Thêm 5 bộ tem bưu chính ý nghĩa cho năm 2013

(ICTPress) - Bạn là người yêu thích tem và sưu tập tem, bạn muốn biết năm 2013, Bưu chính Việt Nam (VNPost) sẽ phát hành những bộ tem nào?

Bưu chính Việt Nam vừa cho biết sẽ phát hành thêm 5 bộ tem gồm 3 bộ tem kỷ niệm và 2 bộ tem chuyên đề trong năm 2013:

Năm 2013, Việt Nam sẽ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa - một nhà khoa học quân sự quốc phòng của Việt Nam. Ông là một nhà khoa học lớn đã đóng góp nhiều công trình nghiên cứu cho đất nước đặt biệt là cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí Bazooka, súng không giật, đạn bay). Ông tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nhà nho tại xã Chính Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Trần Đại Nghĩa, bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Trần Đại Nghĩa (1913 - 1997)” gồm 1 mẫu sẽ được phát hành. Mẫu tem sẽ thể hiện được sắc thái chân dung nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, bên cạnh là chữ số 100 năm và kết hợp với hình ảnh chiếc súng Bazooka huyền thoại. Khuôn khổ mẫu tem dự kiến 43 x 32mm.

Bộ tem kỷ niệm thứ hai sẽ được Bưu chính Việt Nam là bộ tem “Tem phát hành chung Việt Nam - Pháp” được Bưu chính Việt Nam và Pháp phát hành nhân dịp kỷ niệm 150 năm sinh Yersin (1863 - 1943).

Alexandre Esmile Jean Yersin là bác sỹ và nhà vi khuẩn học người Pháp, sinh ra ở Thụy Sỹ trong gia đình người Pháp. Ông Yersin đã khám phá ra trực khuẩn gây ra bệnh dịch hạch, sau này được đặt theo tên ông (Yersinia pestis).

Ông đã theo học y khoa tại Lausanne, Thụy Sỹ, sau đó tại Marburg, Đức và Paris, Pháp (1884 – 1886). Năm 1886, ông gia nhập viện nghiên cứu của Louis Pasteur tại trường Sư phạm Paris. Ông gia nhập Viện Pasteur ở Paris mới được thành lập vào năm 1889 làm người cộng tác với Roux và hai người đã cùng khám phá ra đọc tố bạch hầu. Năm 1890, ông sang Đông Dương.

Từ năm 1895 đến 1897, ông đã nghiên cứu thêm về bệnh dịch hạch. Năm 1895, ông trở lại Đông Dương và lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang để sản xuất huyết thanh (năm 1905 viện này trở thành một chi nhánh của Viện Pasteur). Ông Quyết định sống tại Việt Nam và hoạt động tích cực để thành lập trường Đại học Y Hà Nội vào năm 1902 và là hiệu trưởng đầu tiên cho đến 1904.

Bộ tem phát hành chung Việt - Pháp về bác sỹ Yersin gồm 2 mẫu: Mẫu 1 là chân dung Yersin thời trẻ, phía sau là hình ảnh Viện Pasteur tại Paris và mẫu 2 là chân dung Yersin lúc về già phía sau là hình ảnh Viện Pastuer tại Nha Trang và cao nguyên Đà Lạt với bút pháp vẽ nét. Khuôn khổ của bộ tem này là 40 x 30mm.

Nhà phát minh và kỹ sư người Đức Rudolf Christian Karl Diesel sinh năm 1858, mất năm 1913. Năm 2013 là năm kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà phát minh này.

Sự nghiệp nổi tiếng của ông được ghi nhớ bắt đầu từ ngày 27/2/1892, Diesel đăng ký tại cơ quan về bằng phát minh của Đế chế Đức và ngày 23/2/1893, Rudolf Diesel phát triển động cơ Diesel trong nhà máy cơ khí Ausburg. Ngày 1/1/1898 nhà máy động cơ Diesel Ausburg được thành lập, sau đó là Diesel Engine Company vào mùa thu năm 1900 tại London (Vương quốc Anh). Tàu thủy được trang bị động cơ diesel đầu tiên ra đời năm 1903. Năm 1908, động cơ Diesel loại nhỏ đầu tiên, xe tải và đầu tàu hỏa diesel đầu tiên được chế tạo. Động cơ diesel dùng cho ô tô được chế tạo hàng loạt lần đầu tiên trong năm 1936 và được trang bị cho chiếc Mercedes-Benz 260-D.

Bộ tem “Kỷ niệm 100 năm mất Rudolf Christian Karl Diesel” là bộ tem có chân dung Diesel và bản vẽ mẫu động cơ diesel nổi tiếng của ông.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh bác sỹ Trần Hữu Tước (1913 - 1983), Bưu chính Việt Nam sẽ phát hành bộ tem thể hiện chân dung bác sỹ Trần Hữu Tước nổi bật ở trung tâm tem.

Bác sỹ Trần Hữu Tước sinh trưởng trong gia đình trung lưu tại làng Bạch Mai, xã Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lớn lên ông là một trong những học sinh xuất sắc tại trường Albert Sarraut, được gửi sang Pháp học và đậu vào Đại học Y khoa Paris. Bảo vệ luận án bác sỹ y khoa xuất sắc năm 1937, ông được giữ lại làm trợ lý cho giáo sư Lomie, chuyên gia Tai Mũi Họng danh tiếng thời đó. Năm 1939, Đại chiến Thế giới lần thứ II bùng nổ, ông tham gia vào hàng ngũ những người kháng chiến yêu nước Pháp, chống lại quân Đức.

Năm 1946, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, ông là một trong những người theo Hồ Chủ tịch về nước (cùng với Vũ Đình Huỳnh, Võ Quý Huân và Trần Đại Nghĩa).

Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y Dược tại chiến khu. Hòa bình lập lại, ông trở thành Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội (1955 - 1969), giáo sư đại học Y Dược Hà Nội, Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng của trường, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam (1961 - 1983), Viện trưởng đầu tiên của Viện Tai Mũi Họng Trung ương (từ 1969), đại biểu Quốc hội, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Y học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Với nhiều đóng góp của mình, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt I (1996).

Bộ tem “Nhạc cụ dân tộc" do họa sĩ Hoàng Thúy Liệu thiết kế, được ghép thành khối 4 tem theo chiều ngang gồm: Đàn Tỳ bà; Đàn Nhị; Đàn Đáy và Đàn Tranh phát hành ngày 24/4/1996

Những người yêu thích tem và sưu tập tem sẽ có cơ hội sưu tập thêm 2 bộ tem chuyên đề trong năm 2012 gồm “Nhạc cụ dân tộc”, “Tết Giáp Ngọ”, bên cạnh 4 bộ tem đã được Hội đồng tư vấn Tem quốc gia phê duyệt cho năm 2013 gồm “Võ Dân tộc” (Vovinam) gồm 3 mẫu; “Đèn biển Việt Nam” gồm 4 mẫu, “Hoa lan” gồm 4 mẫu và “Chim vườn quốc gia Xuân Thủy” gồm 4 mẫu và 1 bloc.

Bộ tem “Nhạc cụ dân tộc” gồm 3 mẫu tem về 3 loại đàn Ta lư, đàn Goong, đàn K’lông pút. Đàn Ta lư là nhạc cụ dây, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân tộc Vân Kiều ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình. K’lông pút là nhạc cụ của một số dân tộc anh em ở Việt Nam. Người Giơ Rai gọi là Đinh phút, còn người Bana ở vùng An Khê gọi là Đinh Powl. Tuy nhiên, tên K’lông pút đã trở nên quen thuộc với mọi người, dù ở trong hay ngoài nước.

Goong là đàn dây phổ biến trong một số dân tộc sinh sống ở tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Đàn Goong còn được gọi là Tinh Ninh (Ting Ning) hay Teng Neng (cách gọi của người Bâhnar vùng Măng Giang và An Khê - Gia Lai) hoặc Puội Brol như người Giẻ Triêng ở huyện Đák Giây, Kon Tum gọi.

Bộ tem sẽ thể hiện từng nhạc cụ nguyên bản gắn với các dân tộc: Vân Kiều, Gia Rai, Bana trên nền mờ có hoa pơ lang, dã quỳ và chuối rừng.

Trước đây Bưu chính Việt Nam cũng đã phát hành các bộ tem nhạc cụ dân tộc và nhạc khí vào các năm 1985, 1995, 1996 và 2001.

Với thông điệp mang đến mùa Xuân, Bộ tem Tết “Giáp Ngọ” sẽ được thể hiện theo phong cách vẽ đồ họa, kết hợp giữa mảng và nét, hình ảnh, màu sắc trên tem được nhân cách hóa một cách ước lệ, màu sắc tươi sáng, đậm đà, đặc trưng của dân tộc Việt Nam của không khí Tết. Bộ tem sẽ có khuôn khổ hình vuông 37 x 37 mm.

Minh Anh

Tin nổi bật