Mạnh, yếu viễn thông Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại

Thị trường viễn thông Việt Nam đang rơi vào ngưỡng khó có thể tăng tốc phát triển thuê bao, tỷ lệ doanh thu trung bình trên một thuê bao (ARPU) ngày càng giảm xuống...

Nhưng, cùng với những nhận định, đánh giá trên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam vẫn còn quá nhiều cơ hội để đầu tư, khai thác thị trường.

Mạnh và yếu

Tính đến cuối tháng 11/2011, số thuê bao điện thoại di động của Việt Nam là 116,2 triệu thuê bao di động.

Ông Furuhashi Goro, Trưởng đại diện của công ty NTT Docomo (Nhật Bản) tại Việt Nam so sánh, Nhật Bản chỉ có 4 nhà mạng nhưng mức độ cạnh tranh khá gay gắt, trong khi ở Việt Nam, với 7 mạng viễn thông đang hoạt động, thị trường thông tin di động còn cạnh tranh mạnh mẽ, gay gắt hơn nhiều.

"Đây là điểm mạnh rất lớn của thị trường", ông Furuhashi Goro nói.

Theo số liệu thống kê gần đây nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 11/2011, số thuê bao điện thoại di động của Việt Nam là 116,2 triệu thuê bao di động và đây là số lượng thuê bao hoạt động thực có phát sinh cước trước trong tháng. Lượng thuê bao di động này đã bỏ xa dân số của Việt Nam.

Số lượng thuê bao di động rồi sẽ đến thời điểm bão hòa. Nhưng theo ông Furuhashi Goro, thời điểm hiện tại, thuê bao di động của Việt Nam đang phát triển rất tốt, chất lượng mạng ngày càng được cải thiện, đặc biệt mạng 3G cũng có xu hướng tốt hơn.

Nhưng không phải vì thế mà thị trường viễn thông di động không còn những khó khăn!

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ericsson Việt Nam, ông Denis Brunetti, đặt câu hỏi, 3G đã được triển khai ở Việt Nam hơn hai năm rồi nhưng tại sao tỷ lệ ARPU vẫn còn thấp, số lượng thuê bao 3G vẫn còn nhỏ và không được như mong muốn?

Cụ thể hơn, Trưởng đại diện NTT Docomo chỉ rõ, thị trường viễn thông Việt có 3 điểm yếu. Thứ nhất, thị trường vẫn chủ yếu là thuê bao trả trước, trong khi các nhà mạng lại cạnh tranh về giá để thu hút thuê bao nên tỷ lệ ARPU có xu hướng giảm xuống rõ rệt.

Thứ hai là thiếu các đối tác chiến lược (các đối tác nước ngoài trong hợp tác cổ phần hóa - PV).

Và thứ ba là thị trường di động chủ yếu tập trung vào khu đô thị lớn, trong khi đó, các khu vực về nông thôn vẫn chưa phát triển, nhất là mạng 3G mới chỉ chiếm 10%, vì thế nội dung số vẫn rất thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

"Nhưng điểm yếu đó cũng có thể coi là cơ hội, trong thời gian tới, mạng 3G được cải tiến thì ứng dụng 3G sẽ tăng theo. Đó chính là tiềm năng cho thị trường viễn thông di động của Việt Nam", ông Furuhashi Goro nhận định.

Theo ông Denis Brunetti, 3G tại Việt Nam có tốc độ 3G là 14Mbps, tương lai 21Mbps, 42Mbps và 84Mbps, dung lượng này đủ đáp ứng cho nhu cầu hiện tại và hỗ trợ cho tương lai. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, để phát triển dịch vụ mạng 3G là làm sao người sử dụng phải thuận tiện khi truy cập vào 3G, các dịch vụ 3G phải thông suốt, đồng nhất và không phụ thuộc vào vị trí của người dùng.

"Hiệu năng mạng mới là quan trọng, chứ không phải là độ phủ sóng của mạng!", ông nói.

Hướng đi và cơ hội

Vị Trưởng đại diện của NTT Docomo đã thử đưa ra hai kịch bản cho xu hướng phát triển thị trường viễn thông Việt Nam.

Cụ thể, nếu những điểm yếu và nguy cơ như phân tích trên vẫn tiếp tục tồn tại thì ARPU có xu hướng tiếp tục giảm xuống, và khi số lượng thuê bao đạt ngưỡng bão hòa đồng nghĩa các nhà mạng sẽ tiếp tục bị giảm doanh thu.

Và kịch bản thứ hai, để ARPU tăng lên thì số lượng thuê bao phải tiếp tục tăng.

Trong kịch bản thứ hai, mặc dù không thể hy vọng tăng quá cao nhưng có thể tăng được một số lượng thuê bao nhất định nếu như nhà mạng phát triển được thêm thị trường mới và các ứng dụng mới. Chìa khóa để thực hiện chính là phát triển thêm các dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa đối với 3G.

Việc mở rộng thị trường đã bắt đầu được Công ty TNHH Ericsson Việt Nam hiện thực hóa bằng việc hợp tác với Bệnh viện Tràng An (Hà Nội) thử nghiệm thành công phương pháp chăm sóc sức khỏe từ xa qua mạng di động băng rộng đối với những bệnh như huyết áp, tim mạch...

Theo đó, người bệnh được cung cấp các thiết bị theo dõi sức khỏe của Ericsson, thông tin về tình trạng bệnh của họ được theo dõi từ xa bằng cách truyền tải thông tin qua mạng di động, từ đó các bác sỹ sẽ theo dõi, có biện pháp điều trị.

Ông Furuhashi Goro cho rằng, nhà mạng cần đẩy mạnh đầu tư phát triển thị trường khách hàng là các doanh nghiệp, vì đây là thị trường rất tiềm năng. Tại Nhật Bản, thuê bao là khách hàng doanh nghiệp chiếm khoảng 13,3% nhưng doanh thu từ phân khúc thị trường này năm 2010 lên tới 39,8%.

"Trong các năm 2009 - 2010, ARPU và thuê bao của doanh nghiệp ở Nhật Bản đã tăng mạnh, khoảng 50%. Đây là thị trường rất tiềm năng và là xu hướng chung của thế giới chứ không chỉ mang tính đặc trưng của Nhật Bản", ông nói.

Mạnh Chung

Theo TBKTVN

Tin nổi bật