Ấn tượng truyền thông từ đám cưới Hoàng gia

Không trái với dự đoán, hôn lễ cổ tích của chàng Hoàng tử nước Anh Harry và “cô dâu lọ lem” đến từ nước Mỹ Meghan Markle thực sự là tâm điểm truyền thông thu hút sự chú ý đặc biệt của báo chí thế giới.

Chỉ riêng tại nước Anh, hơn 18 triệu người đã bật TV lên để theo dõi buổi tường thuật trực tiếp hôn lễ còn trên toàn thế giới, con số này là hơn 29 triệu người. 

Đám cưới của chàng Hoàng tử thứ được truyền hình trực tiếp trên 3 kênh truyền hình lớn gồm BBC, Sky News và ITV. Riêng trên kênh BBC, con số khán giả theo dõi buổi truyền hình trực tiếp hôn lễ đạt con số kỷ lục 13,1 triệu người. Con số khán giả theo dõi sự kiện này trên kênh ITV là 3,6 triệu, trên Sky News con số này thấp hơn đôi chút. Còn nhớ, đám cưới của anh trai Hoàng tử Harry là Hoàng tử William với Công nương Kate chỉ có 17,6 triệu người theo dõi qua màn ảnh nhỏ. 

Tất nhiên, hôn lễ của hai cậu con trai vẫn còn xa mới theo kịp kỷ lục lập được từ đám cưới của Thái tử Charles và Công nương Diana vào tháng 7/1981 - đám cưới có tỷ suất người theo dõi trên truyền hình cao nhất hiện nay với 28,4 triệu người xem tại Anh và khoảng 750 triệu người trên toàn thế giới. Theo dõi sát sao nhất về đám cưới Hoàng gia, không ai khác là giới truyền hình Mỹ- “nhà gái”. 

Ngay từ cuối tháng 4/2018, nhiều tờ báo cũng như kênh truyền hình của Mỹ đã sẵn sàng cho những kỳ báo, chương trình “đặc biệt”, “chuyên đề” về hôn lễ đình đám này. Để tường thuật được một cách hiệu quả nhất về hôn lễ, ngoài việc lên kế hoạch kỹ lưỡng từ rất lâu trước đó, các cơ quan truyền thông Mỹ còn cử lượng nhân sự hùng hậu đến Anh để tác nghiệp. 

Có kênh truyền hình không ngại tốn kém cử ê kíp từ 50-80 người đến “ăn chực nằm chờ” gần nhà nguyện ST.George-nơi diễn ra hôn lễ. Bảng thống kê do công ty nghiên cứu truyền thông Mỹ Nielsen công bố hôm 20/5 cho thấy, đám cưới cổ tích của Hoàng tử Harry được truyền trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình của Mỹ như: ABC, CBS, NBC, CNN...  

Tuy nhiên, ấn tượng truyền thông lớn nhất về hôn lễ Hoàng gia lần này lại  đến từ truyền thông xã hội, và đây có lẽ cũng là điểm khác biệt căn bản so với đám cưới của Thái tử Charles và Công nương Diana cách đây 37 năm và đám cưới của Hoàng tử William và Công nương Kate mấy năm trước. 

Theo công ty giám sát truyền thông xã hội Visibrain của Pháp, chỉ trong khoảng thời gian từ 22h đến 23h ngày 19/5 theo giờ GMT (từ 5h sáng tới 6h sáng 20/5 theo giờ Việt Nam) đã có 6.604.498 lượt chia sẻ trên Twitter khắp thế giới với cùng chủ đề về đám cưới Hoàng gia. Còn theo thống kê khác, trong thời khắc ngày 19.5, trung bình mỗi phút có khoảng 40.000 tweet chia sẻ về #RoyalWedding- đám cưới Hoàng gia. 

Chỉ riêng tại Anh, con số này nhiều gấp 3 lần so với số chia sẻ trên Twitter trong đám cưới của Hoàng tử William và Công nương Kate. Sự thống trị của truyền thông xã hội được xem là nguyên nhân dẫn đến “sự tăng trưởng vượt bậc” về con số  người chia sẻ về sự kiện này trên các trang mạng. 

Báo giấy, dù bấy lâu có phần yếu thế hơn so với truyền hình, đặc biệt là truyền thông xã hội, nhưng trong những sự kiện đình đám như thế này cũng quyết không bỏ qua cơ hội chứng tỏ mình. Tại Anh, các nhật báo hàng đầu tìm mọi cách để tăng tia-ra nhờ hôn lễ Hoàng gia. Hầu hết các nhật báo lớn đều tăng đột biến số trang trong dịp diễn ra hôn lễ. Đơn cử như tờ Sunday Express tăng đến 48 trang, đầy ắp các bài viết, hình ảnh về đám cưới. Còn tại nhiều quốc  gia, rất nhiều nhật báo lớn ra trong ngày 19/5, 20/5 đều chiếm trọn trên trang nhất là hình ảnh đám cưới.

Nguồn: Hà Anh/congluan.vn

Tin nổi bật