Tiết kiệm 255 tỷ đồng nhờ tối ưu mô hình hoạt động ngân hàng

(ICTPress) - “Chủ đề sáng tạo hạ tầng CNTT ngân hàng” trong khuôn khổ Hội thảo Banking Vietnam 2014 do Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Cục Công nghệ tin học Ngân hàng và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG đồng tổ chức trong 2 ngày 22 - 23/5 tại Hà Nội là một chủ đề đáng lưu ý trong giai đoạn nền kinh tế nói chung và ngân hàng nói riêng đang gặp khó khăn.

Để con số nói lên hiệu quả

Năm 2013 là năm nhiều khó khăn và thử thách đặc biệt sự cạnh tranh khốc liệt. Khi nói về CNTT trong ngân hàng là sử dụng giải pháp sáng tạo, hiệu quả chi phí và triển khai nhanh chóng, thân thiện người dùng. Quy trình ngân hàng phải minh bạch rõ ràng và hiệu quả, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng quốc tế (VIB) Trần Nhất Minh cho biết.

Năm 2013 khi thực hiện tối ưu mô hình hoạt động, VIB kết hợp 6 yếu tố: Nâng cao sự hài lòng và trải nghiệm khách hàng, tối ưu hoá quy trình, hiện đại hóa hạ tầng CNTT, tinh giản cơ cấu tổ chức, tối ưu nguồn nhân lực, tăng hiệu suất và giảm thiểu rủi ro.

Chương trình tối ưu hóa mô hình hoạt động của VIB được thực hiện gồm: tối ưu hóa bộ máy tổ chức, quản lý ngân sách và chi phí, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, và nâng cấp nền tảng CNTT.

Hiệu quả của tối ưu hóa mô hình hoạt động được ông Minh cho biết bằng các con số là VIB đã tiết kiệm được 14% chi phí vận hành, tương đương 255 tỷ đồng. Có thể so sánh kết quả 6 tháng/2012 là lương trung bình 13,54 triệu đồng/tháng, đứng thứ 8 trong 12 ngân hàng. 6 tháng đầu năm 2013 là 17,94 triệu/tháng đứng thứ 4/14 ngân hàng. Kết quả rất đáng khích lệ, cho thấy hiệu quả làm việc tăng lên. Chúng ta đưa khẩu hiệu thì dễ nhưng chuyển từ khẩu hiệu ra con số mới khó.

Chuyển mô hình hoạt động phi tập trung sang tập trung

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VIB Trần Nhất Minh cho biết theo một nghiên cứu khách hàng hôm nay vẫn thích đến chi nhánh để giao dịch vì đến có thể được nói chuyện.

Vậy, vẫn phải duy trì chi nhánh theo mật độ dân số nhưng làm thế nào để duy trì hiệu quả. Có thể tham khảo quy chuẩn tiếp cận như mô hình hoạt động phi tập trung của thế giới, ông Minh cho hay.

Hiện một nửa ngân hàng Việt Nam đi theo phi tập trung, đến bất cứ ngân hàng nào cũng có phòng CNTT, tài chính, hành chính… 100 chi nhánh thì có 100 phòng CNTT, hành chính, tài chính… Đây là mô hình phi tập trung. Mô hình tập trung là không có quản trị CNTT, không tài chính vì mọi dịch vụ đều để trung ương. Chuyển từ tập trung sang phi tập trung đã có thể giảm 50% chi phí. Ở Việt Nam, có một số ứng dụng ngân hàng đơn giản mà cực kỳ hiệu quả lớn để việc tối ưu hóa hoạt động. Ví dụ, mỗi chi nhánh ngân hàng đều có bộ hồ sơ khách hàng giấy, nếu có CSDL số thì khi phải thực hiện kiểm toán thì kiểm toán viên có thể ngồi ngay tại trụ sở chính mà không phải mất thời gian để đến các chi nhánh.

Gắn bó giữa chiến lược kinh doanh và CNTT để hoạt động hiệu quả

Để ngân hàng hoạt động hiệu quả, các chuyên gia ngân hàng cũng cho biết cần phải gắn bó chiến lược kinh doanh và chiến lược CNTT nhiều khi vẫn chưa đồng nhất trong hoạt động ngân hàng. Cần phải tích hợp hơn nữa giữa chiến lược kinh doanh và chiến lược CNTT hay chính là hai đơn vị kinh doanh và CNTT của ngân hàng.

Bộ phận CNTT ngân hàng hiện nay không thể không điều chỉnh theo xu hướng CNTT hiện nay như di động, đám mây… bộ phận CNTT cần cập nhật và đề xuất cho kinh doanh để các quy trình ngân hàng hiệu quả và tăng doanh thu, độ hài lòng khách hàng…, ông Ajay Bhatia, công ty Newgen Software Technologies cho biết.

Bộ phận CNTT cần phải thông báo cho bộ phận kinh doanh về những gì cần phải làm để đưa vào chiến lược kinh doanh, bộ phận kinh doanh phải thông báo cho bộ phận CNTT các động lực kinh doanh để hoạt động hiệu quả hơn. CNTT có mục tiêu cụ thể, chi phí vận hành và kiểm soát hiệu quả. Đôi khi chiến lược Kinh doanh và CNTT có tiếng nói khác nhau. Lãnh đạo ngân hàng phải hiểu cả hai chiến lược.

Tại Hội thảo Banking Vietnam 2014, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cũng cho biết hiện nay do công nghệ không ngừng thay đổi, việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động ngân hàng đang phải đối mặt với 2 vấn đề “nóng”. Một là, hạ tầng CNTT ngành ngân hàng cần phải được thay đổi, thích ứng, đón bắt kịp thời các xu hướng công nghệ mới, ngày càng trở nên phổ biến như quản lý hạ tầng một cách tối ưu theo hướng ảo hóa, tập trung; xử lý dữ liệu lớn; ứng dụng công nghệ di động v.v… Hai là, tình hình an toàn, bảo mật thông tin tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin trong lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, ngân hàng lại càng trở nên cấp thiết.

 Nguyễn Dung

Tin nổi bật