Học sinh Thanh Hóa đạt giải Nhất viết thư UPU 44

(ICTPress) - Bức thư của em Trương Hải Nam, học sinh lớp 8B, trường THCS Lê Hữu Lập, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã đạt giải Nhất cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 (2015) của Việt Nam.

Thông tin này được Ban Tổ chức cuộc thi viết thư UPU lần thứ 44 của Việt Nam đã chính thức công bố hôm nay 9/5 tại Lễ Tổng kết cuộc thi được tổ chức tại trường THCS Vũ Hữu, Huyện Bình Giang, TP. Hải Dương. Tại lễ tổng kết đã có 39 giải thưởng được trao, gồm: 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải ba và 30 giải khuyến khích. Ngoài ra còn có 10 giải phụ: Giải dành cho học sinh nhỏ tuổi nhất, giải dành cho học sinh dân tộc thiểu số và giải dành cho học sinh khuyết tật.

Ban Tổ chức cho biết từ 968.216 bài dự thi, sau 5 vòng chấm, Ban Giám khảo Quốc gia đã chọn 68 bức thư có chất lượng tốt nhất để chấm vòng chung khảo, sau đó đã trao đổi và bỏ phiếu chọn 39 giải.

Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 44 (2015) là cuộc thi  hàng năm dành cho các em học sinh từ 10 đến 15 tuổi do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU). Năm nay, UPU đưa ra đề tài của cuộc thi là “Hãy viết một bức thư nói về thế giới mà bạn muốn được lớn lên trong đó”. Tại Việt Nam, cuộc thi năm nay được Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng công ty Bưu điện và Báo Thiếu niên phát động từ ngày 9/10/2014 tại Hải Phòng.

Ban Tổ chức cuộc thi cho biết các em tham gia cuộc thi năm nay đã cố gắng nêu bật chủ đề, lựa chọn nhân vật có thể là hóa thân như thành cây bút màu hay rừng cây để gửi bác Chủ tịch Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, gửi bà ở quê hương, cô Hiệu trưởng ở trường… Tất cả những lá thư đều tránh trùng lặp từ giọng văn đến nội dung trình bày. Thật ngạc nhiên, qua mỗi lá thư, các em đều có những cảm thụ, suy nghĩ hồn nhiên mà sâu sắc thông qua mơ ước, nguyện vọng để trình bày, lý giải những vấn đề mà các em quan tâm. Đó là tình cảm gắn bó với những người thân, đến số phận mỗi người trong cuộc sống. Đó là giá trị của hòa bình với đất nước hôm qua và hôm nay. Đó là tất cả những niềm vui suy tư mà các em muốn trao đổi, chia sẻ với người thân, bạn bè thân thiết.

Tại cuộc họp Ban Tổ chức và Ban giám khảo cuộc thi năm nay trước Lễ tổng kết, ông Vũ Quang Vinh cho biết 4 bài đạt các điểm cao nhất của cuộc thi năm nay là: 16,85; 16,80; 16,70 và 16,53. Ban giám khảo đã chấm khách quan bởi các bài được đánh số báo danh. 4 bài được điểm cao  nhất đã được Ban giám khảo đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở, đánh giá từng bài và bỏ phiếu kín.

Tác giả của bức thư đoạt giải Nhất với số điểm 16,85, em Trương Hải Nam đã hóa thân thành “cô bé bán diêm” của câu chuyện nổi tiếng Cô bé bán diêm gửi cho chính tác giả - nhà văn Andersen (Đan Mạch). Câu chuyện cảm động đã vượt qua thời gian, sống mãi trong ký ức bao thế hệ trẻ thơ Việt Nam và thế giới.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi và Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM Đặng Quốc Toàn Trao giải Nhất cho em Trương Hải Nam

Ông Vũ Quang Vinh, Phó trưởng ban Giám khảo cho biết bức thư của em Trương Hải Nam viết về một đề tài rất mới, mang tính toàn cầu. Ban giám khảo đánh giá cao bức thư của em Trương Hải Nam bởi sự hóa thân vào nhân vật “cô gái bán diêm” gửi thư cho nhà văn Andersen, Đan Mạch, một câu chuyện cách đây 166 năm.

Ông Vũ Quang Vinh cho biết, Ban giám khảo đánh giá cao bức thư trên 3 khía cạnh nội dung bức thư đã viết: Nếu được gặp bác (nhà văn Andersen - NV) trước khi bác viết chuyện cô gái bán diêm thì cháu đề nghị không miêu tả cháu với số phận đáng thương, đau khổ như thế; Thông cảm với bác bởi bác có tấm lòng rất bao dung, thương trẻ em, không muốn các cháu khổ như thế nên mới viết câu chuyện đau xót như thế và Thực tình cháu cũng không mong một xã hội mà chúng cháu lớn lên với tiện nghi, vật chất đầy đủ mà mong rằng thế giới chúng cháu lớn lên tràn đầy tình thương yêu con người.

Trong bức thư, cậu bé Trương Hải Nam - “cô bé bán diêm” đã mạnh dạn và mong muốn đề nghị: “Nếu được gặp ông trước đêm ông đặt bút viết về câu chuyện kể về cháu, cháu đã xin ông đừng tạo nên một nhận vật đáng thương đến vậy… Giá như năm ấy, ông tặng cháu một mái ấm trọn vẹn, một cuộc sống đầy đủ để cháu được học, được đến trường cùng bạn bè thì hay biết mấy”.

Và điều tác giả mong muốn bởi lý do sâu sắc: “Ở câu chuyện của ông đó là giữa những con người còn có một khoảng vô hình tồn tại, ngăn cản sự chan hòa của tình thương… Cháu hiểu vì nỗi lòng trăn trở, lo lắng cho những số phận trẻ em bất hạnh trên khắp thế giới nên ông mới viết nên một câu chuyện buồn như thế… để chúng cháu có một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Ông Triệu Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT, Phó Trưởng ban Tổ chức cuộc thi phát biểu tại Lễ tổng kết cho biết thế giới mà các em và nhân loại đang sống có biết bao biến động từ môi trường, khí hậu đến kinh tế, chính trị… Tất cả đều ảnh hưởng, tác động đến nhận thức, suy nghĩ, tình cảm của mỗi cá nhân. Cũng như trẻ em trên toàn thế giới, các em học sinh của Việt Nam thông qua cuộc thi viết thư quốc tế UPU để thể hiện bản thân, thể hiện hy họng về thế giới chúng ta đang sống, và các giải pháp có thể nhìn thấy các vấn đề và thách thức mà chúng ta  phải đối mặt. Các nỗ lực này nhằm đạt tới "một thế giới của sự thịnh vượng, công bằng, tự do, nhân phẩm và hòa bình" như tuyên bố của Liên Hợp Quốc.

Bức thư của em Trương Hải Nam đã được Ban Tổ chức dịch ra tiếng Pháp gửi Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tại Thụy Sĩ dự thi quốc tế.

Minh Anh

Tin nổi bật