Việt Nam cần dịch nhiều sách ra tiếng nước ngoài hơn nữa

(ICTPress) - "Sách Việt Nam ra thế giới vẫn còn ít, số lượng sách, nhà sách Việt Nam tại các Hội sách thế giới còn rất ít. Việt Nam cần mang hình ảnh, đất nước con người thông qua các xuất bản phẩm ra nước ngoài nhiều hơn nữa".

Bà Claudia Kaiser - Phó Chủ tịch Hội sách Frankfurt (Đức) đang có mặt tại Hội sách Hà Nội 2016 đã có những chia sẻ tâm huyết về kinh nghiệm trong phát triển ngành sách ở Đức.

Bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Hội sách Frankfurt (Đức)

Bà Cladia cho biết ngành sách ở Đức không phải đóng thuế, chỉ phải đóng thuế  giá trị gia tăng nhưng rất ít nên sách không đắt. Giá sách ở Đức thống nhất một giá, không có giá khác nhau.

Đức có một Hiệp hội sách mạnh, hỗ trợ kết nối từng nhà xuất bản. Chính phủ hỗ trợ các chương trình phát triển văn hóa đọc. Đức cũng có quỹ dịch sách tiếng Đức ra nước ngoài. Đức cũng hỗ trợ hội thảo, hội nghị sách của Đức ở nước ngoài, có trang web giới thiệu những hoạt động sách của Đức, tổ chức các chuyến đi ra nước ngoài để giới thiệu sách của Đức.

Nước Đức có văn phòng đại diện của Đức ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Viện Goethe ở 100 nước trên thế giới. Viện Goethe có kinh phí hỗ trợ dịch thuật xuất bản phẩm tiếng Đức ra tiếng nước ngào.

Các nhà văn, nhà thơ, ngôi sao điện ảnh nổi tiếng ở Đức thường khuyến nghị các cuốn sách hay cho độc giả.

Bà Claudia cũng chia sẻ Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá sách, phát triển văn hóa đọc như phố sách, tổ chức các sự kiện, các hội sách, nhưng sách Việt Nam ra thế giới vẫn còn ít, số lượng sách, nhà sách Việt nam tại các Hội sách ra thế giới còn ít. Việt Nam cần mang hình ảnh, đất nước con người thông qua các xuất bản phẩm ra nước ngoài nhiều hơn nữa.

Việt Nam cần có ngân sách hỗ trợ tác giả người Việt và dịch sách Việt Nam ra tiếng nước ngoài, tham gia vào Hội sách thế giới để quảng bá sách Việt Nam.

“Hội chợ sách FranksFurt ưu đãi giá gian hàng Việt Nam, mời từng nhà sách Việt Nam và làm tất cả những gì cho Việt Nam", bà Cladia khẳng định.

Được biết Hội chợ sách Frankfurt là hội chợ sách rất đáng để cho mọi người đến. Với số lượng tham gia triển lãm của năm ngoái là 7.103 đơn vị trong nước và quốc tế. Hội chợ cũng thu hút hàng nghìn phóng viên báo đài từ hơn 70 quốc gia tới đưa tin. Đây cũng là nơi gặp gỡ của các nhà xuất bản lớn trên thế giới. 80% người đến Frankfurt là những người ra các quyết định quan trọng, những người lãnh đạo...

Trong phát biểu tại Hội sách Hà Nội năm 2016 với chủ đề “Sách và Hội nhập”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết TP. Hà Nội tổ chức Hội sách là một việc làm thiết thực, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa đọc và thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến ngành xuất bản trong giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng tiền đề phát triển kinh tế tri thức, xây dựng tiền đề phát triển kinh tế tri thức trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam Đỗ Quý Doãn cắt băng khai mạc Hội sách
Các nhà xuất bản quốc tế tham gia Hội sách
Đông đảo bạn đọc đã đến với Hội sách Hà Nội 2016 trong ngày đầu tiên

Hội Sách Hà Nội 2016 do Sở TT&TT Hà Nội chủ trì, phối hợp với cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội, cùng nhiều nhà xuất bản, thư viện, công ty sách tổ chức nhân kỷ niệm 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô, đồng thời để ghi dấu chặng đường hơn 20 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và chào mừng sự kiện cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập. Đây là dịp để các đơn vị xuất bản Thủ đô trong nước và quốc tế giao lưu, gặp gỡ nhằm thúc đẩy hoạt động trao đổi bản quyền và mở rộng thị trường xuất bản, đồng thời cũng là dịp để học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực và quốc tế.

Ngọc Mai

Tin nổi bật