Chuyển động ngành
Chủ tịch VTC Thái Minh Tần: day dứt vì còn nhiều việc dở dang
Submitted by nadung on Mon, 26/12/2011 - 13:31(ICTPress) - "Rời VTC tôi rất luyến tiếc, rồi không biết sau này các em có còn tâm huyết như thời của mình nữa không?"
Ông Tần chưa yên tâm với lớp kế cận. Ảnh: Mạnh Chung (VnEconomy). |
Chỉ còn ít ngày nữa, TS. Thái Minh Tần - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) sẽ "rửa tay gác kiếm", nghỉ hưu theo chế độ Nhà nước. Trả lời trong cuộc trò chuyện trên Thời báo kinh tế Việt Nam, ông nói mình vẫn còn nhiều điều trăn trở, day dứt.
Chưa "ưng" lớp kế cận
Vị "lão tướng" ngành truyền hình số nói ông rất luyến tiếc và còn nhiều ưu tư, trăn trở vì thực sự còn chưa tin tưởng lắm khi giao cho lớp kế cận điều hành VTC.
"Các em bây giờ khác chúng tôi nhiều. Ngày ấy, chúng tôi làm bằng sự hăng say, nhiệt huyết", ông nói.
Nhớ lại thời kỳ đầu phát triển truyền hình Internet, có nhiều đơn vị phản đối nhưng ông đã đấu tranh rất quyết liệt và cuối cùng VTC cũng được làm, ông trăn trở "bây giờ, liệu khi chuyện khó khăn như vậy xảy ra, không biết các em có làm được không?"
"Nhiều lúc, có những cái mình muốn làm, nhưng các em bảo 'không làm được anh ạ'. Thế thì chịu!", ông chia sẻ.
Theo ông, lớp trẻ bây giờ không quyết đoán như xưa. "Nhiều lúc nghĩ đến chuyện đấy tôi cũng buồn!"
Ông cho biết, những năm vừa qua đã đầu tư đào tạo lớp kế cận mới nhưng thực sự cũng chưa "ưng" được ai. "Tôi rất sợ điều ấy", ông nói.
Cạnh tranh thì phải cố gắng
Nhìn nhận về việc hai ba năm vừa qua, vị trí và thương hiệu của VTC dường như đang lắng xuống, ông Tần nói ông cũng cảm nhận như vậy.
"Một hai năm lại đây, chúng tôi có đi xuống tí chút vì thiếu kinh phí. VTC làm nhiều kênh là xã hội hóa theo đơn đặt hàng nhưng rất thiếu kinh phí. Trong khi đó, VTC có tới gần 1.000 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên... phải tự làm nuôi nhau", ông nói.
Cũng vì thiếu kinh phí, nên việc mua bản quyền truyền hình cũng gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, theo ông, do công nghệ số phát triển nên truyền hình được khởi sắc, người dân có thể xem truyền hình cáp, truyền hình số, truyền hình vệ tinh số... và cũng được lựa chọn rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ.
Cũng chính vì phát triển mạnh, nên vấn đề bản quyền có sự cạnh tranh gay gắt. Ngoài ra, sự cạnh tranh, mời kéo nhân viên, biên tập viên giữa các đài cũng diễn ra gay gắt, ông Tần cho biết.
Song, theo ông, những tác động từ áp lực cạnh tranh là tốt, là để cho mình học tập. "Mình cũng phải tự soi mình, xem mình yếu cái gì thì phải cố gắng. Tôi không quá lo lắng áp lực cạnh tranh vì nó như tấm gương phản chiếu lại cho VTC", ông nói.
Kế hoạch Tập đoàn truyền thông còn dang dở
Gần hai năm trước, VTC đặt mục tiêu năm 2010 sẽ trở thành tập đoàn truyền thông đa phương tiện, theo mô hình tương tự các tập đoàn truyền thông thế giới, là sự hội tụ giữa công nghệ và nội dung.
Mục tiêu khi lên tập đoàn là hoạt động theo 5 khối, gồm công nghệ và nội dung số, kinh doanh dịch vụ viễn thông, kinh doanh dịch vụ truyền hình số, truyền thông báo chí và khối sự nghiệp - đào tạo. Đồng thời, VTC sẽ thành lập 3 tổng công ty trực thuộc tập đoàn, trong mỗi tổng công ty lại có hàng chục công ty con.
Sau đó kế hoạch này lại lùi đến quý 3/2011 để chính thức trình đề án thành lập tập đoàn lên Chính phủ. Nhưng đến thời điểm hiện tại, kết quả cũng còn đang dang dở.
Theo ông Tần, việc VTC khó khăn lên tập đoàn là do chưa có sự thống nhất quan điểm khi cho rằng việc lựa chọn truyền hình là lĩnh vực kinh doanh chính và VTC sẽ là cơ quan chủ quản của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, thay vì Bộ Thông tin và Truyền thông chủ quản.
Song, "cái đó cũng chỉ một phần mà lý do chính là thủ tục chậm trễ", ông nói. "Bộ đã xem xét nhiều lần rồi, bây giờ gửi cho các cơ quan bộ ngành liên quan, sau đó Bộ nhận xét rồi trình lên Chính phủ. Nhưng... giờ vẫn chưa có thông tin gì".
Bện cạnh đó, kế hoạch đầu tư vào mạng di động EVN Telecom không thành cũng làm ông Tần day dứt, bởi theo ông, rất khó cho VTC khi không có mạng viễn thông, vì làm truyền hình đa phương tiện mà không có mạng độc lập thì khó làm được.
"Lẽ ra, nếu VTC mua được EVN Telecom thì sẽ có vai trò rất lớn để chúng tôi làm truyền hình đa phương tiện và cũng là một nền tảng để VTC lên tập đoàn", ông nói.
Có lẽ điều khiến người chèo lái "con thuyền" VTC hơn 10 năm qua hài lòng nhất là đã lựa chọn đúng công nghệ và phát triển kịp thời trên thị trường, đưa VTC trở thành đơn vị đi đầu truyền hình số và nội dung số tại Việt Nam.
Dù còn nhiều trăn trở, day dứt, "nhưng biết làm sao, xã hội phân công rồi, đến tuổi nghỉ hưu thì mình phải chấp hành thôi", ông nói.
Ông cho biết sẽ không tiếp tục tham gia tại các tổ chức, hiệp hội. "Có lẽ, tôi về nghỉ ngơi thôi... Bao năm tháng lăn lộn, bây giờ sức khỏe không nhiều nên về nghỉ để thảnh thơi", ông nói.
Ông Thái Minh Tần sinh năm 1950 tại Nghệ An. Ông được đào tạo tại Khoa Vô tuyến (Đại học Bách khoa Hà Nội) và có bằng Tiến sĩ khoa học Kinh tế và Kỹ sư điện tử. Sau khi ra trường, ông được phân công về công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam. Sau một thời gian, ông chuyển sang VTC và đã đưa VTC từ một xí nghiệp làm dịch vụ bảo hành ti vi và các thiết bị truyền hình với vỏn vẹn hơn 30 nhân viên trở thành một tổng công ty Nhà nước đi tiên phong trong cung ứng dịch vụ, ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực viễn thông, CNTT, phát thanh truyền hình. Năm 2006, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động khi đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc VTC. Ông Tần đủ tuổi nghỉ hưu từ ngày 1/1/2010, nhưng xuất phát từ nhu cầu thực tế, Bộ TT&TT đã xin phép và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho kéo dài thời gian công tác của ông Thái Minh Tần đến hết năm 2011. Sau đó, Ban lãnh đạo VTC đã có văn bản đề nghị cho ông Tần được kéo dài thời điểm nghỉ hưu đến hết năm 2015, nhưng không được Bộ TT&TT chấp nhận. Ông Tần sẽ chính thức nghỉ hưu từ ngày 1/1/2012 tới đây. |
Lê Nguyên
Bưu điện văn hóa xã thoái trào
Submitted by nadung on Mon, 26/12/2011 - 09:19Hàng loạt điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế đóng cửa vì doanh thu mỗi tháng chỉ 13.000 - 20.000 đồng. Số còn lại hoạt động cầm chừng và phải bù lỗ do người dân không mặn mà...
Điểm Bưu điện văn hóa xã Thuận Đức, Đồng Hới, Quảng Bình đóng cửa do người dân trong vùng không sử dụng. Ảnh: Minh Phong. |
Đóng cửa nhiều điểm BĐVHX
Đã nhiều tháng nay, BĐVHX Thuận Đức ven đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn (Đồng Hới, Quảng Bình) đóng cửa. Điểm bưu điện trên khi được đưa vào hệ thống BĐVHX hứa hẹn phục vụ khoảng 20.000 dân trong vùng. Nhưng kể từ ngày hoạt động cách đây 6 năm, tháng nào cũng bù lỗ. Người dân không mặn mà với điểm bưu điện này.
Toàn tỉnh Quảng Bình có 91 địa điểm BĐVHX tại 7 huyện, thành phố. Lúc khánh thành, bưu điện tỉnh hy vọng đây là hệ thống kích cầu dân trí bằng báo chí, giao lưu internet... nhưng hiện cả 91 điểm bưu điện này rất khó khăn để hoạt động và đã có 3 địa điểm tại các xã Xuân Ninh (huyện Quảng Ninh), Thuận Đức và Nghĩa Ninh (TP Đồng Hới) đã đóng cửa.
Trong khi đó tại Hà Tĩnh có 231 điểm BĐVHX và hiện có 3 điểm bưu điện Xuân Giang, Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân), Gia Phố (huyện Hương Khê) đã đóng cửa. Hơn 70% điểm thuộc các xã miền núi, vùng sâu vùng xa và đặc biệt khó khăn nhưng không phát huy được công năng.
Từ năm 1998, ngành bưu điện Thừa Thiên - Huế xây dựng 111 điểm BĐVHX, mỗi điểm được đầu tư 100 - 250 triệu đồng. Nhưng thực tế đi vào hoạt động đã thể hiện rõ những bất cập, không phát huy được hiệu quả, trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn là cán bộ phụ trách thiếu chuyên môn nghiệp vụ khiến người dân không mặn mà lui tới. Hiện 5 điểm phải đóng cửa, số còn lại lúc đóng lúc mở không rõ ràng.
Doanh thu... 13.000 đồng/tháng
10 năm trước đây, hoạt động các điểm BĐVHX, phường, thị trấn là một đòn bẩy góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân nhưng mấy năm trở lại đây các điểm BĐVHX ở các tỉnh trên hoạt động chỉ còn mang tính chất phục vụ công ích là chủ yếu hoặc trong tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội". hàng ngày nhân viên chỉ mở cửa vào buổi sáng, còn buổi chiều dành làm công việc khác, vì thực tế dù có mở cửa đúng thời gian quy định cũng có rất ít khách đến giao dịch, mua sim, card điện thoại, còn các bốt điện thoại, internet thì bỏ trống... số lượng người dân đến đọc sách báo, tìm hiểu về chủ trương chính sách từ chỗ bình quân 15 lượt người/ngày/điểm, nay dường như không có người đến.
Bà Đào Thị Thanh Hà, cán bộ Bưu điện Hà Tĩnh cho biết, hiện Hà Tĩnh có hơn 133 điểm BĐVHX đang hoạt động cầm chừng và gần như ngành phải bù lỗ hoàn toàn (trong đó, điểm bù lỗ cao nhất 636.000 đồng/tháng). Điểm có doanh thu cao nhất 5.200.000 đồng/tháng (xã Nga Lộc, huyện Can Lộc) và thấp nhất 13.000 đồng/tháng (xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn).
Theo ông Đoàn Thế Sơn, Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Bình, các bưu điện xã vùng nông thôn, trung du mỗi tháng doanh thu chỉ được 20.000 đồng, thậm chí chưa tới 20.000 đồng/tháng. Không thể tuyển được nhân viên để duy trì hoạt động cũng là một nguyên nhân khách quan dẫn đến phải đóng cửa nhiều điểm như hiện nay.
Tại xã Lộc Bình, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, bưu điện xã này khá hơn một chút là doanh thu mỗi tháng 50.000 đồng, nhưng theo chị Thanh Hương làm việc ở đây cho biết, đang rất chán với công việc. Thi thoảng mới có người đến đọc báo hoặc cùng lắm đến mua cái tem thư bưu chính. Doanh thu điểm BĐVHX Lộc Bình không vượt quá 50.000 đồng/tháng nên tiền trợ cấp cho nhân viên bưu điện chỉ vẻn vẹn 650.000 đồng/tháng (không bảo hiểm y tế, xã hội).
Lãng phí?
Ông Lê Túy, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế, nhìn nhận: ngoài việc không được thường xuyên bổ sung thêm thiết bị viễn thông, nguyên nhân quan trọng khiến BĐVHX không phát huy được tác dụng là do cán bộ phụ trách quá yếu về năng lực chuyên môn. Cụ thể, BĐVHX Lộc Bình có 2 máy vi tính kết nối internet nhưng khi máy tính nhiễm virus, lỗi phầm mềm... nhân viên bưu điện lại không biết sửa chữa nên khách chán nản. Trong khi đó tại Hà Tĩnh, cũng xác định nguyên nhân tương tự. Hiện điện thoại di động, điện thoại để bàn đã phổ cập khắp các làng quê cũng khiến cho bưu điện văn hóa xã không thể cạnh tranh được. Ông Nguyễn Văn Hoàng ở Thuận Đức cho biết: "Nhà có con cái ở xa, hồi chưa có điện thoại di động thì ra bưu điện văn hóa xã đánh điện nói về có việc nhà, giờ có điện thoại rồi thì cần gì ra bưu điện nữa!".
Hiện các điểm bưu điện văn hóa xã tại các địa phương trên chỉ còn trông mong vào ngọn gió mới ở chương trình xây dựng nông thôn mới, vì theo tiêu chí quốc gia về bưu điện, một xã đạt nông thôn mới phải có các cơ sở phục vụ bưu chính, viễn thông như: đại lý bưu điện, kiốt, bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã, thùng thư công cộng và các điểm truy cập dịch vụ bưu chính, viễn thông công cộng khác, phải có internet về đến thôn, điểm cung cấp dịch vụ internet... Tuy nhiên, một chương trình như thế dẫn đến e ngại của dư luận bởi ở nhiều nông thôn, người dân đã kết nối internet, vì vậy việc xây dựng thêm các dịch vụ như thế có lãng phí?
Minh Phong - Văn Thắng - Dương Quang
Theo SGGP
Mỗi nhân viên CMC đạt doanh thu 1.960.000.000 VNĐ
Submitted by nlphuong on Sat, 24/12/2011 - 08:40(ICTPress) - Đây là năm thứ hai liên tiếp, CMC lọt vào trong danh sách này. Năm ngoái, CMC đứng thứ 14 trong Top 20 “Những công ty Việt Nam hoạt động hiệu quả nhất” với tỉ lệ doanh thu/nhân viên là 1.960.000.000 VNĐ.
Đội ngũ của CMC Software |
Profiles International Vietnam vừa công bố Tập đoàn Công nghệ CMC hiện xếp thứ 2 trong Top 10 những công ty Việt Nam hoạt động hiệu quả nhất ngành Phần mềm và CNTT năm 2011.
Kết quả đánh giá được thực hiện bởi Công ty Profiles International thực hiện với 676 công ty đến từ 22 ngành công nghiệp có giao dịch công khai trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Profiles International thực hiện nghiên cứu này nhằm hiểu rõ hơn những yếu tố tác động đến năng suất làm việc của nhân viên trong một tổ chức. Dự án nghiên cứu của Profiles International Việt Nam về “Những công ty Việt Nam hoạt động hiệu quả nhất ” cũng tìm ra những lý do mấu chốt giúp cho các doanh nghiệp này trở thành những công ty hoạt động hiệu quả.
Profiles International cung cấp các giải pháp đánh giá giúp các công ty, tổ chức chọn đúng người phù hợp và phát huy tối đa khả năng của nhân viên. Profiles International đã cung cấp hơn 45 triệu bài đánh giá cho hơn 40,000 tổ chức trên 122 quốc gia.
Đây là năm thứ hai liên tiếp, CMC lọt vào trong danh sách này. Năm ngoái, CMC đứng thứ 14 trong Top 20 “Những công ty Việt Nam hoạt động hiệu quả nhất” với tỉ lệ doanh thu/nhân viên là 1.960.000.000 VNĐ. Đồng thời cũng là công ty duy nhất thuộc nhóm ngành Phần mềm - CNTT có mặt trong Top 20 này.
Theo nghiên cứu "Những công ty Việt Nam hoạt động hiệu quả năm 2011", Profiles International tập trung đặc biệt vào việc phân hạng các công ty hoạt động hiệu quả dựa trên năng suất lao động, trong đó, năng suất lao động được xác định bằng doanh thu tạo ra trên mỗi nhân viên làm việc toàn thời gian theo dữ liệu từ các báo cáo tài chính năm 2010 và chỉ bao gồm các công ty Việt Nam.
CMC nghiên cứu và phát triển các sản phẩm đóng gói trong lĩnh vực quản lý tri thức, bảo hiểm, an toàn an ninh mạng… trong đó eDocman, iLib, IU 3 năm liền nằm trong Top 5 phần mềm Việt Nam doanh số cao. Ngoài ra các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu khác của CMC gồm: giải pháp phần mềm như Filenet-IBM, ERP-SAP, Oracle, Oracle EBS và phần mềm theo yêu cầu trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, hải quan, thuế, chính phủ, giáo dục, viễn thông; Dịch vụ thuê ngoài ITO và BPO cho thị trường Nhật Bản, châu Âu, châu Úc và châu Mỹ…
CMC cho biết để đạt được điều này CMC có các thế mạnh như có đội ngũ nhân viên ổn định, tâm huyết, sáng tạo, am hiểu nghiệp vụ chuyên ngành; Hệ thống các sản phẩm, giải pháp phần mềm mạnh về công nghệ và ứng dụng; Là đối tác công nghệ của Microsoft, IBM, Oracle, SAP…; Tiêu chuẩn CMMI-3, ISO 27001, ISO 9001:2000…; Hàng trăm chứng chỉ quốc tế của Microsoft (MCP, MCAD), IBM (websphere, infosphere, filenet, rational, domino), PCLP, CLS’s, Oracle, SAP, SCJP.
Linh Hoàng
10 sự kiện KH&CN trong nước nổi bật của năm 2011
Submitted by nlphuong on Sat, 24/12/2011 - 00:25(ICTPress) - Câu lạc bộ nhà báo Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam thuộc Hội Nhà báo Việt Nam vừa công bố 10 sự kiện KH&CN trong nước nổi bật của năm 2011.
Cuộc bình chọn do hơn 40 nhà báo thuộc các cơ quan truyền thông đại chúng của trung ương và địa phương viết về lĩnh vực KH&CN bình chọn với mục đích động viên, ghi nhận và tôn vinh những cống hiến của các nhà khoa học, tập thể các nhà khoa học đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm qua.
Dưới đây là 10 sự kiện KH&CN nổi bật nhất năm 2011 trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; cơ chế chính sách; tôn vinh nhà khoa học; hội nhập quốc tế về KH&CN; ứng dụng công nghệ.
1. Đề án “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ”
Ngày 10-10-2011, tại trụ sở Bộ KH&CN đã diễn ra buổi nghiệm thu cấp Nhà nước Đề án “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ”. Đề án do Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê làm chủ nhiệm, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam là cơ quan chủ trì.
Đề án này được triển khai từ cuối năm 2007, nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, quá trình lịch sử và đặc trưng kinh tế, xã hội, văn hóa vùng đất Nam Bộ của Việt Nam từ cội nguồn đến ngày nay.
Kết quả nghiên cứu của Đề án đã xác lập được các vấn đề có tính phương pháp luận trong tiếp cận nghiên cứu vùng đất Nam Bộ; làm rõ được quá trình lịch sử, các đặc trưng kinh tế, xã hội, văn hóa và thiết chế quản lý phục vụ các nhiệm vụ phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng ở vùng đất Nam Bộ; xây dựng cơ sở khoa học, làm rõ và khẳng định cơ sở pháp lý chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở vùng đất Nam Bộ phù hợp với thông lệ quốc tế; bước đầu làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kết quả nghiên cứu đến cán bộ và nhân dân địa phương và nhân dân cả nước.
2. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia
Ngày 5-8, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1000 tỷ đồng được cấp từ ngân sách Nhà nước về hoạt động KH&CN.
Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.
Quỹ được sử dụng đến 50% vốn ngân sách Nhà nước cấp để thực hiện hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn. Sau khi hoàn thành việc xây dựng quy chế hoạt động, Quỹ sẽ tập trung hỗ trợ dưới nhiều hình thức cho các doanh nghiệp KH&CN.
3. Dành kinh phí lớn nhất cho dự án KH&CN
Ngày 24-11, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân công bố Dự án “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng” được đầu tư 145,7 tỷ đồng. Trong đó vốn từ ngân sách 124,8 tỷ đồng, phần còn lại là đóng góp của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn.
Dự án nói trên thiết kế và sản xuất chip xử lý 32 bit theo côn nghệ RFID và UHF thành sản phẩm hàng hóa để ứng dụng trong các lĩnh vực có liên quan đến thông tin cá nhân như chứng minh nhân dân điện tử, thẻ ra vào; kiểm soát chất lượng hàng hóa...
Chủ Dự án là ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, thời gian thực hiện 4 năm.
4. Giáo sư Hoàng Tụy được tặng giải thưởng toán học “Constantin Caratheodory Prize”
Giải thưởng Constantin Caratheodory Prize” được đặt theo tên nhà toán học lừng danh người Hy Lạp (1873-1950) để vinh danh những cống hiến xuất sắc đã được thử thách qua thời gian. Các tiêu chí của giải thưởng bao gồm tính xuất sắc, độc đáo, ý nghĩa, chiều sâu và ảnh hưởng của cống hiến khoa học.
Giải được trao tặng 2 năm một lần cho những cá nhân hay tập thể xuất sắc có cống hiến căn bản cho lý thuyết, lập trình và ứng dụng trong lĩnh vực tối ưu toàn cục, bắt đầu tư năm 2011.
Đại hội thế giới về tối ưu hóa toàn cầu lần thứ hai được tổ chức tại Hy Lạp từ ngày 3 đến 7-7 đã quyết định trao tặng giải thưởng đầu tiên cho Giáo sư Hoàng Tụy, người có đóng góp tiên phong cho tối ưu hóa toàn cục.
Giáo sư Hoàng Tụy sinh năm 1927, là tiến sĩ về toán học, nghiên cứu hàm thực, lý thuyết tối ưu, giải tích lồi, toán kinh tế. Ông được coi là nhà toán học mở đường cho một chuyên ngành toán học mới, là “cha đẻ của tối ưu toàn cục”.
Giáo sư Hoàng Tụy cũng là người gây dựng cơ sở và tổ chức ứng dụng toán học vào quản lý kinh tế ở Việt Nam, đồng thời nghiên cứu và góp sức vào chấn hưng giáo dục và các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một năm 1996, Giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2010.
5. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được khởi động trở lại bởi chính các nhà khoa học Việt Nam
Lần khởi động Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt ngày 30-10 vừa qua được xem là lần quan trọng thứ ba trong lịch sử. Từ thời điểm này, hoạt động của Lò phản ứng được duy trì bằng toàn bộ các bó nhiên liệu độ giàu thấp chứa hàm lượng U-235 dưới 20%.
Sự kiện này đánh dấu một trong những điểm mốc quan trọng trên con đường phát triển của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, đội ngũ vận hành chỉ gồm những kỹ sư Việt Nam đã khởi động thành công lò phản ứng hạt nhân. Đó là một tập thể các nhà khoa học và công nghệ mạnh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở Việt Nam.
6. Việt Nam tổ chức hội nghị Bộ trưởng KH&CN ASEAN
Từ ngày 21 đến 26-11, tại TP. Hồ Chí Minh Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN lần thứ 14 (AMMST-14) và Hội nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN lần thứ 62 (COST-62).
AMMST-14 và COST-62 thảo luận các vấn đề nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác về KH&CN trong khu vực ASEAN hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 dựa trên ba trụ cột: cộng đồng chính trị - an ninh (APSC), cộng đồng kinh tế (AEC) và cộng đồng văn hóa xã hội (ACSC).
7. Hạ thủy giàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên do Việt Nam chế tạo
Ngày 10-9-2011, tại Khu cảng Dầu khí Vùng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức lễ hạ thủy giàn khoan tự nâng 90m nước. Giàn khoan tự nâng 90m nước với trọng lượng 12.000 tấn, chân dài 145m; chiều sâu khoan đến 6,1 km. Giàn khoan chịu sức gió tương đương bão cấp 12, hoạt động tốt trong thời tiết khắc nghiệt. Công trình đã được cơ quan Đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đây là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia lần đầu tiên được thiết kế chi tiết và lắp dựng tại Việt Nam, đưa nước ta trở thành 1 trong 3 nước ở Châu Á và 1 trong 10 nước trên thế giới thiết kế chi tiết và lắp dựng giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn Quốc tế.
8. Máy soi cắt lớp điện toán trong công nghiệp
Các nhà khoa học Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã thiết kế chế tạo thành công máy soi cắt lớp điện toán trong công nghiệp.
Đây là loại máy do các nhà khoa học trong nước viết phần mềm và chế tạo bằng 100% các thiết bị của Việt Nam. Nguyên lý hoạt động của của máy là dùng tia gamma chụp vào lõi các vật thể để xác định cấu tạo bên trong nhằm cho ra những hình ảnh kín của các hiện vật để tìm ra khuyết tật... mà không cần phải mở những thiết bị máy móc hoặc mổ xẻ các hiện vật ra. Mỗi chiếc máy trị giá hơn 8.300 USD.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã quyết định đặt mua sáu máy nói trên và chuyển tới 6 nước (Thái Lan, Philippin, Pakistan, Myanmar, Indonesia, Sri Lanka. Đồng thời giao cho Trung tâm mở lớp chuyển giao công nghệ cho cán bộ kỹ thuật của 6 nước tiếp nhận máy.
9. Vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông hiện đại nhất Đông Nam Á
Dây chuyền có khả năng sản xuất đa chủng loại thiết bị với số lượng lớn. Ảnh: Viettel |
Trung tâm sản xuất Điện tử Viettel vừa chính thức đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông có công nghệ hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Dây chuyền có tổng giá trị đầu tư hơn 200 tỷ đồng, công suất thiết kế đạt tới 5 triệu USB 3G/năm; hoặc 3 triệu máy điện thoại di động/năm; hoặc 900 nghìn máy tính/năm. Chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cao nhất.
Dây chuyền này hoàn toàn do người Việt Nam tự xây dựng cấu hình, lựa chọn, lắp đặt, vận hành các thiết bị hiện đại nhờ tiết kiệm kinh phí đầu tư. Dây chuyền này đi vào hoạt động không chỉ hiện thực hóa chiến lược sản xuấ thiết bị điện tử viễn thông phù hợp với quá trình phát triển thị trường trong và ngoài nước của Viettel mà còn là một thí dụ điển hình về việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho hoạt động chuyển giao công nghệ hiện đại vào sản xuất.
10. Phẫu thuật nội soi cắt khối tá - tụy tại Bệnh viện 103
Tháng 10-2011, các bác sĩ Khoa Ngoại bụng (B2) - Viện Quân y 103 (Hà Nội) đã phẫu thuật nội soi thành công cắt khối tá - tụy. Đây là loại phẫu thuật khó nhất, phức tạp nhất, là kỹ thuật đỉnh cao trong các phẫu thuật ổ bụng. Trong quá trình phẫu thuật chi cần sơ suất nhỏ có thể gây tổn thương các nội tạng khác, làm rách, đứt các mạch máu lớn dẫn tới chảy máu ngập tràn ổ bụng, phải chuyển mở bụng khẩn cấp hoặc đe dọa tử vong ngay trên bàn mổ. Cắt bỏ khối tá - tụy bằng phẫu thuật nội soi đòi hỏi ở phẫu thuật viên những kinh nghiệm, kỹ năng thực hành tốt và chiến thuật xử lý rất tinh tế.
Thành công của ca phẫu thuật đã mở ra một hướng nghiên cứu mới rất khả quan, không chỉ để chứng minh cho tính hiệu quả và an toàn của phẫu thuật nội soi ổ bụng mà còn mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi của phương pháp nói trên, kể cả đối với những trường hợp bệnh lý phức tạp.
LH
ĐTDĐ "tấn công" vào ngành nhiếp ảnh
Submitted by nadung on Fri, 23/12/2011 - 11:38(ICTPress) - Trên 1/4 số ảnh và video tại Mỹ giờ đây được thực hiện bằng điện thoại di động - khảo sát được thực hiện trực tuyến với 3.300 người sử dụng Internet từ 13 tuổi trở lên.
Các số liệu kinh doanh cũng cho thấy smartphone đang dần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thay cho phân khúc máy ảnh du lịch (point-and-shoot) và camera cấp thấp.
Smartphone đang thay thế máy ảnh point-and-shoot và camera trong nhiều hoàn cảnh, đặc biệt là với các sự việc mang tính khoảnh khắc. Ảnh minh họa. |
Khảo sát được thực hiện bởi NPD Group cho thấy, tỷ lệ số ảnh chụp bằng smartphone đã tăng từ 17% lên 27%, tương ứng với mức tăng trưởng 44% so với năm trước. Trong khi đó doanh số của máy ảnh du lịch giảm 17% về số lượng và 18% về doanh thu trong 11 tháng đầu năm 2011. Số lượng máy quay phim bỏ túi bán ra cũng giảm 13%, tương ứng mức giảm 10% doanh thu.
Các dòng máy cao cấp có kết quả khả quan hơn: doanh số máy ảnh với ống kính có thể tháo lắp (giá trung bình 863 USD) tăng 12%, trong khi máy ảnh point-and-shoot với zoom quang học 10x trở lên (giá trung bình 247 USD) đạt mức tăng 16%.
Liz Cutting, Giám đốc Điều hành và là nhà phân tích cấp cao ngành ảnh tại NPD, cho biết smartphone đang thay thế máy ảnh point-and-shoot và camera trong nhiều hoàn cảnh, đặc biệt là với các sự việc mang tính khoảnh khắc. Tuy thế, trong các sự kiện quan trọng, máy ảnh và camera chuyên dụng vẫn là thiết bị được ưa chuộng.
Một đại diện của trang chia sẻ ảnh Flickr cũng cho biết lưu lượng truy cập phiên bản website dành cho ĐTDĐ của họ đã tăng gấp đôi trong năm qua, đồng thời, số lượng ảnh tải lên từ thiết bị di động cũng tăng tới 8 lần trong vòng 2 năm.
Bảo Lê
(Theo Mashable)
Điều gì sẽ không xảy ra trong năm 2012
Submitted by nlphuong on Fri, 23/12/2011 - 06:58(ICTPress) - Hãng nghiên cứu ABI (ABI Research), một công ty nghiên cứu thị trường chuyên về kết nối toàn cầu và công nghệ mới nổi, đã lại một lần nữa đưa ra những dự báo “Những điều gì không xảy ra” (What’s NOT Going to Happen).
Ảnh minh họa |
Sau đây là những dự báo KHÔNG xảy ra trong năm 2012:
LTE, Wimax, TD-LTE, và VoLTE
- LTE sẽ KHÔNG là giao diện vô tuyến hàng đầu cho các thiết bị di động của khách hàng vào năm 2012.
- Thoại qua LTE (Voice over LTE - VoLTE) sẽ KHÔNG cất cánh.
- TD-LTE sẽ KHÔNG xâm chiếm ở các thị trường Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2012.
Điện thoại thông minh (smartphone), thiết bị di động, và máy tính bảng
- Mọi thứ đang nóng lên giữa các nhà sản xuất máy cầm tay ở Ấn Độ. KHÔNG phải tất cả các nhà sản xuất máy cầm tay chi phí thấp sẽ tồn tại được ở một nơi phức tạp như thị trường di động Ấn Độ
- Sẽ KHÔNG có điện thoại thông minh “dễ vỡ” trong năm 2012
- Mặc dù có những chiếc điện thoại thông minh Android và sự hồi sinh của Windows, Apple sẽ vẫn giữ tay trên trong các thỏa thuận của nhà khai thác.
- RIM sẽ KHÔNG nằm ngoài việc kinh doanh máy tính bảng trong năm 2012
- Các máy tính bảng truyền thông sẽ KHÔNG là một giải pháp thị trường rộng lớn cho năm 2012 mặc dù có một năm 2011 quảng cáo web
Các dịch vụ dịch vụ, ứng dụng di động, và các nhà khai thác
- Thế giới sẽ KHÔNG phụ thuộc vào điện thoại di động để truy cập Internet trong năm 2012
- HTML5 sẽ KHÔNG thắng trong các ứng dụng di động
Vị trí, quảng cáo, và vị trí trong nhà
- Quảng cáo dựa trên vị trí sẽ tiếp tục đóng vai trò phụ thuộc để làm giàu có truyền thông trong năm 2012
- Vị trí trong nhà sẽ KHÔNG trở thành điều cũ trong năm 2012
- Wii U sẽ KHÔNG sao chép sự biến đổi của Wii nguyên gốc và Microsoft sẽ KHÔNG tung ra Xbox tiếp theo (sẽ không thể là một Sony PS4).
- Năm 2012 sẽ KHÔNG phải là năm 3D chiếm lĩnh thế giới
- Trong năm 2012, các dịch vụ video theo yêu cầu (VoD) sẽ tiếp tục thống trị các dịch vụ OTT, KHÔNG phải luồng OTT hoặc khái niệm nhà khai thác cáp ảo.
- Thị trường cáp tới tận hộ gia đình (FTTH) của Ấn Độ sẽ KHÔNG đáng kể trong năm 2012.
M2M, các hệ thống tự động hóa gia đình, các thành phố thông minh, và các mạng cảm biến không dây
- Với thị trường nhà cửa vẫn không ổn định, thị trường tự động hóa gia đình mới thiết lập sẽ KHÔNG bắt đầu thống trị thị trường trang bị mới năm 2012.
- Giao thức WSN mới của Google cho tự động hóa gia đình sẽ KHÔNG đạt động lực trong năm 2012.
- Mặc dù có những quan tâm tới triển vọng của các dự án thành phố thông minh, ABI Research tin rằng thành phố thông minh đang vận hành các hệ thống sẽ KHÔNG cách mạng hóa các thành phố này trong năm 2012.
- Công tác tiêu chuẩn hóa lưới thông minh sẽ KHÔNG hoàn thành trong năm 2012.
Bluetooth năng lượng thấp, Wi-Fi, và chipset combo
- Bluetooth năng lượng thấp (BLE) và Wi-Fi sẽ nguồn thấp sẽ KHÔNG chứng kiến sự chấp nhận diện rộng ở các phương pháp thông minh trong năm 2012.
- Bluetooth Smart sẽ KHÔNG thay thế việc cung cấp ưu tiên trên thị trường kết nối thiết bị phù hợp trong năm 2012.
- Các IC combo sẽ KHÔNG thống trị thế giới kết nối vô tuyến trong năm 2012.
- Động lực Wi-Fi nhà khai thác sẽ không ngừng do sự chấp thuận LTE tăng lên.
Ô tô kết nối, các phương tiện lai ghép và chạy bằng điện
- Ô tô kết nối sẽ xuất hiện trong năm 2012 nhưng KHÔNG theo cách chúng ta mong đợi và sẽ KHÔNG phải là năm cho những thay đổi trên thị trường ô tô.
- Không nên trông đợi bất cứ di chuyển lớn nào trên thị trường xe điện và lai ghép trong năm 2012
NFC và các thanh toán
- Google và Isis sẽ KHÔNG hợp tác và chia sẻ các nền tảng mở để thúc đẩy các thanh toán giao tiếp khoảng cách gần (Near Field Communications - NFC) trong năm 2012
- Mỹ sẽ KHÔNG bắt đầu chuyển đổi trên toàn quốc sang chuẩn EMV, chuẩn thẻ thanh toán thông minh do 3 liên minh thẻ lớn nhất thế giới là Europay, Master Card và Visa đưa ra trong năm 2012.
Quang Minh
Thư gửi ông già Noel đạt đỉnh
Submitted by nlphuong on Thu, 22/12/2011 - 06:54(ICTPress) - Sắp đến ngày Noel, nhân viên Bưu chính trên toàn thế giới đang chạy đua với thời gian để trả lời nhiều thư của trẻ em gửi đến mong nhận được thư hồi âm của ông già Noel.
Những nhân viên bưu chính Pháp La Poste đang giúp ông già Noel trả lời thư của các em gửi đến từ khắp nơi trên thế giới |
Ở Lapland, Phần Lan, có bưu cục chính thức của ông già Noel, cách phía Bắc Rovaniemi 8 km, một thị trấn với số dân 35.000 người ở Bắc cực. Hàng năm, những người giúp đỡ ông già Noel đã trả lời tới 700.000 thư các em từ 198 quốc gia gửi đến.
Công ty Bưu chính Pháp La Poste đã thiết lập văn phòng của ông già Noel ở Libourne. Hàng năm, ông già Noel đến thăm trung tâm này để gặp gỡ hàng ngàn học sinh.
Khách viếng thăm cũng có thể xem 25 trong số những chú lùn của ông già Noel đang làm việc để đi gửi khoảng 1,6 triệu tấm bưu thiếp đến những em học sinh viết thư. Họ cũng trả lời khoảng 160.000 thư điện tử.
Ba mươi năm trước, Bưu chính Canada (Canada Post) cũng đã tạo ra một địa chỉ đặc biệt cho ông già Noel với mã bưu chính riêng là: Santa Claus, North Pole H0H 0H0, Canada.
Ba thập kỷ sau, ông già Noel vẫn tiếp tục nhận được 1 triệu lá thư gửi tới địa chỉ này, mã số bưu chính “H0H 0H0” làm liên tưởng đến “Ho,ho,ho”, nụ cười rất đặc trưng của ông già Noel.
Năm nay ông già Noel đã đọc một vài thư trực tuyến (canadapost.ca/santascorner) trong số hàng ngàn thư đã được gửi tới bưu cục này mỗi ngày.
Dự tính ông già Noel ở bưu cục này sẽ nhận được lá thư thứ 20 triệu sau 30 năm hoạt động. Để giúp ông già Noel quản lý 1,25 triệu thư nhận được năm nay, đã có khoảng 9000 tình nguyện viên bưu chính đã làm việc nỗ lực để chuyển phát thiệp chúc mừng trước ngày Giáng sinh.
Ở Đức, bưu cục chính của ông già Noel là ở thành phố Himmelpfort, có nghĩa là “cổng tới thiên đàng”. Ông già Noel nhận được khoảng 300.000 thư bằng 17 thứ tiếng tại địa chỉ này mỗi năm.
Phần lớn những lá thư ông già Noel được gửi tới Bắc Cực, Greenland, Phần Lan hoặc Lapland.
Mai Anh
Theo UPU, Canada Post
FPT sẽ chi trên 100 tỷ đồng cho R&D năm 2012
Submitted by nadung on Tue, 20/12/2011 - 11:37(ICTPress) - FPT sắp ban hành quy chế đầu tư cho phép Tập đoàn này dành 5% lợi nhuận trước thuế năm liền trước để chi cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Trả lời Hãng tin tài chính Bloomberg cách đây ít ngày, Tổng Giám đốc FPT Trương Đình Anh cho biết, lợi nhuận trước thuế của toàn Tập đoàn này năm 2011 ước đạt 2.570 tỷ đồng. Như vậy, với ngân sách 5% lợi nhuận trước thuế, FPT sẽ có khoảng 128 tỷ đồng cho R&D trong năm 2012.
Các cán bộ Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT nghiên cứu chế tạo vệ tinh nhân tạo. Ảnh: FPT. |
FPT cho biết, với quy chế này, các dự án R&D sẽ không phải chia sẻ quỹ lương thưởng từ bộ phận kinh doanh như trước đây, mà được Tập đoàn hỗ trợ 100% kinh phí. Song, các đơn vị phải bảo vệ được kế hoạch đầu tư cho hoạt động R&D của đơn vị mình cùng đợt bảo vệ kế hoạch kinh doanh.
Thực tế, FPT đang tồn tại không ít bộ phận R&D trực thuộc các công ty con, như Trung tâm R&D thuộc FPT Telecom, Công ty Nghiên cứu Phát triển phần mềm FPT thuộc FPT Software, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT thuộc ĐH FPT,...
Tuy thế, công tác nghiên cứu và phát triển chưa được Tập đoàn này đầu tư xứng tầm và có bài bản. Ngay như Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT (thuộc ĐH FPT) thành lập năm 2010 - khi đó được FPT coi là bước tiến quan trọng sau hơn 20 năm phát triển của tập đoàn - cũng chỉ nhận được khoản ngân sách 3,5 tỷ đồng cho năm đầu tiên hoạt động.
Việc ban hành quy chế riêng cho R&D cùng khoản ngân sách lớn có thể xem như hành động quyết liệt của FPT trước thách thức không hoàn thành mục tiêu ngay từ Giai đoạn 1 của chiến lược dài hơi OneFPT kéo dài 13 năm.
FPT muốn đạt lợi nhuận tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2011-2014, song mới đây Tổng Giám đốc Trương Đình Anh cho biết Tập đoàn này sẽ không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 30% cho năm 2011. Năm 2012, FPT đang cân nhắc đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức thấp hơn, khoảng 25%.
Lê Nguyên
IBM công bố 5 sáng tạo làm thay đổi cuộc sống trong 5 năm tới
Submitted by nlphuong on Tue, 20/12/2011 - 10:47(ICTPress) - Hãng máy tính IBM ngày 19/12 đã công bố danh sách “5 sáng tạo làm thay đổi cuộc sống trong 5 năm tới” hay còn gọi “5 trong 5” (IBM Five in Five) lần thứ 6. Đây là một danh sách các sáng tạo có tiềm năng làm thay đổi cuộc sống hàng ngày của nhiều người trong 5 năm tới.
Big Blue cho biết danh sách “5 trong 5” này được dựa trên các xu hướng thị trường và xã hội cũng như các công nghệ từ phòng lab của IBM.
Một số trong 5 sáng tạo khả thi có vẻ hơi tưởng tượng chẳng hạn như “bạn có thể cấp nguồn cho ngôi nhà của bạn bằng năng lượng bạn tự sáng tạo ra”. IBM cho biết những tiến bộ trong công nghệ năng lượng tái chế sẽ cho phép con người lấy năng lượng động lực từ bất cứ thứ gì mà di chuyển hoặc sản xuất ra nhiệt, như đi bộ, chạy bộ, đạp xe và nhiệt từ máy tính tỏa ra”.
Một mật khẩu sẽ không cần thiết vì có dữ liệu sinh trắc học, chẳng hạn như các định dạng khuôn mặt, quét võng mạc và các tệp giọng nói, sẽ được xử lý nhờ phần mềm để xây dựng một mật khẩu trực tuyến DNA duy nhất.
Đọc được ý nghĩ của người khác sẽ không còn là chuyện xa vời khi các nhà khoa học trong lĩnh vực tin y sinh đã thiết kế ra các thiết bị cũng với các bộ cảm biến tiên tiến để đọc được hoạt động điện từ của não, có thể nhận dạng vẻ mặt, sự hứng khởi và các cấp độ tập trung, và các suy nghĩ của một con người mà không cần phải bất cứ hoạt động chân tay nào. Ứng dụng này chủ yếu cho lĩnh vực game và giải trí, cũng như nghiên cứu y tế, IBM cho biết.
Thư đã được chuẩn bị trước để gửi cho nhiều người (junk mail) sẽ trở thành thư ưu tiên khi các quảng cáo tự nguyện sẽ được cá thể hóa và phù hợp trong 5 năm tới. IBM cho biết hãng này đang phát triển công nghệ sử dụng các phân tích thời gian thực để tạo nên ý nghĩa và tích hợp dữ liệu từ tất cả các mặt của cuộc sống như các mạng xã hội và các ưa thích trực tuyến để trình bày và khuyến nghị thông tin có ích duy nhất với bạn.
IBM cũng cho biết khoảng cách số sẽ chấm dứt do những tiến bộ trong công nghệ di động.
IBM cho biết danh sách “5 trong 5” đã đạt một kỷ lục thành công. Năm 2008, IBM dự báo là khách hàng sẽ có thể đàm thoại trên web và web sẽ phản hồi trong 5 năm. Năm 2011, ứng dụng hỗ trợ thông minh nhân tạo của Apple là Siri hay còn gọi là “trợ lý” Siri đã được được mục tiêu này trên iPhone 4S.
Mai Anh
Theo livescience, sciencenewsdaily
2012 : Viễn thông ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương sẽ diễn ra như thế nào?
Submitted by nlphuong on Thu, 15/12/2011 - 21:20(ICTPress) - Những dự báo về năm 2012 gồm nhiều dự báo trong đó có những thông tin chiều sâu phân tích đối với cơ hội kinh doanh và và những mô hình kinh doanh mới xuyên suốt giữa ngành viễn thông và các ngành công nghiệp khác.
Ảnh minh họa |
Dự báo Viễn thông Đông Nam Á và Châu Đại Dương sẽ diễn ra như thế nào trong năm 2012, ông Arun Bansal, Phụ trách Ericsson khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương chia sẻ những nhận định về xu thế chính của ngành viễn thông trên thị trường, cho biết: "Dựa trên kinh nghiệm triển khai mạng toàn khu vực, những nghiên cứu trên toàn cầu, những phân tích nội bộ và những nguồn tham khảo khách quan, chúng tôi xác định 10 xu hướng chính trong năm 2012 đối với thiết bị, hệ thống mạng viễn thông và các ứng dụng."
1. Các nhà mạng cần áp dụng mô hình kinh doanh băng rộng di động mới để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận. Những mô hình kinh doanh truyền thống dựa trên mức giá, tốc độ, dung lượng đã trở nên bớt đi hiệu quả. Ngành viễn thông sẽ học cách áp dụng những mô hình thương mại thành công mà các ngành khác như tài chính và hàng không.
2. Các nhà mạng sẽ cung cấp nhiều hơn các dịch vụ điện toán đám mây. Các nhà mạng sẽ tận dụng lợi thế và ưu việt của mình trong lĩnh vực quản lý vận hành mạng để tạo nên những sản phẩm điện toán đám mây hiệu quả. Các nhà mạng viễn thông có 3 vai trò chính là quản lý việc kết nối điện toán đám mây, cung cấp các tính năng trên nền tảng điện toán đám mây và quan trọng nhất là phát huy các cơ sở hạ tầng mạng hiện có để đảm bảo các dịch vụ liên quan đến điện toán đám mây được cung cấp tốt.
3. Sự hợp tác trong các dịch vụ hội tụ: cuộc tranh luận về việc cung cấp nội dung trên các loại màn hình giữa các nhà mạng viễn thông và các nhà cung cấp dịch vụ trên nền mạng viễn thông (Over-the-top - OTT) sẽ tiếp tục diễn ra nhưng sẽ xuất hiện một cách thức hợp tác để phát huy tối đa các tính năng của mạng nhằm tối ưu hóa các trải nghiệm về hình ảnh và tích hợp các yếu tố về dịch vụ của mạng để người sử dụng được hưởng những trải nghiệm tốt hơn. Các giải pháp theo yêu cầu và dịch vụ về tivi sẽ ngày càng trở nên quan trọng đối với các tổ chức kinh doanh về truyền thông và truyền hình bởi thói quen xem của người tiêu dùng thay đổi, tạo nên mong muốn được xem truyền hình mọi lúc mọi nơi, trên mọi loại thiết bị.
4. Sự tăng trưởng của các loại thiết bị tích hợp sẵn tính năng kết nối băng rộng di động: Với sự đóng góp ngày càng lớn của CNTT trong việc nâng cao hiệu quả và hiệu suất, các loại thiết bị chính sẽ tích hợp sẵn tính năng kết nối băng rộng di động vào năm 2012 sẽ gồm máy tính cá nhân, camera, thiết bị đọc sách điện tử, các thiết bị thu phát sóng di động và cố định, các thiết bị chăm sóc sức khỏe từ xa và các ứng dụng đo lường thông minh.
5. Sự bùng nổ của máy tính bảng và điện thoại thông minh (Smartphone): Số lượng máy tính bảng dự kiến sẽ tăng 10 lần trong vòng 5 năm tới. Sự tăng trưởng về máy tính bảng và smartphone sẽ tạo nên sức ép đối với các hệ thống mạng để đáp ứng các tính năng của các thiết bị này.
6. LTE sẽ ngày càng mở rộng: Các nhà mạng sẽ tiếp tục triển khai LTE nhằm hai mục đích, thứ nhất là các mức dịch vụ khác nhau cho người sử dụng và coi đó là phương thức hiệu quả về chi phí nhằm đáp ứng sẵn sàng trước sự tăng trưởng dữ liệu.
7. Tăng trưởng về sự ứng dụng HetNets: Năm 2012 sẽ cho thấy sự phổ biến của mạng HetNet - nhằm giảm tình trạng nghẽn mạng di động, tăng cường vùng phủ sóng và chất lượng mạng.
8. Dịch vụ thoại di động sẽ được thực hiện trên LTE - Các nhà mạng cung cấp LTE sẽ cung cấp các loại điện thoại smartphone hỗ trợ thoại qua LTE (VoLTE). VoLTE cung cấp các dịch vụ thoại qua IP chất lượng cao, lần đầu tiên tạo nên sự hội tụ thực sự giữa cố định và di động. Các cuộc gọi có thể chuyển đổi dễ dàng giữa các nền tảng - từ máy tính cá nhân tới điện thoại di động và điện thoại cố định.
9. Các nhà mạng viễn thông đóng vai trò quan trọng trong dịch vụ thanh toán qua di động: Thị phần của mảng dịch vụ này sẽ được phân chia giữa các nhà mạng viễn thông, nhà cung cấp thiết bị đầu cuối, các nhà cung cấp hệ thống điều hành, ngân hàng, các công ty phát hành thẻ tín dụng cũng như các công ty cung cấp nền tảng thanh toán ngân hàng
10. Các ngành tiện ích khác sẽ đi theo mô hình tiên phong của ngành điện trong việc áp ứng dụng LTE để đáp ứng nhu cầu kết nối di động: Chuẩn công nghệ 3GPP cho HSPA+ và giờ là mạng LTE vốn đã khiến công nghệ di động nổi trội trên thị trường toàn cầu, đảm bảo rằng giải pháp này sẽ mang lại chi phí thấp nhất và là sự lựa chọn tương lai không chỉ cho các nhà mạng di động mà còn cho các ngành công nghiệp khác.
Trong số 10 xu thế này, Ericsson nhận định ba lĩnh vực mang tính nổi bật nhất là sự chuyển đổi cần thiết về mô hình kinh doanh băng rộng di động, sự tăng trưởng về các dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây và sự phối hợp ngày càng phổ biến giữa các nhà mạng viễn thông và các công ty chuyên cung cấp ứng dụng dựa trên nền tảng viễn thông.
“Phân tích những thách thức mà nhiều nhà mạng phải đối diện do lưu lượng dữ liệu tăng nhanh hơn so với mức tăng trưởng về doanh thu, Ericsson cho rằng các nhà mạng băng rộng di động cần phải áp dụng những mô hình kinh doanh mới để duy trì sự tăng trưởng bởi các thị trường ngày càng định hình rõ ràng và sự khác biệt giữa các đối thủ cạnh tranh ngày càng thu hẹp”, ông Bansal giải thích.
“Trong vòng 12 tháng tới, các nhà mạng băng rộng di động sẽ áp dụng những mô hình kinh doanh thành công mà các ngành như hàng không, tài chính đang thực hiện, nhằm đảm bảo yếu tố gắn kết, xây dựng những cách thức và dịch vụ phù hợp với từng đối tượng sử dụng, đồng thời thiết lập nên những dịch vụ dành riêng cho đối tượng doanh nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.”
Đồng thời, các nhà mạng cần có biện pháp hiệu quả trước sự tăng trưởng nhanh chóng của các thiết bị thông minh đang tạo ra nhu cầu ngày càng cao đối với hệ thống mạng. “Các nhà mạng đã hiện đại hóa mạng lên 3G/HSPA và LTE sẽ thu được lợi ích từ việc cung cấp dữ liệu với chi phí hợp lý và từ khả năng đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.”
Vì tốc độ băng rộng ngày càng cao sẽ góp phần giải quyết tình trạng nghẽn mạng, Ericsson cũng dự đoán rằng các dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây do các nhà mạng viễn thông cũng như các công ty CNTT cung cấp sẽ ngày càng tăng trưởng. Các nhà mạng viễn thông có thể phát huy ưu thế và điểm mạnh trong lĩnh vực quản lý vận hành mạng để tạo nên những dịch vụ điện toán đám mây ưu việt và tạo ra những cơ hội hợp tác với các ngành công nghiệp khác.
Ông Bansal cho biết: "Các nhà mạng viễn thông có rất nhiều cơ hội để thương mại hóa các ứng dụng điện toán đám mây và mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các thị trường truyền thống bằng cách thống nhất cách tính giá cước với các nhà cung cấp dịch vụ dựa trên hệ thống mạng di động (over-the-top) hoặc đóng vai trò mở ra các phân khúc thị trường mới như tạo nền tảng kết nối thiết bị - thiết bị (M2M) trên nền điện toán đám mây phục vụ cho các ngành công nghiệp chủ chốt khác."
“Sau năm 2012, khi các dịch vụ chuyển sang xu thế điện toán đám mây, việc cung cấp các dịch vụ truy cập có tính an toàn và đáng tin cậy các nhà mạng là rất quan trọng, đồng thời phải đảm bảo dịch vụ vận hành liên tục dù hoạt động trên nền tảng di động hay cố định".
Trong lĩnh vực ứng dụng, năm 2012 sẽ chứng kiến các nhà mạng đã triển khai LTE sẽ cung cấp các loại smartphone đáp ứng tính năng thoại qua LTE. Các cuộc gọi có thể thực hiện và chuyển đổi dễ dàng giữa các nền tảng - từ máy tính cá nhân tới điện thoại di động và cố định.
Đối với lĩnh vực thanh toán qua di động, Ericsson đánh giá sự hợp tác với các nhà mạng viễn thông là yếu tố mang lại thành công cho các ứng dụng thanh toán qua di động. Ngoài những lợi thế về hệ thống mạng, các nhà mạng còn sở hữu các kênh cung cấp thiết bị đầu cuối, hệ thống tính cước tin cậy và mối quan hệ khách hàng, hồ sơ về người dùng được bảo mật, thông tin về địa điểm mà có thể sử dụng nhằm đảm bảo tính an toàn cho việc thanh toán điện tử.
Đối với các ngành công nghiệp khác, sự xuất hiện của LTE là chuẩn 4G sẽ tạo nên tính hấp dẫn hơn khi đóng vai trò thay thế cho các công nghệ và giải pháp hiện đang dùng trong ngành an ninh công công và các dịch vụ tiện ích. Ericsson cũng dự đoán rằng các lĩnh vực dịch vụ tiện ích như cung câp gas và nước sẽ đi theo mô hình của các nhà cung cấp dịch vụ điện bằng cách sử dụng LTE trong các lĩnh vực cần kết nối di động, hoặc hợp tác với các nhà mạng di động hoặc đầu tư vào chính cơ sở hạ tầng của họ.
Ericsson cũng cho rằng nhu cầu tiêu dùng nói chung và cụ thể trong lĩnh vực thiết bị điện tử tiêu dùng vốn chi phối bởi lợi nhuận từ quy mô lớn, sẽ ngày càng phổ biến việc cài đặt tính năng kết nối băng rộng di động vào các loại thiết bị sử dụng. Điều này tạo nên sự phổ biến và tính đồng bộ của băng rộng tương tác giữa 4G và 3G. Tính năng kết nối băng rộng sẵn có vào các thiết bị không chỉ giới hạn ở lĩnh vực LTE.
Trong thực tế, rất nhiều ứng dụng kết nối thiết bị - thiết bị (M2M) hoạt động trên cả nền tảng GSM và EDGE, với những ứng dụng yêu cầu sử dụng nhiều dữ liệu của WCDMA và HSPA. Các nhà mạng cần xem xét đến các mô hình kết nối di động dành cho nhiều loại phương tiện và tìm kiếm cơ hội hợp tác chặt chẽ với các ngành công nghiệp khác có nhu cầu ứng dụng băng rộng di động để hiệu quả hóa việc kinh doanh và vận hành của họ.
Ericsson hy vọng việc cung cấp những dự báo về năm 2012 gồm nhiều dự báo trong đó có những thông tin chiều sâu phân tích đối với cơ hội kinh doanh và và những mô hình kinh doanh mới xuyên suốt giữa ngành viễn thông và các ngành công nghiệp khác sẽ góp phần vào cuộc thảo luận đối với những xu hướng về CNTT-TT và những lợi ích của nó với cộng đồng.
LH