Long An chú trọng đào tạo nguồn nhân lực thông tin và truyền thông

Tỉnh Long An nói riêng và các địa phương nói chung muốn phát triển lĩnh vực thông tin truyền thông phải dựa vào nền tảng công nghệ thông tin như chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số...

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh như vậy khi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, ngày 16/7. Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã ký biên bản hợp tác phát triển trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần ký kết biên bản hợp tác phát triển thông tin và truyền thông. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò của thông tin và truyền thông trong các mặt của đời sống xã hội.
 
Theo Bộ trưởng, các địa phương cần tích cực triển khai, ứng dựng các nền tảng này vào hoạt động hành chính; tích cực thu hút, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ phát triển; chú trọng phát triển thương mại điện tử...; đồng thời cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại công nghệ số.
 
Thực hiện Biên bản hợp tác, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân tỉnh Long An sẽ tích cực hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực thông tin truyền thông với các mục tiêu cụ thể như tăng cường an toàn, an ninh mạng; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông; phát triển công nghiệp thông tin truyền thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và phát triển đô thị thông minh; nâng cao năng lực quản lý báo chí, tuyên truyền, phát hành, xuất bản.
 
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, thời gian qua tỉnh đã chú trọng thực hiện công tác thông tin truyền thông, trong đó tập trung xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh.
 
Đến nay, phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đồng bộ cho 100% cơ quan nhà nước các cấp, các đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ, công chức của tỉnh, đảm bảo kết nối liên thông toàn tỉnh. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử tiếp tục duy trì tốt, văn bản đi đạt 90%.
 
Trong 6 tháng đầu năm, trên 75.000 văn bản đi được ký số, đạt 77%. Phần mềm một cửa điện tử được triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh, đáp ứng mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công.
 
Lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến được nâng cấp, đáp ứng theo quy định hiện hành, đến nay đã cung cấp trên 800 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Tỷ lệ sử dụng hệ thống hộp thư điện tử công vụ của tỉnh đạt 92%.
 
Ngoài ra, mạng lưới cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát, viễn thông, internet và truyền hình trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, chất lượng dịch vụ tốt đáp ứng nhu cầu tốt của khách hàng./.

Nguồn: Bùi Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin nổi bật