớm có một vị thế đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân, đã tỏ rõ vai trò quan trọng của mình trong lịch sử dân tộc.

Trong các cuộc kháng chiến, kiến quốc lớp lớp các nhà báo đã để lại tuổi thanh xuân của mình trên khắp các vùng miền đất nước. Hơn 500 người làm báo đã anh dũng hi sinh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mồ hôi và máu của các anh chị vẫn đỏ thắm từng trang báo, từng thước phim tư liệu.

“Nhiều nhà báo hôm nay là những tấm gương xuất sắc, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp bảo vệ đất nước, góp phần to lớn vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phát triển đất nước và hội nhập. Để các di sản báo chí quý báu đó đến với công chúng là quá trình đầu tư, chuẩn bị kiên trì và ngày hôm nay điều đó đã trở thành sự thực” Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại lễ khai trương Trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Sơn Hải

Nói về quá trình triển khai xây dựng bảo tàng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng:  “Ngày 28 tháng 7 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định, thành lập bảo tàng Báo chí Việt Nam. Từ đó đến nay Hội Nhà báo Việt Nam và các cán bộ nhân viên Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã có hơn 1000 ngày thực thi nhiệm vụ được giao, với một quyết tâm mạnh mẽ nỗ lực không ngừng nghỉ.

Còn nhớ năm 1995 vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, tại lễ truy tặng các nhà báo liệt sỹ Kỷ niệm chương về sự nghiệp báo chí Việt Nam, diễn văn của Thường trực hội đã bày tỏ mong muốn có một bảo tàng báo chí nhằm lưu giữ, tôn vinh những đóng góp to lớn của nhiều thế hệ nhà báo Việt Nam trên khắp mọi miền tổ quốc”.

Trong 3 năm qua, ngay từ khi mới ra đời Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và khai thác một cách có hệ thống, khoa học, các di sản báo chí để lại nhằm hoàn thành bước đầu các không gian trưng bày thường xuyên. Đáp ứng nguyện vọng nung nấu bao nhiêu năm nay của nhiều kỳ Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, cũng như đông đảo các nhà báo, cộng tác viên và công chúng báo chí trong cả nước.

Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng bức tranh "Phủ Chủ tịch" cho Hội Nhà báo Việt Nam với mong muốn đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng mọi mặt, đoàn kết, nỗ lực sáng tạo hơn nữa. Ảnh: Sơn Hải

Về nhiệm vụ phía trước, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết thêm “Bảo tàng Báo chí Việt Nam tới đây còn phải tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu chỉnh lý bổ sung các nội dung trưng bày, với những hiện vật tư liệu báo chí tiêu biểu, đại diện cho nền báo chí anh hùng, nhân văn và tiến bộ. Truyền tải sinh động hấp dẫn những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ, kêu gọi nhắc nhở thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh, xây đắp truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà”.

Hội Nhà báo Việt Nam tin tưởng trong thời gian tới, bảo tàng sẽ tiếp tục, nhận được sự quan tâm, ủng hộ tạo điều kiện mọi mặt của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cấp các ngành, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ TT&TT cùng các đồng nghiệp và công chúng.

Các đại biểu cắt băng khai trương Trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Sơn Hải

Bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ làm báo đi trước đồng thời ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực của Hội Nhà báo Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện Bảo tàng, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết: Bảo tàng Báo chí Việt Nam - một bảo tàng thuộc hệ thống bảo tàng quốc gia. Đây là sự kiện quan trọng và rất đáng tự hào của Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước.

Lễ khai trương Trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam được tổ chức vào dịp Hội Nhà báo Việt Nam tròn 70 tuổi, báo chí Cách mạng Việt Nam tròn 95 năm và báo chí Việt Nam tròn 155 năm ra đời nên sự kiện này càng thêm thiết thực và ý nghĩa.

Phó Chủ tịch Nước cho rằng: Tờ báo in đầu tiên trên thế giới đã ra đời cách đây hơn 400 năm. Báo chí Việt Nam ra đời muộn hơn thế giới, nhưng ngay từ thuở khai sinh, đã mang tính chất tiến bộ; là tiếng nói của nhân dân, của dân tộc, với khát vọng độc lập, quyết hy sinh tất cả để giành giữ nền độc lập và vươn tới dân chủ, văn minh.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam nghe giới thiệu về các giai đoạn của lịch sử báo chí Việt Nam. Ảnh: Sơn Hải

Ôn lại truyền thống lịch sử báo chí, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết: Hoạt động báo chí nước ta luôn gắn liền với cuộc vận động cách mạng của nhân dân và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng kiệt xuất và là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Người đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng trong và ngoài nước. Chính Người đã thấy rõ tầm quan trọng của báo chí cách mạng và đã dành nhiều tâm huyết, thời gian cho hoạt động báo chí. Với những tác phẩm báo chí của mình, Người đã đặt nền móng vững chắc cho báo chí cách mạng. Làm cho báo chí thời nay luôn là dòng chủ lưu, luôn đồng hành cùng dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Kết tinh, hội tụ được truyền thống văn hóa của Việt Nam và của thế giới, làm nên bản chất tiến bộ, nhân văn.

Phó Chủ tịch Nước khẳng định: Luôn ở tuyến đầu của cuộc sống, những người làm báo Việt Nam hôm nay đang tự tin viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, của đất nước, của các thế hệ làm báo lớp trước; tiếp tục đảm đương sứ mệnh người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hoá, quả cảm đấu tranh cho công lý và lẽ phải.

Kệ kim cương thu hút sự chú ý với 8 tờ báo được Hiệp hội Báo chí Thế giới và 2 tờ báo của Việt Nam là Gia Định Báo và Báo Thanh niên. Ảnh Sơn Hải

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh “95 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, cả về số lượng và chất lượng. Cả nội dung và hình thức cũng như sự lớn mạnh chưa từng có của đội ngũ những người làm báo. Nhân dân, Đảng và Nhà nước ta luôn biết ơn trân trọng những đóng góp to lớn của các nhà báo và nghề báo”.

Sự ra đời của Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với báo chí, đáp ứng lòng mong mỏi của đội ngũ người làm báo. Phó Chủ tịch Nước cho rằng “các không gian trưng bày của Bảo tàng không chỉ nhằm tái hiện lịch sử báo chí gắn liền với lịch sử lập quốc và kiến quốc của dân tộc ta, tôn vinh những đóng góp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, lưu giữ và phát huy giá trị di sản báo chí mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử văn hóa, những giá trị tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho các sinh viên báo chí và các nhà báo trẻ, giúp công chúng hiểu hơn về sự nỗ lực và hy sinh của các thế hệ nhà báo chúng ta”.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó chủ tịch Nước đánh giá cao sự đóng góp nhiệt tình, trách nhiệm và sự phối hợp hiệu quả các nhà báo, các gia đình nhà báo, hội nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí trong nước đã sưu tầm, quy tụ hàng vạn tư liệu, hiện vật quý báu của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Nội dung trưng bày Bảo tàng gồm 5 phần gắn với các giai đoạn của lịch sử báo chí, tất cả đều mang lại những cảm xúc riêng cho người xem. Ảnh: Sơn Hải

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới các nhà báo, các gia đình nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí trong cả nước, đã đoàn kết, thống nhất và hiệu quả trong việc xây dựng thành công Bảo tàng Báo chí Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn với hàng vạn hiện vật quý.

Phó Chủ tịch nước tin tưởng và hi vọng với những giá trị lưu giữ tại đây, bảo tàng sẽ là một thực thể sống, phong phú và sinh động, một trung tâm giáo dục truyền thống báo chí về tinh thần yêu nước cách mạng. Một trung tâm dịch vụ chứ không chỉ đơn giản là những tủ kính trưng bày.

“Bảo tàng sẽ đi vào hoạt động hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng mọi mặt, nỗ lực sáng tạo chủ động bắt nhịp báo chí trong và ngoài nước. Tạo môi trường lý tưởng hiện đại có diện mạo riêng, thu hút sự quan tâm tham quan tìm hiểu của đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần truyền bá tư tưởng lịch sử cách mạng, kiến thức giàu có. Bảo tàng cho thêm những trải nhiệm phong phú về nghề báo, mài sắc câu chữ, bồi đắp lý tưởng, nhiệt huyết khát vọng và quyết tâm cống hiến, vun đắp phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp cho sự nghiệp báo chí nước nhà góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc” Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Sau Lễ khai trương, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu, các nhà báo, hội viên, công chúng báo chí cùng tham quan các gian trưng bày Bảo tàng báo chí Việt Nam tại tầng 1 và tầng 2 Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam. 

Tin nổi bật