Báo chí cần phải làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội trong giáo dục

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Đào Ngọc Tước - Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục Việt Nam về trách nhiệm của báo chí trong cuộc chiến chống gian lận thi cử.

Năm 2018, cả nền giáo dục nước nhà chấn động bởi sự việc gian lận, tiêu cực trong thi cử, vụ việc đã dần được điều tra làm rõ, tuy nhiên nhiều cơ hội vào đại học đã bị tước bỏ, nhiều cánh cửa bước vào tương lai theo đó mà bị khép lại. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 đang bước vào giai đoạn cao điểm rất cần sự chung tay vào cuộc của các Bộ, Ban, ngành để sự việc trước kia không còn bị lặp lại, trong đó có sự tham gia của báo chí và truyền thông. Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Đào Ngọc Tước - Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục Việt Nam về trách nhiệm của báo chí trong cuộc chiến chống gian lận thi cử.

+ Câu chuyện gian lận thi cử quy mô lớn lần này đã thực sự gây sốc cho toàn xã hội. Ai cũng biết gian lận thi cử sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề, trước hết là làm tổn thương các thầy cô giáo chân chính và phụ huynh tử tế, mất uy tín nền giáo dục và ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, là một nhà báo công tác trong lĩnh vực giáo dục, anh có những trăn trở gì?

- Tất cả chúng ta, những ai tâm huyết và quan tâm tới sự nghiệp giáo dục đều có những trăn trở với ngành, làm sao để ngành giáo dục chuyển biến mạnh hơn nữa.  

Theo quan điểm của tôi, các hoạt động mang tính chính sách không có cái gì có thể hoàn hảo được, một kỳ thi Quốc gia cũng vậy thôi bởi nó cũng là một chính sách. Nó sẽ tồn tại những kẽ hở và những người cần câm nảy mực, những người thực hiện chính sách nếu cố tình hoặc tìm mọi cách để lợi dụng kẽ hở đó nhằm phục vụ lợi ích riêng thì kiểu gì cũng sẽ có tiêu cực xảy ra. Điều này chúng ta có thể thấy rất rõ. Tuy nhiên, sự lợi dụng để phục vụ lợi ích riêng của họ ở đây đã, gây ra một ảnh hưởng xã hội cực kỳ lớn và rất trầm trọng. Niềm tin không phải chỉ của nhà báo đâu, mà là của cả nhân dân vào kỳ thi THPT Quốc gia bị giảm sút rất lớn. Người ta lo lắng chứ, sợ rằng sẽ mất công bằng đối với những con em, thí sinh đã miệt mài học thật, thi thật. Các kỳ thi được tổ chức để tuyển nhân tài thì lại được đưa vào những thí sinh không đảm bảo chất lượng nếu không muốn nói là rất kém. Cũng may là kỳ thi mới được phát hiện ở 3 tỉnh thành chứ chưa lan rộng.

Nhà báo Đào Ngọc Tước.

+  Trong scandal bất thường trong điểm thi vừa qua, sau khi báo chí vào cuộc, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức thanh tra kết quả, từ đó tìm ra “lỗ hổng” gian lận thi. Anh đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong việc này?

- Việc phát hiện các vấn đề tiêu cực bây giờ, đặc biệt là tiêu cực trong thi cử có công rất lớn của báo chí.

Khi có phổ điểm về kỳ thi THPT Quốc gia được công bố, mà phổ điểm này rất quan trọng. Nó đánh giá kết quả học tập của học sinh đạt ở trình độ nào, cái phân bố và khả năng học tập ở từng miền khác nhau như thế nào. Đối với người làm nghiên cứu khoa học thì phổ điểm này còn giúp cho họ hoạch định việc đào tạo trong tương lai. Khi phổ điểm này xuất hiện, nhìn vào một số môn học các chuyên gia nhanh chóng phát hiện ra sự bất thường trong kỳ thi THPT Quốc gia tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang rồi sau đó là Hòa Bình như chúng ta đã biết. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thời điểm đó cũng nhận được nhiều phản hồi, email, điện thoại thông báo từ các chuyên gia và ngay lập tức vào cuộc. Sau đó, trên mạng xã hội đã có dư luận thông tin về vụ việc cùng với sự nhanh chóng vào cuộc của báo chí, liên tục điều tra, thông tin về các nghi vấn từ phổ điểm, thí sinh, thậm chí là cả từng môn thi mà sau đó các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, các ban ngành có trách nhiệm liên quan đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương làm rõ những dấu hiệu nghi vấn trên. Có thể nói, báo chí với chức năng của mình đã rất nhanh nhạy, kịp thời góp phần tìm ra lỗ hổng của kỳ thi THPT Quốc gia, phần nào đó cùng chung sức đem lại sự thật và trả lại công bằng cho kỳ thi.

+  Chúng ta biết rằng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của mỗi thí sinh, tôi đồng ý báo chí cần phải thông tin nhanh chóng nhưng cách thông tin đó phải như thế nào để việc đưa thông tin không theo lối “một chiều”, định hướng ý kiến của độc giả theo nhận định chủ quan của người viết cũng có thể dẫn tới những sai lệch, sai lầm?

- Tôi cho rằng việc cung cấp thông tin nhanh chóng là nhiệm vụ của mọi tờ báo. Tuy nhiên, đối với giáo dục, những thông tin sai có thể hủy hoại tương lai hoặc nhân cách của một con người thì cần phải hết sức thận trọng. Thận trọng từ tòa soạn đến phóng viên.

Như ở tòa soạn tôi, khi nhận được thông tin chúng tôi cũng ngay lập tức thành lập một tổ công tác xem xét về vấn đề tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia. Tổ công tác phải bao gồm các phóng viên chuyên biệt đã tham gia làm công tác giáo dục nhiều năm, một số phóng viên về Pháp luật, Nội chính, Quốc hội để tham vấn các ý kiến liên quan về pháp luật, một số phóng viên phụ trách ngành giáo dục khác cũng phải tham gia. Việc đầu tiên chúng tôi tổ chức tiếp cận với đầu nguồn tin, tiếp cận với các cơ quan quản lý nhà nước về vụ việc đồng thời lên một kế hoạch dài hơn, tiếp cận với các đối tượng rộng hơn để đảm bảo tiếp cận với thông tin nhiều chiều đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh bởi chúng tôi hiểu, thông tin đúng có thể đem lại công bằng và cơ hội cho các thí sinh khác nhưng nếu nhận định sai có thể sẽ hủy hoại một con người. Trên thực tế đã có trường hợp thí sinh bị oan khi bị đưa vào danh sách được nâng điểm như sau kết luận thì không phải. Cho nên sự thận trọng này rất quan trọng. Các nguồn tin khi về tòa soạn lại được họp và đánh giá một lần nữa nội dung nào đăng hay không.

Nhãn quan của nhà báo nếu là những người thành kiến sẽ rất nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ họ không nhìn thấy cái tiến bộ mà chỉ nhìn thấy tiêu cực thôi, họ thích cái tiêu cực nên cũng không muốn tìm cách tháo gỡ. Nhà báo mà cứ đi theo suy nghĩ như vậy sẽ dẫn đến nhiều hệ quả nguy hiểm. Chúng ta cần thấy được những cái tiêu cực đó có đáng tồn tại hay không và không để tiêu cực dẫn dắt. Do đó, nhà báo cần phải bình tĩnh tham khảo nhiều nguồn thông tin để khắc phục thành kiến tiêu cực và quan trọng nhất cần phải tôn trọng sự thật.

Để kỳ thi THPT năm 2019 được diễn ra một cách thành công, cần sự chung tay góp sức, đồng hành của cả xã hội, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí. Vậy báo chí cần có những đóng góp hay những hoạt động cụ thể như thế nào, thưa anh?

- Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, tôi nghĩ báo chí trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách về kỳ thi. Báo chí sẽ cung cấp một cách chính xác và đầy đủ nhất các thông tin về cuộc thi đến với thí sinh và gia đình từ kiến thức, thông tin về các quy định, yêu cầu đối với các thí sinh tham dự kỳ thi cũng như các thông tin liên quan như lịch thi, địa điểm...

Để  tiếp tục chống tiêu cực và gian lận thi cử nói chung và kỳ thi THPT Quốc gia năm nay nói riêng thì báo chí cần phải phát huy cao vai trò giám sát và phản biện của mình. Giám sát một cách cẩn thận, chi tiết để có thể tìm ra được những dấu hiệu nghi vấn hay những sai phạm nếu có, từ đó để các Bộ, ban ngành kịp thời có phương án xử lý. Bên cạnh đó, cần đồng thời phát huy năng lực phản biện của mình nhằm đem lại một môi trường thi cử trong sạch. Và phản biện thì phải đi kèm với đóng góp, nêu ra vấn đề phải kèm theo giải pháp. Báo chí có thể nêu ra những bất cập, tồn tại đồng thời đề ra giải pháp để khắc phục những tồn tại đó cho các nhà chính sách tham khảo và điều chỉnh.

Báo chí cũng cần tìm ra những cá nhân, tập thể, những câu chuyện truyền cảm hứng thi cử để động viên thí sinh và gia đình, từ đó yên tâm hy vọng hơn vào nền giáo dục và phấn đấu cho một kỳ thi đạt được kết quả tốt nhất.

+ Trân trọng cảm ơn anh!

Nguồn: Nguyệt Hồ (Thực hiện)/congluan.vn

Tin nổi bật