Đánh giá về nội dung, tư tưởng xuyên suốt của cuốn sách, nhiều ý kiến cho rằng, cuốn sách đã thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về lãnh đạo, chỉ đạo đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, công cuộc đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, hơn bao giờ hết, cần được toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Mỗi người dân cần là một thành trì, cùng tham gia xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Tầm nhìn chiến lược về quân sự, quốc phòng
Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng Phòng Thông tin khoa học quân sự, Viện Chiến lược quốc phòng cho rằng, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị như một văn kiện chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Nội dung cuốn sách xác định những nhiệm vụ quốc phòng vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản và lâu dài của Việt Nam trong công cuộc xây dựng, sẵn sàng bảo vệ vững chắc thể chế chính trị, chủ quyền quốc gia và sự nghiệp đổi mới trong quá trình hội nhập quốc tế.
Đại tá Lê Thế Mẫu cho rằng, những bài viết trong cuốn sách của Tổng Bí thư thể hiện rõ những nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái; chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong quân đội. Đó là việc cần kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch “Phi chính trị hóa” quân đội; chủ động thông tin tích cực, kịp thời định hướng tư tưởng trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, góp phần nâng cao đề kháng, tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ.
Đại tá Lê Thế Mẫu nhấn mạnh, cần hết sức cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; gây chia rẽ. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần thường xuyên nắm, quản lý và giải quyết tốt tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ không để bị động, bất ngờ, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp trong thực tiễn theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tâm đắc nhất với phần thứ hai gồm 18 bài viết, bài nói, bài phát biểu của Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đối với các quân chủng, binh chủng, học viện nhà trường, Thạc sĩ Đặng Thanh Hưởng, Phó Trưởng Ban Truyền thông Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư được sắp xếp theo từng nhóm vấn đề, với từng lực lượng nhưng xuyên suốt là sự khẳng định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuốn sách là tài liệu có giá trị cả về lý luận và thực tiễn rất sâu sắc, có thể coi là “cẩm nang” đối với việc quán triệt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Đồng thời, các bài viết nắm vững và vận dụng nhuần nguyễn bài học của cha ông ta: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”; “Giữ nước từ khi nước chưa nguy”; có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm từ xa… nhằm xây dựng sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại để bảo vệ Tổ quốc.
Thạc sĩ Đặng Thanh Hưởng cho rằng, cuốn sách là “kim chỉ nam” để cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu, học tập, hiểu rõ, nắm vững và quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong việc tham gia xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ các cấp vững chắc….
Phá tan âm mưu của lực lượng chống phá
Đảng viên Vũ Ánh Nguyệt, công tác tại Bộ Nội vụ đánh giá, sau hơn 35 năm đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc, an ninh - quốc phòng được củng cố vững chắc, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, chưa lúc nào ngừng nghỉ, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn ra sức thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội. Do đó, cần phải kiên quyết đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn chống phá đó để tiếp tục bảo vệ Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Theo bà Vũ Ánh Nguyệt, với việc chia cuốn sách làm ba phần: Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong thời kỳ mới; Xây dựng các lực lượng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống; bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương - một người có tư duy biện chứng và tầm nhìn chiến lược trong việc xây dựng đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, cuốn sách có giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn; thể hiện tư duy biện chứng, tầm nhìn chiến lược về quân sự, quốc phòng của người đứng đầu Đảng ta.
Trong tình hình hiện nay, bà Vũ Ánh Nguyệt cho rằng, mỗi công dân Việt Nam, không chỉ trong lực lượng vũ trang, hơn lúc nào hết, cần hiểu rõ, nắm vững và quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; từ đó, mỗi người dân là một thành trì, cùng tham gia xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Khẳng định cuốn sách "Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn, không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng mà còn ở các lĩnh vực khác, cô giáo Trần Thị Na, Trường Trung học phổ thông Minh Khai cho rằng, cuốn sách xâu chuỗi những cốt lõi từ lịch sử dựng nước đến giữ nước, thể hiện rõ tư duy sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nội dung cuốn sách đúc rút từ những bài học kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, thể hiện sự sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư đối với đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng.
Những vấn đề này không chỉ cần được học tập, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc trong hệ thống giáo dục chính trị quốc phòng mà còn cần được phổ biến ở hệ thống giáo dục quốc dân để thế hệ trẻ ngày càng hiểu rõ về trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của một công dân, một học sinh trước dân tộc. Đó là, bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước gắn với bảo vệ hòa bình - một giá trị thiêng liêng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Cô giáo Trần Thị Na cho rằng, từ cuốn sách này, cần phát triển thêm những tài liệu học tập, nghiên cứu phù hợp với từng đối tượng học tập để cuốn sách ngày càng được lan tỏa, từ đó, cả cộng đồng nâng cao hơn nữa ý thức, tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.