Tóm tắt:
Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: "Mỗi tác phẩm báo chí phải là một sản phẩm văn hóa tinh thần có giá trị và giá trị sử dụng cao, chuẩn mực về nội dung, tươi mới và hấp dẫn về hình thức, hiện đại trong phương pháp thể hiện và phương thức phát hành".
Tối ngày 21/6, Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023 đã diễn ra trang trọng tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội. Chủ tịch nước Tô Lâm đến dự và phát biểu tại buổi lễ.
Tham dự Lễ trao Giải còn có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.
Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội; các tác giả, đại diện nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải,...
Xây dựng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng
Phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những thành tích, kết quả của báo chí và đội ngũ những người làm báo (NLB) đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước trong suốt 99 năm qua.
|
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao giải. |
Chủ tịch nước nêu rõ, trải qua trải qua 99 năm hình thành và phát triển, Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với mục tiêu cao quý, thiêng liêng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đã thể hiện rõ nét vai trò vũ khí sắc bén của giai cấp công nhân, ngọn cờ cách mạng, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
“Vượt qua mọi khó khăn thử thách, không nề gian khó, hy sinh, sẵn sàng xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, các thế hệ nhà báo đã chung sức, đồng lòng xây dựng nên nền báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, của dân; là cầu nối tin cậy của Nhân dân với Đảng và Nhà nước; giữa Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta với bạn bè quốc tế. Trong quá trình đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng, báo chí và đội ngũ những NLB đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, tích cực tuyên truyền, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, khơi dậy khát vọng cháy bỏng phát triển đất nước độc lập, phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nhiệt liệt chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả được trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - giải thưởng cao quý nhất của Hội Nhà báo Việt Nam tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất năm 2023, Chủ tịch nước khẳng định các tác phẩm đoạt giải đã phản ánh bức tranh lao động sôi động của báo giới cả nước trong năm qua, đồng thời đại diện cho thành tựu to lớn của đội ngũ những NLB hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ, năm 2025, khi kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam là một năm bản lề, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ to lớn, đồng thời cũng hết sức vẻ vang đối với báo chí và đội ngũ những NLB trong tuyên truyền, tạo sự đồng tâm, đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng; cũng như xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Vì vậy, cần tập trung xây dụng đội ngũ những NLB thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có "tâm sáng, lòng trong, bút sắc", "vừa hồng, vừa chuyên", phải luôn thường trực lời Bác dạy "Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết; khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, cũng chớ nói, chớ nên viết ", "Tất cả những NLB phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được". Cùng với đó, phải kiên định lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung.
Chủ tịch nước cho rằng, cần phát huy cao độ vai trò của báo chí - công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, thực sự là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, có nhiều hơn nữa các tác phẩm báo chí có tính lý luận và chính luận cao; Tập trung tuyên truyền, cổ động, tập hợp quần chúng thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng; giáo dục, hướng dẫn các giai tầng trong xã hội hành động theo chuẩn mực, đạo đức xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng thông tin thuần túy, công cụ giải trí đơn thuần; không ngừng khơi dậy, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan, ý thức tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực vươn lên cho sự phát triển của đất nước.
Theo Chủ tịch nước, cần phải tăng cường giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí. "Mỗi tác phẩm báo chí phải là một sản phẩm văn hóa tinh thần có giá trị và giá trị sử dụng cao, chuẩn mực về nội dung, tươi mới và hấp dẫn về hình thức, hiện đại trong phương pháp thể hiện và phương thức phát hành. Các tác phẩm báo chí phải không ngừng giữ gìn, phát huy giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa Việt Nam; định hình và lan tỏa chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới".
Báo chí đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số (CĐS) và đổi mới sáng tạo (ĐMST)
Chủ tịch nước cũng yêu cầu báo chí thúc đẩy mạnh mẽ CĐS và ĐMST; thông tin báo chí cách mạng phải thực sự trở thành dòng thông tin chủ lưu trong không gian số. Các cơ quan báo chí cần xác định rõ mục tiêu, lộ trình, triển khai CĐS mạnh mẽ và có kết quả cụ thể; chú trọng thúc đẩy tất cả yếu tố trong các giai đoạn của CĐS báo chí; tập trung đào tạo nguồn nhân lực trên các nền tảng số, nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, quan tâm nghiên cứu công chúng và các hình thức sản phẩm có sức hấp dẫn, khả năng tương tác cao, lan tỏa sâu rộng trong công chúng, nhất là công chúng trẻ.
“Để trở thành những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tướng, văn hóa, là "thư ký của thời đại", trở thành "người gác cổng của Nhân dân", NLB cách mạng phải đáp ứng được những đòi hỏi cao về trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân, cần không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập về lý luận, nghiệp vụ báo chí và công nghệ báo chí truyền thông hiện đại”, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định.
|
Chủ tịch nước Tô Lâm và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải A. |
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải B. |
|
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Lê Quốc Minh và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải C. |
Báo chí là lực lượng xung kích tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
Đánh giá về các tác phẩm báo chí dự giải năm 2023, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII Lê Quốc Minh, cho biết trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực và đất nước, báo chí vẫn luôn là lực lượng xung kích tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó và đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
|
Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc buổi lễ. |
Báo chí trong năm qua đã phản ánh những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược phát triển đất nước nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Báo chí phát hiện các mô hình phát triển, đề cập tới những vấn đề, điểm nghẽn của nền kinh tế như: đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, thị trường vàng, điện, xăng dầu, chứng khoán, bất động sản, tín dụng... Đồng thời, tham gia các hoạt động thông tin đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, truyền thông chính sách và tiến trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, những tấm gương điển hình tiên tiến, những nghĩa cử cao đẹp, có tính thuyết phục, lay động lòng người.
"Đã có nhiều tác phẩm báo chí phản ánh chân thực, bám sát thực tiễn, có tính thời sự cao, đi vào các điểm nóng của xã hội; nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội", Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Hội đồng, Giải Báo chí quốc gia năm nay có số lượng tác phẩm tham dự ở mức cao nhất trong những năm gần đây với 1.905 tác phẩm; là minh chứng cho thấy sức hút mạnh mẽ, cũng như sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp Hội Nhà báo trong cả nước.
Hội đồng Chung khảo đã chấm 165 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng Sơ khảo và quyết định trao 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C, 41 giải Khuyến khích, theo 11 loại giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất, có tính phát hiện đề tài, nội dung tư tưởng tốt, mang tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thức thể hiện. Đặc biệt, có nhiều tác phẩm không chỉ ở các cơ quan báo chí Trung ương mà các cơ quan báo chí địa phương đã ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại, thu hút và tạo ra trải nghiệm mới, hấp dẫn công chúng báo chí.
Tại mùa giải báo chí năm nay, Liên chi hội nhà báo TT&TT có hai tác phẩm dự giải đạt giải, gồm: Tuyến bài "Doanh nghiệp gặp khó vì quy định phòng cháy” đạt giải C, là sản phẩm của nhóm tác giả: Bạch Thị Hân (Bạch Hân), Nguyễn Công Sáng, Nguyễn Thị Diệu Thùy (Diệu Thùy), Nguyễn Trần Chung, Nguyễn Việt Hùng và tuyến bài "Những đảng viên đặc biệt ở vùng biên viễn" đạt giải Khuyến khích, là sản phẩm của nhóm tác giả: Lê Văn Dương (Dương Lê) - Trần Quốc Huy - Trần Bá Nghị - Trần Văn Tuyên thuộc chi hội Báo Vietnamnet.
10 tác phẩm đạt giải A Giải Báo chí Quốc gia:
1. Tác phẩm loạt 5 bài "Thu hút nước ngoài bước ngoặt 35 năm và cơ hội lịch sử" của tác giả Lê Thị Thanh Hà (Nguyên Đức), Chi hội nhà báo Báo Đầu Tư.
2. Tác phẩm loạt 3 kỳ "Nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của tác giả Lê Hải, Chi hội nhà báo Tạp chí Cộng sản.
3. Tác phẩm loạt 3 bài "Công viên địa chất toàn cầu bị ‘xẻ thịt’" của nhóm tác giả Bùi Thanh Hải, Nguyễn Thanh Sơn, Báo Nông thôn ngày nay.
4. Tác phẩm “Trở về” của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Phạm Huân, Nguyễn Quỳnh Hoa, Ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam.
5. Tác phẩm loạt 3 bài "Vì sao tiền dành cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số ‘bị nhốt’ trong kho bạc?" của nhóm tác giả Trịnh Đình Thiệu, Nguyễn Long Phi, Đài Tiếng nói Việt Nam.
6. Tác phẩm: "Nỗi đau của sông mẹ" của nhóm tác giả Nguyễn Anh Tuấn, Chu Sỹ Thanh, Đài Truyền hình Việt Nam.
7. Tác phẩm "Hiệp định Paris khát vọng hòa bình" của nhóm tác giả Nguyễn Thu Yến, Phan Thị Hoài, Đặng Thị Hải Băng, Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Đức Dân, Đài Truyền hình Việt Nam.
8. Tác phẩm loạt 2 bài "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước" của nhóm tác giả Ngô Quang Thị, Vũ Quang Lâm, Phạm Ngọc Lan, Trương Ngọc Dũng, Vũ Nguyễn Thành Khôi, Đài Truyền hình TP.HCM.
9. Tác phẩm loạt 5 bài "Thảm họa khốc liệt từ thiên tai sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau" của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng, Nguyễn Hoài Nam, Báo điện tử Vietnamplus.
10. Tác phẩm loạt 3 bài "Đường đi của gỗ lậu qua xe chuyển phát nhanh" của nhóm tác giả Hoàng Văn Chiên, Đỗ Doãn Hoàng, Phạm Sỹ Công, Nguyễn Đức Minh, Báo điện tử Dân Việt./.
Nguồn: ictvietnam.vn