Ra mắt giải pháp hội nghị trực tuyến Việt Nam bảo đảm an toàn, bảo mật

Liên minh giải pháp hội nghị trực tuyến có tên CoMeet gồm 6 thành viên: CMC TS, NetNam, iWay, Cyradar, FDS, DQN đã ra mắt hôm nay 29/5.

Tại lễ khai trương giải pháp hội nghị trực tuyến do Liên minh CoMeet cung cấp, đại diện Liên minh đã thực hiện kết nối 7 đầu cầu tại các địa điểm trên 2 miền Nam, Bắc dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng. Tham dự sự kiện có nhiều Bộ, ngành, cơ quan nhà nước.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng và các đại biểu nhấn nút ra mắt Liên minh

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết: Sau bước đầu thâm nhập thị trường nhờ "cú huých" đến từ dịch bệnh Covid-19, các giải pháp về hội nghị trực tuyến sẽ tăng trưởng mạnh do người dùng đã hình thành thói quen học tập, làm việc mới. Các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, xây dựng và phát triển giải pháp để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Để định hướng phát triển cho thị trường hội nghị truyền hình trực tuyến tại Việt Nam, Bộ TT&TT xác định 02 xu hướng chủ đạo chính:

Một là giải pháp do DN Việt Nam tự xây dựng, phát triển: Nền tảng hội nghị trực tuyến Zavi vừa được Bộ TT&TT ra mắt ngày 15/5/2020 được phát triển theo hướng này.

Hai là giải pháp phát triển sử dụng mã nguồn mở: Giải pháp hội nghị trực tuyến CoMeet ra mắt là một điển hình tiêu biểu cho việc sử dụng mã nguồn mở, làm chủ công nghệ để triển khai giải pháp, cung cấp dịch vụ cho các DN, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: Các giải pháp về hội nghị trực tuyến sẽ tăng trưởng mạnh do người dùng đã hình thành thói quen học tập, làm việc mới

Thứ trưởng khẳng định: "Với sự đoàn kết, nhất trí, các DN Việt Nam sẽ sáng tạo ra càng nhiều dịch vụ, sản phẩm Make in Vietnam đạt chuẩn quốc tế, đóng góp vào sự nghiệp tự chủ công nghệ, giảm phụ thuộc các nền tảng nước ngoài, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia".

Thứ trưởng hoan nghênh giải pháp hội nghị trực tuyến của Liên minh CoMeet và kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN có nhu cầu hội họp trực tuyến sẽ ưu tiên lựa chọn, sử dụng các giải pháp, dịch vụ do DN Việt Nam cung cấp.

"Sự ủng hộ của khách hàng trong nước sẽ giúp các DN công nghệ số mau chóng chiếm lĩnh thị trường, tạo nền tảng hoàn thiện, củng cố, phát triển sản phẩm, tiến tới vươn ra thị trường quốc tế, nâng cao năng lực của của doanh nghiệp trong nước nói chung, thực hiện khát vọng Vì một Việt Nam hùng cường", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng đặt ra vấn đề cho Liên minh là tại sao các phần mềm họp trực tuyến của nước ngoài được sử dụng một cách rộng rãi và tại sao năng lực của các công ty trong nước có nhưng chưa tạo ra được những sản phẩm mà thị trường chấp nhận.

Theo đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan, Cục Tin học hóa phân tích xem yếu tố gì quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng đối với các sản phẩm phần mềm bên cạnh yếu tố chất lượng. Thứ trưởng mong muốn CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) phát huy vai trò của các thành viên, thúc đẩy PMNM thông qua các sản phẩm được người dùng trong nước tin cậy.

Giải pháp đáp ứng các yêu cầu trong nước

Giới thiệu về Liên minh, ông Nguyễn Kim Cương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty giải pháp công nghệ CMC TS, cho biết: Liên minh CoMeet đã đưa dịch vụ ra thị trường bằng một mô hình hợp tác kinh doanh mới: Từ thế mạnh của từng thành viên, các công ty hợp lực cung cấp giải pháp, dịch vụ hội nghị trực tuyến trên nền phần mềm nguồn mở, nhờ đó mang lại giải pháp hội nghị trực tuyến toàn diện, riêng tư, tích hợp linh hoạt cho các tổ chức, dùng Internet trong nước, đảm bảo an toàn và bảo mật.

Ông Nguyễn Kim Cương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty giải pháp công nghệ CMC TS

Dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT và sự đồng hành của Cục Tin học hóa cùng VFOSSA, giải pháp hội nghị trực tuyến CoMeet đã chính thức được Liên minh đưa vào hoạt động, kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng các công cụ làm việc online trong đợt giãn cách xã hội do ảnh hưởng đại dịch toàn cầu Covid-19.

Các tính năng đáng chú ý của giải pháp bao gồm: tổ chức hội họp trực tuyến, không hạn chế số điểm tham gia, chia sẻ màn hình của tất cả các thành viên theo điều phối của người quản trị, trò chuyện riêng qua tính năng chat, ghi lại nội dung cuộc họp…

Đặc biệt hơn, người dùng có thể yên tâm về tính an toàn, bảo mật nhờ mã hóa dữ liệu và chế độ kiểm soát thành viên tham gia họp và không phụ thuộc đường truyền quốc tế. Hiện nay, người dùng có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ trên tất cả các nền tảng MS Windows, MAC OS, iOS, Android.

Chi phí các gói giải pháp dành cho tổ chức, DN ước tính từ 349 triệu đồng cho một lần triển khai, việc bảo trì, cập nhật nâng cấp phiên bản, hỗ trợ kỹ thuật trong 1 năm đầu tiên. Các năm sau chỉ phát sinh chi phí dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật nếu cần, không có chi phí bản quyền phần mềm.

Người dùng có thể tìm kiếm thêm thông tin về Liên minh CoMeet cũng như các giải pháp tại website chính thức: https://comeet.vn/.

Lan Phương/ictvietnam.vn

http://ictvietnam.vn/ra-mat-giai-phap-hoi-nghi-truc-tuyen-viet-nam-bao-dam-an-toan-bao-mat-20200529154129305.htm

Tin nổi bật